Phỏng vấn một cụ già tập dưỡng sinh

Thứ Sáu, 26/09/2008, 09:00
Phóng viên: Thưa cụ, tại sao dưỡng sinh không được đưa vào thi đấu tại thế vận hội?
Cụ già: Tại vì những vận động viên tập luyện môn đó không cần huy chương.

Phóng viên: Thưa cụ, nhân nói tới huy chương, vừa qua, rất nhiều người hâm mộ thành tích của đoàn thể thao Trung Quốc.
Cụ già: Tôi biết. Và tôi cũng công nhận rằng họ rất đáng khen.
Phóng viên: Gần như cả thế giới đều khen.
Cụ già: Không hoàn toàn như thế. Chính các nhà phân tích người Trung Quốc, trong lúc tỉnh táo, cũng nói rằng họ cần phấn đấu nhiều, vì huy chương vàng ở các môn điền kinh, tức những môn cơ bản, Trung Quốc hầu như không có.
Phóng viên: Nhưng dù sao họ cũng là một cường quốc thể thao!
Cụ già: Không thể đơn giản chỉ đếm số huy chương là kết luận ngay như thế.
Phóng viên: Vậy phải đếm cái gì?
Cụ già: Đếm số người thực sự tham gia tập luyện hàng ngày. Đếm tỷ số chia theo đầu người trên diện tích phòng thể dục.
Phóng viên: Nếu căn cứ vào các con số đó?
Cụ già: Thì Trung Quốc còn thua không ít nước.
Phóng viên: Nghĩa là…
Cụ già: Nghĩa là thể thao thực sự không chỉ cần đến huy chương. Nó còn cần đến tính phổ cập.
Phóng viên: À.
Cụ già: Huy chương nhiều khi chỉ là kết quả của sự bồi dưỡng tập trung. Cũng giống như một quốc gia có nhiều học sinh đoạt huy chương vàng Toán Quốc tế, chưa chắc đã là một quốc gia có nền giáo dục phát triển cao. Do đó, huy chương đâu phải lúc nào cũng nói lên đầy đủ.
Phóng viên: À.
Cụ già: Vội vàng căn cứ vào lượng huy chương rồi tự ru ngủ mình là điều chính người Trung Quốc cũng không làm. Chỉ có vài người nơi khác tự suy ra một cách ngây thơ.
Phóng viên: Và tự mắc giùm cho họ cái bệnh thành tích.
Cụ già: Phải. Đã từ lâu, toàn thế giới hiểu rằng cường quốc thể thao là cường quốc mà các nhà thi đấu, các trang thiết bị tập luyện, các sân vận động được xã hội hóa tới toàn dân chứ không phải là những công trình chỉ mở ra trình diễn khi có dịp.
Phóng viên: Nói cách khác…
Cụ già: Nói cách khác, quốc gia có mười huy chương vàng về cử tạ chưa chắc đã được xếp cao hơn quốc gia chẳng có huy chương nào nhưng toàn thể thanh niên lại đang cử tạ hằng ngày.
Phóng viên: Tóm lại, các nhà phân tích, hay nói đúng hơn, các nhà khoa học luôn luôn tỉnh táo. Họ một mặt khuyên vận động viên của quốc gia mình thi đấu hết sức, mặt khác lại không hề bị chói mắt bởi các huy chương.
Cụ già: Ờ. Cái bệnh chỉ nhìn vào huy chương, từ huy chương suy ra thành tựu là bệnh của ai kia!
Phóng viên: Của những vận động viên thích thi môn… báo cáo.
Cụ già: Hình như thế. Đừng quên rằng từ lâu thế giới đã đi vào thực chất, rất nhiều quốc gia, trong các trường trung học và đại học đều có các nhà thi đấu. Và rất nhiều môn trong ấy… không thi. Vượt lên chính mình, đấy mới là khẩu hiệu của nền thể thao chân chính!

.
.