Phỏng vấn một thợ may

Thứ Ba, 04/11/2014, 17:10

Thợ may: Anh đi đâu mà có vẻ vội vàng thế?
Phóng viên (PV): A, đi làm việc. Đi tìm người quan trọng để phỏng vấn những vấn đề quan trọng.

Thợ may: Thế tại sao không phỏng vấn thợ may?

PV: Anh ư? Anh có gì để nói. Anh chưa bao giờ là điểm nóng của xã hội cả.

Thợ may: Ý nhà báo tuyên bố là nghề nghiệp của tôi tẻ nhạt.

PV: Tôi chả dám nói vậy. Nhưng thú thực tôi tin nó cũng chẳng sâu đậm gì.

Thợ may: Nhầm rồi, trong những cuộc cách mạng trên đời, có cả cách mạng về thời trang.

PV: Ừ nhỉ. Nhưng chắc đấy là cách mạng êm đềm.

Thợ may: Không bao giờ có cách mạng êm đềm. Chân lý ấy là chắc chắn. Sự cách tân, sự bùng nổ của thời trang luôn luôn là những cột mốc đáng nhớ trong lịch sử nhân loại.

PV: Vâng. Nhưng xin hỏi anh, ví dụ như cách mạng công nghiệp bắt đầu từ máy hơi nước. Thì cách mạng thời trang bắt đầu từ đâu?

Thợ may: Nhiều thứ. Chẳng hạn như quần Jean.

Minh họa: Lê Phương.

PV: Quần Jean.

Thợ may: Đúng thế. Có thể ví quần Jean như mì gói trong ẩm thực. Chưa có vật gì đơn giản thế, đẹp thế và phổ biến thế.

PV: Khoan đã. Vậy anh có biết gần đây một số trường đại học rộ lên phong trào cấm sinh viên mặc quần Jean không?

Thợ may: Tôi biết. Và tôi cực kỳ kinh ngạc. Trên toàn thế giới này, khéo chỉ có ở ta mới cấm sinh viên mặc quần như vậy.

PV: Vì sao?

Thợ may: Vì bất cứ ai cũng biết quần Jean sinh ra là dành cho giới trẻ. Cấm sinh viên mặc quần Jean có khác nào cấm người lính mặc quân phục.

PV: Chắc không?

Thợ may: Chắc chắn. Ở bất cứ trường đại học nào trên thế giới và bất cứ giờ phút nào người ta thống kê có ít nhất 70% sinh viên cả nam lẫn nữ mặc quần Jean.

PV: Lý do?

Thợ may: Vì hàng ngàn lý do tuyệt vời. Thứ nhất là nó tiện, thứ hai là nó bền, thứ ba là nó không cản trở các hoạt động, thứ tư là nó không cần giặt ủi cầu kỳ, thứ năm nó nhiều mẫu mã phong phú, thứ sáu nó đẹp và thứ bảy nó rẻ tiền.

PV: Rẻ tiền?

Thợ may: Chính xác. Ngay tại Việt Nam, ngay tại thời điểm này, một chiếc quần Jean có thể mua trên dưới 100 ngàn đồng ở khắp mọi nơi, không có quần gì giá thấp hơn thế được. Do nó được sản xuất công nghiệp từ hàng chục năm nay.

PV: Thế tại sao các ban giám hiệu lại cấm?

Thợ may: Tôi không hiểu nổi điều đó cả về thẩm mỹ, về kinh tế cũng như về khoa học.

PV: Chắc họ có những lý do khác với thợ may. Họ cải cách giáo dục.

Thợ may: Bất cứ cuộc cải cách tiến bộ nào có lẽ cũng nên bắt đầu bằng mở mang chứ không phải bằng cấm đoán. Việc cấm sinh viên mặc quần Jean theo tôi là một hành động hình thức chủ nghĩa, chẳng hề giải quyết tận gốc các vấn đề giáo dục. Nó có mùi của những biện pháp hành chính, của những phương pháp giáo điều vốn đầy rẫy trong các cơ sở sư phạm chúng ta. Sao không cấm ngồi im trong lớp, cấm cả tuần không có phát biểu gì, cấm không đọc sách mới, cấm sao chép trên google, cấm trả lời trên sách giáo khoa có phải hơn không?

PV: Nói tóm lại, anh phản đối lệnh cấm quần Jean?

Thợ may: Phản đối kịch liệt, tôi toát mồ hôi khi nghĩ đến việc sinh viên bỏ ra hàng trăm ngàn để may mới quần tây. Tôi toát mồ hôi khi nghĩ tới việc mô hình cấm được nhân rộng. Cái áo không làm nên thầy tu thì cái quần không làm nên gì cả

Lê Thị Liên Hoan
.
.