Phỏng vấn xích lô

Chủ Nhật, 10/01/2016, 09:51
Phóng viên (PV): Chào anh xích lô, cuộc sống của anh dạo này thế nào?
Xích lô: À, tôi nghỉ ngơi. Tôi suy nghĩ.

PV: Nghỉ ngơi theo kiểu gì ạ?

Xích lô: Kiểu vĩnh viễn. Tôi hiểu thời đại của xích lô đã qua rồi. Mãi mãi qua.

PV: Đừng nói thế. Vẫn có những xích lô chở khách du lịch kia mà.

Xích lô: Không lâu đâu. Do thứ nhất cũng chả có đường mà chạy thong dong. Và thứ hai, muốn tồn tại với du lịch phải có tính văn hóa, mà theo ý kiến cá nhân tôi, cái cảnh một ông to béo ngồi, một bác gầy gò còng lưng đạp chả có văn hóa gì cả.

PV: Ừ nhỉ. Vậy xin hỏi thật nhé, anh có buồn không?

Xích lô: Tôi không buồn cho tôi,  bởi thời đại của xích lô đã chấm dứt. Mà buồn cho xe đạp.

PV: Xe đạp?

Xích lô: Ừ. Đã có một thời, đặc biệt như Hà Nội được gọi là “Thủ đô của xe đạp”.

Minh họa: Lê Tâm.

PV: Vậy kỷ niệm thời ấy với anh là gì ạ?

Xích lô: Nhiều lắm. Nào tiếng chuông kính coong, nào tiếng bánh xe quay lách cách. Nhưng kỷ niệm lớn nhất, đẹp nhất và cao quý nhất là thời đó không có khói bụi và không có kẹt xe.

PV: À, đúng thật. Ngày xưa chả ai biết kẹt xe là gì?

Xích lô: Xe đạp chiếm một vị trí rất nhỏ trên mặt đường. Hoàn toàn không tốn xăng và nếu có gây ra tai nạn giao thông thì thiệt hại chủ yếu là rách áo rách quần. Toàn những phẩm chất tuyệt vời ngày nay rất hiếm.

PV: Tôi cũng công nhận như thế.

Xích lô: Vậy xin hỏi nhà báo, tại sao bây giờ xe đạp không còn nữa? Người ta không còn coi đó là phương tiện giao thông?

PV: Tại vì người ta cần đi nhanh.

Xích lô: Hoàn toàn sai. Tôi tin chắc là cùng một quãng đường trong thành phố hôm nay, đi xe máy cũng chả nhanh hơn xe đạp ngày xưa chút nào.

PV: Đúng vậy. Chắc bởi hôm nay người ta chọn xe máy vì sang.

Xích lô: Cũng sai. Ngồi xe máy bây giờ cũng chẳng còn sang gì hết. Xe máy từ lâu đã trở thành một tài sản quá thông thường. Rõ ràng, theo suy nghĩ của tôi, việc lãng quên xe đạp như một phương tiện giao thông vừa an toàn, vừa tiện lợi, vừa bảo vệ môi trường là một sai lầm rất lớn.

PV: Có vẻ như anh đúng.

Xích lô: Nhiều nước châu Âu nơi có mật độ xe hơi cực cao, đã hiểu ra điều này. Họ có đường dành riêng cho xe đạp, có tuần lễ đi xe đạp và có cả bộ trưởng đi làm bằng xe đạp.

PV: Chúng ta cũng vừa có cảnh sát tuần tra bằng xe đạp đấy thôi.

Xích lô: Đó là một ý kiến rất hay. Nó hoàn toàn không phải xuất phát từ lý do thơ mộng, mà chính quyền đã thấy chỉ có xe đạp mới đủ cơ động, đủ kỹ càng và đủ chậm rãi giúp cho các chiến sĩ quan sát trên đường. Nói cách khác, đấy là một chủ trương được rút ra từ thực tế. Tôi chỉ ngạc nhiên là sao người dân không áp dụng đại trà.

PV: Theo anh, chúng ta cần vận động mọi người quay lại đi xe đạp?

Xích lô: Đúng thế. Đặc biệt với khoảng cách gần. Xe đạp hôm nay đã rẻ tới mức ai cũng dễ dàng mua được. Đã tốt đến mức ít khi hư hỏng và đã nhẹ và nhỏ đến mức có thể cắp nách mang theo. Toàn những lý do vô cùng ưu thế. Chính vì lẽ đó, ở Nhật Bản có nhiều con phố họ cho phép đi xe đạp trên cả vỉa hè.

PV: Hay đấy.

Xích lô: Đó là chưa nói đến đi xe đạp tốt cho sức khỏe khiến nhiều đàn ông và nhiều phụ nữ giảm được bệnh béo phì. Bệnh lớn nhất của người thành phố hôm nay là lười vận động. Ôi, tôi nhớ mãi hình ảnh ngày xưa thơ mộng của thành phố với các cô nữ sinh đạp xe ở Bờ Hồ. Ngồi trên xe máy lấy đâu ra vẻ nên thơ đó. Tôi tin chắc nếu sự biến mất của xích lô là quy luật tất yếu, thì sự mất đi của xe đạp là một sai lầm.

Lê Thị Liên Hoan
.
.