Rảnh gì rảnh dữ!

Thứ Tư, 28/09/2016, 07:19
Thăm thẳm trong kiếp người đầy buồn bã và tạm bợ, phù phiếm và ảo ảnh này, người ta luôn mong được những hôm rảnh.

Rảnh để làm gì, tùy vào hoàn cảnh và điều kiện của từng người. Thượng lưu có cái rảnh của thượng lưu, trung lưu có kiểu rảnh của trung lưu, nghèo túng có loại rảnh của nghèo túng.

Sinh ra đã sẵn một phận phúc rồi, kiểu số không đầy một rổ gạo thì đi khắp thế gian cũng không được một thúng thóc vậy.

1. Tiền nhân xưa đúc kết, nhàn cư vi bất thiện. Hiểu nôm na thì ở không ăn chơi hoài chắc chắn sẽ làm điều quấy.

Tỷ như đàn ông không lo làm việc mà chỉ thích uống rượu vậy. Xóm Ngô có một ông nghiện rượu, vợ con bỏ đi sạch. Ông nghiện rượu thấy vợ con bỏ mình sạch thì thích lắm, bắt một cái võng cột ở hàng hiên. Sáng ngủ dậy, chụp chai nước suối chứa đầy rượu tu một cái ót hết sạch. 

Cạn rượu, lêu bêu khắp xóm rồi ngã vật ngủ ngay vệ đường. Ngủ dậy, đứng giữa xóm xin tiền, xin mấy nghìn lẻ thôi. Miễn sao mua được một gói mỳ tôm và hai xị rượu trắng. Ngày nào hên thì xin được nhanh, ngày nào xui thì lôi cả xóm ra chửi. 

Lúc Ngô còn bé, suốt ngày chạy sau lưng ông nghiện rượu để nghe ổng chửi, chẳng nghĩ gì nhiều chỉ thấy sao đời sống lại có những cá nhân kỳ lạ đến vậy. Con trai ông nghiện rượu chắc xót bố quá nên tìm về thưa: “Ba bỏ rượu đi, con về chăm sóc ba”. Ổng gắt: “Mày khùng hả mày, tao uống lâu lắc mới được tửu lượng vậy. Giờ mày nói tao bỏ rượu là bỏ làm sao hả mày?”.

Trong xóm Ngô, mỗi lúc có ai buồn bã vì làm ăn thua lỗ hay mùa màng thất bát phải nợ tiền phân bón, đều nhìn ông nghiện rượu rồi nói: “Thà như ổng là sướng nhất, không phải lo gì, không phải làm gì”. Chép miệng mơ vậy thôi chứ đổi vai cho ông nghiện rượu thì có chết đi sống lại cũng không dám.

Minh họa: Lê Phương.

Bẵng thời gian lâu sau, không nghe tiếng ông nghiện rượu chửi nữa, cũng không nghe ai nhắc gì về ổng nữa. Căn nhà của ổng được bán cho người khác, ổng tuyệt tích giang hồ luôn.

Mấy năm Ngô lớn, Ngô đi công tác ở miệt An Giang, vùng Núi Sam. Đêm nằm nhà trọ thì nghe tiếng vợ chồng cãi vã. Anh chồng nọc chị vợ ra giữa sân, vừa đánh vừa thét lên uất ức: “Tao đi làm cực khổ để mày ở nhà rảnh quá đánh bài hoài hả mày?”. Vừa nói vừa đấm cho phát, vừa nói vừa đạp cho phát. Chị vợ cũng không vừa, tay che đòn, miệng mắng lại. Không khí thật sự hết sức nhộn nhịp.

Chờ không thấy ai can, Ngô phải vào can. Hết khuyên người này rồi lại khuyên người kia, láng giềng thấy có trọng tài cũng nhào vào giải thích nặng nhẹ. Hóa ra, anh chồng đi làm hồ từ sáng đến khuya ngày được mấy chục ngàn tiền công, chị vợ ở nhà trông con rảnh quá nên thích chơi tứ sắc với mấy bà rảnh y chang chị. Chơi không lớn, toàn tiền lẻ, tổng sòng bài hình như chưa đến 30 nghìn nữa.

Không may, trưa đang chơi thì lực lượng Công an xã đi tuần, thấy cảnh sát phạt bèn bắt giải hết về xã, ra quyết định phạt hành chính. Anh chồng đi làm về mệt còn bị chính quyền mắng vốn, lại còn phải đóng phạt hành chính nên cáu lắm. Lành làm gáo vỡ làm muôi, ảnh túm vợ đánh luôn. 

