Phỏng vấn một cô gái trẻ

Thứ Ba, 09/03/2021, 22:54
Phóng viên (PV): Thưa cô, Tết năm nay của cô có gì khác với các năm trước?

Cô gái: Nhiều thứ lắm. Nhưng có một thứ rất lớn mà chắc nhà báo cũng đoán ra, đó là do tình hình dịch bệnh nên em không được về quê.

PV: Ái chà, con gái xa thành phố mà không về quê trong những ngày Xuân chắc là buồn lắm.

Cô gái: Vâng. Buồn nhiều. Điều ấy rõ ràng ạ. Nhưng cũng có một thứ khiến em thở phào nhẹ nhõm, cảm thấy không về thật là hay.

PV: Thứ gì thưa cô, tiền lì xì chăng?

Minh họa: Lê Tâm

Cô gái: Sao nhà báo lại hỏi thế?

PV: Vì nói thật nhé, tôi biết quá rõ, đôi lúc tiền lì xì đối với người làm ăn xa khi trở về cũng là một gánh nặng.

Cô gái: Đối với riêng em, chuyện đó không nhẹ nhưng cũng không đến nỗi là quá nặng. Sự buồn phiền của em nằm ở chỗ khác kia.

PV: Chỗ nào vậy?

Cô gái: Chỗ những lời hỏi thăm.

PV: Ơ kìa.

Cô gái: Đúng đấy nhà báo ạ. Khi một thiếu nữ làm ăn xa về thăm nhà dịp Tết, sau khi chào hỏi, vui mừng là những lời hỏi thăm tới tấp từ cả trăm người.

PV: Ối trời. Hỏi thăm thì có gì đâu. Có mất miếng thịt da nào?

Cô gái: Nhà báo tưởng thế thôi, chứ không hề đơn giản. Bởi có những câu hỏi do lịch sự, những câu hỏi do thói quen, những câu hỏi do tò mò và cả những câu do... muốn dạy bảo.

PV: Ví dụ làm gì?

Cô gái: Một trong những lời các thiếu nữ sợ nhất, bực nhất và cáu nhất, chán nhất, điên ruột nhất, khổ sở nhất và cả buồn cười nhất là câu “Bao giờ mới lấy chồng!”

PV: Ơ, con gái thì phải lấy chồng.

Cô gái: Thứ nhất, điều đó chưa chắc đúng 100%.

PV: Thứ hai?

Cô gái: Thứ hai là lúc nào lấy, vì sao lấy và lấy kiểu gì, lấy tại đâu và lấy ai hoàn toàn là chuyện cá nhân của mỗi cô gái hiện đại.

PV: Nhưng ở dưới quê, người ta chưa hiện đại.

Cô gái: Đúng thế. Bằng chứng là ở dưới quê, con gái đa số lấy chồng rất sớm và... khổ rất sớm.

PV: Chà chà, đúng thế không?

Cô gái: Theo nhận xét của cá nhân em thì đa số đúng. Không thể phủ nhận một thực tế là ở các nơi càng văn minh, con gái lấy chồng càng muộn và đẻ càng ít con.

PV: Hãy quay lại vấn đề. Vì sao lời hỏi thăm khi nào lấy chồng làm cô bực dọc. Thậm chí bực dọc tới mức ngại về.

Cô gái: Vì đa số không phải chỉ hỏi cho có. Nếu em trả lời là sắp lấy thì lập tức sẽ có câu hỏi tiếp theo. Lấy ư? Chú rể có khá không? Nhà chú rể có khá không. Còn nếu em trả lời chưa nghĩ tới, lập tức sẽ được những tiếng kêu than: Như thế là muộn quá, như thế là nguy quá, như thế là nguy đến nơi rồi, thậm chí là không biết nghĩ, là ham chơi nông nổi.

PV: Vậy không trả lời.

Cô gái: Không trả lời sẽ bảo con này hỗn, là lăng nhăng ghê lắm hoặc có vấn đề gì nên mới ế.

Tóm lại, không lấy chồng là ế chứ không phải là do sự chọn lựa cẩn thận hoặc do còn nghĩ tới sự nghiệp.

PV: Cô ạ, ở nông thôn, nhiều người nghĩ lấy chồng cũng chính là sự nghiệp.

Cô gái: Phải. Nhưng đấy có lẽ là thứ sự nghiệp duy nhất cả xóm bàn tán, cả xóm khuyên răn, cả xóm góp ý khiến cô thiếu nữ nhức cả đầu, nhức cả thân thể, nhức cả xương.

PV: Khổ quá nhỉ.

Cô gái: Khổ vô cùng. Nhiều thiếu nữ mỗi năm về quê lại cảm thấy như tra tấn, như bị hỏi cung và như có lỗi trầm trọng nếu còn độc thân.

PV: Nguyên nhân chuyện ấy là gì? Thưa cô?

Cô gái: Là ở rất nhiều vùng quê, người ta chả cần biết tính riêng tư của cá nhân là gì. Họ coi việc chồng con của mỗi cô gái là “việc làng” như Ngô Tất Tố đã kể cả trăm năm trước. Hỏi thăm-Bình phẩm-Khuyên nhủ là “cái việc” ai cũng nghĩ mình có quyền tham gia khi lục vấn một “gái quê” dù cô ấy đã hiện đại lâu rồi.

Lê Thị Liên Hoan
.
.