Phỏng vấn một quan tòa

Thứ Năm, 25/06/2015, 05:46
Phóng viên (PV): Thưa ông, nguyên tắc xét xử cao nhất của một tòa án là gì ạ?

Quan tòa: Theo ý kiến cá nhân tôi, chỉ có bốn chữ thôi: Độc lập, khách quan.

PV: Xin ông nói rõ hơn hai ý đó?

Quan tòa: Độc lập là không bị sự chi phối của một thế lực nào. Khách quan là không đứng về một phía nào trước khi xét xử.

PV: Vậy thưa ông, trong một xã hội văn minh, điều gì cần tránh nhất?

Quan tòa: Đó là việc mỗi cá nhân cho mình cái quyền tự xét xử, không thông qua tòa án.

PV: Xin ông cho một ví dụ?

Quan tòa: Chẳng hạn tôi rất ngạc nhiên khi trong một số vụ án gần đây, đặc biệt là khi xảy ra tai nạn giao thông, có nhiều nạn nhân bỗng dưng “bãi nại” cho thủ phạm.

PV: Nói cách khác là đề nghị xin tha, không truy tố.

Quan tòa: Đúng vậy.

PV: Tại sao họ lại làm thế?

Quan tòa: Rất nhiều người dân cũng đang tự hỏi câu này.

Chắc nhà báo cũng biết, luật pháp sinh ra không đơn giản để trả thù. Luật pháp còn phải có tính răn đe, tính cảnh báo, tính giáo dục.

Nói cụ thể hơn, qua các bản án, mỗi công nhân cần phải rút ra bài học cho mình, cần phải hiểu rõ hậu quả khi để xảy ra vi phạm.

PV: Chính xác.

Quan tòa: Vậy “bãi nại” là sao? Là nạn nhân hoặc gia đình họ tự phán xét à?  Khi làm như thế hầu như họ chả căn cứ vào đâu, trừ cảm tính. Mà cảm tính luôn luôn là thứ đáng phải loại bỏ nhất khi luận tội.

Minh họa: Lê Tâm.

PV: Vâng, thưa ông. Nhưng theo tôi, đa số các trường hợp bãi nại này đều dựa vào cảm tính nhân đạo, một thứ rất đáng quý trong cuộc sống.

Quan tòa: Nếu hiểu nhân đạo đơn giản là tha thứ thì vô cùng nguy hiểm. Nhân đạo còn phải làm sao để tội phạm chùn bước. Bởi vì làm gì có, ở đâu có một sự nhân đạo chung chung. Mọi sự nhân đạo phải được hướng tới lợi ích của cộng đồng.

PV: Nói cụ thể ra, nếu trừng phạt thủ phạm để xã hội tốt lên, đó cũng là nhân đạo?

Quan tòa: Đúng. Không nghi ngờ điều này.

Cho nên không ai có thể cấm việc các nạn nhân đưa ra ý kiến bãi nại cho thủ phạm. Nhưng tòa án cùng lắm chỉ có thể cho đó là một nhân tố tham khảo, chứ không bao giờ nên bãi bỏ việc ra tòa.

PV: Tôi cũng nghĩ như vậy.

Quan tòa: Tôi xin nhấn mạnh là bất cứ một phiên tòa nào cũng không phải là việc nội bộ của nạn nhân và bị cáo, càng không phải “việc nhà”. Cho nên hành vi “bãi nại” không thể là một điều kiện có tính quyết định.

PV: Đồng ý.

Quan tòa: Đã vậy, trên thực tế, sau khi vụ án xảy ra, rất nhiều gia đình nạn nhân đã bị mua chuộc, bị nài nỉ, thậm chí bị đe dọa, bị ép buộc phải làm đơn bãi nại. Những hành động ấy luôn diễn ra đằng sau hậu trường mà chúng ta không thể nào biết hết được.

Chấp nhận cho bãi nại, là chấp nhận và khuyến khích các hành vi này.

Nếu để xảy ra bãi nại tràn lan, vai trò của tòa án, của pháp luật chắc chắn bị xem nhẹ, nhiều người dân cứ tin chắc mình có thể tự dàn xếp các vấn đề pháp lý, như vậy nguy hiểm vô cùng.

PV: Nhất trí

Quan tòa: Cho nên theo tôi, ít ra trong các vụ án hình sự, chúng ta không chấp nhận quyền bãi nại. Chỉ có tòa án, không ai ngoài tòa án, được quyền tuyên bố có tội hoặc không có tội và bị trừng phạt ra sao!

Lê Thị Liên Hoan
.
.