Sài Gòn còn đó chợ Dân Sinh

Chủ Nhật, 02/04/2017, 16:27
Chợ Dân Sinh là nơi duy nhất còn lại của Sài Gòn, nơi các kỷ vật chiến tranh trở thành thứ hàng mưu sinh cũng như giúp lưu giữ không gian kỷ niệm khó phai mờ cho ai đó mang nặng cảm xúc hoài cổ.

Sài Gòn lúc này có những người ghét đội nón bảo hiểm đến mức bỏ đi xe gắn máy chuyển sang đi xe đạp.

Ông T. là một tay ghét chuyện úp cái "nồi cơm điện" lên đầu. Hôm ông đạp xe ra chỗ tụ tập uống cà phê ở một quán thuộc khu trung tâm Sài Gòn, những người bạn cà phê của ông vỗ tay rần rần. Bạn bè nói: ông đi xe đạp là hợp thời, chớ già chuyện đi xe đạp là giúp cứng gối, đem lại lợi ích không sao kể xiết. 

Ông T. cười híp mắt, chỉ vào cái túi vải lính treo sau chiếc xe đạp, kiểu túi đựng mìn claymore, ông nói thêm. "Nhờ đi xe đạp mà tôi biết cái chợ Dân Sinh tới giờ vẫn còn nguyên. Các cha rảnh ghé qua đó coi, thú vị vô cùng!".

Người Sài Gòn xưa, ai cũng ít ra một lần đi chợ Dân Sinh. Những người già nhớ dai thì kể. Khu này thời Bảy Viễn là xóm Bình Khang, đến thời Tổng thống Ngô Đình Diệm thì cho lập chợ. Đây là cái chợ lập nên cho dân nghèo thành thị thời đó đến mua bán, đổi chác tất cả mọi thứ vật dụng trên đời.

Cổng vào khu chợ Dân Sinh.

Nếu muốn tìm hiểu xem vì sao cái chợ này vẫn còn tồn tại đến ngày nay thì nhiều người nói. Sau 1975, cả Sài Gòn bước vào thời bao cấp, thành phố biến thành cái chợ trời khổng lồ và cái chợ Dân Sinh trở thành một cái chợ trời, nơi mua bán phồn vinh nhất.

Dân mua bán đến đây kiếm đồ đạc thượng vàng hạ cám gì cũng có, đồ chiến tranh thì có từ những bộ phận máy bay cho đến cái cọng dây dù dùng để may miệng túi quân trang, còn đồ dùng của người nhà giàu bị đánh tư sản, của nhà đi di tản bị cán bộ chiếm tuồn ra thì có từ cái miếng giẻ lau bếp cho đến tấm thảm Ảrập. 

Nhưng có lẽ thứ hàng ở chợ này được âm thầm săn lùng nhiều nhất trong thời nhà nhà, người người tìm đường vượt biên chính là những cái la bàn đi biển. Nhiều người kể rằng, thời mà chiếc Honda Dame có giá một chỉ rưởi vàng thì mỗi chiếc la bàn trị giá vài cây vàng.

Đã mang tinh thần là chợ Dân Sinh thì người đến đây mua bán có người lanh người khờ. Nhưng không thời điểm nào bằng sau 1975, quanh chợ, bao gồm cả các tuyến đường quanh chợ như Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Thái Bình, Ký Con... trở thành nơi kiếm sống của nhiều trí thức, công chức, thầy giáo... bằng nơi này.

Bao nhiêu chuyện trớ trêu của số phận cũng đã hằng ngày diễn ra, và mỗi lần nhớ lại người ta vừa thấy chua chát vừa thấy hàm ơn cái chợ này. Một họa sĩ kể. Tôi ra đây bán bánh mì, bán xôi nhưng thấy nhiều người đi bán từng quyển sách, đến đồ chơi của mấy đứa con mà rơi nước mắt. Đã vậy có người còn lớ ngớ bị chụp cho cái tội mua bán "văn hóa phẩm đồi trụy". 

Đến đây kiếm đồ thượng vàng hạ cám gì cũng có.

