Rất không có đạo lý

Thứ Sáu, 24/07/2015, 07:25
Kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học và Đại học năm nay có nhiều nét mới, tất nhiên, sự mới nào mà không để lại nhiều nghi kỵ hay phản ứng. Cá nhân mình, Ngô ủng hộ hoàn toàn chủ trương này của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Bởi bao giờ Ngô cũng nghĩ, giáo dục chính là nền móng để phát triển của một quốc gia trên mọi lĩnh vực; và người làm giáo dục phải quyết liệt nếu đủ chứng cứ khoa học để tin rằng sự thay đổi của mình là đúng, là cần thiết. Ngô nhất thiết phải nói thêm một chút về ý này. 

Là chuyện gió sớm mưa chiều, những khi rỗi rãi, những lúc nhàn hạ. Thích, thì đọc cho biết. Không thích, thì đọc cho vui. Bởi, đời sống là mấy chốc đâu. Vui được lúc nào thì vui, cười được khi nào thì cười. Bạn có đồng ý với quan điểm của tác giả hay không, là chuyện của cá nhân bạn. Văn minh là gì? Văn minh là biết cách tôn trọng: mỗi cá nhân khác nhau, luôn có những tư duy khác nhau.

Có rất nhiều chuyện hệ trọng trên đời, nghĩa hiếu đạo lý là một chuyện hệ trọng, dựng vợ gả chồng là một chuyện hệ trọng, kính trên nhường dưới là một chuyện hệ trọng… và sự học cũng là một chuyện hệ trọng. Người ta vẫn có thể thành công nếu không tốt nghiệp phổ thông trung học hoặc đại học, thế nhưng, con số này ít thôi. Còn lại, khoa cử vẫn là con đường gần nhất để giúp cá nhân có thêm cơ hội hoạch định tương lai của chính mình. Lạ lùng ở chỗ, rất nhiều người lại róc riết nhặng xị rằng cả xã hội cứ như lên đồng vào mỗi mùa thi. Nói cả xã hội lên đồng vì một kỳ thi thường niên là lối nói của những tay ấu trĩ, thích tự hóa thân thành Chí Phèo rồi nhìn điều gì cũng cho đó là Bá Kiến, vô công rồi nghề suốt ngày không lo làm ăn chỉ chăm chăm gào lên “Ai cho tôi là người lương thiện?”.

Phải hiểu, cả xã hội không lên đồng vì một kỳ thi, mà một bộ phận trong xã hội chỉ đang làm hết sức mình để giúp đỡ, tạo thêm điều kiện để các sĩ tử đạt được kết quả có lợi nhất trong kỳ thi quan trọng của đời người. Vậy thì hà cớ gì mà lấy cái tiểu tâm ô tước để luận chỗ đậu của phượng hoàng?

Thế nhưng, trong bài viết này Ngô không bàn đến những nét mới của khoa cử, Ngô muốn nói về một khía cạnh khác của cuộc thi. Đó chính là những em sinh viên tình nguyện giúp đỡ cho thí sinh tham dự kỳ thi vừa qua.

1. Trên các diễn đàn mạng, cộng đồng facebook, thậm chí là nhiều anh chị phóng viên đang hùa nhau tẩn các em sinh viên tình nguyện rất nhiệt thành. Họ bảo rằng, sinh viên là đội ngũ trí thức tương lai vậy mà tự biến mình thành dải phân cách sống đội nắng đứng giữa đường để ngăn người điều khiển giao thông chạy lấn làn để đảm bảo giao thông nhằm duy trì sự trật tự trước các hội đồng thi.

Họ lại càng hả hê hơn khi có thông tin mấy em sinh viên tình nguyện bị ngất do nhiệt độ cao hay bỏng da do nắng nóng. Đại loại, trong mắt những cá nhân cực kỳ buồn cười và thiển cận này thì các em sinh viên tình nguyện đang hành động hết sức vô bổ, lẩn thẩn, ngớ ngẩn.

Khi Ngô đọc thấy họ viết những điều này, Ngô có cảm giác đã thật sự không còn công đạo nữa.

