Phỏng vấn một con trâu (Kỳ 4)

Thứ Năm, 02/05/2013, 10:33

PV: Thưa anh Trâu, ngoài kéo cày và suy nghĩ về lúa gạo ra, anh còn lo lắng gì nữa cho bản thân mình?
Trâu: Bản thân tôi coi như đã xong rồi, bây giờ tôi lo cho…chó!

PV: Chó? Đó là bạn anh à?

Trâu: Tất cả các con vật đều là bạn của nhau và hy vọng con người cũng thế.

PV: Nhưng anh lo cho chó từ hồi nào?

Trâu: Từ rất lâu. Nhưng gần đây đặc biệt nổi cộm vì lý do đang có dư luận ồn lên khi một ông Tây chê những ai ăn thịt chó bên Ta là xấu.

PV: Tôi biết chuyện đó. Và tôi nghĩ ông Tây không được công bằng. Vì bên Tây cũng ăn và đối xử với nhiều con vật chả mấy văn minh.

Trâu: Xin nhà báo bình tĩnh. Tất cả các sự so sánh đều khập khiễng, nhất là trong thời buổi hiện nay, ăn không còn là một nhu cầu, nó đã trở thành văn hoá.

PV: Văn hoá cần đa dạng.

Trâu: Đúng. Nhưng cũng cần nâng cao.

Về thành phần dinh dưỡng, thịt chó cũng như thịt gà, lợn, trâu, bò mà thôi.

Minh họa của Lê Tâm.

PV: Có khác chăng là ở một vài gia vị.

Trâu: A, nói thế chứng tỏ nhà báo đã ăn?

PV: Thú thực là có ăn. Nhưng không nhiều.

Trâu: Tại sao không nhiều? Khi món ấy hoàn toàn không đắt?

PV: Đúng. Không đắt. Nhưng thú thực, tôi cứ thấy ngại ngại…

Trâu: Ngại bởi không giống với các con vật khác, chó là một loài vô cùng gần gũi với người, nghĩa người và chó có quan hệ tình cảm, thậm chí có thể gọi là tình cảm sâu sắc.

PV: Vâng.

Trâu: Do đó ăn thịt chó, chắc chắn không thể tách khỏi cảm giác ăn thịt…bạn mình. Đó là một cảm giác có thực. Và tôi tin chắc, chính nhờ những cảm giác như thế mà loài người trở nên vĩ đại trên hành tinh này.

PV: Đúng.

Trâu: Rõ ràng không thể chối cãi một hiện thực, những ai ăn thịt chó có một tâm trạng bất an. Độ bất an càng cao...

PV: Khi chó càng thân!

Trâu: Và khi người ăn càng có văn hoá. Hãy nhìn vào thực tế: càng giáo sư, càng tiến sĩ, càng nhà khoa học, hoặc nhà văn hoá có uy tín càng ít ăn thịt chó, thậm chí tuyệt đối không ăn.

PV: Tôi tin như thế.

Trâu: Không nên vội vã chụp mũ cho những ai xơi thịt chó. Nhưng càng không nên “nâng cao” chuyện ấy, coi đấy như một truyền thống, một nét gì đó cần phải…bảo tồn.

PV: Một gia đình không muốn ai nhìn vào bếp của mình và một quốc gia cũng thế.

Trâu: Tận đáy lòng (mà ai chả biết, đáy lòng Trâu vô cùng trong sáng) tôi phản đối việc ăn thịt chó.

PV: Anh đâu có quyền cấm?

Trâu: Nhưng có quyền không thích. Trong các quyền con người và quyền con Trâu, quyền không thích là quyền thiêng liêng và nó hay ở chỗ không khi nào cần giải thích. Nhưng nếu nhà báo bắt tôi phải cố trình bày, tôi xin mạn phép nên gọi người đừng xơi những gì đã gắn bó với mình một cách thắm thiết. Điều ấy trái với những quy ước mà chính người đã đề ra.

PV: Có một câu ngạn ngữ như thế này “con gì nuôi cũng thịt”.

Trâu: Nếu hiểu câu ấy một cách tận cùng thì chính người phải bị xơi, vì người xuất hiện trên trái đất sau loài vật rất xa và thuở ban đầu chính Trâu, chó, dê, gà đã nuôi người chứ không phải ngược lại.

PV: Ừ nhỉ.

Trâu: Nhưng nếu hiểu một cách thanh cao thì nuôi để thịt và nuôi để làm bạn là rất khác nhau. Và chỉ có những ai man rợ mới không nhìn ra ranh giới đó.

PV: Cuộc tranh luận Đông Tây giữa ăn và không ăn thịt chó, anh Trâu ạ, thực ra không khi nào là tranh luận về ẩm thực. Nó luôn là tranh cãi về hai lối sống và bất cứ một dân tộc nào cũng khó chịu khi có ai chỉ trích cách sống của họ.

Trâu: Nhưng dân tộc có nhiều thành phần, và tuỳ theo trí tuệ cao thấp sẽ có phản ứng cao thấp. Nhà báo hãy công nhận một thực tế rõ ràng: càng ngày lượng tiêu thụ thịt chó càng ít trong các thành phố lớn, và giới trẻ gần như không còn quan tâm tới món đó nữa. Tôi có thể mạnh dạn tuyên bố sự “thoái trào” của thịt chó là một xu hướng không gì lay chuyển nổi, và chúng ta không khi nào nên lấy vậy làm buồn.

PV: Anh lại ảo tưởng rồi. Ví dụ như Hàn Quốc đã đạt tới trình độ cao về văn minh, vẫn còn ăn thịt chó đấy thôi.

Trâu: Anh có sang Hàn Quốc chưa? Và anh thấy thịt chó bán ở các đại lộ trung tâm không? Tôi tin chắc người Hàn Quốc có thể tự hào về Sam Sung, chứ chưa ai tự hào về thịt chó hết. Nói đến món đó, kẻ thì nhún vai, người thì quay đi tủm tỉm cười.

PV: Tôi xin hỏi anh một ý cuối cùng. Tại sao chính chó không lên tiếng mà lại nhờ anh?

Trâu: Chó không phải vẹt. Chó không có bắt chước tiếng người. Ngôn ngữ của chó là ngước nhìn. Và chó luôn ngước nhìn khi người ta sắp ăn thịt nó

L.T.L.H.
.
.