Phỏng vấn con lợn

Thứ Ba, 31/03/2015, 23:59
Phóng viên (PV): Thưa anh lợn, anh có cảm nghĩ ra sao về lễ hội?
Lợn: Lễ hội ư? Rõ ràng đó là sự kiện rất vui, trừ cái phút khi tôi bị… chém.

PV: A, chém lợn. Gần đây dư luận rất xôn xao về vấn đề này. Chắc anh biết?

Lợn: Ôi, làm sao tôi lại không biết một vấn đề có liên quan đến tính mạng mình?

PV: Vậy ý kiến của anh trong chuyện này thế nào?

Lợn: Ý kiến thế nào ư? Xin lỗi, tôi đành hỏi một câu rất thật thà: Nhà báo bị chém bao giờ chưa?

PV: Nhiều chứ. Không hiếm lắm đâu.

Lợn: Ý tôi là chém theo nghĩa đen kìa.

PV: Theo nghĩa đen thì tất nhiên chưa. Chém là bị bắt liền.

Lợn: Tôi hỏi thế để cho nhà báo hiểu chém bằng dao đau lắm. Đau vô cùng.

PV: Tôi hiểu.

Lợn: Nhà báo không hiểu đâu. Có những nỗi đau phải trải qua chứ không thể đoán. Đặc biệt khi bị chém ra nhiều mảnh.

PV: Nhiều mảnh ư? Ghê quá.

Lợn: Quá ghê.

Minh họa: Lê Tâm.

PV: Nhưng anh ơi, nói không phải, xưa nay anh vẫn bị chém mà.

Lợn: Ý nhà báo là gì?

PV: Nhiều năm qua, để có cái món giò, món chả, món xào, món kho, anh vẫn bị thái, bị băm, bị chặt hàng ngày.

Lợn: Hai chuyện đó khác nhau. Khi lợn kho, lợn xào, lợn băm, lợn xay là lợn hy sinh, hiến dâng cho sức khỏe cộng đồng; còn kia là chém lợn bị hành xử. Khác nhau nhiều lắm.

PV: Ừ nhỉ. Nhưng khi giết lợn làm giò chả, chúng tôi phục vụ dạ dày, còn khi chém lợn ở lễ hội, phục vụ trí tuệ.

Lợn: Có gì bảo đảm đó là trí tuệ? Đó là tâm linh và còn tệ hơn, khi tâm linh bị cư xử giống dạ dày.

PV: Anh ơi, đây là truyền thống có từ rất lâu.

Lợn: Truyền thống không phải là một thứ bất biến. Truyền thống liên tục được phát triển và sàng lọc theo thời gian, đó mới là truyền thống tiến bộ.

PV: Vâng.

Lợn: Rõ ràng việc chém lợn, hay chém bất cứ sinh vật nào gần gũi với con người một cách công khai, một cách tàn bạo không phù hợp với xu thế nhân văn mà chúng ta cần cổ vũ, với cách sống loại trừ bạo lực mà thế giới đang muốn làm theo.

PV: Về cơ bản tôi đồng ý với anh. Nhưng trong văn hóa còn có một thứ gọi là “thượng võ”.

Lợn: Chết, sao nhà báo hiểu câu này đơn sơ thế? Thượng võ nhất là không đấu chân tay, là không dùng vũ khí mà vẫn thắng chứ đâu phải khoe kiếm, khoe đao, khoe khả năng chặt chém.

PV: Vâng.

Lợn: Chặt chém là động tác chỉ phù hợp với thời xa xưa, khi loài người còn kiếm sống bằng săn bắn, và chủ yếu dựa vào cơ bắp của mình. Chặt chém không thể là một hành vi nên cổ vũ trong thời buổi thế giới toàn cầu, trong thế kỷ cạnh tranh bằng trí tuệ.

PV: Dạ.

Lợn: Còn nếu muốn  biểu tượng cho tính chiến đấu thì dùng một con vật ghê gớm nào đó mới bõ sức trai chứ vinh quang gì chuyện chém một chú lợn nhà, bốn chân bị căng ra bốn góc. Chả thấy oai phong, chả thấy cao thượng tí nào.

PV: Tóm lại anh đề nghị ra sao?

Lợn: Tôi đề nghị hạn chế và nhanh chóng bỏ việc chém tôi, coi đó như là một “nét đẹp”. Tôi thấy điều đó chả đẹp gì!

Phóng viên (PV): Thưa anh lợn, anh có cảm nghĩ ra sao về lễ hội?

Lợn: Lễ hội ư? Rõ ràng đó là sự kiện rất vui, trừ cái phút khi tôi bị… chém.

Phóng viên (PV): Thưa anh lợn, anh có cảm nghĩ ra sao về lễ hội?

Lợn: Lễ hội ư? Rõ ràng đó là sự kiện rất vui, trừ cái phút khi tôi bị… chém.

Lê Thị Liên Hoan
.
.