Sợi hồng lưu luyến xuân thì đương xoan

Thứ Bảy, 16/05/2015, 10:32
“Đang làm gì Q. ơi”. Tin nhắn này, thỉnh thoảng lại nhận, của nhà biên kịch Đoàn Tuấn. Đôi lúc nhớ nhau, chỉ một tin nhắn vu vơ và cũng cần phải chờ nhận lại câu trả lời. Bạn thừa biết y, ngày nào chẳng thế. Ngày nào chẳng viết. Ngày nào chẳng tình ái vu vơ. Ngày như mọi ngày. Nhưng những ngày này đã khác rồi T. ạ. Khác vì y còn kiêm thêm nghề chích thuốc nữa.

Chuyện là, trong vòng mười ngày trở lại đây, mẹ của y bị tiểu đường, bác sĩ bảo, uống thuốc không còn tác dụng nữa. Phải chích. Ngày 2 lần. Sáng và chiều, trước lúc ăn chừng mười phút. Thế là y trở thành y tá bất đắc dĩ. Cây kim chích thuốc bằng nhựa, dài chừng một gang tay, đậm màu xanh nước biển, trong đó có chứa sẵn thuốc. Dung lượng thuốc mỗi lần chích bao nhiêu? Có ghi từng nấc từ 1 đến 10 phía cuối cây kim. Tự điều chỉnh. Và chích. Xong thì thay kim. Dễ dàng lắm.

Ngày xưa, mỗi lần mẹ sai bảo cái gì, dứt khoát phải vòi vĩnh, mè nheo: “Con làm xong, mẹ cho con” cái này cái kia, nếu không thì vùng vằng, giận dỗi. Bây giờ, nếu được thế, hạnh phúc biết bao nhiêu, phải không? Nhưng rồi ước mơ ấy xa vời vợi và đã trở thành cổ tích. Mỗi một ngày còn được chích thuốc cho mẹ đã là niềm hy vọng thầm kín và thiêng liêng. Chỉ sợ đến một lúc sẽ không còn diễm phúc đó nữa. “Mẹ già như chuối chín cây”. Câu ca dao vụt ngang qua trí nhớ. Rưng rưng. Cảm động.

Những ngày này, mỗi đêm vẫn giữ thói quen đọc cái gì đó. Đã đọc tạp chí Thơ số mới nhất. Trong đó, vẫn còn duy trì chuyên mục “Thi thoại tản mạn” của Hồng Diệu. Có nhiều chuyện cần trao đổi thêm. Có nhiều chuyện lý thú. Chẳng hạn về câu thơ “Bến Tầm Dương canh khuya đưa khách” - Phan Huy Vịnh dịch “Tầm dương giang đầu dạ tống khách”, câu đầu bài Tì bà hành của Bạch Cư Dị.

Lâu nay đã đọc nhưng chưa thấy ai phân tích thế này, đại khái, chữ thứ nhất “bến” và chữ cuối “khách” đều vần trắc, các chữ còn lại đều thanh bằng. “Người ta sẽ hình dung: Hai thanh trắc như độ cao của hai mũi thuyền, năm thanh bằng là phần còn lại (thấp hơn) của chiếc thuyền. Thật kỳ thú”. Vâng, rất kỳ thú. Ai là người trước nhất phát hiện, Hồng Diệu cho biết đã từng nghe Xuân Diệu và Chế Lan Viên nói thế. Trong cuộc sống, đôi khi có những cuộc trò chuyện, nếu biết lắng nghe, ghi chép lại sẽ hữu ích biết bao nhiêu.

Lần nọ, năm 2007 khi trò chuyện với các em học sinh lớp 10 Trường Song ngữ Quốc tế Horizon, y nhấn mạnh đến câu thơ của Quang Dũng:

Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi

Nếu vẽ theo hình đồ thị, câu trên sẽ cho thấy một hình tam giác cao chót vót (thể hiện qua “ngàn thước lên cao” và “xuống”). Câu kế tiếp toàn âm bằng đã mở ra một không gian mênh mông. “Thi trung hữu họa” đấy chứ? Đọc 2 câu thơ này đã có thể hình dung ra một không gian sông nước hữu tình ngay trước mắt. Há chẳng phải là điều kỳ thú của thơ đó sao?

