Quà cho phụ nữ

Thứ Hai, 25/01/2021, 14:35
Mấy năm trước bố tôi ốm, nằm viện đằng đẵng. Nhà chia nhau vào trông, chị gái ban ngày và tôi thì ban đêm. Cái việc trông người bệnh vất vả, đa số người túc trực loanh quanh đó thật kỳ lại toàn là phụ nữ.

Từ bao nhiêu năm qua, mẹ và chị là những nhân tố quan trọng trong mọi “sự kiện” của gia đình. Lầm lũi từ thời bao cấp với gạo, dầu hỏa, tem phiếu, sửa nhà, bắt trộm cho đến khi gia đình có điều kiện hơn mọi thứ không mấy thay đổi. Thậm chí còn là chỗ dựa nhiều vấn đề của họ hàng. Mẹ bán nhiều tài sản để tìm đường cho tôi hướng thiện, còn chị thì chưa bao giờ chùn tay để giáo dục thằng em bé thì nghịch, lớn thì hư, may đến trung niên bỗng nhiên điềm đạm lẫn biết điều.

Cạnh giường bố tôi có ông kinh doanh nhà nghỉ dưới Hải Dương, thằng con ông hồn nhiên kể tội bố bồ bịch “nửa thành phố”. Ông ấy đến khi ốm nặng mới mò về, mẹ nó đưa ra Hà Nội chữa, nằm hôn mê từ xuân sang đông, cạn kiệt tiền bạc. Đêm bà ngủ dưới gầm giường chồng, thằng con ngủ ngoài hành lang.

Bà ấy ít nói, hay ngồi cạnh giường cầm tay chồng, lặng lẽ nhìn ra cửa sổ. Bà chính xác đến từng phút giờ ăn đêm 2 tiếng/lần, lạch cạch pha sữa hút xi-lanh chậm rãi bơm ống sonde vào cái thân thể như phẳng lỳ dưới lớp chăn mỏng. Bà thấy tôi vụng việc, bảo cứ ngủ đi đến giờ cô cho cả 2 ông ăn một thể.

Trong căn phòng hồi sức cấp cứu đủ thành phần xã hội, xăm trổ nghiện hút, thanh niên công chức và cả những ông già hưu trí. Đám đàn ông mạnh miệng khi khoẻ hình như lúc ốm gương mặt đều nhang nhác con mèo, rên rỉ, há miệng hờ hờ đón miếng cháo từ tay vợ nuốt chầm chậm gắng gượng bày tỏ đau đớn qua ánh mắt.

Cái cách họ chăm chồng, con tôi thấy là bản soi chiếu về mẹ và chị. Điều gì khiến những người phụ nữ lại can đảm và cần mẫn đến vậy? Mẹ có bản năng che chắn cho con, thế còn những người đàn ông của đời họ, chỉ quàng chút phận cũng lấy nhiều hi sinh đến vậy.

Có lần anh bạn giữa đêm đông nhắn tin thăm hỏi rồi đòi vào thăm bố. Tôi đoán anh say, nói đừng vào giờ này. Không can được, ông ấy vào thăm thật, được vài phút thì ra hành lang ngồi ngủ gật. Điện thoại, ví văng tung toé. Thế là tôi trông thêm một “bệnh nhân” say, bởi trong các bệnh viện nói chung vẫn thường xuyên xảy ra tình trạng trộm cắp của thân nhân người bệnh.

Mấy đêm trước vợ ông nhà nghỉ sáng chui khỏi gầm giường, đứng lên, chiếc quần vải rách tung toé bởi vết rạch dao lam. Vài triệu cuối cùng giấu kỹ ở túi vải trong đũng quần đã mất sạch, chiếc điện thoại Nokia đen trắng cũng không còn. Bà ngồi ôm mặt khóc nấc thành tiếng, đó là khoản tiền phẫu thuật cho chồng. Tôi đi gom người nhà trong ấy mỗi người một chút đủ khoản chi phí mổ cho cô.

Tôi thoáng nghĩ, không biết ông chồng đào hoa nằm kia có nghe thấy tiếng khóc đó hay không?

Chợt nghĩ, đàn ông thật đúng không nên ngoan ngoãn há mồm ăn cháo, ư ử rên như mèo trong viện, say xỉn biết mò được về nhà an lành... Thì đó đã là món quà hoành tráng cho người phụ nữ của mình, đừng trông chờ vào ngày 8/3 để bày tỏ sự thảo mai qua bó hoa mua vội bên lề đường.

Cu Trí
.
.