Quanh một chấm xanh

Thứ Hai, 25/02/2019, 13:08
Có ngồi lâu với ông Nguyễn Xuân Phi, Bí thư TP Thanh Hóa cũng thấy chuyện không nhạt và bừng ra lắm sự lạ.

Chuyện ông là Chủ nhiệm đề tài Phát triển TP Thanh Hóa hiện đại, bền vững hướng tới đô thị xanh - thông minh chẳng hạn. Những mảng tươi mới về việc mở mang xây cất của TP Thanh Hóa hiện đang dần dịch chuyển về phía Nam sông Mã hóa ra ông là một trong những cú hích đắc lực. 

Chuyện ông kiên trì thuyết phục để đặt tên vị chúa tiên khởi Nguyễn Hoàng cho đại lộ nối với cụm tượng đài Chim Hạc tại  Nút giao Hạc Thành kết nối giao thông Bắc - Nam chỗ vòng xuyến của đại lộ Hùng Vương, đại lộ Lê Lợi và đại lộ Nguyễn Hoàng mới xây cất. Rồi chuyện ông tiếc hùi hụi cái tên Trường Sa Hoàng Sa đặt cho đại lộ cũng mới mở đã không thành như thế nào. 

Còn một thứ ông chưa nói đúng hơn là chưa có thời gian để nói. Đó chuyện hàn vi ông phất lên bằng bất động sản và thú chơi cây cảnh lâu nay.

Ông chưa nói nhưng nhiều người nói, nhắc tới ông như một kỳ nhân chơi cây cảnh cỡ trội nổi của xứ Thanh!

…Khi đã lên xe, ông Phi nói đang đưa chúng tôi đi coi một thứ lạ. Mà xa. Mãi tận… mạn ngược!

May đường cũng dễ đi. Non trưa thì đến một bản có tên là Yên Khương nằm giáp ranh giữa Quan Sơn và huyện Lang Chánh. Từ mặt đường trải nhựa ngó xuống một thung lũng đã thấy một nấm xanh rì cao cao nổi trội giữa ngàn xanh. Chỉ vài trăm bước theo lối mòn quanh co, đột ngột phát lộ trước mắt một thứ thụ mộc hơi bị khủng.

Tôi may mắn nhiều dịp được đi coi lẫn quan chiêm thụ mộc lẫn kỳ hoa dị thảo của thiên hạ cũng lắm nhưng cũng phải bật lên âm thanh ngạc nhiên khi chứng kiến một thứ cổ thụ mà phải gọi là vưu vật mới phải? Đó là cây sấu hiếm hoi còn sót lại của đại ngàn xanh mạn ngược Xứ Thanh sau bao tao loạn chặt phá hủy diệt rừng trước đây. 

Không biết bên kiểm lâm cung cấp cho ông Phi những thông số về thứ cổ thụ này chính xác đến đâu nhưng tôi nghe lại cái gộc sấu này cao khoảng mấy chục mét và gốc chừng hơn mươi người ôm mới xuể, tán che rợp cả một vùng. Và tuổi thọ thật đáng nể, đâu như tới ngót cả ngàn năm!

Bí thư Nguyễn Xuân Phi (thứ hai từ trái sang) bên cây sấu cổ thụ. Ảnh: Nguyễn Thông

Bừng lên trong đầu bao nhiêu là dấu hỏi. Cái giống sấu là thứ bản địa của Đại Việt hay là thứ cây di thực? Hoàng thành Thăng Long chỗ Điện Kính Thiên cũng cơ man sấu cổ. Được trồng tự bao giờ so với các triều Lý, Trần, Lê? 

Nhưng so với cụ sấu sừng sững và chằng chịt những u mấu này có lẽ chỉ thuộc hàng cháu chít? Lạ là quanh gốc, những nhịp đá núi hình thù sống động với cái thế tự nhiên lúc bò trườn khi dựng đứng làm thành một vòng lớn như một thứ thông điệp ngầm  của Cao Xanh của Con Tạo muốn chở che, hộ vệ cho thứ  vưu vật này? Lại xôm tụ thứ cây tày ôm quanh cụ sấu như châu tuần khiến  khung cảnh đâm sinh sắc, hồn cốt. 

Chuyện với một người dân đi theo thấy cồn lên bao nỗi tiếc xót… Rằng cách nay mới có ba, bốn mươi năm tại vị trí này và quanh đây, là bạt ngàn rừng già. Mà những thứ thụ gộc cỡ em út so với cụ sấu này vẫn còn kha khá! Thế mà chả chiến tranh bom đạn trận mạc gì, ta, vâng ta phá cả. Thi nhau mà phá. Dân phá một nhưng theo cái đà vô trách nhiệm lẫn hớ hênh và cả những thông đồng của ông nhà nước của nhà chức việc, nạn chặt phá rừng cứ là ồ ạt.

