Phỏng vấn diễn viên xiếc

Thứ Năm, 01/01/2015, 18:10
Phóng viên (PV): Thưa anh, toàn bộ sự hấp dẫn của nghệ thuật xiếc nằm ở đâu?

Diễn viên: Rất nhiều yếu tố. Nhưng chủ yếu, các tiết mục xiếc thu hút người xem ở sự phi thường và trái quy luật.

PV: Trái quy luật?

Diễn viên: Vâng. Khán giả đến với xiếc hàng trăm năm nay vì họ luôn thấy những điều họ nghĩ nhưng lại được làm khác đi một cách tuyệt đẹp.

PV: Tôi cũng cảm thấy thế. Thưa anh, con người có thể mang xiếc áp dụng vào cuộc sống không?

Diễn viên: Không những có thể, mà luôn luôn nên làm. Đặc biệt là trong văn hóa, trong tuyên truyền.

PV: Vì sao?

Diễn viên: Vì nhìn chung các tác phẩm văn hóa thường hay thể hiện theo lối một chiều và có tính nhàm chán. Nên kiểu gì tìm cách khác biệt sẽ gây hiệu quả bất ngờ.

PV: Ví dụ?

Diễn viên: Ví dụ như vừa qua, ở Thái Lan, có người đã tung ra một video clip mang tựa đề cực kỳ sốc “Đừng đến Thái Lan” hoặc có thể dịch “Tôi ghét Thái Lan”. Và lập tức có hàng triệu người truy cập.

PV: Rồi sao nữa?

Diễn viên: Rồi hóa ra nội dung đoạn phim ấy chả hề ghét Thái Lan chút nào. Nó yêu đất nước đó tha thiết và quảng bá về Thái Lan bằng những hình ảnh tuyệt đẹp.

PV: Một mũi tên bắn trúng hai con chim.

Diễn viên: Ba con.

Thứ nhất: Đạt hiệu quả tuyên truyền cho du lịch Thái Lan.

Thứ hai: Kích thích người xem một cách thú vị.

Thứ ba: Cho thấy người làm văn hóa Thái Lan có bản lĩnh và có lòng tin vào khán giả.

PV: Chính xác.

Diễn viên: Nhân điều này tôi bỗng suy nghĩ, tại sao Việt Nam không có tác phẩm kiểu như thế?

PV: Dư luận của chúng ta không quen, anh ạ. Nếu như có một ai làm phim “Đừng đến Việt Nam” mà tung lên mạng chỉ có khả năng những phản ứng giận dữ sẽ tới nhiều hơn. Sẽ có nhiều người kêu ca rằng đó là một cách thu hút không chân chính, không nên khuyến khích.

Minh họa: Lê Tâm.

Diễn viên: Bất kể nội dung ra sao ư? Tôi không tin.

Chắc chắn chúng ta đã có một nền văn hóa lớn mạnh đủ để cho các nhà phê bình có bản lĩnh nhận ra đấy chỉ là thủ thuật để gây chú ý. Chắc chắn không ai ấu trĩ vội vàng kết tội một tác phẩm chỉ bằng một cái tên.

PV: Tôi hy vọng như thế. Nhưng phải thử mới biết được.

Diễn viên: Tôi kêu gọi mọi người dám thử, dám thực hiện những tác phẩm bằng một tư duy đặc biệt, bằng cách đặt vấn đề có vẻ trái ngược nhưng thật ra lại hợp quy luật, đấy chỉ là một phương pháp gây sự quan tâm, làm cho cuộc sống thêm phong phú thôi mà.

PV: Có nguy hiểm không anh?

Diễn viên: Không. Cũng như chưa hề có ai đi xem xiếc sau đó về bắt chước rồi để xảy ra tai nạn. Công chúng luôn luôn được giáo dục đâu là giới hạn của mình, hãy tin vào họ. Như thế các đoàn xiếc mới trở nên nổi tiếng và thành công. Các diễn viên mới dám thử nghiệm.

PV: Tôi hiểu anh. Tôi biết là sự khác biệt, sự trái chiều luôn luôn hấp dẫn. Nhưng muốn thực hiện cần phải có trình độ, có điều kiện rất tinh tế.

Diễn viên: Tôi biết. Hãy nói thẳng ra là một số kẻ xấu hay lợi dụng điều này. Nhưng vấn đề của chúng ta là phải chứng minh không phải trái chiều là độc quyền của kẻ xấu. Nó còn là vũ khí mạnh mẽ mà những ai chân chính cũng biết cách sử dụng và dám sử dụng.

PV: Hoàn toàn chính xác.

Diễn viên: Hãy chứng minh rằng chúng ta biết diễn xiếc, và xiếc làm cho cuộc sống lấp lánh hơn, có niềm tin hơn và tươi đẹp hơn.

Lê Thị Liên Hoan
.
.