Trong tập sách Kỷ niệm văn thi sĩ hiện đại (Xây Dựng xuất bản năm 1962), nhà thơ Bàng Bá Lân có kể câu chuyện, năm 1952 khi dạy học ở Hà Nội, có cậu học trò lớp đệ Tứ cho biết rất thích câu thơ: “Êm đềm sóng lụa trôi trên lúa”. Là tác giả nên ông hỏi thêm, vì sao thích? Cậu  học trò cho biết vì câu thơ đó “tả gió mà không nói tới gió”. Ông không tin cậu học này có được nhận xét tinh tế và đúng đến thế. Cuối cùng, cậu thành thật cho biết đó là nhận xét của nhà văn Nguyễn Hiến Lê đã in trong tập Luyện văn.

Vừa rồi, kiểm tra lại thấy đúng. Ông Lê có nhận xét ấy. Mấy ai có thể là tri âm tri kỷ của nhà thơ, kể cả các nhà phê bình chuyên nghiệp? Nếu không có sự tinh tế, “mắt xanh” của Hoài Thanh, chưa chắc người đương thời thừa nhận sức sống oanh liệt, vẻ đẹp ngôn từ Thơ mới đã làm nên “Một thời đại trong thi ca” Việt Nam. Một chữ trong thơ cũng kỳ thú lạ lùng.

Về câu thơ “Bến Tầm Dương canh khuya đưa khách”, khi phân tích cái hay của nó, ông Nguyễn Hiến Lê bâng khuâng tự hỏi: “Tại sao vậy nhỉ? Phải chăng âm dương có một ma lực lạ lùng?”. Nói như thế bởi, ông cho rằng nếu thử đổi thành Bến Vàm Nao, hoặc Bến Ngã Năm, Bến Hà Nam, Bến Việt Trì thì “giá trị câu thơ mười phần đã mất tới sáu, bảy”. Từ suy nghĩ này, ông đi xa hơn một chút nữa: “Và biết đâu, một phần nhạc của đoạn “Cùng ngóng nhau” trong Chinh phụ ngâm chẳng do âm ương của hai tên Hàm Dương, Tiêu Tương láy đi láy lại:

Chốn Hàm Dương chàng còn ngoảnh lại
Ngác Tiêu Tương thiếp hãy trông sang
Khói Tiêu Tương cách Hàm Dương
Cây Hàm Dương cách Tiêu Tương mấy trùng”

Lập luận của ông Lê không phải không có lý, ai tranh cãi thì mặc, nhưng rõ ràng, ông có khả năng thẩm thơ và hơn cả điều đó, là tấm lòng yêu thơ. Nhân đây nói luôn, câu “Ngác Tiêu Tương thiếp hãy trông sang”, có nhiều bản in hoặc trên mạng đều ghi “Bến (hoặc miền) Tiêu Tương thiếp hãy trông sang” là không đúng từ cổ tiếng Việt. Duy bản của Hoàng Xuân Hãn ghi “ngác” và giải thích: “một nhánh sông”. Tiến sĩ Nguyễn Bá Lân, cùng thời với tác giả Chinh Phụ ngâm có bài phú nổi tiếng Ngã ba Hạc, mở đầu:

Vui thay! Ngã ba Hạc! Lạ thay! Ngã ba Hạc!
Dưới hợp một dòng, trên chia ba ngác

Ngóc ngách khôn đo rộng hẹp, dòng biếc lẫn dòng đào; lênh lang dễ biết sâu nông, nước đen pha nước bạc.

Bây giờ, có còn ai đọc thơ chậm rãi và suy nghĩ thấu đáo những điều tác giả đã viết? Chắc là không. Chẳng ai có thời gian. Thời gian vùn vụt trôi nhanh. Đọc thơ liệu có ích gì? Tự dưng liên tưởng rằng, muốn cảm hết cái hay của thơ, trước hết tâm hồn ấy phải tinh tế và sống chậm. Đúng không? Thơ Haiku, nghệ thuật bonsai của Nhật là một phong cách sống chậm đó chăng? Thử đọc bài thơ này của nữ sĩ Sugita Hisajo (1890 - 1946) viết năm 1928:

Từng mảnh xiêm y
Rời thân thể ngọc
Sợi hồng lưu luyến


Nguyên tác:

Hanagoromo
Nuguya matsuwaru
Himoiroiro

Y thử dịch sang tiếng lục bát xem sao:

Nhẹ nhàng trút bỏ xiêm y
Sợi hồng lưu luyến xuân thì đương xoan

Phụ nữ Nhật mặc kimono gọi là Hanagoromo. Người Nhật gọi từng từ trong một bài thơ Haiku là kigo (quý ngữ); hoặc kidai (quý đề), có thể hiểu đã là sự chắt lọc đến mức cao nhất của từ. Đọc bài thơ này, có thể thấy được hình ảnh, sau khi ngắm hoa về, cô gái đang cởi bộ kimono. Bộ kimono nhiều lớp và nhiều dây buộc màu sắc khác nhau như vẫn còn luyến lưu tấm thân ngà ngọc của nàng. Bài thơ mở ra một cảm hứng mới cho sự tưởng tượng của mỗi người khi tiếp nhận.

