Ra đi và trở về

Thứ Sáu, 22/11/2019, 11:08
Tôi trích dẫn bài thơ này không phải để nói về con đường tu hành mà để nói về cuộc sống của cá nhân tôi cũng như của mọi con người dù bất cứ ở công việc nào. Bài thơ này thực sự không chỉ để nói về con đường tu hành mà nói rộng hơn về hành động sống của mỗi con người chúng ta.


Nhà thơ người Hàn Quốc, ứng cử viên Giải Nobel văn học, Ko Un viết:

Nếu con đường ra đi để trở thành nhà sư

Thì con đường trở về là con đường trở thành Đức phật

Nhưng Người chỉ đích thực trở về

Khi đích thực ra đi

(Rút từ Năm nhà thơ hiện đại Hàn Quốc, Nxb Hội Nhà văn 2000, Nguyễn Quang Thiều dịch)

Tôi trích dẫn bài thơ này không phải để nói về con đường tu hành mà để nói về cuộc sống của cá nhân tôi cũng như của mọi con người dù bất cứ ở công việc nào. Bài thơ này thực sự không chỉ để nói về con đường tu hành mà nói rộng hơn về hành động sống của mỗi con người chúng ta.

Mỗi khi đọc lại hay nhớ lại bài thơ này, trong tâm khảm tôi luôn luôn hiện lên hình ảnh của những bông hoa và những cái hạt. Đó là hai hình ảnh chứng thực cho chân lý sống của con người. Bông hoa là biểu tượng cho sự ''ra đi'' còn cái hạt biểu tượng cho sự ''trở về''. Một bông hoa chỉ đẹp trọn vẹn khi tất cả những cánh hoa đều mở tới tận cùng.

Hạt cây - Tranh: Nguyễn Quang Thiều.

Nghĩa là, nó phải hoàn thiện sự ''nở'' của nó. Và chỉ khi nở tới tận cùng nó mới đủ thời gian và mọi yếu tố cần thiết  để sinh ra quả và đi tới bờ bến cuối cùng của cuộc đời: kết hạt. Sự mở cánh của bông hoa cũng như là hành động sống, sự dấn thân và dâng hiến tận cùng cho cái đẹp của con người. Nếu chúng ta không đi tới tận cùng trong hành động, chúng ta không thể nào chạm tới được điều chúng ta khao khát.

Trong những chuyến đi Mỹ, tôi thường ở trong ngôi nhà của nhà thơ Kevin Bowen. Ngôi nhà có khu vườn rộng với nhiều loại hoa. Và một trong những khoảng thời gian tĩnh lặng nhất, nhiều cảm xúc nhất và nhiều suy tưởng của tôi là ngồi trong vườn nhà Kevin ngắm những bông hoa. Tôi có thời gian để theo dõi nhiều ngày sự nở của bông hoa. Từng cánh, từng cánh một mở ra.

Và mỗi cánh hoa mở ra tôi lại thấy ánh sáng mở ra. Đến khi bông hoa mở hết những cánh của nó thì thực sự cả khu vườn tràn ngập ánh sáng. Rồi những cánh hoa rụng và quả bắt đầu xuất hiện. Con đường hình thành một cái quả cho dù cái quả ấy cũng lớn lên rồi chín nhưng nó lại đi một con đường ngược lại với con đường của bông hoa hay nói chính xác là nó khép kín một vòng tròn của chính nó.

Con đường thứ hai ấy là con đường của sự tinh kết. Nhiều lúc tôi nghĩ, cách mở mắt và nhắm mắt lại của chúng ta cũng cùng một nguyên lý như cách mở cánh của bông hoa và kết lại thành hạt của chính nó. Bạn hãy mở đôi mắt của mình và nhìn đời sống quanh bạn thật tập trung để đón nhận mọi hình ảnh và chuyển động của nó.

Rồi bạn từ từ khép đôi mắt mình lại để tận hưởng và chiêm nghiệm đời sống đó. Những gì bạn nhìn thấy trong tâm hồn bạn khi khép đôi mắt lại đó chính là những gì đọng lại từ cái nhìn mở của bạn. Nó chứa đựng một sức mạnh vô tận của trí tưởng tượng, của những trải nghiệm và suy tưởng và sẵn sàng bùng nổ sáng tạo.

Cuộc sống thiên nhiên thật kỳ vĩ và là người thầy vĩ đại của con người. Nếu chúng ta quan sát đời sống thiên nhiên quanh ta với một tình yêu và sự suy tưởng, chúng ta thấy thiên nhiên đã dạy chúng ta mọi điều.

