Quanh một chữ Thời

Thứ Ba, 24/02/2015, 11:19
Mỗi chúng ta đều có thời của mình, liên quan và chịu tác động của bối cảnh xã hội mình đang sống. Quanh chữ “thời”, thật nhiều suy tưởng, ý niệm, không chỉ khuôn khổ trong khoảng thời gian hoạch định kiếp người.

Thời đại đi qua những thế kỷ. Nhìn lại lịch sử loài người, chẳng dễ gì kiếm được thời đoạn trái đất thực sự bình yên. Những biến thiên, xáo trộn, đổi thay đã và sẽ xóa, làm lãng quên những mảnh đời thường dân bé nhỏ. Bất cứ phận kiếp nào đều chịu tác động của thời đang sống, thậm chí là hệ quả của thời trước và để lại hậu quả cho con cháu đời sau bằng cách sống của mình.

8X, cách gọi thời thượng thế hệ tôi - những người sinh thập niên 1980 thế kỷ XX, sống vắt qua hai thế kỷ; thế hệ được sinh ra và lớn lên sau chiến tranh, trưởng thành và sống phần lớn cuộc đời ở các thập niên đầu thế kỷ XXI - thời đoạn xã hội loài người lắm thử thách, biến đổi, chấn động. Ý niệm thời gian mở ra, đâu chỉ gồm con số cụ thể của giờ, phút, ngày, tháng, năm; chữ “thời” mang nội hàm giàu tính triết học.

Tính tương đối thể hiện khi người ta định lượng thời gian qua tâm trạng, ngoảnh lại phần đời đã sống: cuộc đời thật ngắn mà cũng thật dài. Ngắn hay dài, do quan điểm, hiệu suất sống. Tôi không cần mượn câu dằn vặt, nhức nhối của Hamlet: “Tồn tại hay không tồn tại?” về mình, về các vấn nạn thời cuộc. Tôi hỏi mình, hỏi anh: Điều gì nổi cộm ở thời của chúng tôi?

Thời của chúng tôi đang là thời của chúng ta. Một định nghĩa ngắn nhất? Có nhiều khái niệm, định nghĩa từ góc nhìn, hiểu biết, thế giới quan khác nhau. Truyền thông nói đây là thời kinh tế thị trường, thời công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Kẻ lại cho đây là thời thực dụng, kim tiền. Kẻ khác bảo, giờ là thời người ta thích hào nhoáng bề ngoài, thích dán mác, đánh bóng, đủ thứ giả từ bằng cấp đến nhan sắc, thời của đám háo danh. Dẫu gì, ở thời đoạn này, số người thực dụng áp đảo phía lãng mạn. Còn tôi, coi trọng giá trị tinh thần và đề cao nghệ thuật khao khát mãnh liệt: thời Văn.

Văn trong mơ ước ấy là: Văn hóa, văn chương, nhân văn. Nếu đây là thời văn chương được tôn trọng, văn hóa đọc không suy giảm thảm hại, sẽ có rất nhiều tâm hồn được cứu rỗi, tính cách con người sẽ thay đổi. Tiếc thay, văn chương không là môn thời thượng, không phải môn học được yêu thích. Người ta đổ tại cách dạy, lối truyền thụ, tư duy thực dụng thời vụ áp đảo, văn chương bị xem nhẹ, thậm chí bị tước khỏi môn thi vào khối các trường nghệ thuật - nơi đào tạo các nghệ sĩ chứ không phải đào tạo thợ. Thật vô lý! Thời trang xâm lấn những quan điểm lựa chọn của số đông - trang phục hợp thời, hợp mốt, còn là một khái niệm phổ biến ở các phạm trù đa dạng khác. Tính bền vững lâu dài hình như lạc điệu trước bão “nhu cầu thời trang”.

Minh họa: Lê Phương

Các từ “Thời” không chỉ dùng đơn nghĩa theo nghĩa gốc. Mỗi ngày, VTV có gần chục bản tin thời tiết, sự phát triển công nghệ giúp các đài khí tượng dự báo được thời tiết trước 4 ngày. Từ thời tiết của thiên nhiên đến thời tiết xã hội, thời tiết chính trị là cả tổng quan thời cuộc.

Thời kỳ nào đều có dấu ấn vào lịch sử. Thời chiến, thời bình đều tác động đến vận hành xã hội. Thời vận của mỗi con người, quốc gia do quyết sách điều hành của lãnh đạo, còn lệ thuộc may rủi, thời thế. “Gặp thời thế, thế thời phải thế”- câu thơ là đúc kết về cách sống, phải biết sống, biết mình biết người. Tinh khôn, nhân tài chưa chắc đã bằng kẻ thức thời, hợp thời.

Thời thế tạo anh hùng, thời thế cũng chọn ra, nhấn mạnh, khẳng định nhân vật khác thường, vĩ nhân nổi trội, kiệt xuất. Thời yên hay thời loạn đều cần thủ lĩnh, lãnh tụ. Sau những biến động, những chuyện thời đàm, thời luận là những đề tài ngẫm ngợi cho mỗi người về thời đang sống. Xu thế hiện nay: tin tức cập nhật từng giờ thậm chí từng phút, lịch sử báo chí thế giới sang trang, báo giấy theo xu hướng thời báo chuyển qua báo điện tử. Mỗi lĩnh vực, con người muốn thành công, đều phải biết chớp thời cơ và thời điểm tỏa sáng.