Không phải mà ngẫu nhiên người ta thường hối tiếc về quá khứ? Cũng không phải tự nhiên mà người già thường khuyên người trẻ, “Nếu được, thì nên sống sôi nổi một chút”. Khi người già nói điều này, tức là họ đã không còn cơ hội để quay lại ngày xưa mà sôi nổi theo ý định hiện tại của mình nữa.

Trung Hoa đương đại hay có câu “Lũ Nhị Thế tổ lại ra oai tác quái”. Nhị Thế tổ là ai?

Nhị Thế tổ hay còn gọi Tần Nhị Thế, tên thật là Doanh Hồ Hợi, con thứ 18 trong tổng số 20 người con của Tần Doanh Chính. Doanh Chính đích xác là Tần Thủy Hoàng. Sau khi thống nhất Trung Hoa, Doanh Chính lấy hiệu là Thủy Hoàng Đế, chữ Thủy không phải là thoạt kỳ thủy; khởi thủy nghĩa là vị hoàng đế đầu tiên. Ý của Tần Thủy Hoàng là sau khi mình tạ thế, các con được truyền ngôi sẽ xưng danh Nhị Thế tổ, Tam Thế tổ, Tứ Thế tổ… cứ vậy mà lưu truyền cho đến thiên thu vạn tải, vĩnh viễn không bao giờ suy chuyển quyền lực.

Minh họa: Lê Phương.

Ngay từ khi Hồ Hợi còn bé, Doanh Chính đã giao cho hoạn quan Triệu Cao chăm sóc dạy dỗ Hồ Hợi. Đối với vị hoàng tử này, Doanh Chính tỏ ra rất có hứng thú. Triệu Cao dạy dỗ Hồ Hợi rất có khuôn phép, tất nhiên là theo khuôn phép của Triệu Cao.

Doanh Chính tạ thế, Hồ Hợi lên ngôi Hoàng đế. Chính vì từ bé đã bị Triệu Cao phong tỏa trong vòng vây, nên tiếng Hồ Hợi là Hoàng đế nhưng quyền bính trong triều thì thuộc về Triệu Cao cả.

Ai đọc lịch sử đều biết, không có triều đại nào mà quyền lực nằm trong tay hoạn quan lại có thể thịnh vượng được.

Hồ Hợi tin dùng Triệu Cao, giương chiêu bài sử dụng quân pháp để khẳng định uy danh, giết hàng loạt đại thần lập quốc cho đến người trong hoàng tộc. Không chỉ có vậy, Hồ Hợi còn nghe lời Triệu Cao, hết lần này đến lần khác sử hình nặng nề với nhân dân, xây thêm nhiều cung cấm… Dân oán thán, xảy ra binh biến. Cuối cùng, bị ép tự sát trong cung Vọng Di.

Triều đại do Tần Thủy Hoàng nhọc công gầy dựng phút chốc bị xóa sổ. Cho nên, cái danh Nhị Thế tổ có ý ám chỉ đến mấy tay thiếu gia hoang đàng chi địa.

Người Trung Quốc bây giờ đang chứng kiến rất nhiều những Nhị Thế tổ hiện hữu trong xã hội. Thông qua báo chí ở nước mình, mọi người có thể tham khảo. Nước ta có Nhị Thế tổ không, chắc chắn là có rồi. Loại thanh niên sôi nổi như Nhị Thế tổ là loại rất không nên nhắc đến, bởi càng nhắc càng bực mình, tuyệt đối không thể có sự thống khoái được. Lũ người này cậy uy của cha, toàn ăn chơi đập phá, hút sách dụ gái, làm ăn phi pháp… Không chuyện gì là không dám làm. Có điều, chắc loại này cũng không là quá nhiều.

2. Trở lại chuyện của các em sinh viên tình nguyện. Các em đang trong độ tuổi máu huyết phương vượng, tâm ý trong sáng, thập phần khoái hoạt của đời người. Không ai có thể xui được các em phải căng mình dưới cái nóng kỷ lục của thời tiết để giúp đỡ thí sinh, cũng không ai có thể lùa các em ra đường để hướng dẫn, chỉ bảo cho thí sinh.

Ngô cho rằng, đó là một hành động đẹp, đó là một hành động minh chứng cho câu chuyện mà chúng ta thường mong diễn ra “Kẻ đi trước giúp người đi sau”. Bảo rằng đó là phụng sự thì hơi lớn lao, nhưng giả sử có cho đó là phụng sự xã hội cũng không có gì gọi là đại ngôn.

