Thanh lọc thời gian

Thứ Sáu, 19/02/2016, 08:57
Bất cứ ai, dù hoàn cảnh sống nào đều trải qua việc dọn nhà ít nhất một lần trong năm. Cứ vào cuối Chạp Nguyệt lịch, nhà nào cũng tất bật. Dọn nhà được xem là công việc nặng nhọc, tốn công sức, phiền phức nhất.

Nếu chú tâm vào công việc này, nhìn mọi việc bằng chiều kích 3D của hồi ức - tình cảm - dự định sẽ phát hiện ra những thú vị. Mỗi ngôi nhà, ở quy mô và nếp sống, sự khác nhau của lượng đồ đạc, sách vở, tư liệu có thể là một bảo tàng...

Có nhiều kiểu, loại dọn nhà; ở cấp độ nhỏ là dọn phòng, xếp đặt, quét dọn thường kỳ một căn phòng nào đó trong nhà. Với phòng riêng, chỉ người sử dụng căn phòng ấy mới biết mức độ cần thiết của đồ đạc, vật dụng. Dù ai có quyền vào tất cả các phòng, có lòng nhiệt tình và thời gian để dọn hộ như người vợ, người mẹ xếp dọn phòng cho chồng, con; là người tưởng như hiểu được người ruột thịt của mình nhất cũng khó kiểm soát, quán xuyến được mọi thứ để sắp xếp đúng ý hoàn toàn cho người thân hài lòng. 

Việc quét tước, lau chùi với người chăm có thể diễn ra hằng ngày, chí ít cũng 1-2 lần/tuần; nhưng dọn dẹp, lau chùi tổng thể cả ngôi nhà thì tốn rất nhiều thời gian, sức lực. Đấy không chỉ là sức cơ bắp, cơ học, mà còn phải lao động não khi soạn lọc, phân loại tài liệu, giấy tờ, sách. Những gia đình ở, định cư lâu dài, việc dọn dẹp đã ngại; những gia đình hay thay đổi, chuyển nhà, có máu kinh doanh nhà đất, đang ở, gặp khách trả được giá là bán, một đời người chuyển nhà đến hàng chục lần cứ như “du canh du cư”, không biết họ có ngại không, hay lợi nhuận đã làm họ quên ngại?

Dọn nhà đang ở, dù nhọc công đến mấy cũng không phức tạp bằng chuyển nhà. Dân gian hiện đại đã chế ra mấy câu vè: “Không có việc gì khó/ Chỉ sợ tiền không nhiều/ Đào núi và lấp biển/ Không làm được thì thuê”. Thử thách và xét đoán của các bà mẹ chồng ngàn đời nay với con dâu về nết siêng lười, chưa nói đại cục, chữ Công của người phụ nữ thời hiện đại đã được giải quyết bằng việc nuôi người giúp việc, ôsin trong nhà hoặc thuê theo giờ. Hầu hết ôsin xuất phát từ nông thôn, học hành lỡ dở theo cơn bão người ra thành phố mưu sinh, làm việc bản năng theo sự chỉ bảo tại chỗ của nhủ nhà, tự học, quan sát và rút kinh nghiệm.

Hơn một thập niên nay, giới đồng nát thêm việc lau nhà theo giờ. Công cuộc công nghiệp hoá đã lấy đi rất nhiều cánh đồng lại thêm cơ giới hoá, ở quê bây giờ cũng thuê cấy gặt, thanh niên sức vóc chẳng chịu làm nông, cô cậu nào có trách nhiệm thì đáo về ít bữa lúc vụ mùa. 

Cảnh “mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày” không còn mấy, dù nông dân vẫn chiếm số đông thành phần dân số. Bây giờ thì là mồ hôi thánh thót rơi trên sàn nhà. Những cô chậm chạp, ăn cắp vặt, hậu đậu hay đổ vỡ thì ế việc; ngược lại thì đắt show, sổ bút ghi lịch chi chít. 

Minh họa: Lê Phương.

