Quê nhà chìm nổi

Thứ Ba, 20/09/2016, 08:09
Anh Cần gọi điện cho mình, khoe: “Cuối tháng sau, lạy giời, nếu thuận buồm xuôi gió, cuốn sách của tôi sẽ in xong”.

Ô, vậy thì mừng cho anh quá! Thật bõ công bao ngày thấp thỏm chờ đợi. Phải tâm huyết, kỳ công lắm anh Cần mới hoàn thành cuốn sách. Sưu tầm, biên soạn, dịch thuật, lọ mọ ngồi mổ cò từng chữ trên máy vi tính, rồi tham khảo ý kiến người này người kia, nhờ hiệu đính… Xong bản thảo, lại chạy ngược chạy xuôi tìm nguồn tài trợ kinh phí in ấn. Tác phẩm đầu tiên, mà cũng có thể là tác phẩm duy nhất của ông già nhà quê đã bước sang tuổi bảy mươi.

Anh Cần cùng lứa với anh trai mình. Đàn em tụi mình cách khá xa thế hệ các ông anh nên ngày còn ở quê, chẳng mấy khi gần gũi nhau. Mãi đến khi bắt tay vào làm cuốn sách, anh Cần mới liên hệ. Người Bắc kẻ Nam, cũng chỉ gặp gỡ trao đổi với nhau qua điện thoại. 

Sách của anh là tập hợp những tư liệu lịch sử, văn hóa về cái làng của mình, chủ yếu là về ngôi đình làng - ngôi đình cổ đã mấy trăm năm tuổi. Đánh vật với chữ nghĩa, mong được cống hiến chút sức tàn vào việc lưu giữ cho đời sau hồn vía của cái mảnh đất sinh ra mình, của quê hương mình, há không phải là một nghĩa cử rất đáng trân trọng sao?

- Chú còn nhớ bài MINH khắc trên tấm gỗ sơn son thếp vàng treo ở chính điện ngôi đình không? Tôi vẫn thấy lấn cấn về mấy chữ trong đó. Chú xem lại giúp tôi lần cuối nhé. Có gì cần trao đổi, a lô ngay cho tôi. Vẫn còn đủ thời gian để chỉnh sửa, chú ạ.

Cảm cái sự tận tình của anh Cần, mình mở ngay máy tính ra đọc lại.

"THẦN CHI VI ĐỨC KỲ THỊNH HĨ HỒ. THỊ CHI NHI PHẤT KIẾN, THÍNH CHI NHI PHẤT VĂN"…

Lạ! Lần nào cũng thấy phảng phất hơi thở người xưa qua những dòng chữ cổ. Nghĩa đầy đủ của cả bài là như thế này:

"ĐỨC của thần vốn đã hưng thịnh lắm thay!

(Đức ấy) nhìn không thấy, nghe không được, mà giữ cho tiền bạc, của cải không bị hao tổn, thất thoát, khiến dân chúng tự tâm kính phục, đời đời thờ cúng.

(Đức ấy) mênh mông trước mặt, bên phải, bên trái… ta. Tưởng như bí ẩn mà hóa ra sáng tỏ! Không gì có thể che mờ được vẻ sáng láng, rực rỡ như ngọc này".

* * * 

Làng mình ngày trước là cái rốn của vùng đồng chiêm trũng. Mùa lụt nước dâng trắng đồng mênh mông như biển. Làng loi thoi đảo nhỏ phập phồng. Trẻ con tụi mình đi học phải chống thuyền nan. Thi sĩ Xuân Diệu, không hiểu nguồn cơn nào xui khiến, bất ngờ xuất hiện trên sân trường mình như một cơn nắng hửng giữa ngày mưa u ám. 

Tóc bồng bềnh gợn sóng, mắt lim dim ngất ngư, ông đọc những câu thơ vừa viết còn hôi hổi nóng về cái nơi vừa chân ướt chân ráo ghé đến: "Cứ một hòn đất chìm/ Bằng ba hòn đất nổi/ Một con đường đồng chiêm/ Bằng bảy đường đồng bãi"... 

Thầy trò chúng mình ngồi dưới há hốc miệng. Mình chiêm ngưỡng ông đến độ lạc cả thần hồn. Tóc ông xõa, mắt ông nheo, miệng ông khéo, giọng ông du dương lên bổng xuống trầm. Xem ông còn sướng hơn nghe thơ. Cho đến tận giờ vẫn nhớ như in cái lần đầu tiên được thấy tận mắt bác nhà thơ tiếng tăm lừng lẫy.

Ảnh: Nguyễn Hoàng Lâm.