Mà lạ sao cụ sấu này lại còn sót? Chất giọng bí hiểm của người dẫn đường đại loại từ lẩu lâu, cụ cây này đã nằm trong tầm ngắm nằm trong trù liệu của đám lâm tặc. 

Nhưng hễ lần nào đám sơn tràng đụng cưa vào cây gốc hoặc sớm hơn ngồi dưới gốc mà bàn định ý đồ triệt hạ khai thác là thể nào cũng có chuyện! Chuyện chi? À thì không đau bụng nôn thốc nôn tháo thì cũng bột phát những triệu chứng của bệnh sốt rét rừng.

Sau một hồi lâu những ô, a chẹp miệng thán phục, tôi cảnh giác ngầm ngó cung cách hăm hở xăng xái của ông Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Phi. Khi ông vòng đi vòng lại quanh gốc, sờ vuốt rồi xoa xoa cả lên những mỏm đá vây quanh. Lúc thì miệng lẩm nhẩm ngước lên giời như đang trù tính điều gì?

Nói cảnh giác cũng có duyên do cả đấy!

Biết bao thứ gộc thụ mộc dẫu kích cỡ loại nào, thâm niên bao nhiêu nằm ở chốn thâm sơn cùng cốc nào cũng được các tay tầm đại gia chơi cây cảnh cấu kết chặt chẽ với đám lâm tặc và cả chuyên gia, kỹ sư nông nghiệp không hiểu bằng cách nào phương pháp gì đã đánh, bứng đi di chuyển hàng trăm hàng ngàn cây số đến cái nơi cần đến. 

Đám ấy chả biết dùng loại thuốc kích thích gì, thủ thuật bonsai ra sao mà hầu hết các cụ đều được hồi sinh và sống sót nơi đất lạ. Nơi các cụ đến có thể là khuôn viên của đại gia, đầu nậu cây cảnh và mảnh vườn không thiếu những kỳ hoa dị thảo của đám quan chức tham tàn, ăn của dân không từ một cái gì! 

Trước nay ta cứ nhăm nhăm quy kết đổ diệt cho nạn phá rừng chảy máu rừng thủ phạm là bọn lâm tặc cấu kết với kiểm lâm biến chất. Nhưng dường như lơi như quên cái đám cổ thụ tặc? 

Lẩn thẩn nghĩ thêm, bây giờ Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng giao cho ngành kiểm lâm và cơ quan chức năng nào đó đi làm cái việc khảo sát kê biên xem đại gia cây cảnh nào, khuôn viên của quan chức nào mà đương bày đặt đang chình ình những thụ mộc thuộc loài quý hiếm loại trong sách đỏ, đang trong vòng tầm soát của ngành kiểm lâm thì chắc chắn có ối chuyện để nói?

Cái đám bị can dự bị ấy sau này phát giác ra rồi sẽ bàn tiếp. Tôi đang nhớ lần ngồi với nhà sử học Dương Trung Quốc. Câu chuyện hôm ấy không bàn đến thể chế hay thứ di tích cùng niên đại nào đó. Mà dường như là thứ lạc đề tài. Câu chuyện xoay quanh đề tài cây, Vâng cây cũng là di tích. Cây quanh đền, quanh chùa, quanh di tích lịch sử đã đành. 

Cây cổ thụ, thứ thụ mộc ở vùng miền nào đó cũng là thứ biên niên về lịch sử, về văn hóa, phong tục tập quán. Rằng thứ thụ mộc cao niên ấy, thứ thực thể sống luôn phát ra loại năng lượng nào đó khoa học đã đo được dường như có hồn cốt. Rằng giống cổ mộc ấy đã thành tinh! 

Motip trong dân gian, trong cổ sử thường nhắc đến những báo ứng kỳ bí khủng khiếp. Dẫu có là bậc quân vương hay kẻ sất phu nào đó phạm phải cũng chuốc họa. Nào là cưa rìu đụng vào thốt nhiên bật lên tiếng kêu khóc. Nhựa cây tứa ra ròng ròng sắc đỏ như máu. Nếu có rinh về dựng cột trong cung điện hay cất nhà thì thứ gỗ thành tinh ấy sẽ ám khiến khuynh gia bại sản.  

Rằng cái đám chuyên triệt hạ và kiếm chác thương mại thứ thụ mộc ấy sao mãi vẫn chưa thấm cái câu răn ngàn đời: ăn của rừng rưng rưng nước mắt. Và trong các thứ tội đồ, hình phạt của phần âm khủng khiếp nhất vẫn là nhất phá sơn lâm, nhì đâm Hà bá!

