Ta có khác gì bác thợ cày

Thứ Năm, 02/06/2016, 11:32
Hầu như vùng miền nào cũng có những biến âm tương tự. Vì thế, thổ âm, thổ ngữ của mỗi vùng miền đều mang nhiều sắc thái khác nhau. Dù sinh ra ở địa phương đó, có những lúc nghe cũng ngắc ngứ, không hiểu chứ đừng nói người nơi khác.


Mô rú mô ri mô nỏ chộ
Mô rào mô bể chộ mô mô.

Có ai hiểu gì không? Không phải câu hỏi vu vơ. Đề thi môn Ngữ văn lớp 7, thuộc kỳ thi khảo sát chất lượng học kỳ II năm học 2014 - 2015,  Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) yêu cầu các em "dịch hai câu thơ sau bằng tiếng địa phương sang tiếng phổ thông".

Nhiều em than trời, không hiểu nổi, hoặc chỉ có thể hiểu lơ mơ. Chiều 12/5/2015, trao đổi với báo chí, thầy Phan Thanh Dân - Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Lộc Hà cho biết, đây là câu hỏi 1 điểm nhằm kiểm tra văn hóa địa phương. Theo ông, hai câu thơ trên viết đúng theo tiếng phổ thông như sau:

Đâu núi đâu non đâu chẳng thấy
Đâu sông đâu biển thấy đâu nào.

Trước đây, ông Trần Hữu Thung và Thái Kim Đỉnh có biên soạn quyển Từ điển tiếng Nghệ (NXB Nghệ An - 1998). Đọc loáng thoáng thấy rằng, từ ngữ xứ Nghệ có dạng biến âm như tru - trâu; cơn - cây; đấy - đái; gây - gai; lông - trồng; hoặc khác âm như cươi - sân; rào - sông; rèo bò - chăn bò; bắc mộng - gieo hạt...

Theo ông Bùi Minh Đức, trong quyển Từ điển tiếng Huế (NXB Văn học - 2004), xứ Huế cũng có những biến âm như NH thành D (Nói dỏ dỏ: nói nhỏ nhỏ; dịch ra: nhích ra); O thành U (giống: dúng); ẶC thành ƯỢC: (mược sức: mặc sức); ẦU thành ÙI (đấu gúi: đùi gúi)…; hoặc dấu NGÃ thành dấu NẶNG (giữa ruộng lúa: giựa ruộng lúa) v.v… Quảng Nam cũng vậy. Khi viết chuyên luận Người Quảng Nam, y đã phân tích kỹ.

Chẳng hạn, âm OAI thành UA (nhớ hoài: nhớ hùa); OI thành UA (nói năng: núa neng); ĂN thành EN (muối mặn: muối mẹn), ẮT thành ÉC (tắt đèn: téc đèn). Có trường hợp "ngoại lệ" như xa lắc: xa léc - xa quéc); AM thành ÔM (làm: lồm) v.v… 

Hầu như vùng miền nào cũng có những biến âm tương tự. Vì thế, thổ âm, thổ ngữ của mỗi vùng miền đều mang nhiều sắc thái khác nhau. Dù sinh ra ở địa phương đó, có những lúc nghe cũng ngắc ngứ, không hiểu chứ đừng nói người nơi khác. Ca dao xứ Nghệ có câu:

Ai về làng Vọt mà coi
Tháng hai đã phải cạp cồi ló ngô.

"Cạp" là ăn, ăn theo nghĩa "ngoạp, ngoạm"; "cồi" là cùi; "ló" là lúa.

Em về chợ Mọ mần chi
Đồng tiền thì ít rú ri tứ bề.

"Rú ri" là núi. Đọc Từ điển tiếng Nghệ, y chọn lọc một vài câu tục ngữ đậm đặc sắc thái xứ Nghệ vì nghĩ rằng, có thể giúp ích cho nhiều người khi nghe, khi tiếp cận một văn bản nào đó. Chiều nay, y đọc cà giựt. Đọc ngẫu hứng. Đọc loáng thoáng. Đọc nhảy cóc cũng có cái thú của nó. Lúc nào rảnh rỗi lại đọc tiếp.