Láng giềng can thì can, khuyên thì khuyên chứ ai cũng càm ràm: “Phải tao, tao cũng đánh”. Ai lại đánh phụ nữ bao giờ, giận quá thì gắt một câu rồi bỏ ra chỗ khác ngồi. Bởi mình sức dài vai rộng, hơn thua với đời thôi chứ ai lại hơn thua với phụ nữ.

Chuyện ấy cũng lâu lâu rồi.

2. Thứ dân bình thường rảnh, đàn ông thì rượu, đàn bà thì bài. Thật ra, còn có cả đề đóm, nhiều chuyện, đơm đặt… đủ cả. Nhưng ví dụ thì lấy biểu trưng thôi, ngồi phân tích từng chút một thì biết đến khi nào mới dứt. Thế nên, Ngô kể chuyện đại gia.

Ông anh là đại gia của Ngô (ổng đọc được chắc không nỡ cáu Ngô đâu, đến nhan sắc còn không thèm chấp Ngô huống hồ ông anh này) dân chơi ngoại tệ chính hiệu, sáu tháng nước ngoài sáu tháng Việt Nam. Ổng không thích gì khác ngoài tán gái. Mà tán đúng nghĩa luôn, nghĩa là tán dính em nào thì mua cho em đó cái nhà xong sống cùng nhau.

Sòn đô sòn gần cả chục em, em nào cũng trẻ lại xinh, em nào đi với ổng cũng khép nép hiền thục. Nhà có tiệc, ríu ra ríu rít chị chị em em, ngoài sức tưởng tượng của người hay nghi ngờ nhất luôn.

Mấy lúc Ngô nói cũng bớt bớt chứ anh, chứ cứ chơi kiểu này hoài thì ai mà chịu nổi. Ổng trả lời tỉnh queo, anh qua giai đoạn kiếm tiền rồi, lại thừa thời gian mà không nghiện thứ gì, nếu không tán gái thì biết làm gì khác cho đỡ chán đời đây. Khi nào Ngô bằng tuổi anh, Ngô sẽ hiểu.

Ngô cười, Ngô bằng tuổi anh nghĩ đến cảnh chạy ăn từng bữa đã toát mồ hôi rồi. Lấy đâu ra cái phúc phận mà anh đang thụ hưởng. Ngô nói xong ảnh cũng ngoác miệng cười. Đời thiệt chứ, kẻ ăn không hết người lần chẳng ra.

Mà Ngô không chỉ có mình ông anh này đâu, Ngô còn có ông anh, giai nhân vây khắp. Ông này còn độc hơn, chỉ thích ngồi trò chuyện với giai nhân, giai nhân cần giúp đỡ gì thì giúp đỡ, giúp đỡ xong lại cúc cung về với vợ. Tuyệt chưa bao giờ nghe thấy ảnh này kia kia nọ nọ. 

Lần ngạc nhiên quá Ngô hỏi: “Không làm gì thật luôn ấy?”. Ảnh bảo: “Thật chứ sao không, Ngô chơi với anh bao nhiêu năm còn hỏi vậy. Anh rảnh mà, cứ nghe phụ nữ than thở là chịu không được nên cho cái này một chút, giúp cái kia một chút vậy thôi. Chưa bao giờ anh nghĩ là sẽ a bê cê dê đê ép gì hết”. Ông này, làm Ngô chán hẳn.

Lúc Ngô nghịch: “Không ấy, anh giới thiệu thử một giai nhân cho em đi, biết đâu đấy em giúp đỡ được nhiều hơn cả anh”. Ổng gắt, “Tào lao”. Ngô cười, hihi. Ổng cũng cười, hihi. Cười xong lại băn khoăn, không biết ổng chịu giới thiệu hay không nữa. Chờ hoài mà không thấy, xem như đành thất vọng vậy.

Một ông khác mà Ngô biết, ông này không thân lắm, ông cực mê gà đá. Ổng chỉ mê gà đá thôi chứ không nghiện đá gà. Lâu lâu, cho gà nhảy sổ chân vài cái là đủ. Ổng mê đến mức có hẳn một trại gà, chuồng con nào ra con nấy, sạch sẽ tươm tất rất khoa học. 

