Phỏng vấn một con trâu (Kỳ II)

Thứ Hai, 08/04/2013, 15:40
PV: Thưa anh, lần trước anh đã than phiền về tình trạng lễ hội, sau đó người ta giết trâu. Anh nói đúng. Tôi thông cảm với nỗi buồn đó. Nhưng suy cho cùng, trâu sinh ra không phải để dự lễ hội.
Trâu: Mà để kéo cày chứ gì? Tôi biết.
>> Phỏng vấn một con trâu

PV: Vâng. Kéo cày là nhiệm vụ chính, thiêng liêng cao cả ngàn đời của trâu và anh hãy vinh dự về điều đó.

Trâu: Tôi đã từng vinh dự. Còn bây giờ tôi đang tự hỏi mình và tự hỏi xã hội: Tại sao tôi phải kéo cày?

PV: Vì kéo cày làm ra hạt lúa.

Trâu: Phải. Trâu đã giúp người làm ra hạt lúa. Nhưng đã có bao giờ người tự hỏi: Tại sao cứ mãi mãi phải làm ra hạt lúa chưa?

PV: Ơ kìa, lúa là lương thực cơ bản.

Trâu: Cơ bản của ai? Rất nhiều quốc gia trên thế giới không ăn gạo, hoặc ăn rất ít.

PV: Ừ nhỉ.

Trâu: Và rất nhiều nhà khoa học đang khuyên chúng ta hàng ngày phải giảm khẩu phần ăn có chất bột đường.

PV: Tại sao?

Trâu: Tại chất ấy gây béo phì và cung cấp ít năng lượng.

Minh họa: Lê Tâm.

Nói cách khác vai trò của gạo không hề lớn trên thế giới, xét về đủ mọi mặt. Mặt dễ thấy nhất là những quốc gia xuất khẩu gạo nhiều nhất chưa khi nào nằm trong số các quốc gia giàu nhất.

PV: Chính xác.

Trâu: Chả cần nhìn ra thế giới, chỉ nhìn trong nước thôi cũng thấy vai trò của hạt gạo nhỏ bé đến thế nào, giá một cái vé xem phim có khi bằng mười ký gạo, giá một chai rượu ngoại bằng cả trăm ký, giá một chai nước ngọt bằng hai ba ký. Rõ ràng người có thóc đầy bồ hôm nay vẫn là người nghèo.

PV: Xót xa quá.

Trâu: Rất xót xa. Với tư cách trâu, tôi quá hiểu làm ra một hạt thóc vất vả như thế nào. Nhưng để mua một chiếc xe máy, một chiếc tivi, nông dân phải bán đi hàng ngàn ký thóc. Hậu quả như nhà báo cũng thấy, nông dân được mùa mà vẫn không khá.

PV: Hoàn toàn không khá. Nông dân luôn chiếm tỷ lệ nghèo cao nhất trong dân số nước mình.

Trâu: Có thể nói, một bác nông dân lên thành phố hỏi bất cứ cái gì mà quy ra thóc cũng run rẩy cả người. Tôi đã đi cùng với các bác ấy nhiều lần nên tôi biết.

PV: Vậy làm sao bây giờ? Không lẽ khuyên tất cả các nông dân trở thành nhà báo hay thành diễn viên.

Trâu: Tại sao không khuyên họ thôi trồng lúa?

PV: Cái gì? Nông dân mà thôi trồng lúa? Họ chuyển sang làm ca sĩ hết à?

Trâu: Ca sĩ cứ để anh Đan Trường hay anh Lam Trường làm. Nông dân trồng cây khác.

PV: Cây gì?

Trâu: Cây gì đừng hỏi trâu, mà hỏi các nhà khoa học.

Nhưng tôi biết một điều chắc chắn: Rất, rất nhiều cây trên thế giới có giá đắt hơn cây lúa rất xa. Và chúng ta hoàn toàn trồng được. Tôi nhắc lại: lúa gạo luôn nằm trong tốp sản phẩm có giá rẻ nhất hành tinh, và không hiểu lý do gì chúng ta cứ khăng khăng bám lấy nó.

PV: Vì thói quen.

Trâu: Đúng. Đầu tiên do thói quen.

PV: Sau đó về những lý do vĩ đại hơn. Ví dụ như an ninh lương thực.

Trâu: An ninh lương thực? Liệu câu ấy còn giá trị bao nhiêu trong nền kinh tế toàn cầu? Nếu anh có an ninh lúa, thiên hạ cũng có an ninh cà phê, an ninh thịt bò, an ninh sữa hoặc an ninh rượu vang?

Ai dám khẳng định an ninh nào quan trọng hơn an ninh nào?

PV: Chả ai dám bảo hết.

Trâu: Tôi kinh ngạc khi chúng ta cứ khăng khăng trồng lúa, cứ tư duy mãi mãi về việc nâng cao sản lượng lúa mà không chịu thay đổi.

PV: Anh nói thế hay do anh ngại kéo cày?

Trâu: Trâu cày hôm nay thật ra luôn luôn chiếm tỷ lệ nhỏ trong số trâu lấy thịt hay lấy sữa. Trong cộng đồng trâu, trâu lao động chân tay cũng ít hơn lao động bằng các bộ phận khác.

Nhân danh trâu, tôi kêu gọi các nhà khoa học hãy giúp nông dân thay đổi tận gốc rễ phương thức canh tác, đừng khăng khăng bám vào trâu hoặc bám duy nhất vào một loại cây

L.T.L.H.
.
.