Phỏng vấn một con heo

Thứ Hai, 11/03/2013, 14:30
PV: Thưa anh, anh có biết tại sao năm nay là năm rắn, mà chúng ta lại mở đầu bằng một bài phòng vấn con heo?
Heo: Tôi không biết. Nhưng tôi đoán thế này: heo gần gũi hơn, cụ thể hơn với mọi người trong xã hội.

PV: Đúng. Ví dụ như vừa qua có một phong trào được nhiều người quan tâm, với khẩu hiệu làm sao để “bữa cơm trẻ em vùng cao có thịt” thì dù chẳng ai chú thích, mọi người vẫn hiểu đó là thịt heo.

Heo: Nói cách khác, cơm với thịt heo trở thành bữa cơm cơ bản nhất trong cuộc sống chúng ta.

PV: Vâng.

Heo: Tôi rất vinh dự về điều đó. Nhưng tôi ngạc nhiên khi gần đây, chuyện ấy trở nên một thứ người ta hay lấy ra để so sánh nhất.

PV: Ví dụ.

Heo: Rất nhiều. Nào là tiền mua bản quyền bóng đá, nào là tiền xây bảo tàng, nào là tiền cứu bất động sản, tiền đào tạo giáo sư… Nhiều người so sánh số kinh phí bỏ ra với bữa cơm không có thịt heo của trẻ em nghèo, rồi sau đó khuyên nên dừng lại.

PV: Ý anh thế nào?

Heo: Đầu tiên tôi yêu trẻ em nghèo như tất cả mọi người. Hãy tin đi. Nhưng không vì thế tôi tự nguyện hiến toàn thân cho chúng. Cùng lắm chỉ hiến một bộ phận nào đó mà thôi.

Minh họa: Lê Tâm.

PV: Tại sao thế?

Heo: Tại toàn thân tôi là một hệ thống chằng chịt, phức tạp, có nhiều mối liên hệ và ràng buộc. Tôi không thể và cũng không có quyền biến thành thịt kho hay thịt luộc trong một bữa cơm.

PV: Hiểu rồi.

Heo: Trẻ em nghèo là đáng thương. Đúng vậy. Nhưng trên đất nước chúng ta còn rất nhiều bà già nghèo, ông già nghèo hoặc vô số sinh viên nghèo, thầy giáo nghèo cũng đáng thương, đáng quý, đáng quan tâm.

PV: Nhưng trẻ em bao giờ cũng là phần nhạy cảm của quốc gia.

Heo:  Tôi hiểu điều đó. Và tôi thấy thủ tướng của chúng ta cũng đã biết điều đó. Mọi người hãy yên tâm.

Nhưng điều nhạy cảm này chớ nên lạm dụng. Từ bữa cơm có thịt heo cho trẻ con, đáng vài chục ngàn, cho đến những thứ đáng hàng triệu đô la mà cứ chốc chốc lại đem so sánh, thì quá… ái ngại.

PV: Bởi vì mọi sự so sánh đều khập khiễng.

Heo: Là những người trí thức thực sự, chúng ta phải hết sức cân nhắc, đừng để tình cảm lấn át ý chí. Nếu đem trẻ em nghèo ra làm đối trọng thì rất nhiều việc chúng ta sẽ không thể và không dám làm. Nhưng rõ ràng vẫn cứ phải làm bởi dù trẻ em có đáng yêu đến đâu, chúng cũng chỉ có khả năng lớn khi người lớn cũng lớn mà người lớn thì chả đơn giản là cần cơm có thịt heo.

PV: Đúng.

Heo: Nếu lúc nào cũng chăm chăm nhìn vào mâm cơm thì không thể xây đường cao tốc, không thể tổ chức tuần lễ thời trang, không nên tổ chức mọi lễ hội, không còn có ý muốn bắn pháo hoa, hay làm đường hoa hàng chục tỷ đồng trong dịp Tết cho hàng triệu người xem.

Phải luôn luôn nghĩ tới cơm cho trẻ em, nhưng cũng phải luôn luôn nghĩ tới dinh dưỡng cho trí tuệ của hàng triệu người, đó mới là mục đích của chúng ta.

PV: Ý anh là vẫn xem tivi đủ thứ chương trình, vẫn tổ chức liên hoan ca nhạc khi trẻ con đói?

Heo: Ý tôi là chúng ta không nên quá ủy mị trong cuộc sống đến mức mất cả bình tĩnh nếu chúng ta là một xã hội đã trưởng thành. Bởi chắc chắn ai cũng biết điều này: trẻ em không phải cần một bữa cơm có thịt, mà cần cả một đời ăn cơm có thịt và ngay lập tức, song song với thịt cần chữ nghĩa, cần văn hóa, cần rất nhiều thứ.

Việc quan tâm tới trẻ em là việc lâu dài, không thể đơn giản là vác mấy con heo ra rồi biến thành giò chả. Cho nên xin mọi người đừng quá sốt ruột, đừng quá hấp tấp và đặc biệt đừng quá cực đoan. Để thịt heo tới bữa cơm của các đứa bé, mọi người hãy làm tốt công việc của mình ngay tại chỗ mình. Anh sinh viên cứ học cho giỏi.

Anh cầu thủ cứ đá bóng cho hay. Và chị ca sĩ cứ hát cho cảm động. Chứ không phải làm gì cũng rụt rè, cũng bối rối, cũng thấy mình “tội tội”. Cảm giác “chùng xuống” trong tình cảm là một cảm giác hay nhưng không nên biến thành thường trực, nó sẽ làm giảm sút ý chí và sức mạnh cũng như lòng quyết đoán

L.T.L.H.
.
.