Ổng chơi gà cũng như người ta chơi lan, chơi bonsai. Nghĩa là chơi chỉ để nhìn, không có nhu cầu buôn bán hay quy đổi gì. Thi thoảng lắm có người nằn nì, mới nhượng lại vài con gọi là dĩ hòa vi quý, giữ tình thân hữu.

3. Cái ông nghiện rượu trong xóm Ngô, cái chị mê đánh bài tứ sắc ở miệt An Giang, ông anh mê tán phụ nữ hay ông anh thích giúp đỡ giai nhân ở Sài Gòn, hoặc ông thích chơi gà… đều là những chuyện hết sức cá nhân, đều là những chuyện mặc lòng mà làm khi rảnh rỗi, cũng không ảnh hưởng đến ai, cũng không làm ai phải khó chịu. 

Bởi điều đơn giản nhất họ là dân, những người dân vô cùng bình thường cho dù có điều kiện kinh tế dư giả hay bình thường. Vì họ là dân, họ có quyền rảnh theo kiểu của họ. Nhưng làm quan thì lại khác, làm quan trên trông xuống dưới trông lên, trong trông ra ngoài trông vào, nhất định không được rảnh kiểu của thứ dân.

Quan rảnh vì việc riêng lơ là chuyện công thì dân ở địa phương đó lãnh đủ, quan rảnh xem chuyện cá nhân mình là quan trọng còn chuyện chung là bình thường thì dân ở địa phương đó đúng là vô phúc. Như chuyện vừa diễn ra ở tỉnh Thanh Hóa vậy.

Thanh Hóa thời gian qua xảy ra rất nhiều chuyện, con cá chết do nghi ngờ nhà máy lọc dầu Nghi Sơn xả thải, ông nguyên Giám đốc Sở Y tế vừa về hưu xây nhà to oạch thì bị phát hiện ký đến mấy nghìn công văn nhận người sai nguyên tắc, đề bạt lãnh đạo bệnh viện, ngành sai tè le hột me. 

Rồi còn tình trạng lạm thu, triệt tiêu sức dân ở vùng nông thôn vẫn chưa hề thuyên giảm nếu không muốn nói là ngày càng nặng nề hơn. Đến gia đình liệt sĩ cũng bị hành hạ cắt sổ nghèo vì chưa có tiền đóng phí cho thôn xã, đến đứa trẻ mới sinh cũng khóc thét vì phải đóng phí xây dựng nghĩa trang, đến người nghèo mặt xanh hơn tàu lá chuối vì hàng chục khoản thu từ trên trời rơi xuống….

Mà không đóng đâu có được, không đóng thì muôn nghìn sợi dây từ hiện thực cho đến vô hình cứ thắt chặt cuộc sống của người nông dân thôn quê.

Báo chí phản ánh từ năm này sang năm khác, từ năm khác sang năm kia, từ năm kia sang thời điểm bây giờ. Thậm chí, Thủ tướng từng phải chỉ đạo kiểm tra làm rõ, nhưng Thủ tướng cũng không xóa được tình trạng việc làng hệt loạt phóng sự của cụ Ngô Tất Tố năm xưa.

Vậy mà, chỉ vì cái thông tin tào lao trên các trang mạng, các tài khoản facebook, ông Bí thư tỉnh này phút chốc huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để minh oan cho ổng, để chứng minh cho dư luận thấy, “Tui là Bí thư tỉnh đây, tui không có bồ nhí đâu”. 

Ông Phó Bí thư cảm thấy ông Bí thư huy động cả hệ thống chính trị vẫn chưa được rốt ráo hay sao ấy, nên vội vã nói thêm với đại ý: “Chắc ảnh không có bồ nhí đâu, ảnh bị hãm hại thiệt”. Con trai ông Bí thư cũng đăng đàn bảo vệ bố.

Làm sao vậy trời? Rảnh gì rảnh dữ vậy trời. Danh dự quan nhân được hình thành từ cuộc sống của người dân theo chiều hướng tích cực hay tiêu cực chứ, danh dự quan nhân đâu từ mấy chuyện nhảm nhí như lúc bà già mất gà chửi đổng bao giờ.

Rảnh gì rảnh dữ vậy trời, rảnh vậy thì sao không giải quyết mấy vụ liên quan đến sinh kế của dân, tính minh bạch của lãnh đạo địa phương. Chứ ai lại phung phí thời gian lẫn sức lực cãi nhau theo lối con vịt khi ngủ chỉ có một chân bao giờ.

Ngô chịu hẳn, không tài nào hiểu được.

Ngô Nguyệt Hữu
.
.