Chẳng vội vàng gì. Do đó, y rất ghét vào thư viện mượn sách. Mất thời gian chờ đợi. Phải đọc tại chỗ. Ngồi ngay ngắn. Cấm ngáp vặt. Đang đọc cao hứng phải trả sách, vì hết giờ. Chi bằng ra tiệm sách, thấy thích thì mua, dù chưa cần đến. Lúc cần, có sách đọc ngay. Chiều nay cần, vớ tay là có sách.

Lật hú họa vài trang, chẳng hạn: Sớn sác như ác vô đó (ác: chỉ loài chim, chim ác là; đó: lờ); Ăn một mánh, canh cánh suốt đời (mánh: miếng); Ăn tham lở mép, ăn tép lở mui, ăn nùi lở lãi (mui: môi; lãi: lưỡi); Tự mình tìn lấy sức mình/ Đừng như tầm gửi bá ngành cây dâu (bá: bám, víu); Đan bả thả diều (bả: dây gai đan lưới); Đen đen là nác, bạc bạc là khô (nác: nước; bạc bạc: trắng ít, trắng lờ lờ); Bể bát tát rọt (tát: rát; rọt: ruột); Rối như mớ bòng bong (bòng bong: một loại dây leo); Bống bống bang bang/ Con đi lấy sàng cho mẹ đổ khoai/ Con ăn một, mẹ ăn hai/ Con đi bốc mói thì mẹ nhai hết rồi (mói: muối); Cây bù lu, lá cũng bù lu/ Em về Hiến Tạng ăn bù nứt nang (bù lu: tên gọi một loại cây; bù: bầu; nang: bụng); Thiếp xa chàng, hái dâu quên giỏ/ Chàng xa thiếp, bứt cỏ quên liềm (bứt: cắt) v.v...

Sực nhớ câu thơ Huy Cận: "Nắng chia nửa bãi chiều rồi/ Vườn hoang trinh nữ xếp đôi lá rầu"; ca dao Xứ Nghệ: "Nắng soi nửa bãi chiều rồi/ Sao em không liệu còn ngồi chi đây?". Rõ ràng nhà thơ đã học từ ca dao và nâng cao một bước thẩm mỹ trong nghệ thuật tu từ. Tình yêu dành cho tiếng Việt, mỗi người có cách thể hiện khác nhau. Khâm phục tác giả Từ điển tiếng Nghệ, phải yêu lấy nơi chôn nhau cắt rốn, con người ta mới nhọc công như thế.

Còn có thể kể Từ điển tiếng Huế (Bùi Minh Đức), Từ điển từ ngữ Nam bộ (Huỳnh Công Tín), Tự vị tiếng nói miền Nam (Vương Hồng Sển)... Cần kể thêm nhiều quyển từ điển của các vùng miền khác nữa. Có như thế, sau này, mới có thể hình thành một từ điển Việt Nam. Nhận xét rằng, khi đọc các từ địa phương cũng là lúc được tiếp cận với từ cổ trong tiếng Việt. Đọc Hoa tiên:

Tiện đây một vách liền kề
Mở lần cửa khém đi về cũng nên.

Do không hiểu "cửa khém" nên nhiều văn bản ghi thành "cửa khép". Vậy "khém" là gì? Tự điển của Huình Tịnh Paulus Của giải thích "cửa khém: cửa nhỏ hai bên ở phía trong nhà; ngoài khém: ngoài lạch; trong khém: trong lạch, trong chỗ chẹt".

Áo anh ai cắt ai may
Đường tà ai đột, cửa tay ai viền?

"Đột", người xứ Nghệ dùng để chỉ "khâu vá vội, đường chỉ thô" (SĐD, tr.95). Còn có thể trích dẫn thêm. Biết đâu, về sau có người sẽ làm công trình có tính cách tiên phong như Tìm hiểu tiếng Việt cổ qua từ ngữ địa phương. Được vậy, tốt quá. Nói thế thôi, tầm cỡ công trình này phải là tập thể của Viện Ngôn ngữ học cấp quốc gia. Nhưng trước hết, phải có nhiều, cần nhiều người thật lòng yêu tiếng mẹ đẻ chung sức. Cần thiết lắm, nếu không có công trình đó không khéo thế hệ hiện nay và mai sau khi tiếp cận di sản văn hóa cha ông, khó có thể hiểu rõ hết nội dung...

