Tại sao chúng ta nhìn lầm người?

Thứ Bảy, 23/05/2020, 21:48
Thế nào là một người tốt? Chắc chắn bạn đã từng đặt ra câu hỏi ấy, phải không? Hoặc ít nhất cũng là câu hỏi: Này, cái anh chàng kia có phải là một người tốt hay không? 

Bạn thường tự hỏi như thế (trong một số trường hợp cũng chẳng cần hỏi, mà tự kết luận luôn) khi thấy anh chàng làm một việc cụ thể nào đó. Từ cái ta nhìn thấy đến cái ta kết luận đôi khi làm một phản ứng nhanh như chớp mắt. Thành thử, nhiều người kết luận nhanh tới mức không cần nghĩ, không cần hỏi, không cần lăn tăn, truy vấn bất cứ thứ gì.

Nhưng, chính vì thế mà người ta mới thường nhầm lẫn. Để rồi sau một thời gian lại thở ngắn than dài: “Thôi chết, mình đã nhìn nhầm gã ta mất rồi!”. Nhìn nhầm - đánh giá nhầm - kết luận nhầm, bạn đã trải qua rồi chứ? Nếu có, hy vọng bạn chưa phải trả giá. Nếu chưa, chúng ta hãy cùng xem xét một tình huống sau đây.

Chiếc xe ô tô băng ngang qua một bản làng, tất cả người ngồi trong xe đều nhìn thấy một chú chó nhỏ đang nằm hấp hối. “Dừng ngay xe lại!” - một anh thanh niên thốt lên. Và, chỉ đợi bác tài xế kéo phanh, anh ta lao nhanh xuống cứu con chó.

Nào, thử trả lời xem bạn đang nghĩ gì? “Anh này tốt quá!” - có phải bạn đang nghĩ vậy không? Bắt một chiếc xe dừng lại để cứu một chú chó, đấy không phải là biểu hiện của lòng tốt thì là gì nữa nhỉ? Nhưng, bạn hãy từ từ xem xét tiếp những tình huống mở rộng sau đây.

1-Chú chó này đang mắc dịch nên người dân trong làng buộc phải để chú chết và ném ra phía ngoài cổng làng. Trong trường hợp này, việc cứu chú chó hoàn toàn có thể dẫn đến nguy cơ dịch bệnh quay trở lại, ảnh hưởng trực tiếp tới mạng sống của người dân trong làng. Nào, vậy thì hành vi cứu chú chó có chứng tỏ anh thanh niên là người tốt hay không?

Có thể quả nhiên tâm anh ta tốt nhưng cái tốt khi chưa được tìm hiểu kỹ càng lại có khả năng trở thành cái xấu. Thậm chí có thể tạo ra những hậu quả khôn lường. Những người theo thuyết vị lợi cho rằng một hành động được cho là đạo đức khi nó đạt được hiệu quả thực tế cao nhất và hạn chế tiêu cực ở mức thấp nhất. Thành thử, vội vàng thực hiện một hành động mà chưa tìm hiểu kỹ càng về những tác động nhiều chiều của nó vào thực tế thì cũng chưa thể vội vàng đánh giá là tốt/xấu.

2- Bây giờ chúng ta sẽ loại trừ khả năng chú chó nhiễm dịch. Vậy thì lúc này hành động cứu chú chó của anh thanh niên có được coi là một hành động tốt hay không? Xin được trả lời ngay là “chưa chắc”. Bởi anh ta cứu chú chó vì đơn giản anh ta  là một người yêu chó. Nếu lúc đấy không phải là một “chú chó hấp hối” mà là “một chú mèo hấp hối”, “một con sóc hấp hối” thì sao? Nếu anh ta chỉ cứu chó để thỏa mãn những khoái cảm riêng của mình về một loài vật mình yêu thích, mà không làm như vậy với những loài vật khác thì theo bạn, anh ta có phải là một người tốt hay không?

3- Còn một tình huống nữa: anh thanh niên thật ra cũng chẳng yêu chó nhưng vì bố của anh ta yêu chó và cứ nhìn thấy một chú chó là những cảm xúc về người bố quá cố của anh ta trở về. Lúc này, rõ ràng hành vi cứu chó không phải vì bản thân chú chó mà nó chẳng qua chỉ là một chất xúc tác để đạt được một mục đích cảm xúc khác mà thôi. Trong trường hợp này, chắc cũng khó kết luận anh ta là một người tốt, phải không nào?

Hành động bắt cả xe ô tô dừng lại, lao xuống cứu một chú chó có thể diễn ra rất nhanh. Và cũng rất nhanh, chúng ta dễ kết luận chủ nhân của hành động ấy là một người tốt. Nhưng, thực ra nếu ngẫm nghĩ ít nhất 3 tình huống nêu trên, hẳn sẽ thấy một kết luận như vậy có phần quá vội vàng. Cái mà chúng ta nhìn thấy chưa chắc đã là cái bản chất.

