Phỏng vấn một bác sĩ

Thứ Tư, 30/10/2013, 15:30

Phóng viên (PV): Thưa ông, với tư cách một bác sĩ, chắc ông quá biết mấy hôm nay cả xã hội xôn xao về trường hợp thầy thuốc ném xác bệnh nhân xuống sông chứ ạ?
Bác sĩ: Tôi biết. Và tôi thấy nhục nhã vô cùng cho nghề nghiệp của mình.

PV: Khoan đã. Thưa ông, nhục nhã? Đó là một cảm giác thế nào?

Bác sĩ: Khó nói lắm. Nhưng tiếc thay, đó là một cảm giác luôn cần thiết?

PV: Luôn cần thiết?

Bác sĩ: Đúng. Theo tôi, có hai thứ làm nên nhân cách con người. Đó là biết tự hào và biết nhục. Tự hào thì chúng ta nói suốt, và rõ ràng ai cũng có nhiều thứ để tự hào. Nhưng nhục nhã không thể hô lên. Đồng ý. Nhưng đúng ra nó phải luôn luôn thường trực.

PV: Có bao nhiêu cách nhục trên đời, thưa ông?

Bác sĩ: Tôi không biết có bao nhiêu cách nhục. Nhưng tôi tin chắc chắn có nhiều lý do để nhục: Học thức kém, vẻ đẹp kém, cảm xúc kém hoặc thẩm mỹ kém.

Thật sự biết nhục, hiểu sâu sắc về nhục và nghĩ về nhục đôi khi là động cơ để một cá nhân, thậm chí một quốc gia vươn lên. Tôi tin chắc điều này.

Minh họa: Lê Tâm.

PV: Thưa ông, trong trường hợp cụ thể, ví dụ như vụ người bác sĩ đã ném xác bệnh nhân để phi tang kia, anh ta đã “thiếu nhục” như thế nào?

Bác sĩ: Sự không biết nhục của một con người, cũng như bao thứ khác, cũng có thể hình thành một cách từ từ, được tích tụ và phát triển mà người đó hoàn toàn không biết. Là một bác sĩ không có bằng giải phẫu thẩm mỹ vậy mà anh ta vẫn làm. Đã thế, còn làm giữa phố phường, còn trưng biển to đùng, thì đầu tiên nỗi nhục giả mạo đã không có. Nỗi nhục lừa đảo đã không có. Và tôi dám cam đoan, nếu lần giở những hành vi từ trước đến nay của một nhân vật như thế, sẽ tìm được nhiều nỗi nhục được bỏ qua.

PV: Theo bác sĩ, nhục cũng như một khối ung thư, có thể lớn lên từ chỗ không có biểu hiện?

Bác sĩ: Vâng. Và cũng có nhục lành tính, khi nó càng lớn chúng ta càng điều chỉnh hành vi của mình. Còn nhục ác tính lúc nó to đùng mà thiên hạ cứ nhởn nhơ.

PV: Xin bác sĩ nói rõ hơn?

Bác sĩ: Nếu mỗi cá nhân đều luôn cảm thấy nhục khi đi ngược chiều, cảm thấy nhục khi tẩm độc vào thực phẩm bán cho người khác, muốn chết vì nhục khi sản xuất đồ giả… thì các tệ nạn đã giảm đi rất nhiều. Nói cách khác, giáo dục cho mỗi con người biết tự hào và giáo dục cho mỗi công dân biết nhục nhã là hai thứ cần phải song song.

PV: Lạ thật. Chả lẽ bây giờ phải ca ngợi nhục?

Bác sĩ: Đúng. Điều tôi nói có thể khiến nhiều người khó chịu, nhưng làm cho mỗi người trong một xã hội còn kém phát triển chưa có cảm giác nhục là điều quan trọng vô cùng. Một cảm xúc nhục trào dâng chân chính có ích hơn một cảm xúc hạnh phúc giả tạo rất nhiều.

Nhục, cũng như bất cứ một “kiến thức” nào, cũng phải giáo dục, bồi dưỡng từ bé. Trẻ con phải nhục nếu đái dầm, thì khi lớn lên chúng mới nhục khi gây tai nạn cho người khác.

PV: Theo ông, hiện nay có vô số lý do để nhục không?

Bác sĩ: Có. Và mọi người đừng sợ điều đó. Biết nhục đầy đủ, biết nhục sâu sắc, biết nhục chính xác cũng có lợi không kém gì mọi sự biết tươi đẹp khác. Ví dụ như nếu mọi bác sĩ không biết nhục thay cho đồng nghiệp của mình khi vứt người ta xuống dòng nước chảy thì thật lâm nguy.

PV: Thưa ông, với tư cách là một nhà chuyên môn về cơ thể, ông hãy chỉ cho biết nhục nằm ở đâu là chính trong con người chúng ta?

Bác sĩ: Về lý thuyết, nhục hay cư trú trong tim và óc, nhưng thực ra nỗi nhục nghiêm túc nên lan toả toàn thân, thường trực từ ngón tay ngón chân để mỗi khi thua kém hoặc xúc phạm ai đó, ta đều cảm nhận được liền.

PV: Nói như ông, nhục không cần thuốc giảm mà cần thuốc tăng?

Bác sĩ: Nhục cũng như giá vàng, cần lên xuống theo trạng thái xã hội. Nhục không tồn tại và to nhỏ theo mệnh lệnh được nhà báo ạ!

L.T.L.H.
.
.