Phỏng vấn một ông Tây

Thứ Hai, 08/06/2020, 10:57
Tôi có tên, có quốc tịch, có tất cả các thứ, nhưng sang Việt Nam, cụ thể đến Hà Nội, đi đâu tôi cũng được gọi là Tây...

Phóng viên (PV):  Thưa ông, tên ông là gì?

TÂY: Tôi có tên, có quốc tịch, có tất cả các thứ, nhưng sang Việt Nam, cụ thể đến Hà Nội, đi đâu tôi cũng được gọi là Tây.

PV: Ừ. Đó là một cách gọi cho ngắn gọn, cho dễ hiểu, chứ không hề có ý gì đâu.

TÂY: Tôi hiểu. Mặc dù xuất xứ của Tây là Pháp, nhưng bây giờ đã thành một cái tên chung. Nó đơn giản, dễ hiểu, tiện lợi.

Minh họa: Lê Tâm

PV: Ông đã ở Hà Nội, vậy theo ông thành phố ấy có đặc điểm nổi bật gì?

TÂY: Rất nhiều. Rất thú vị. Nhưng sau vài tháng, tôi đã hiểu đến Hà Nội mà không tới các khu phố cổ thì thật uổng phí vô cùng.

PV: Vâng, cả triệu người biết điều đó cả trăm năm nay.

TÂY: Nhưng nhà báo ơi, cả trăm năm nay mới có một thứ lần đầu tiên xuất hiện, nhà báo biết đấy là gì không?

PV: Để tôi nghĩ xem. À, chắc là dịch COVID-19.

TÂY: Đúng thế. Dịch ấy gây ra nhiều tác hại chắc ai cũng rõ. Nhưng nó cũng làm lộ ra một số thứ bình thường không nhìn thấy được.

PV: Ví dụ là gì?

TÂY: Phố cổ! Tất cả dân Hà Nội cả tây lẫn ta đều tin chắc mình rành phố cổ, biết phố cổ và phải hiểu phố cổ đến tận cùng.

PV: Ừ, cả tôi cũng thế.

TÂY: Thế nhưng đợt dịch này là không báo trước, không hề chuẩn bị trước, phố cổ bỗng hiện ra với một diện mạo khác hoàn toàn và khác rất lâu, rất kỹ. Đó là sự vắng lặng.

PV: Vắng lặng?

TÂY: Đúng. Đùng một cái, các con phố hàng ngày đi chỉ nhón được bàn chân, phải va chạm nhau để ngồi, để đứng, để di chuyển, bỗng trở nên thanh vắng đến ngỡ ngàng.

PV: Vâng. Và chả biết bao giờ có cơ hội như vậy nữa.

TÂY: Trong những ngày đó, khi lang thang trên các con phố vắng lặng, thanh bình, tôi mới nhận ra các vẻ đẹp, vẻ xấu của phố cổ.

PV: Hãy nói về vẻ xấu trước đi

TÂY: Ngày xưa học giả Vương Hồng Sển, một người chơi đồ cổ nổi tiếng vô cùng có viết câu châm ngôn "Nhất dáng, nhì men, tam toàn, tứ cổ", nghĩa là sự vẹn toàn còn xếp trên sự xa xưa.

PV: Thế à?

TÂY: Vậy mà phố cổ hiện ra nham nhở quá, người ta giữ gìn và bảo tồn không kỹ, những sự chắp vá sửa chữa và xây mới lỗ mỗ, được đám đông che khuất bất thình lình hiện ra khiến chúng vô cùng nham nhở. Đấy là thật sự đau lòng.

PV: Tôi hiểu, nhưng chịu thôi ông ạ, cuộc sống phải tồn tại và mỗi gia đình phải làm cho không gian của họ thích ứng với sinh tồn. Không thể ngăn cản nổi.

TÂY: Bằng kinh nghiệm khi đi nhiều nước có nhiều khu phố cổ, tôi không tin là không thể ngăn cản nổi nhưng tôi tin bây giờ đã trễ mất rồi. Tiếc quá!

PV: Vâng. Tiếc quá!

TÂY: Có lẽ ít thành phố nào trên thế giới hiện nay có một loạt phố cổ liền nhau đến thế và mang bản sắc đến thế như Hà Nội. Nhưng giá mà chúng còn nguyên.

PV: Vâng, giá mà.

TÂY: Thật tiếc cho những ai trong những ngày dịch bệnh không đi bộ trong phố cổ một lần. Sẽ có một cảm xúc không thể nào tả được và không biết khi nào mới có lại được.

PV: Trừ khi… tới dịch lần sau!

TÂY: Có lẽ lúc ấy ta mới thấy hết giá trị của cảnh quan và sự hoài niệm của thời gian trên những ngôi nhà.

PV: Hay thật! Vậy còn cái tốt, thưa ông?

TÂY: Hồn phố cổ Hà Nội ở đâu? Ở các bức tường rêu, các mái ngói xô nghiêng hay là dân cư trong đó?

PV: Ông ạ, theo tôi thì hồn phố cổ ở trong tranh họa sĩ Bùi Xuân Phái.

TÂY: Bùi Xuân Phái cũng chỉ là một người dân. Hồn phố cổ có khả năng là toàn bộ dân cư trong những ngôi nhà mà ông ấy vẽ. Đột nhiên, những dân cư ấy không ra đường khiến cả không gian mênh mông chìm trong tĩnh lặng.

PV: Không có tiếng còi xe, tiếng rao hàng, tiếng bước chân và tiếng cãi nhau.

TÂY: Không có tất cả các tiếng ấy cứ như toàn dân phố cổ Hà Nội đã đi Tây. Thế là Tây chợt nhận ra sự lao xao là một phần không thể thiếu của nơi này.

Không rõ một âm thanh gì, không nổi bật một tiếng kêu gì nhưng tiếng vọng từ phố cổ chẳng thể lẫn vào đâu được.

PV: Mà nhân loại chưa có bảo tàng âm thanh.

TÂY: Đúng quá! Điều đó tiếc vô cùng.

Lê Thị Liên Hoan
.
.