Phỏng vấn một cặp kính

Thứ Năm, 09/01/2020, 14:18
Gần đây cả thành phố xôn xao vì ban giám đốc Sở giáo dục của thành phố này đã nhận lương tháng nhiều năm của một nhà xuất bản...

Phóng viên (PV): Thưa anh, suy cho đến cùng thì kính sinh ra để làm gì?

Kính: Để nhằm một mục đích thôi: Giúp người ta nhìn cho rõ.

PV: Vậy thưa anh, nhìn rõ có phải là một việc quá khó không ạ?

Kính: Cái đấy cũng tuỳ. Có những chuyện rất khó thấy được bản chất, nhưng cũng có những vụ chỉ liếc qua một cái là rõ được liền.

Minh họa Lê Tâm

PV: Xin hãy cho ví dụ, thưa anh.

Kính: Ví dụ như gần đây cả thành phố xôn xao vì ban giám đốc Sở giáo dục của thành phố này đã nhận lương tháng nhiều năm của một nhà xuất bản.

PV: Thế thì có gì lạ?

Kính: Lạ chứ. Vì nhà xuất bản đó làm sách giáo khoa. Mà các vị trong Sở lại có quyền quyết định sách giáo khoa thế nào thì hợp lệ.

PV: Ái chà. Kinh quá.

Kính: Kinh nhất khi sự việc vỡ lở ra, các vị trong ban giám đốc ấy lại bảo là như thế bình thường.

PV: Trời ơi, bình thường thế nào được. Khi mình vừa giám sát người ta vừa nhận tiền lương tháng của người ta.

Kính: Chính xác. Và rõ ràng. Rõ ràng đến mức bất kỳ ai cũng nhìn rõ bản chất việc này dù có đeo kính hay không.

PV: Thế quý ông giáo dục đó giải trình ra sao?

Kính: Họ bảo họ có chuyên môn. Hỏi có góp ý cho việc làm sách nên họ được nhận tiền là hợp pháp.

PV: Thứ nhất thử hỏi hàng trăm giáo sư, tiến sĩ của ngành giáo dục ở thành phố ấy có chuyên môn không và có được nhà xuất bản nhờ giúp đỡ hết không? Hay chỉ cần chuyên môn của ai đang làm lãnh đạo?

Kính: Vâng.

PV: Thứ hai, nếu có đóng góp cho việc biên soạn sách, thì đóng góp bao nhiêu trả tiền bấy nhiêu. Sòng phẳng. Nhưng ở đây các quý ông nhận lương tháng…

Kính: Mà toàn thế giới đều hiểu lương tháng chỉ trả cho ai làm việc trong tất cả các tháng. Nguyên tắc ấy rõ hơn cả ban ngày.

PV: Tóm lại, không thể lãnh lương tháng khi vừa làm lãnh đạo Sở nguyên các tháng, lại lãnh lương tháng ở nơi làm sách giáo khoa. Ai cũng chỉ có từng ấy tháng trong một năm, hay các vị trong ban giám đốc trong Sở giáo dục có hai mươi tư tháng?

Kính: Không. Chắc chắn các vị ấy không có.

PV: Thế hành vi nhận tiền đó theo anh nên gọi là gì?

Kính: Tôi nói thẳng nhé, chả có từ gì khác đó là nhận tiền không trong sáng.

PV: Tôi cũng đành phải nghĩ vậy. Nhưng sự không trong sáng ở đây có gì khác bình thường.

Kính: Cũng chả có gì khác thường. Dân giang hồ gọi như vậy là "Bảo kê".

PV: Bảo kê là gì, thưa anh?

Kính: Là nhận một số tiền của ai đó đều đặn hàng tháng hàng năm, đổi lại sẽ thu xếp cho kẻ đưa tiền những gì có lợi nhất khi tranh chấp xảy ra.

PV: Ái chà, tôi nghe nói từ lâu đã có bảo kê trong vũ trường, trong quán Bar, trong kinh doanh. Nhưng hôm nay mới biết có bảo kê trong việc in và bán sách giáo khoa.

Kính: Nói chung, bảo kê là một hành vi rất xấu, cực kỳ xấu, hay nói đúng tên đó là một sự hối lộ định kỳ.

PV: Nhưng tại sao bảo kê ít bị ra toà như các vụ án hối lộ khác.

Kính: Vì nó diễn ra âm thầm, đều đặn và theo cách giải trình của một số quý ông thì "số tiền thật ra không lớn".

PV: Ai cho phép các vị ấy tự đánh giá tiền nhận như thế nào là lớn hay nhỏ? Và dù là bao nhiêu đi nữa thì nó cũng chắc chắn lớn, cực lớn về mặt đạo đức của người làm giáo dục.

Kính: Đúng. Thế vụ việc tày trời ấy đang đi đến đâu?

PV: Đang chờ các quý ông giải trình.

Kính: Tôi thì sẽ không chấp nhận bất cứ giải trình nào. Tôi tuyên bố phải có biện pháp xử lý ngay!

Lê Thị Liên Hoan
.
.