Ngập úng, không đường, không điện, ăn độn, tắm ao, học đến cấp 2 như mình còn chưa biết đôi giày đôi dép là gì. Thế nhưng làng nổi danh về nghề thợ mộc. Đình chùa, miếu mạo, cung điện… nhiều nơi in dấu bàn tay tài hoa của thợ mộc làng mình: phủ Thiên Trường, cố đô Hoa Lư, phố cổ Thăng Long, chùa Keo Thái Bình, cung đình Huế… 

Hầu hết đàn ông theo nghề này, quanh năm đi làm ăn xa, chỉ về làng vào những dịp giỗ tết. Đàn bà ở nhà làm ruộng. Nhờ kiếm được đồng ra đồng vào từ nghề mộc, đời sống của dân làng khá khẩm hơn hẳn những vùng xung quanh. Sử sách còn ghi: người có công đầu đưa nghề mộc về đây chính là danh nhân Trương Hán Siêu - con người nổi tiếng với những bước thăng trầm chốn quan trường và những áng văn chương bất hủ, trong đó có "Bạch Đằng giang phú". 

Dọc đường giang hồ gió bụi, có lần Người dừng chân tá túc ngay trong cái xóm của mình. Thấy dân làng quanh năm chân lấm tay bùn mà vẫn nghèo khổ, Người cất công đi rước một kíp thợ mộc ở nơi khác về để truyền nghề. 

Khi Người mất, dân làng lập miếu thờ - miếu Quý Du (tên xóm ngày trước). Còn ngôi đền thờ tổ nghề thợ mộc dựng cạnh chùa thì gọi là Mộc từ. Miếu Quý Du vẫn còn cho đến hôm nay. Nhưng Mộc từ thì đã bị dỡ bỏ từ những năm bảy mươi của thế kỷ trước.         

Mình rời làng đi từ năm 17 tuổi. Hơn bốn mươi năm, gần Bắc, xa Nam, trụ lại nơi nào nơi ấy là quê, họa hoằn mới có dịp quay về chốn cũ. Mỗi lần như vậy, lại ngẩn ngơ trước một nếp nhà, một bụi tre, một lối ngõ, một khúc sông. Vẫn những mái nghèo rạ rơm nắng mưa bạc phếch. 

Vẫn con đường đất quanh co phủ lá tre rụng. Những dáng người lam lũ như chầm chậm bước ra từ ký ức. Con sông êm đềm trong vắt từng in bóng những cánh buồm xuôi ngược, giờ đặc kín bèo tây. Đứng bên này sông vung tay ném hòn đất cũng qua được bờ… 

Trời! Làng mình sau bốn mươi năm đây ư? Nhỏ lại, ngắn hơn, cũ đi. Mà sao vắng vẻ? Không gà gáy, không chó sủa, không trẻ con nô đùa. Vừa quen, vừa lạ. Vừa muốn dừng chân lâu lâu, vừa muốn bước nhanh qua làng…

Trên facebook có anh chàng xin kết bạn với mình, tự giới thiệu là người cùng làng. Mãi mới nhớ ra là con cháu nhà ấy nhà nọ, không những cùng làng mà còn cùng xóm. Hồi mình ở làng thì cậu chàng còn nhóc bọ. Quen là quen với bố mẹ hắn. Ông bà ấy năm nay giời còn để sống thì cũng ngót nghét tám chục. Con trai út của ông bà, gã trai vừa trở thành "bạn" mình trên mạng, giờ vợ con đề huề, cả gia đình hiện đang cư trú tại Cộng hòa Czech.

"Chú có biết vì sao cháu bỏ làng đi không?" - Vượng, đồng hương xóm ngày nào, giờ là công dân Czech, "chat"  với mình. Rồi không cần chờ lâu, anh ta "khoe" luôn - "Là vì cái vụ ông Bài "gia công" đấy, chú nhớ không?"…

Mình lặng người. Nhớ, chứ sao không? Bài thợ mộc, cũng người trong xóm, quanh năm vác dùi đục đi ăn cơm thiên hạ, bỏ đành bỏ đoạn người vợ ở nhà vò võ một mình. Bỗng một hôm có tin đồn: gã giang hồ từng vênh vang với mọi người vì túi tiền rủng rỉnh, tên đàn ông bạc tình bạc nghĩa ấy, giờ đã phải đi ăn mày! 

Chính là gã ăn mày dở người, bẩn thỉu, bệnh hoạn, đang sống dẹo dọ trong cái xó chợ ngoài thành phố. Người làng kẻ lắc đầu cười nhạt, kẻ hùng hổ đứng ra làm chứng. Chị vợ cắn răng, âm thầm đi rước gã về. Cả xóm xôn xao. 

Người nói Bài thật, người nói Bài giả - Bài "gia công". Bắt đầu một trò đùa tai ác của định mệnh. Người vợ quay cuồng trong cuộc giằng xé nội tâm dữ dội: giằng xé giữa chồng thật và chồng giả, giữa hạnh phúc và bất hạnh, giữa trói buộc và giải thoát…

Câu chuyện ngột ngạt về một ngôi làng và những người dân mất căn cước, không có căn cước ấy ám mình rất lâu về sau.