Ta có gì hơn bác thợ cày,
Dọc ngang đồng đất chẳng ngơi tay.
Mỗi trang ta cuốc, ta khoe chữ,
Kẻ đói, người hèn: ta bó tay.

Thơ của ai đó? Thơ của Nguyễn Đổng Chi.

Hội thảo Kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn hóa Nguyễn Đổng Chi (1915-2015), do Hội Nghiên cứu giảng dạy văn học TP.HCM, Tập đoàn Truyền thông Thanh niên và NXB Trẻ tổ chức ngày 7/5/2015. Mấy hôm nay, đọc lai rai các bài tham luận đã in trong tập kỷ yếu. Dừng lại với chi tiết này: Năm 18 tuổi, Nguyễn Đổng Chi cùng anh ruột là bác sĩ Nguyễn Kinh Chi thực hiện tập sách Mọi Kontum. Công trình này, Mộng Thương thư trai xuất bản ở Huế năm 1937.

Nhân đây, giải thích luôn: Sau khi thi đậu Thành chung, năm 1936, Nguyễn Đổng Chi trở về quê phân loại kho sách của gia đình để lập Mộng Thương thư trai - mở rộng cửa cho người dân trong làng cùng đến đọc để nâng cao tri thức.

Ngôi nhà này, mặt cửa chính trông ra vườn và hồ sen, ông cho làm một vòm hiên, trên có đắp hình cuốn sách đang mở ra, có ghi câu của bố - cụ Nguyễn Hiệt Chi: "Học tập làm lụng ta ngó lên, ăn mặc ta nhìn xuống", và hai bên có một thanh kiếm và một quản bút giao nhau. 

Có thể nói, kho sách này đã giúp ích không ít cho Nguyễn Đổng Chi hình thành những tri thức cần thiết trong nghiên cứu văn hóa.

Năm 2011, quyển sách Mọi Kontum được Viện Viễn Đông bác cổ Pháp ở Hà Nội dịch ra tiếng Pháp và NXB Tri thức tái bản (in song ngữ) với tên gọi Người Ba-na ở Kon Tum. Tại sao tựa đề bị đổi, phải chăng người ta dị ứng với từ "mọi" - một từ khinh miệt người dân tộc thiểu số? Tại sao gọi là "mọi"? Với người khác thế nào, không rõ, với y là một điều mới mẻ và lý thú khi biết được giải thích từ quyển sách trên:

"Chữ "mọi" ở đâu mà ra? Xét trong tiếng nói cả người Bahnar có tiếng "tơmoi" nghĩa là khách. Người Bahnar dùng tiếng ấy để chỉ những người làng khác hoặc bộ lạc khác đến làng hoặc bộ lạc mình. Ví dụ người Djarai hoặc Xơđang đến xứ Bahnar thì người Bahnar kêu là tơmoi Djarai, tơmoi Xơđang nghĩa là khách Djarai, khách Xơđang. Người Annam đến xứ họ, họ cũng kêu là tơmoi.

Vậy theo thiển ý của chúng tôi, thời tiếng "mọi" có lẽ ở trong tiếng tơmoi của người Bahnar mà ra, chứ không phải là một tiếng của người Annam đặt ra để chế nhạo giống người ở rừng núi, như nhiều người nói.

Có lẽ khi người Annam mới giao thiệp với người Bahnar, thường nghe những thứ tiếng là tơmoi Djarai, tơmoi Xơđang v.v… bèn bắt chước mà nói theo. Lần lần lại bỏ tiếng "tơ" mà chỉ giữ lấy một tiếng "moi" (vì tiếng mình là tiếng độc âm).