Tác giả chia sẻ: “Khi cởi từng lớp áo, người con gái hơi bực mình vì sợi dây cứ vướng vào áo cô và cô đang mệt nhưng thú vị sau buổi ngắm hoa. Bài thơ của tôi để lộ một thoáng riêng tư qua hai khía cạnh của các sợi dây - cái đẹp của màu sắc và cái vướng mắc trong động tác” (Tạp chí Nopponia, bản tiếng Việt, số 8, 15/4/1999). Để làm sống lại kimono trong nhịp sống sống hiện đại, người Nhật có tạp chí Kimono Hime, từ năm 2002. Để làm sống lại áo dài Việt Nam, tiến đến Ngày áo dài, chúng ta chưa có một tạp chí riêng biệt nào.

Người Nhật thích chơi bonsai, người Việt cũng thích chơi cây. Ngẫm lại cái thích ấy của người Việt xưa nay đã nhuốm màu phàm phu tục tử. Không tin à? Bây giờ đi dọc quốc lộ 1 vẫn còn thấy bày bán nhiều cây to đùng, có lẽ họ bứng từ non cao rừng thẳm đem về, giá bán tiền triệu. Chơi thế phỏng ích gì? Hay chỉ là sự khoe mẽ nhà cao cửa rộng?

Đọc Vũ trung tùy bút của Phạm Đình Hổ, lại thấy cái thú của người chơi cây cảnh thuở ấy như nhiều kẻ có quyền thế cưỡng đoạt cây của người ta. Cây to quá thì đập luôn tường nhà, miễn sao đem về trồng tại tư gia mình là được. Cây càng to, càng cổ thụ mới là “đẳng cấp”. Ngược lại, người Nhật lại muốn thâu tóm cả ngàn năm thiên nhiên chỉ vỏn vẹn, gọn lỏn trong một cái chậu! Qua một bức tranh cổ còn sót lại, người Nhật phỏng đoán rằng thú chơi này đã có ở Nhật từ thế kỷ XIV. Ban đầu là thú tiêu khiển của những nhà quý tộc, nhà sư, các võ sĩ samurai cao cấp rồi mới lan dần đến dân chúng.

Nếu xét tâm tính một dân tộc qua thể thơ tiêu biểu nhất của một dân tộc, y nhận xét rằng, với thể thơ Haiku, người Nhật cẩn trọng, chỉn chu, chuẩn mực đến từng chi tiết. Người Trung Hoa thì sao? Họ có thể dàn trải mọi hỉ, nộ, ái, ố trầm luân của một và nhiều số phận con người trong trường thiên tiểu thuyết dài dằng dặc như chính đất nước dài rộng mênh mông của họ; nhưng nếu cần, họ chỉ thâu gọn trong một bài tứ tuyệt ngắn củn có thể lọt thỏm giữa lòng bàn tay. Điều này cho thấy khó thể thấu hiểu tâm tính người Trung Hoa, nó biến hóa khôn lường, tùy trường hợp, miễn là “được việc” cho họ.

Còn người Việt? Chúng ta có lục bát. Đó là sáng chế của người Việt, dù sau này đã có những tranh luận cho rằng của người Chăm. Đúng sai thế nào chưa bàn đến. Điệu thể sáu, tám dễ gợi lên sự du dương tình cảm. Người Việt nặng về tình. “Một bó cái lý không bằng một tí cái tình”. Mà cái tình thể hiện vừa vừa phải phải thì được, đáng quý nhưng nếu thái quá lại hóa ra lẩm cẩm, ngớ ngẩn. Thì cứ xem lục bát thì rõ, ngắn gọn thì hay nhưng kéo dài ra lại không khéo hóa thành… vè.

Chiều rồi, đã đến lúc chích thuốc cho mẹ.

Lê Minh Quốc
.
.