Sống trên mạng xã hội

Thứ Tư, 09/09/2020, 14:32
Tôi sử dụng máy tính từ năm 1994, hai năm sau đó lần đầu tiên được kết nối mạng Trí Tuệ Việt Nam và nó chính thức đóng cửa vào khoảng năm 2000. Đối với tôi đây là mạng xã hội sơ khai đầu tiên của Việt Nam, những người bạn trên mạng ấy cho đến bây giờ vẫn quan hệ mật thiết, gần gũi, tình cảm và có thể nói luôn coi nhau như “người nhà”.


Tình cảm ấy tồn tại được bởi một lớp lọc cơ bản rằng tại thời điểm sơ khởi này, những người dùng mạng Trí Tuệ Việt Nam đa phần là lớp trẻ có học thức, biết sử dụng máy tính, gia đình có điều kiện kinh tế, được định danh chính thống khi đăng ký tài khoản. Họ không có cơ hội giấu diếm nhân thân và hiển nhiên phải chịu trách nhiệm với phát ngôn cũng như hành xử trên mạng, không thể trốn tránh. Có lẽ bởi vậy mọi thành viên nhận thức rõ gương mặt trên mạng của mình để biết luôn đúng mực.

Người Việt bắt đầu với mạng xã hội Facebook cho đến nay hơn 10 năm một chút, tất nhiên sự dễ dãi của nó để có thể tạo tài khoản cũng đã làm biến dạng vô số hành vi trên mạng của người sử dụng. Tạm gác lại những mặt tích cực, thì tin giả và vô số hành vi sai trái nhan nhản trên Facebook khiến người dùng tử tế đôi lúc phải mệt mỏi.

Mạng xã hội là con dao bao nhiêu lưỡi? Tôi không rõ số lượng nhưng biết chắc chắn lưỡi dao ấy rất sắc và luôn sẵn sàng làm “chảy máu” người sử dụng nó.

Cách đây 7 năm, trên tờ báo tôi đang công tác có một bài viết tương đối “nhạy cảm thời sự” và ảnh trong bài lấy ra từ một đoạn clip nên chất lượng không cao. Một số người liên quan kéo nhau đến trước cổng cơ quan tôi “biểu tình” vì cho rằng bức ảnh trong bài viết là ảnh ghép, thông tin sai sự thật.

Tôi đang ngồi trên vỉa hè uống trà đá, đám đông đó lướt qua, một anh cũng khá nổi tiếng trên mạng Facebook trong nhóm ấy thấy tôi bèn đứng ngay laiại, chỉ tay vào mặt thét lên “A thằng Trí này cũng làm ở đây, chúng mày tìm ngay Facebook vợ con nó cho tao...”.

Đó là lần đầu tiên tôi ý thức được về sự nguy hiểm của mạng xã hội.

Ở ngoài đời sống thật khi con người làm việc ác giữa một đám đông, họ sẽ có nhiều bản năng e dè dò xét nhưng điều đó hoàn toàn không tồn tại trên mạng. Tôi khó có thể xin được một người xa lạ 20.000 đồng nhưng không ít người lại dễ dãi để có thể tin tưởng tuyệt đối và lan tỏa một nội dung chưa kiểm chứng ất ơ nào đó trên mạng xã hội.

Mạng xã hội là một thứ “tòa án” cảm tính, bất nhân và hung hăng. Đám đông ấy không cần lắng nghe và chỉ cần tuyên án.

Nguy cơ tai nạn trên mạng cao hơn giao thông đường bộ. Chỉ cần vài tháng có thể điều khiển thuần thục một chiếc xe hơi nhưng để có kỹ năng “chơi - sống” trên mạng thì chưa bao giờ có câu trả lời đầy đủ về mốc thời gian.

Có nhiều cách để hạ hỏa hay kiềm tỏa sự phấn khích, nếu bạn là một người sử dụng mạng xã hội và đang trong tình trạng ấy, nên tránh xa máy tính (điện thoại).

Những thứ công nghệ càng cao thì đời tư càng dễ bị phơi bày.

Ai cũng là một nạn nhân dự bị của mạng xã hội.

.
.