Hồi ấy, có lần mình gặp Vượng ở làng. Cậu chàng mười lăm, mười sáu tuổi mà gương mặt già cấc ấy ướm hỏi: "Chú đi nhiều, quen biết nhiều, xem thử nơi nào có việc gì hợp với cháu…". Mình suýt phì cười. Ơ, cái anh cu này! Cứ làm như ở đâu cũng sẵn một kho việc. Và tớ chỉ cần phẩy tay… "Thế ở làng không còn việc gì cho chú mày à?". Vượng thở dài, ra giọng ông cụ non: "Dào ôi… Chú còn lạ gì cái làng này! Cháu ngán nó đến tận cổ rồi. Chú nhớ thằng Quang không? Ấy đấy, Quang "còi" đấy. Bỏ học, bố đánh cho như chó, tuần trước "bùng" rồi".

Mộc từ bị phá, nghề mộc thất truyền. Hết mở mày mở mặt với thiên hạ. Vượng thoát ly, phất lên ở Czech là nhờ "đánh quả" đồ lót. Đánh những chuyến hàng lớn từ Áo, Đức, Ba Lan…

Thợ mộc tiềm tàng trở thành "vua" đồ lót - biến tấu ngoạn mục của một đời người.

* * *

Khoảng vài mươi năm trở lại đây, người làng mình bỏ đi làm ăn sinh sống ở nơi khác nhiều lắm. Sơ sơ xung quanh xóm đã có năm bảy ngôi nhà bỏ không. Cửa đóng then cài. Thềm hoang cỏ mọc. Mà nói đâu xa, ngay như nhà cũ của mình đây, khi ông anh chuyển đi đã bán cho người khác. Chủ mới cũng không ở. Mình rẽ rào vào thăm. Tường gạch thấm mưa lở lói. Sân vườn um tùm cây khôn dồn cây dại. Đành ngậm ngùi "Đi về/ này/ những lối này/ năm xưa" (1)…

Vơ vẩn hồi lâu, không hiểu sao lại sực nghĩ đến buổi dân làng từ biệt vị đại ân nhân Trương Hán Siêu. Sau quãng thời gian bị "biếm", ông lại được nhà vua gọi về ban cho chức Tả gián nghị đại phu, rồi tiếp nữa là Tham tri chính sự. Lễ nghi đưa tiễn diễn ra vào một sáng Thu trời đẹp, trên bãi đất trống đầu làng, chỗ giao nhau giữa xóm 1, xóm 2 và xóm 4 bây giờ. 

Từ chỗ này, Trương đại nhân sẽ được trai làng võng ra Phú Cốc, qua một con đỗi nhỏ lầy lội giữa cánh đồng nước chưa rút hết, rồi mới lên ngựa theo đê sông Cái ngược về kinh đô.

Chia tay thật cảm động. Trương Hán Siêu, vẫn như ngày thường sống chung với dân làng, bình dị áo vải, guốc tre, nghĩ nhiều, làm nhiều, nói ít. Thay cho những lưu luyến bùi ngùi, ông chỉ nhỏ nhẹ mấy lời gửi lại:

- Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh. Biết giữ nghề, yêu nghề thì đời đời cơm no áo ấm, chẳng mấy nỗi làng ta sẽ nổi danh thiên hạ.

Một trăm năm sau. Hai trăm năm sau. Năm trăm năm sau... Trương Hán Siêu quả là nhà tiên tri. Cho đến ngày Mộc từ bị xóa. Thanh niên Vượng rời làng tìm cách "phắn" ra nước ngoài. Rồi anh Cần thành ông lão bảy mươi, cặm cụi ngồi soạn cuốn sách tháng sau in không biết còn mấy người quan tâm tìm đọc?

Mình yêu và hiểu anh Cần. Ngày trẻ, mình cũng hăm hở một đi không trở lại. Đến khi có tuổi, tưởng đã yên hàn ở quê người, bỗng những đêm mất ngủ nhớ về chốn cũ... Nhưng mình cũng thông cảm cả với Vượng. 

Với những người như gã, cả trái đất này là mái nhà chung, chốn dung thân cho tất cả mọi người. Sao cứ phải bận lòng mãi với một bờ tre, một bến nước, một ngôi đình, một tên làng tên xóm đã trở nên chật chội? Tập làm quen với những không gian sống đa chiều, mình tin ở một nơi nào đó trên cao xanh thăm thẳm, Trương Hán Siêu đang cúi nhìn cái làng nhỏ xíu của mình bây giờ và mỉm nụ cười bao dung.

4-7-2016

Trần Đức Tiến
.
.