Phỏng vấn một con chim

Thứ Bảy, 21/04/2012, 17:15
Phần I : Giải thưởng

Phóng viên: Thưa anh chim, anh đang chuẩn bị gì đấy?

Chim: Tuyệt nhiên chả có chi vĩ đại cả. Tôi đi làm. Tôi kiếm sống.

Phóng viên: Thưa anh, tuy chỉ kiếm sống nhưng anh luôn được rất nhiều kẻ nhìn theo một cách ngưỡng mộ.

Chim: Ái chà. Vì sao vậy?

Phóng viên: Vì anh bay. Anh chắc quá biết, muôn loài trên trái đất có nhiều phương thức chuyển động. Nào chạy, nào bò, nào bơi, nào nhảy. Nhưng bay vẫn là hành động đẹp đẽ nhất, có vẻ lãng mạn nhất và khó nhất.

Chim: Hiểu rồi. Máy bay do đó cũng được phát minh chậm hơn so với ô tô và tàu thuỷ.

Phóng viên: Đúng. Vì bay là một chuyển động phức tạp, đặc biệt khi bay cao.

Chim: Cám ơn. Nhưng nhà báo nói tất cả những điều đó ra để làm gì?

Phóng viên: Để phỏng vấn anh một vấn đề hiện nay xã hội rất ồn ào và bức xúc, nhất là sau nhiều sự kiện vừa qua. Đó là các giải thưởng trong lĩnh vực nghệ thuật.

Chim: A! Tôi biết chuyện đó. Nhưng sao nhà báo lại hỏi tôi. Tôi không phải ca sĩ, không phải diễn viên, không phải đạo diễn càng không phải ban giám khảo. Tôi có tư cách gì để phát biểu trong vấn đề phức tạp này.

Phóng viên: Tư cách chim. Chim bay. Mà các giải thưởng, theo suy nghĩ của nhiều người cũng là một hình thức chắp cánh bay.

Chim: Ai nói thế?

Phóng viên: Ai cũng hiểu thế. Chả thiếu gì những nghệ sĩ, sau một giải thưởng danh tiếng mà sự nghiệp khác hẳn ngày trước. Nói một cách văn hoa là địa vị bỗng nhiên vút lên cao. Anh thừa biết điều đó mà.

Minh họa: Lê Tâm.

Chim: Nhưng tôi cũng thừa biết nhiều người đoạt rất nhiều giải thưởng mà vẫn chìm nghỉm. Tuy vậy, nếu nhà báo đã tin tưởng, bà con đã gửi gắm và bản thân cũng thấy oai oai vì chả mấy khi được lên báo chí, tôi cũng xin cố gắng đưa ra suy nghĩ của mình về vấn đề này.

Phóng viên: Quý hoá quá.

Chim: Đầu tiên, ta cần định nghĩa giải thưởng là gì? Theo chim, đó là một danh hiệu, được một nhóm người chọn lựa, nhằm tuyên dương công trạng của một cá nhân hoặc một tập thể.

Phóng viên: Hay một tác phẩm.

Chim: Tôn vinh tác phẩm suy cho cùng cũng là tôn vinh tác giả của nó.

Phóng viên: Vâng.

Chim: Không ai biết giải thưởng đầu tiên của loài người ra đời trong thời gian nào, trong hoàn cảnh nào và có giá trị như thế nào. Nhưng tôi mạnh dạn đoán rằng, giải thưởng cho một thợ săn thời nguyên thuỷ là một miếng thịt to của con thú do chính anh ta săn được.

Phóng viên: Tôi cũng tin. Chắc chắn hồi đó, không ai nhận một cái cúp hoặc một tấm bằng.

Chim: Cũng chả ai nói cám ơn. Kẻ được giải lúc ấy chỉ xơi ngay miếng thịt trước con mắt nể phục và ghen tị của kẻ khác.

Phóng viên: Chim, anh nói điều đó nhằm mục đích chi?

Chim: Để nhấn mạnh rằng về cơ bản, giải thưởng bao gồm một lợi ích vật chất và một sự ngưỡng mộ kèm theo đố kị.  Đã hàng ngàn năm trôi qua và tính chất này hình như không thay đổi.