Chuyện đương thời hôm nay, ngoài những cao cả lớn lao, mối âu lo thường trực hàng ngày là về thời cuộc của một thế giới nhiều biến động, giao tranh, lấn chiếm, vẫn súng đạn, thảm sát, khủng bố, máu và nước mắt. Những tác động trực diện, tính hợp thời thành hợp mốt hơn là tác động thẩm thấu ý vị sâu xa. Vậy văn chương sẽ dành cho ai? Hay chỉ dành cho người làm văn nghệ và ai còn cho phép mình mơ mộng.

Tốc độ và tham vọng quay cuồng khiến nhiều kẻ thất lạc chính mình, không dám và không thể sống đúng con người mình. Phần mềm máy tính được nâng cấp và hiện đại chưa từng có, công nghệ thông tin đạt đỉnh cao hơn mọi thời đại trước. Con người hôm nay sao không được thư thả, đầy yếu đuối và bất an, nỗi sợ và triền miên chống cự mệt mỏi, cái ác ngày càng tinh vi hơn. Tội ác của chiến tranh hay cái ác của con người chưa bao giờ kết thúc; tham vọng bá quyền, đàn áp, áp đảo đồng loại, dân tộc hay quốc gia, không chỉ nằm trong những kẻ độc tài, bành trướng. Nhân loại ngày nay phải đối mặt và tự vật lộn nội chiến từ nội tại, trong giao tranh khốc liệt của ý nghĩ: thế nào là đủ, bao giờ mới đủ, với sự thanh thản và niềm tin?

Chính mối bất an ấy đã khiến Hội đồng Hàn lâm giải Goncourt Pháp 2014 trao cho tiểu thuyết Pas Pleurer (Đừng khóc, NXB Éditions Seuil) cho nữ sĩ, bác sĩ Lydie Salvayre (sinh tại Pháp năm 1948, bố mẹ là người Tây Ban Nha) viết về cuộc nội chiến đẫm máu của Tây Ban Nha, thời tên độc tài Francisco Franco.

Với Lydie Salvayre, tiếng Pháp là ngôn ngữ tuyệt vời nhất để đi vào thế giới văn chương. Sử dụng hai gam nóng - lạnh, giữa sự cuồng bạo và dịu dàng, thô ráp và tinh tế, Đừng khóc pha trộn tính hài hước sôi nổi của ngôn ngữ Tây Ban Nha và sự thâm thúy lãng mạn của tiếng Pháp đã làm mê hoặc độc giả bởi chiều sâu của triết lý về chiến tranh.

Sự trưởng thành của bà ở một quốc gia khác (tuy cận kề quê hương), khiến nhà văn liên tưởng đến kinh nghiệm lai chủng ngôn ngữ Pháp - Việt và dấu ấn hai quốc gia ở trường hợp tác giả Người tình, Marguerite Duras (1914-1996, giải Goncourt 1984).

Đã có nhà văn nghi ngờ văn chương và cái Đẹp không thể cứu rỗi được thế giới bạo động, phức tạp bây giờ. Tôi vẫn giữ lãng mạn và bền tin vào ước mơ lên ngôi trở lại của văn chương nói riêng trong giá trị tinh thần cũng như cái Đẹp, tác động của nghệ thuật, cảm thức nhân văn sẽ dẫn lối loài người. Đấy không phải phụ thuộc vào thời giá của thị trường, vào giá tiền ở bìa sách, tham vọng được lưu danh chống trả sự lãng quên bằng mở ngoặc đơn năm sinh - mất sau tên mình; mà ở sự lay thức từ thượng tầng xã hội sẽ dẫn dắt tâm thái, lương tri thời đại. Tác động, độ bền lâu, tính ảnh hưởng của văn chương vẫn là nền tảng gốc của tinh thần.

Tôi đã có dịp ghé thăm các nhà hàng, quán cà phê danh tiếng nhất Paris - nơi nhiều chính trị gia, nghệ sĩ lừng danh thế giới lui tới thời đàm, sáng tác. Paris phồn hoa đô hội lộng lẫy không ít góc tối tăm và dân nghèo. Tất cả đều được thể hiện trong tác phẩm văn chương Pháp ở các thời. Có những đêm trắng cùng dân vô gia cư đói rét không ngủ được và đêm trắng của giới văn sĩ trong nhà hàng Drouant (từ 1880), hàng năm giải thưởng văn Goncourt và Renaudot được vinh danh tại đây.

Tổng kết mọi lĩnh vực về năm 2014 trên toàn cầu của các báo, đài truyền hình, hãng thông tấn có thể khác nhau, tựu trung đều đồng điệu ở những sự thật báo động: Tình trạng biến đổi khí hậu, các cánh rừng biến mất vì bị cháy, chặt phá cùng nhiều loại thực - động vật bị khai thác, săn bắn đẩy đến bờ vực tuyệt chủng do con người khai thác tàn bạo, nước biển nóng và dâng lên, lực lượng khủng bố man rợ và hiếu sát IS, đặc biệt là năm bi kịch hàng không: nhiều tai nạn và máy bay biến mất….

Song dù thế nào, năm mới tới vẫn đem theo hi vọng cho chúng ta. Năm 2015 - thời của những thử thách phức tạp hơn, khó khăn hơn và cũng đáng lạc quan và hi vọng - tâm lý cần có ở mọi thời. Thời tôi sống là thời của đời yêu. Muốn kiếp người ngắn ngủi có dấu ấn thì phải dám sống, dám yêu, và nhất thiết phải có sự hướng thiện, thiện tâm và tình yêu thương con người, niềm đam mê đắm say tha thiết, sống tử tế với đam mê quyết liệt và lý tưởng, tận lực cố gắng sẽ làm được điều vượt trên mức bình thường, với những hệ quả, ý nghĩa vượt khỏi tính thời vụ. Khi ấy, thời sẽ là mãi mãi.

Vi Thùy Linh
.
.