Ngó kiểu sải bước chầm chậm của ông Phi bên gộc sấu,  tôi bất giác hướng cái nhìn sang anh Triều Nguyệt. Anh Nguyệt đồng môn Khoa Văn Tổng hợp về làm báo ở xứ Thanh nhiều năm. Cổng nhà Triều Nguyệt có gộc cây me tiện tha về đã lâu để lăn lóc. 

Lần ấy ông Phi ghé chơi, ngắm ngó hồi lâu bảo để cho ông mang về chăm không thì nó chết mất. Triều Nguyệt nghĩ  ngay đến cái hoa tay cùng tố chất như phù thủy của tay chơi cây cảnh Nguyễn Xuân Phi từng hồi sinh cải biến bao thứ gốc gộc, mẩu cây tưởng như vất đi thành thứ bắt mắt đáng bạc triệu bạc tỷ.

Ông Phi tha gốc me về khuôn viên sầm uất cây cảnh của Công ty Sông Mã khi đó ông Phi đương là giám đốc. Chả biết ông tắm tưới phù phép những gì mà gốc me lăn lóc của Triều Nguyệt năm nào nay thành thứ bắt mắt có người đã trả giá vài trăm triệu!

Trở lại cái cảm giác cảnh giác. Có thật ông Phi chỉ tình cờ đưa chúng tôi lên tận xứ rừng Lang Chánh chỉ để nếm trải cái thú du lịch? Rằng hay thì thật là hay và quả là thú vị khi được chạm mắt chạm tay với thứ cổ mộc tươi tốt sống động cao niên ngót ngàn tuổi này. Hay là ông  đang có toan tính gì khác? Định rinh về xuôi chăng? Chả thế mà quan chức kiêm đại gia cây cảnh này dường như thoắt trầm ngâm và ít nhời hẳn đi?

Xoải người trên chiếc ghế tre của quán đợi món canh măng nấu ếch nổi tiếng của xứ đồng rừng Lang Chánh. Ngó ông Phi như đã thoát khỏi vẻ trầm ngâm? Ông xích cái ghế lại gần chúng tôi. Vị rượu ngâm sâu chít và thứ bén ngọt của măng ếch như nổi trội hơn khi ông cứ nhẩn nha tiếp nối câu chuyện. Đó là một chuyện, một việc hơi bị lạ lẫn ngạc nhiên.

Bằng chất giọng rủ rỉ, ông bộc bạch một ý định, nói đúng hơn là một dự án lớn. Rằng ông từng thuộc nằm lòng những cánh rừng miền ngược Thanh Hóa. Rằng rất ít những thứ thụ mộc so được với tầm cỡ của cây sấu cổ thụ kia. Ông nói đến cái sự mong manh của thứ cây quý hiếm đương chỏng chơ và hớ hênh trước nạn lâm tặc ma quái tinh vi… Nên bằng mọi cách phải giữ lại không thì có tội với hậu thế!

Tôi suýt bật lên những ngạc nhiên. Tiếng là Bí thư thành ủy của thành phố Thanh Hóa kiêm Chủ tịch HĐND thành phố, nhưng quyền hành chỉ trong phạm vi địa hạt của mình thôi chứ. Lại ở tít dưới xuôi thì ông giữ làm sao?

Chất giọng bình thản của ông Phi đã ghìm sự ngạc nhiên lại. Hóa ra tiếng nói của một Thường vụ Tỉnh ủy như ông ít nhiều sức nặng? Ông đã bàn sơ bộ với bên kiểm lâm lẫn địa phương cái phương án hay dự án của mình.   

Đại để vị thế cùng chút kinh phí khiêm tốn của ông sẽ là cú hích để địa phương xây dựng một khu sinh thái và điểm nhấn là cây sấu cổ thụ. Sẽ dựng một cái miếu thờ dung dị bên gốc. Rằng tín ngưỡng tâm linh cũng là lực lượng bảo vệ vô hình nhưng hữu hiệu. Địa phương sẽ mở các quán bán sản vật đặc sản trong khu sinh thái. 

Qua những mách bảo và thông tin trên các phương tiện thông tin, khách du lịch sẽ tìm đến khu sinh thái này tham quan, cắm trại kết hợp với vài cảnh trí gần đây tính thêm đến kiểu du lịch Homestay. 

Cầu mong cho dự án sinh thái của ông Phi và bà con Lang Chánh suôn sẻ để mai kia trên bản đồ du lịch xứ Thanh thêm một chấm xanh cây sấu di sản Lang Chánh.

Mà sự cầu cũng có cơ sở. Hình như tạo nên những kỳ mộc kỳ thụ và kỳ hoa dị thảo phải là cỡ kỳ nhân mới thành?

Xuân Ba
.
.