Phóng viên: Anh phát biểu như vậy không sợ làm các nghệ sĩ giận à? Ví dụ bây giờ một nhà văn hay một diễn viên đoạt giải thì làm sao có thể so sánh cái đó với miếng thịt ngày xưa?

Chim: Nhà báo là người cao quý, không muốn so sánh thế thì tuỳ. Nhưng nếu tôi là nhà văn, sau khi đoạt giải, sách tôi sẽ bán chạy hơn và do đó tôi có thể mua được nhiều thịt hơn. Tất nhiên, tôi biết có nhiều người sẽ không mua thịt mà mua hoa hồng chẳng hạn. Nhưng cuối cùng thì họ vẫn không bỏ hoa vào mồm, cho nên việc dùng thịt không phải nói lên sự thô thiển của tôi, mà chỉ khẳng định tôi muốn đi tới cái gốc của vấn đề.

Phóng viên: Tóm lại, anh tuyên bố các giải thưởng có một giá trị vật chất.

Chim: Và nếu chúng có giá trị tinh thần, thì tinh thần ấy cũng rất thuận lợi khi quy đổi ra vật chất. Định nghĩa như vậy để dễ dàng cho các tranh luận về sau. Nếu nhà báo đồng ý như thế thì ta tiếp tục, còn không hãy đi tìm những ai lãng mạn hơn chim.

Phóng viên: Chả còn ai đâu. Chả lẽ tôi lại đem vấn đề này bàn với cá sấu hay đười ươi.

Chim: Có thể nói không ngoa, sự phát triển của giải thưởng cũng đi theo sự phát triển của lịch sử loài người. Nghĩa là cũng theo các chế độ nô lệ, phong kiến, tư bản và cộng sản.

Phóng viên: Nhất trí.

Chim: Càng về trước, cái giải thưởng càng có tính áp đặt. Không có dân chủ trong xã hội thì cũng không có dân chủ trrong giải thưởng. Dân gian có câu “Vua khen là ấy mới tài. Vua ban chiếc áo với hai đồng tiền”. Có nghĩa là trong thời phong kiến, giải thưởng có từ “ban” chứ chả theo xét duyệt, bình chọn gì cả.

Phóng viên: Chính xác.

Chim: Hình thức “ban” thực ra vẫn tồn tại cho tới tận ngày nay. Nhưng đã từ lâu, người ta nhận ra rằng muốn giải thưởng có giá trị, nó không nên là sự quyết định của cá nhân nào, mà nên căn cứ vào một hội đồng chuyên môn.

Phóng viên: Dù cá nhân đó có là Nobel đi chăng nữa!

Chim: Vâng. Nobel lập ra một giải thưởng mang tên mình nhưng ông cũng không đứng ra xét. ông đủ thông minh để không làm thế. Muốn giải thưởng có giá trị lâu dài, nó cần được trao đổi giữa một nhóm người có trình độ và nhận thức phù hợp với thời đại.

Phóng viên: Đồng ý với anh.

Chim: Mối quan hệ giữa hội đồng và giải thưởng do họ bình chọn là mối quan hệ khăng khít, đến mức có thể nhìn giải thưởng biết Hội đồng và nhìn Hội đồng biết giải thưởng.

Phóng viên: Y như đạo diễn Vũ Ngọc Đãng có nói nhân giải “Cánh diều vàng” vừa qua.

Chim: Câu nói ấy không có gì xúc phạm và nếu chả phải như thế mới là điều ngạc nhiên. Nhưng thôi, về “Cánh diều vàng” ta sẽ nói sau.

Phóng viên: Vâng.

Chim: Không có giải thưởng nào tách khỏi xã hội mà nó sống. Nếu một xã hội có tính đề cao những gì tìm tòi mới lạ thì các tác phẩm “bảo thủ” sẽ chả còn cơ hội và ngược lại.

Phóng viên: Anh nói như thế tôi không đồng ý rồi. Một ban giám khảo tiên tiến sẽ đủ sức thoát ra khỏi ràng buộc của dư luận, sẽ có những quyết định đi trước hoặc đi ngược lại với nhận định của số đông chứ ?

Chim: Vâng. Vậy số báo tới, chúng ta sẽ bàn về ban giám khảo.

Lê Thị Liên Hoan
.
.