Phỏng vấn hoa Lan
Phóng viên (PV): A, chào chị Lan, chúc mừng chị nhé.
Lan: Ơ, chúc mừng vì chuyện gì?
PV: Thôi đừng có giả vờ, mấy hôm nay tên tuổi chị nổi như cồn, gần như cả nước đều nhắc tới.
Lan: Thú thực về nhan sắc từ lâu tôi vẫn nổi cơ mà. Tôi không nói mình đẹp nhất nhưng chắc chắn là rất đẹp.
Minh họa: Lê Tâm |
PV: Tuy vậy lúc này bà con không biết tới chị vì cái đẹp mà vì "đột biến".
Lan: Từ từ đã. Đột biến là sao?
PV: Nói ra hơi phức tạp. Nhưng nôm na đột biến là có sự bất ngờ quái đản một cách bất thình lình.
Lan: Ơ, hoa quái đản có chi đẹp?
PV: Cái đó cũng tùy. Nhưng với rất nhiều người chơi, quái là khác thường, là kỳ dị. Chả giống ai. Thế nên nó quý.
Lan: Quý rồi sao?
PV: Rồi bán đắt chứ sao. Thiên hạ ồn ào, có những cành lan cả chục tỷ đồng.
Lan: Cha mẹ ơi, một chục tỷ đồng một nhánh hoa lan, nó bằng kim cương à?
PV: Có lẽ cũng ngang kim cương thật. Chị danh giá quá.
Lan: Danh giá của một con người có nhiều yếu tố chứ đâu chỉ tính bằng tiền.
PV: Nhưng chị đâu phải người. Chị là một nhánh cây. Người ta đã nâng chị lên vô tận.
Lan: Cám ơn. Vậy khi nâng cao như thế, thiên hạ làm gì?
PV: Họ bán cho nhau. Kẻ nọ sang tay cho kẻ kia, mỗi lúc một cao.
Lan: Cao tới cỡ nào?
PV: Cao chót vót. Rồi đùng một cái tuy không phải pháo, chị nổ tung. Giá lan đột biến xuống không phanh.
Lan: Buồn nhỉ.
PV: Chị chả việc gì phải buồn. Chị vẫn kiêu hãnh như xưa. Nhưng rất nhiều kẻ ôm hoa lan vào đột nhiên nguy cấp. Có khả năng bán cửa bán nhà.
Lan: Do đâu?
PV: Do không bán được chị. Do đã trót ôm với giá khủng để hy vọng kiếm lời.
Lan: Ơ, chơi hoa là để thưởng thức chứ đâu để kiếm lời.
PV: Không đơn giản thế chị ạ. Cuộc sống hôm nay có khi dân buôn hoa còn đông hơn dân ngắm hoa.
Lan: Thôi được, nhưng nếu đã đi buôn thì lời lỗ cũng là thường mà.
PV: Vâng. Nhưng đằng này buôn to quá, buôn đột ngột quá và buôn khẩn cấp quá.
Lan: Liều mạng quá nữa chứ?
PV: Chị nói đúng. Liều mạng hay chính xác hơn, liều tiền, chả những tiền của mình mà tiền của cả gia đình, họ hàng, tiền vay ngân hàng, tiền cầm cố đất đai.
Lan: Họ mất hết à?
PV: Theo như dư luận thì hầu như mất hết.
Lan: Đứa nào được?
PV: Cũng có vài đứa được. Nhưng chúng lại mất tăm, để lại một đám đông ngơ ngác đau khổ.
Lan: Khổ ghê gớm không?
PV: Ghê gớm lắm chị ơi, có nhiều người đang đòi tự tử.
Lan: Sao phải tự tử? Cuộc sống này có bao nhiêu cách chết vinh quang hơn cách chết vì lan chứ.
PV: Tất nhiên. Họ đau khổ quá, tuyệt vọng quá chị ạ.
Lan: Nguyên nhân đau khổ do đâu?
PV: Do tin vào hoa lan.
Lan: Không. Nhà báo nhầm rồi, do tâm lý muốn giàu nhanh.
PV: Giàu nhanh cỡ nào.
Lan: Nhanh đột biến. Rất nhiều trong xã hội hôm nay chỉ mơ đêm trước còn nghèo, sáng dậy đã thành tỷ phú.
PV: Như thế có gì sai?
Lan: Sai hoàn toàn. Một xã hội. Một cá nhân nhìn chung muốn hạnh phúc, phải lao động cần cù, lao động hăng say và lao động bền bỉ chứ không thể trông chờ vào sự đột biến được.
PV: Vậy tại sao thiên hạ vẫn trông?
Lan: Vì đã hình thành một phong cách sống lệch lạc khiến cho rất nhiều thanh niên và nhiều ông già có tâm lý muốn ăn xổi và có tư duy lao động hàng ngày không giá trị bằng chớp được cơ hội.
PV: Chết thật.
Lan: Đúng là chết. Nhưng hãy nhìn lại đi. Truyền thông nhan nhản những tin trúng số, đô thị nhan nhản những công ty đa cấp. Giáo dục nhan nhản những phương châm đi tắt đón đầu, bứt phá. Mọi thứ đó nhồi nhét cho một đám đông cái tư duy rình rập, tư duy chớp thời cơ chứ không phải lao động tám tiếng một ngày.
PV: Ừ nhỉ.
Lan: Xã hội chỉ lan truyền những kẻ trúng đề, những ông hoặc bà trúng đất; từ già tới trẻ đều ám ảnh giấc mơ "đầu tư" bỏ một ăn tới một trăm. Thế thì còn nhiều tai nạn "đột biến" lắm. Tin tôi đi.