Tôi tin rằng những nhà hiền triết là những người quan sát thiên nhiên một cách đắm mê nhất và đầy suy tưởng rồi luận giải một cách có hệ thống thành những cuốn sách lớn cho nhân loại.

Tôi tin rằng phép thiền hay nói cách khác là nghệ thuật thở của các thiền sư là dựa trên nguyên lý nở hoa và kết hạt của những cái cây.  Hãy cho hơi thở đi ra đến tận cùng và thu lại hơi thở cũng đến tận cùng.

Sự chuyển động của một bông hoa cho tới hạt và ngược lại có thể gợi ý về phép luân hồi chăng? Chuyển động từ hoa đến hạt và ngược lại và cứ thế tiếp tục là một chuyển động khép kín. Cái này ở trong cái kia và cái kia ở trong cái này. Vì sao vậy? Vì hai cái đó chỉ là một nhưng ở những hình thức khác nhau.

Mấy chục năm trước, tôi viết một truyện ngắn có tên là Bầy chim chìa vôi. Truyện ngắn này đã được dịch và in ở Pháp trong tập truyện ngắn của tôi có tên Cô gái bán bún (La Petite Marchande De Vermicelles).  Khi dịch truyện ngắn này, dịch giả Lê Hồng Sâm đã hỏi nhà điểu học Võ Quí rằng có phải loài chim chìa vôi sống như câu chuyện của tôi không. Nhà điểu học Võ Quí nói chính xác là như vậy.

Tôi không phải nhà điểu học mà tôi chỉ là một người quan sát bầy chim chìa vôi (đời sống thiên nhiên) bên bờ sông Đáy chảy qua làng tôi mà thôi. Truyện ngắn này kể về loài chim này thường sống ven sông. Khi sông Đáy vào mùa cạn nước, những con chim chìa vôi mẹ bay ra những doi cát giữa sông đã cạn phủ đầy các loại rong khô như tóc tiên, lá lúa, đuôi chó… để đẻ trứng.

Và rồi mùa hạ tới. Mưa suốt ngày đêm làm nước sông dâng lên. Lúc đó, những con chim chìa vôi mẹ bắt đầu dẫn những đứa con non của chúng tập đập cánh từng nhịp từ phần doi cát bị ngập nước đến phần chưa ngập nước.

Cứ như thế, chúng vừa đập cánh vừa nhảy lò cò trên mặt doi cát. Và khi nước ùa đến ngập phần cuối cùng của doi cát thì những con chim chìa vôi non đập một nhịp cánh quan trọng đầu tiên trong đời chúng để nâng chúng bay lên. Và theo chim mẹ, những con chim chìa vôi non bay về phía bờ sông, nơi chúng sẽ sống ở đó trong suốt phần đời còn lại.

Nếu những con chim non vội vã bay lên khi nước vừa dâng lên, chúng sẽ không đủ thời gian luyện cho đôi cánh chúng cứng cáp và chúng sẽ rơi xuống dòng sông trong chặng bay đầu đời từ doi cát vào bờ sông vì chưa đủ sức. Nhưng nếu chúng bay lên chậm một nhịp cánh thì nước sẽ cuốn chúng xuống lòng sông.

Tại sao những con chim ấy lại biết quyết định bay lên vào lúc đó mà không sớm hơn cũng không muộn hơn. Ai đã dạy chúng điều đó? Tôi không biết, có lẽ là do tạo hóa. Nhưng chắc chắn là chúng đã dạy cho chúng ta biết thực hiện một hành động vào lúc nào nếu chúng ta quan sát chúng và suy tưởng về đời sống này.

Một bông hoa không nở hết những cánh của nó được coi như nó không đi tới tận cùng đam mê và sứ mệnh của mình. Nó đã dừng lại và nó thất bại. Khi nó không hoàn thành sứ mệnh nở cánh thì nó không bao giờ có thể trở thành quả và cuối cùng là hạt. Và như vậy, bông hoa không bao giờ có con đường trở về đúng nghĩa.

Với con đường của nhà tu hành như trong thơ của nhà thơ Ko Un cũng vậy, chỉ khi nhà sư thực sự đi hết con đường của mình thì lúc đó mới có thể trở thành Phật. Con người chúng ta là thế. Nếu chúng ta không đi hết niềm đắm mê và sáng tạo, chúng ta lưỡng lự, ngờ vực và sợ hãi thì chúng ta chỉ là kẻ dở dang, lạc đường và thất bại là điều duy nhất chúng ta có được.

Thị xã Hà Đông, tháng 11-2019

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều
.
.