Sau lâu ngày, tiếng "moi" hóa ra một tiếng chỉ tên chung cho cả dân thổ trước ở trên rừng về phía Nam, cũng như những tiếng "Mán, Mường" ở ngoài Bắc. Hai tiếng này cũng là tiếng của thổ nhơn mà ta dùng theo.

Còn như ngày nay người Annam dùng những tiếng: Mọi, Mán, Mường để chỉ người hoặc việc có tính chất khờ dại thì không khác chi người Pháp dùng tiếng "chinoiserie" để chỉ những việc kỳ quặc khó hiểu".

Ngày trước, chừng thập niên 1960, ngay chợ Cồn (Đà Nẵng) y còn thấy đồng bào dân tộc ít người. Họ mặc khố, đeo gùi, bán các loại lá cây, rễ cây dùng làm thuốc. Thuở ấy, chẳng nghe ai gọi "mọi", mà gọi người "Thượng". Có phải "Thượng" là từ chung dùng để chỉ người ở vùng cao, vùng núi rừng?

Nếu thế, người "Thượng" phải gọi người ở vùng đồng bằng là người "Hạ" chứ? Không, gọi chung là người Kinh. Tại sao gọi là Kinh? Y nghĩ rằng, do mối quan hệ làm ăn, mua bán, kể cả các quan chức nhà nước đã lên trấn giữ ở vùng ngược, vùng đất phên giậu của Tổ quốc. Các dân tộc ít người gọi chung họ là người của kinh đô, kinh thành, kinh kỳ rồi dần dà nói gọn lại thành "Kinh", các từ phía sau rơi rụng dần theo thời gian.

Đồng ý với cách giải thích của Nguyễn Đổng Chi, Nguyễn Kinh Chi, y tự hỏi: Không rõ từ bao giờ và vì lý do gì, từ "mọi" lại mang một hàm nghĩa khác, chỉ sự khinh miệt? Chính vì thế, các văn bản chính thức lâu nay quy định phải gọi "dân tộc ít người", "dân tộc thiểu số", hạn chế tối đa từ "mọi".

Ngày nọ, ra Bắc công tác, anh em văn nghệ Hà thành chiêu đãi đặc sản "heo mọi", nay các quán nhậu đó phải sửa lại thành "heo tộc", "heo cắp nách", "lợn hỏa tiễn"…

Và trong vốn từ tiếng Việt lại có "rợ", vậy "mọi rợ" xuất hiện từ lúc nào? Có lẽ chẳng ai có thể trả lời được. Lại từng nghe nói đến "bí rợ" - nhà từ điển tài ba Huình Tịnh Paulus Của từ năm 1895 giải thích "thứ bí tròn có nhiều khía, thổ sản của mọi"; hoặc ai cũng biết "tính rợ" là tính nhẩm trong đầu; hoặc từng nghe "man di mọi rợ"... Thế "rợ" nghĩa là gì? Từ thế kỷ XV, từ "rợ" xuất hiện chưa?

Đọc Nguyễn Trãi Quốc âm từ điển của Trần Trọng Dương, ta biết chắc chắn khi khảo sát Quốc âm thi tập hoàn toàn không có từ "rợ". Ông Lê Gia giải thích: "Rợ: Do chữ "rũ" (cũng đọc là "rụ") là thô xấu, xấu xa, xấu xí" (SĐD). Tạm chấp nhận cách giải thích này chăng? Một khi "mọi" đã gắn với "rợ" có hàm nghĩa như đã biết, rõ ràng câu thơ của Bà Huyện Thanh Quan phải là:

Lom khom dưới núi tiều vài chú,
Lác đác bên sông rợ mái nhà.

Xét theo phép đối xứng trong thơ thất ngôn bát cú, dứt khoát "rợ" chứ không thể "chợ" như nhiều bản đã in. "Tiều" - tiều phu và "rợ" cùng chỉ về người. Bút lực điêu luyện cỡ Bà Huyện Thanh Quan, không thể đem "người" đối với... "chợ", rất ngô nghê. Chọn "rợ", hợp lý hơn. Có ai cãi không? Cãi đi.

Lê Minh Quốc
.
.