Tháng Chạp cứ gọi là mỏi rời vai, đau sụn lưng mà vẫn tươi hơn hớn vì điện thoại tới tấp gọi lau nhà. Dịch vụ lau dọn nhà thành một nghề kinh doanh phát đạt, một số công ty tư nhân mở ra, phất lên trông thấy với các gói và dạng thức dịch vụ đa dạng, lau nhà, chuyển nhà, dọn nhà ngày thường và ngày Tết (trước, trong và sau Tết). Sợ, ngại cũng chẳng trốn, tránh được việc dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa đón Tết. Tất nhiên, tuỳ điều kiện thời gian, kinh tế, mỗi gia đình và cá nhân đầu tư cho việc này khác nhau.

Việc tôi sợ nhất là dọn nhà.

Ngôi nhà ống bốn tầng chật đồ đạc, tranh, sách vài nghìn cuốn chất đầy các giá xếp ngút mảng tường lên gần trần nhà. Đã vài lần tôi bị ảo giác: giá sách và chồng sách kia đổ xuống và đè lên tôi. Ác mộng ấy đã xảy ra một nửa khi chồng sách ngất ngưởng đổ xuống lúc tôi soạn lọc lại sách. 

Vốn quý sách, cứ mua và nhận sách tặng, tôi tích dần rồi chẳng còn chỗ để. Mẹ tôi vẫn nói, phải xây nguyên căn nhà chỉ để sách và đồ của tôi, may ra mới hết. Eo hẹp diện tích, nên việc giữ sách vở tài liệu cũng không thể quy củ, khoa học như thư viện. Căn phòng của tôi trên tầng 3 ngôi nhà bố mẹ, chật ních sách, đồ, tranh mà ngôi nhà tôi ở sau khi kết hôn cũng không thể kham tải hết. 

Lâu lâu, chuẩn bị được sức khoẻ và thời gian, tôi lại dọn phòng, lại dọn bớt đồ từ căn phòng thời con gái sang nhà tôi ở riêng. Sắp xếp được cũng rất khó vì lúc có bầu thì mệt nhọc sau lại vướng víu cho con bú, con ăn. Khi có con, các nhu cầu của trẻ nhỏ khiến người mẹ trách nhiệm bận từ sáng tới đêm, không lúc nào được nghỉ thực sự, thư nhàn trừ lúc bế con, cho bú hoặc ru ngủ.

Đang dọn mà con khóc, lại phải bỏ dở, đến khi bắt đầu lại thì không phải lần nào cũng dễ dàng “nối mạch” được. Thuê người dọn nhà tính theo giờ mà công việc cứ bị gián đoạn vì con như thế. Mệt nhưng không thể để chị ấy một mình trong phòng. Không phải vì lo mất đồ mà sợ chị ấy vơ lẫn cả sách quý hay tài liệu cần lưu trữ. Đích thân phải “khai phá” từng mảng, tập trung hết tâm não thì cũng chỉ được 2 tiếng/buổi. 

Ngày làm 5 tiếng là mệt đứt hơi bởi quá nhiều thứ phải xem, kiểm tra. Vừa áp lực phải dọn cho thông thoáng, lại bị hối thúc cho con bú con ăn mà đã vài lần tôi phải nhắm mắt đau lòng để chị giúp việc xếp từng chồng báo vào bao tải bê xuống tầng 1, cân và tính tiền theo giá báo cũ, bán rẻ 2.000 đồng/kg. 5 tạ báo ấy là mồ hôi nước mắt, là màu tóc của tôi cả thời tuổi trẻ. 

Hồi sinh viên, tôi có sổ ghi lại những bài báo đã đăng, ngày ấy còn viết tay, các báo đều chưa có trang điện tử, chỉ tính từ thời cấp 3 đến hết đại học đã trên 2.000 tin bài được in; ra trường gần 15 năm, viết thêm chừng gấp đôi nữa. Không đủ kiên nhẫn để ghi chép lại tên bài, thành ra khi bán báo đi coi như mất bản gốc. Sách cá nhân 10 cuốn văn chương, tác phẩm in mỗi cuốn hoàn toàn không lặp, không in độn. 

Vẫn đang sức sáng tạo, tôi chưa tính đến việc in các cuốn sách báo chí với các thể loại mình đã viết. Kẻ cạn vốn hoặc sức tàn thì mới nên nghĩ đến việc in tuyển tập, tổng tập. Giai đoạn đầu đời đầy hăm hở với nghề chữ, tôi lưu bản thảo viết tay, những tờ báo có đăng tin về bài. Do hoàn cảnh nhà chật, tôi đành phải để chung những bài báo có bài viết về tôi với những tờ báo in bài tôi viết. 

