Phỏng vấn một phù thủy (Phần 2)

Thứ Ba, 11/09/2012, 11:05
PV: Thưa bà, trong số báo trước chúng ta đã bàn về sự thần diệu của những cô bé hay cậu bé con nhà nghèo đậu thủ khoa đi thi đại học?

Phù Thủy: Đấy không phải là nghèo. Bởi có những đứa cực nghèo. Hai chục ngàn cũng là một số tiền quá to.

PV: Vâng. Cực nghèo, và chúng ta đều nhất trí gọi đó là các anh hùng.

Phù Thủy: Rõ ràng là anh hùng. Nhưng rồi sau nữa? Gọi một tiếng oang oang như thế sau đó thôi à.

PV: Tôi chưa hiểu ý bà?

Phù Thủy: Ý tôi là xã hội luôn luôn cần có những biện pháp cụ thể cả tinh thần lẫn vật chất để khuyến khích những cá nhân biết phấn đấu trở thành các nhân tài.

PV: Vâng.

Phù Thủy: Các học sinh đỗ đầu này lại tài tới hai lần. Vừa chiến thắng khoa học, vừa chiến thắng cái nghèo, đã vậy lại chiến thắng một mình lặng lẽ chả hề có động viên cổ vũ gì cả. Vậy mà sau đó tôi chưa thấy ai làm gì cho những đứa trẻ ấy.

PV: Ừ nhỉ.

Phù Thủy: Nếu tôi nhớ không nhầm, biết bao cơ quan quản lý đã sốt ruột trông chờ một huy chương Olympic và đổ tiền tỷ cho chuyện ấy, mặc dù nói thẳng ra một vài chiến thắng ở đó chỉ là chiến thắng về cơ bắp mà thôi. Làm sao có giá trị với đất nước hơn những huy chương kiến thức này được.

PV: Vâng. Và nước nhà chắc chắn không thể tiến lên từ cơ bắp mà phải từ kiến thức khoa học.

Phù Thủy: Tôi tin tưởng chắc rằng những thí sinh nhà nghèo đỗ thủ khoa vừa là tấm gương, vừa là đỉnh cao vô cùng đáng trân trọng của xã hội hôm nay xứng đáng được tôn vinh theo những cách cụ thể.

PV: Đồng ý.

Phù Thủy: Do vậy, tôi rất ngạc nhiên và thậm chí thất vọng thấy ngoài các bài viết trên một số báo, đài, các học sinh thủ khoa có hoàn cảnh khó khăn không nhận được gì hơn. Đáng lẽ một quan chức của Bộ Giáo dục phải gửi thư khen, nếu không muốn nói phải đến tận nhà cảm ơn và thăm hỏi. Hoặc phải công bố ngay những phần thưởng như trao học bổng hoặc trao cả tiêu chuẩn du học.

Minh họa: Lê Tâm

PV: Tôi cũng đồng ý vậy, nếu tôi nhớ không nhầm cũng trong kì thế vận hội Olympic Luân Đôn đang diễn ra nhiều vận động viên đoạt huy chương vàng đã được các nhà lãnh đạo đích thân chúc mừng. Không lẽ một học sinh nghèo đậu thủ khoa chả đáng một ông…Thứ trưởng lên tiếng?

Phù Thủy: Nhân tài là nguyên khí quốc gia. Hình như nhiều nơi đã nói mãi điều này. Nguyên khí đâu tự dưng mà có, cần phải bồi dưỡng, giáo dục và động viên. Mọi nhà quản lý chắc đều hiểu như thế. Biết rằng so sánh không nên nhưng lòng tôi hơi buồn khi nghĩ tới các trò chơi truyền hình có giải thưởng hàng trăm triệu, các cuộc thi sắc đẹp kèm theo vương miện nửa tỷ đồng. Trong khi một đứa bé đi học bao nhiêu năm được điểm cao nhất thì chỉ được vài phóng viên ca ngợi. Sao cứ phải sang Luân Đôn để kiếm huy chương mà bỏ quên những nhà vô địch ở chính làng quê mình?

PV: Một câu hỏi rất hay.

Phù Thủy: Tôi cần một câu trả lời hay. À không, tôi cần một câu trả lời cụ thể nhưng tôi cũng  thú nhận chả biết phải đặt ra cho cá nhân nào.

PV: Có rất nhiều người cần chịu trách nhiệm về nền giáo dục yếu kém và cũng có rất nhiều người để thắc mắc khi một học sinh xuất sắc bị lãng phí.

Phù Thủy: Câu chuyện này không nêu tên đích danh ai. Nhưng tôi nghĩ giáo dục không phải là một khoa học vô cảm. Nó nhân văn. Tôi nhớ ngày xưa cố Bộ trưởng Bộ Đại học Tạ Quang Bửu vốn là một nhà khoa học lớn luôn luôn tổ chức họp mặt dành cho những thủ khoa trong cả nước hàng năm. Tại sao một cuộc họp hay và thiết thực như thế hôm nay lại mất đi?

Lê Thị Liên Hoan
.
.