Phỏng vấn một con trâu

Thứ Bảy, 23/03/2013, 11:45

PV: Thưa anh trâu, trong cuộc đời này, điều an ủi lớn nhất của anh là gì?
Trâu: Tôi thông minh hơn bò.

PV: Anh thông minh hơn bò ư? Xin anh đưa ra bằng chứng?

Trâu: Da bò bị lột làm giày dép, thịt bò bày trên đĩa, còn sữa bò làm pho mát mà bò vẫn cười. Tôi không thể nào hồn nhiên như thế!

PV: Hồn nhiên?

Trâu: Đúng. Thái độ của bò trước những sự đối xử bất công với mình khiến tôi kinh hoàng, xót xa và ngạc nhiên. Rõ ràng bò không được giáo dục kỹ lưỡng nhân phẩm, à quên, bò phẩm trong xã hội.

PV: Tôi không đồng ý suy nghĩ đó, anh trâu ạ. Dù có được giáo dục tốt kiến thức, thì bò cũng khó phát huy nếu như không được pháp luật hay chính sách bảo vệ. Nói cách khác, nếu như cho bò nhân cách, à quên, bò cách, mà không giáo dục cho những kẻ khác sự kiềm chế xâm phạm bò thì cũng thiếu hiệu quả.

Trâu: Có lẽ nhà báo nói đúng. Chúng tôi không tự bảo vệ được mình, dù có nhận thức tới đâu. Điều ấy phụ thuộc vào con người.

PV: Thưa anh, nếu như có trâu trắng, trâu đen, trâu già, trâu trẻ thì cũng không có con người chung chung. Họ chia ra con người trí thức, người bình dân, người ăn chơi, người lao động

Trâu: Tôi chưa hiểu hết về con người, cũng như tin rằng con người còn lâu mới hiểu hết về trâu. Nhưng thứ tôi muốn nói hôm nay là người trong lễ hội.

PV: A, lễ hội! Chuyện đó bây giờ rất có vấn đề. Quá nhiều lễ hội đang tràn lan.

Trâu: Chưa nói tới việc tràn lan. Hãy bàn về cách cư xử. Không thể tưởng tượng được, không thể chấp nhận được khi mỗi năm trong Lễ hội Chọi Trâu, người ta xẻ thịt ngay con trâu vô địch rồi bán liền tại đó.

PV: Ái chà!

Trâu: Nhà báo đừng ra vẻ giật mình. Nhà báo biết thừa chuyện ấy. Trâu bị giết trước hàng ngàn cặp mắt, ngay sau phút đăng quang.

PV: Giết như thế nào?

Trâu: Giết theo nghĩa đen. Có chọc tiết, có lột da, có chặt đầu, có róc xương. Nói tóm lại, giết không một chút thơ mộng hay êm đềm gì.

PV: Rồi sau đó?

Trâu: Người ta tranh nhau mua. Mua sạch. Không sót một cái…móng chân.

PV: Để thờ à?

Trâu: Thờ? Như thế còn chút văn minh. Để ăn.

PV: Ăn như thế nào?

Trâu: Như ăn mọi thứ! Nghĩa là có nhai, có nuốt, có…nhồm nhoàm

PV: Kinh khủng.

Trâu: Đúng. Vô cùng kinh khủng về ba phương diện: Thứ nhất, đối xử với nhà vô địch bằng cách xẻ thịt là một hành vi đối xử man rợ.

Thứ hai, giết nhà vô địch một cách công khai là một hành vi dã man, hoàn toàn phản cảm xúc.

Thứ ba, bán xương thịt nhà vô địch một cách cao giá hoàn toàn chứng tỏ sự yếu kém về niềm tin.

PV: Xin anh nói rõ ý cuối cùng.

Trâu: Chỉ có những con người thiếu lòng tin vào chính mình và vào xã hội mới tự huyễn hoặc rằng ăn những thứ mạnh mẽ sẽ trở nên mạnh mẽ. Chính những kẻ như thế đã nấu cao hổ, chặt sừng tê giác, ngâm rắn hổ mang và nhai thịt trâu. Chính những kẻ như thế mới nghĩ tới việc vay mượn, à không, nghĩ tới cướp bóc sức mạnh của loài vật.

Tôi, dù với tư cách trâu, cũng hoàn toàn khẳng định mình nói đúng. Và điều đau đớn nhất là tôi đang phải khẳng định như thế trong thế kỷ XXI.

PV: Anh ơi, lễ hội này là truyền thống.

Trâu: Chính truyền thống của chúng ta cũng có câu “miếng ăn là miếng nhục”. Vậy nhân cách ở đâu mà phô bày cái nhục cho thiên hạ xem.

PV: Ý anh là bắt đầu từ mai, trâu vô địch sẽ lên sân khấu hoặc đóng phim?

Trâu: Ý tôi là không được đưa lên đĩa. Đấy mãi mãi không phải là chỗ tôn vinh, là chỗ sự văn minh nảy nở.

PV: Anh phải biết, ở Tây Nguyên, cả trăm năm trước, có Lễ Đâm trâu và trâu cũng bị đâm.

Trâu: Ít ra khi đâm trâu ở đó, người ta còn đóng khố. Còn ở đây, họ mặc complê.

Tôi cứ giương mắt lên nhìn những ông ăn mặc lịch sự, đeo điện thoại di động, cặp máy tính xách tay chen nhau mua thịt trâu loại nhất về ăn. Và tôi thấy một bằng chứng rõ ràng của việc công nghệ không tạo nên nhân cách. Nó chỉ là một phương tiện. Lý do gì biết bao người nhìn bề ngoài có vẻ văn minh tới thế mà lại tin rằng nhai một miếng thịt trâu sẽ sáng suốt và thành đạt trong cuộc sống.

PV: Kết luận lại, anh phản đối việc giết trâu, bán trâu một cách công khai trong lễ hội?

Trâu: Tôi không những phản đối mà còn phẫn nộ pha thất vọng. Tôi nói vậy hoàn toàn không tiếc thân mình. Nếu nhờ ăn thịt tôi mà mọi người trở nên nhân ái hơn thì xin cứ việc. Bằng không hãy chấm dứt ngay!

L.T.L.H.
.
.