Và việc làm cho tôi đau tiếc: cuối năm 2015, tôi đã đành lòng phải bỏ gần hết số báo lưu trữ đó. Ứa nước mắt khi những bao tải báo tính cân theo giá phế thải và bị mang đi. Làm thế nào khác được đây? Đau ở chỗ những bài viết ở thời chưa có máy tính, chưa có website, tờ báo là tư liệu duy nhất. Mà ngay đến khi dùng máy tính và có website, cũng cần sổ thống kê, có tít thì mới tìm được bài trên mạng. 

Ngày nay, người ta dễ dàng đọc báo, sách, xem phim, tivi trực tiếp trên điện thoại thông minh, trên ipad và laptop tuỳ thân, thì cảm giác cầm tờ báo, cuốn sách trong tay vẫn không gì thay thế được. Đấy không chỉ là lịch sử thời đại phản ánh qua chất liệu giấy và công nghệ in. Không chỉ là mùi mực in, mùi báo “nóng hổi” vừa ra đầu giờ sáng hay ẩm mốc theo thời gian. Không chỉ là cảm xúc kinh điển về sự cộng hưởng và âm thầm vui sướng. Đấy là sự hiện diện đóng góp lao động hiển hiện trên các nhật trình, tuần san, nguyệt san và bán nguyệt san, tạp chí. 

Thời nhiều tờ báo đã phát hành theo tần suất hằng ngày, nhịp điệu báo chí, tin tức là nhịp nhật trình từng ngày sống. Viết tay thì có bút tích; “thế giới phẳng” máy tính phổ cập, bút tích ngày càng hiếm, thế nên sách được đề tặng hoặc đích thân ký tặng người mình muốn hoặc do nhu cầu độc giả, tôi đều trân trọng. 

Chuyện dở khóc dở cười ở Việt Nam: một số nghệ sĩ nhà văn tên tuổi lẫy lừng vừa qua đời, người thân đã vơ vét càn quét tài liệu sách vở bán đồng nát ve chai. Đồng nghiệp, khán giả thấy được sách, kịch bản bày ở vỉa hè, xót xa thì người nhà thanh minh “bán nhầm”. Sao mà nhầm mãi khi sách hay, quý, từ hàng đồng nát được phân loại, bán vào những hiệu sách cũ đều đều để người sưu tập mua với giá cao, thậm chí cao hơn nhiều lần giá bìa. Có người mua vì hâm mộ tác giả, xót cho dòng ký tặng kia bị vạ vật ngoài đường. 

Thật đắng cay cho sách và tác giả khi kẻ được tặng vứt thải chúng phũ phàng quên cả điều tế nhị xé đi trang ký tặng. Thật bạc bẽo, chua chát lắm thay! Đấy là sách được bán, cho qua những lần dọn phòng, dọn nhà, nhờ những dòng chữ viết mà lộ ra thân phận, còn nhiều thứ đồ đạc thì đúng là chìm nổi. Tôi tin mọi sự vật đều có linh hồn. 

Giờ đây khi việc nấu cơm giản tiện bằng nồi cơm điện đã phổ biến đến mọi làng quê, thành ngữ “chổi cùn rế rách” vẫn dùng thường xuyên, nhất là vào những dịp cần dọn dẹp nhà cửa, cơ quan, công sở. Thời của đũa cả và rế tre lót nồi gần như không tồn tại, thì danh từ “rế rách” vẫn được dùng phổ biến mà ai cũng hiểu đấy là sự tích cóp, tàng trữ đồ cũ, ít giá trị sử dụng.

Tôi sợ dọn nhà còn vì sợ phải đối mặt với thời gian hiển hiện qua thư, ảnh, kỷ vật... Người mất, còn đâu riêng sống chết mà còn ở quan hệ tồn tại hoặc không. Gặp lại một bản thảo, những dòng thư, tấm ảnh người thân đã sang cõi khác, bạn yểu mệnh dương gian. 