Trong khi nhiều người khác lại kể, họ nhờ cái chợ này mà giàu có và tự họ rút ra một kết luận. "Thời đó, cứ bước vô chợ, lúc trở ra là biết liền mình còn trí thức hay trở thành con buôn".

Có một cậu thiếu niên bước vào dãy hàng chuyên bán đồ lính ở chợ Dân Sinh, tìm mua một cái túi lính để đựng tập đi học. Cậu nói "Đồ lính là hàng độc, Hồi đó giờ cháu không biết chỗ này. Cái gì cũng có, mê quá!".

Không riêng gì cậu, các chàng sinh viên, các cậu ấm nhà giàu, mà khách Tây đi du lịch cũng mê đồ lính Mỹ. Có rất nhiều khách Tây "keo kiệt" sẵn sàng trả 10 USD để sở hữu một cái dây đeo và tấm thẻ bài của một người lình Mỹ nào đó.

Ở các gian hàng bán đồ lính ở chợ Dân Sinh ngày nay, theo thời cuộc mà chia đồ lính ra 3 đẳng cấp. Đồ lính Mỹ là hàng hiệu cao cấp. Một đôi giày lính Mỹ còn mới có giá vài triệu. Rồi nào là hộp quẹt Zippo, bình tông đựng nước, phù hiệu các binh chủng... thứ nào cũng là hàng “hót”. Đồ lính VNCH được săn lùng nhiều nhất là áo lính dù, thủy quân lục chiến. 

Một ông có vẻ là nhà giàu mới, nói: "Tôi cố ý kiếm một cái áo dù mà không ra, có cái nào chủ tiệm nói là hết cái đó, mua không kịp". Nhưng món hàng thời thượng nhất của khu đồ lính Mỹ và VNCH ở chợ này chính là cái nón lót bên trong nón sắt. Người Sài Gòn ngày nay sẵn sàng trả số tiền vài trăm ngàn mua cái nón này để đội chạy xe gắn máy thay mũ bảo hiểm. 

Hỏi một người tìm mua thì họ nói: "Một cái nón bảo hiểm xịn, hàng hiệu nhập khẩu cũng chỉ vài trăm, nhưng tôi thích đội nón lính, con tôi cũng thích, nó nói chơi vậy mới khác người ta, chớ ra đường ai ai cũng nón bảo hiểm, chán chết".

Sẽ không khó để tìm thấy những đồ chiến tranh cũ từ những chiếc bật lửa cho đến cọng dây dù quân trang.

Dân mua bán ở chợ Dân Sinh khá thật thà, nếu bạn không rành mà cầm lên một món đồ và hỏi xuất xứ thì họ sẽ cho biết ngay. Đồ lính Thái, nhập qua ngõ Campuchia không có giá, có rất nhiều đồ lính Thái mới tinh, được bày bán. Đồ bộ đội cũng là đồ dễ kiếm, thứ duy nhất của loại hàng này có giá là nón trấn thủ của bộ đội thời Điện Biên Phủ. Một ông chủ tiệm cho biết: "Lạ, tôi cũng không hiểu sao mấy anh Tây trẻ lại khoái sưu tập hàng này".

Ở một gian hàng khác, chúng tôi thấy một nhóm thanh niên nói tiếng Anh đang tìm mua những tấm thẻ bài lính Mỹ. Nhìn họ chăm chú đọc tên, số quân... của người lính Mỹ trên thẻ bài, rồi hỏi nhau, không biết những người lính này còn sống hay đã hy sinh ở chiến trường Việt Nam và quan trọng hơn không biết là có phải là hàng giả không. Cậu thiếu niên người Việt đứng cạnh, thấy lạ hỏi người chủ tiệm: "Tụi nó đọc cái gì trên miếng nhôm đó vậy ông?".

Có lẽ ngày nay, chợ Dân Sinh là nơi duy nhất còn lại của Sài Gòn, nơi các kỷ vật chiến tranh trở thành thứ hàng mưu sinh cũng như giúp lưu giữ không gian kỷ niệm khó phai mờ cho ai đó mang nặng cảm xúc hoài cổ.

Bùi Công Tân
.
.