Vậy mà đổi lại, các em sinh viên tình nguyện nhận toàn lời chỉ trích của các bậc đàn anh, đàn chị. Những bậc hô phong hoán vũ trên facebook, mỗi lời viết ra là như sấm động trời quang.

Ngô vẫn biết, ưu điểm lớn nhất của kẻ không làm việc là gây ức chế cho người làm việc. Tiền nhân dạy rồi, “Nhàn cư vi bất thiện”. Thế nhưng, cái lần gây ức chế này nó quá quắt vô cùng.

Không phải sinh ra trên đời này, đều phải có một mục đích sống, đều phải có một lý tưởng hay sao?

Không phải sinh ra trên đời này, đều đã từng được dạy kẻ mạnh là biết cách giúp đỡ người khác hay sao?

Không phải sinh ra trên đời này, đều phải tự tâm niệm chia sẻ là hành vi hướng đến sự tích cực hay sao?

Vậy mà, một đám cơ hội vẫn không ngừng lên tiếng lăng nhăng về hành động giúp đỡ thí sinh của các em sinh viên tình nguyện.

Ngô đoan chắc, điều mà bất cứ lãnh đạo nào cũng lo lắng đó chính là sự thờ ơ của thanh niên trong những vấn đề, sự kiện của đất nước. Thanh niên còn nhiệt thành, thanh niên còn biết giúp đỡ người khác vô vụ lợi thì rõ ràng đây là chuyện đáng mừng chứ.

Truyền thông xứ mình vẫn thường vỗ tay khen ngợi nhiệt liệt lũ Nhị Thái tổ với siêu xe, chân dài, hay những món quà đắt giá. Thế nhưng đến chuyện đáng khen ngợi, họ lại quay ngoắt thái độ để mưu đồ một tư duy rất thiếu thiện chí, rất tiêu cực.

3. Giả như các em sinh viên tình nguyện có phương thức hỗ trợ thí sinh chưa hợp lý, có thể gây nguy hại đến sức khỏe hay thân thể, thì với trách nhiệm là người lớn, họ phải tìm cách phân tích, điều chỉnh giúp các em sinh viên tình nguyện. Sự điều chỉnh, phân tích này là để công tác hỗ trợ thí sinh của các em sinh viên tình nguyện khoa học hơn, có lợi hơn. Chứ họ có quyền gì mà nhân danh tuổi tác, lại rất có khí chất của một phàm phu tay tạt gáo nước lạnh vào nhiệt huyết đang bùng lên như lửa cháy của các sinh viên tự nguyện. Ngô không thể nào nghĩ được rằng lại có những cá nhân hồ đồ đến như vậy.

Như vừa rồi có những đoàn viên, công chức, cá nhân đứng ra kêu gọi thu mua dưa hấu, vải, hành tím… nhằm giúp đỡ cho người nông dân. Vẫn biết, cơn mưa bóng mây không giải cứu được hạn hán. Đó lại càng không phải là giải pháp cơ bản để dưa hấu, vải… tìm được đầu ra cho tương lai. 

Nhưng phải ghi nhận vào tấm lòng đùm bọc lẫn nhau, ghi nhận sự thương cảm đối với người khốn khó của những đoàn viên, công chức, cá nhân ấy chứ. Vậy mà, vẫn có kẻ ngồi ở nhà bĩu môi suy đoán động cơ của những cá nhân này là để trục lợi, đánh bóng tên tuổi hay chỉ là “tiếp tay cho một nền nông nghiệp manh mún”. Thật là, miệng rắn tâm rết.

Bình sinh Ngô tôi ghét nhất là những kẻ này, làm thì không làm nhưng thấy ai hoạt động thiện nguyện thì cũng chê bai, mỉa mai, nghi ngờ. Tiếc thay, những kẻ thích chê bai, mỉa hay, kích động sự nghi ngờ lại ít nhiều nhận được sự đồng tình của những ngưu mã tầm nhau.

Lấy đâu ra cái gọi đạo lý nữa.
Chuyện đại học là trọng.
Người trước giúp đỡ người sau.
Tạt gáo nước lạnh.

Ngô Nguyệt Hữu
.
.