Một vài quan hệ mình từng cả tin và trân trọng hoá ra lại là kẻ giả trá. Một tác phẩm đau đáu, khổ công viết mấy chục lần, nét bút bi dập xoá cả xấp giấy A4. Chiếc ví da của bà nội cất mấy miếng phim, ảnh chụp gia đình đã mốc. Mấy đồng xu và tiền lẻ, cái ví mới đựng những phong bao lì xì đỏ mừng tuổi bà vẫn còn nguyên đấy. Ảnh chụp tranh ông nội. Ảnh bố, mẹ thời trẻ. Ảnh Linh cụng trán chú Thành ngày bé... Con gấu bông đầu tiên trong đời mình sở hữu là mua ở chợ đêm Bến Thành. Gấu đã qua sử dụng vẫn cứ mua vì nó to đúng kích thước mình ước mơ suốt thời thơ ấu mà không có và cũng vì không có thời gian đi tìm, không muốn mất cảm xúc, muốn trì hoãn thêm qua lần đầu ấy. Mấy chiếc đồng hồ lớn nhỏ, để bàn và đeo tay đã chết, cùng không muốn thay pin.

Kỷ vật gợi nhớ cả những mảng ký ức tưởng mất hoặc khó phục hồi. Dọn phòng lần nào cũng buồn vì phải đối diện với bao ký ức, kỷ niệm không thể kể hết và lần nào cũng có niềm vui là tìm thấy một vài thứ mà mình đã từng khổ sở tiếc tưởng đã mất hoặc không thể nào tìm lại khi gặp lại chúng. Niềm vui nhân lên, như thể được mua mới, được tặng món quà ấy lần nữa. 

Trong đống đồ cũ, còn rất nhiều nước hoa, sữa tắm, dầu gội dùng không kịp date, vẫn còn hương đủ át mùi mốc của sách báo và hơi ẩm của phòng vắng chủ. Căn phòng để dọn giống như một sân ga, mỗi lần dọn là cùng lúc chuyến tàu đi và đến, thời gian đồng hiện, hiện tại về quá khứ rồi ngược lại. Mỗi đời người dù có diện tích phòng, nhà rộng, cẩn thận lưu trữ khoa học cũng đâu thể giữ được trọn vẹn mọi đồ vật, sách vở, tài liệu đến lúc chết và trao lại cho thế hệ sau. 

Thế hệ tiếp theo, dù biết nâng niu, thương nhớ ông bà, cha mẹ trao truyền đến mấy, khó quản lý nổi toàn bộ thứ tài sản tinh thần ấy lâu dài. Mỗi căn phòng, giá, tủ lưu trữ ấy là bảo tàng nhỏ của mỗi cá nhân, mỗi gia đình mà người ta cần tự khuyến khích mình sờ vào hiện vật để kiểm định thang bậc tinh thần. Một kiểm kê tài sản cần thiết mỗi dịp cuối năm. Điều mà chỉ số ít người coi trọng và họ bị lạc lõng giữa đám đông coi tài sản tích luỹ là bất động sản, trang sức quý, đồ hiệu, ngân khoản nhà băng...

Mỗi năm một lần dọn nhà trọng điểm cật lực để đón Tết, cũng là để điểm danh những gì mình làm được, một cách để thanh lọc quá khứ, sàng đãi những giá trị của từng năm sống, của cả cuộc đời. Cách và kết quả của sự thanh lọc ấy do tư duy và quan niệm, lối sống và tầng văn hoá của người chủ “bảo tàng thời gian”. Bán, bỏ, cho đi, mua mới - mọi thao tác ấy vẫn diễn ra quanh năm, song vào cuối năm Nguyệt lịch, bước sang năm mới, những ai có tâm hồn, biết sống sâu bao giờ cũng ngậm ngùi. 

Những gì đã gắn bó, hiến trao cho chúng ta, ta toàn quyền định đoạt số phận của mọi đồ vật và chúng không thể đòi hỏi gì hơn. Nhưng chúng không câm lặng, chúng có tiếng nói riêng, ngay cả khi bị lãng quên rồi được tìm thấy, sực nhớ hay loại bỏ vĩnh viễn.

Vi Thùy Linh
.
.