Cái mà chúng ta kết luận nhiều khả năng chỉ là sản phẩm của một diễn trình cảm xúc. Mà nếu chỉ dựa vào “cái nhìn thấy” và “cảm xúc thuần túy”, khả năng cao chúng ta sẽ bị đánh lừa. Ở chỗ này thì cần phải gõ cửa, tham vấn các nhà triết học. Theo nhà triết học nổi tiếng  Immanuel Kant thì một hành động chỉ được gọi là tốt khi người ta thực hiện hành động đó bằng ý thức bổn phận, ý thức trách nhiệm, chứ không phải chỉ để thỏa mãn cảm xúc. Trong ví dụ nói trên, giả dụ sau khi biết chắc chú chó không nhiễm dịch và không tạo ra bất cứ nguy cơ tiêu cực nào khác, anh thanh niên thấy mình có trách nhiệm phải dừng xe, xuống cứu (dù mình không hề yêu chó) thì lúc đấy mới có thể kết luận anh đã thực hiện một hành vi tốt.

Câu chuyện nhỏ này hẳn sẽ nhắc nhở bạn phải kỹ lưỡng hơn, thận trọng hơn và lý tính hơn trong việc đánh giá một hành động - một con người. Tất nhiên, cũng sẽ có những trường hợp bạn không đủ thông tin để đánh giá. Lúc ấy, tốt nhất là đừng đánh giá, thay vì đánh giá lầm.

Thế nào là một hành động tốt - một con người tốt - một bề tôi tốt? Thực ra đấy là câu hỏi lớn từ cả ngàn đời nay, xuất hiện ở cả phương Đông lẫn phương Tây. Vì thế, đã có cả trăm ngàn cẩm nang được đúc kết và lưu giữ đến tận ngày nay, trong đó hẳn nhiều người đã nghe tới “cẩm nang” được cho là của Trang Tử, một trong những bậc trí giả Đông phương cổ điển. Theo đó, muốn biết một người tốt hay không thì nhất thiết phải tạo ra 9 bước xem xét sau đây:

1. Phải tạo ra khoảng cách đủ lớn để thử độ trung thành của người đó.

2. Phải tạo ra sự gần gũi đủ lớn để lắng nghe lời ăn tiếng nói của người đó, đặc biệt xem trong quá trình giao tiếp với mình, người đó có xu hướng bảo vệ hay đả kích một người thứ ba hay không.

3. Giao cho người đó một sự việc đủ độ khó để xem năng lực thực sự của người đó.

4. Tạo ra những tình huống bất thình lình để thử khả năng ứng xử và cơ trí của người đó.

5. Thử đề nghị giúp đỡ xem người đó có thực sự làm được như những gì mình nói hay không.

6. Thử đưa ra những lợi ích vật chất xem người đó có dễ dàng sập bẫy hay không.

7. Nghiền ngẫm lại những lúc mình hoạn nạn xem người đó đã làm gì.

8. Có thể mời uống rượu để xem người đó “rượu vào - lời ra” như thế nào.

9. Để ý cách ứng xử trước đám đông để xem người đó có thuộc kiểu “hai giọng” hay không.

Ngẫm lại 9 cách nhìn người được cho là của Trang Tử và so sánh với những nhận thức lý tính của các triết gia phương Tây (đã dẫn ở trên) sẽ thấy: Dù có những “phương pháp đánh giá” khác nhau và những “cách thức diễn đạt” khác nhau nhưng các triết gia Đông - Tây đều gặp nhau ở sự kỹ lưỡng, cẩn trọng khi nhìn nhận. Nhất định phải kỹ lưỡng, mở ra các tình huống xem xét trước khi kết luận. Nhất định phải cẩn trọng, nghĩ trước nghĩ sau, thay vì một kết luận vội vàng. Và sự kỹ lưỡng, cẩn trọng đó tương phản khá nhiều với lối nhìn nhận cảm xúc, cảm tính, dựa trên những đánh giá hiện tượng mà nhiều người trong chúng ta vẫn thực hiện mỗi ngày.

“Thật tiếc vì tôi đã nhìn nhầm anh ta/cậu ta...!” - đã bao giờ bạn thốt lên như vậy? Hoặc đã bao giờ bạn nghe những người xung quanh phàn nàn những điều như vậy? Nếu có, hãy thử bình tĩnh nhớ lại và trả lời xem nguyên nhân của sự nhầm lẫn nằm ở chỗ nào. Và hãy thử nhớ xem, lúc đó phản ứng mà bạn dành cho đối tượng là như thế nào. Hẳn bạn sẽ tức giận lắm, trách móc lắm, thậm chí hận thù lắm, phải không?

Nếu tiếp tục để điều này xảy ra thì điều duy nhất bạn phải nhớ đó là, lỗi trước tiên nằm ở bạn!

Phan Mỹ Chí
.
.