Phỏng vấn bà bán bánh mì

Thứ Hai, 09/11/2015, 02:10
Phóng viên (PV): Thưa bà bí quyết để bán nhiều bánh là gì ạ?
Bà Hàng: Là bánh ngon và quan trọng hơn cả là địa điểm tốt.

PV: Vậy địa điểm của bà ở đâu ạ?

Bà Hàng: Tôi bán trên đại lộ Trần Hưng Đạo. Một khu phố luôn luôn rất đông người.

PV: Thế có bao giờ bà tự hỏi Trần Hưng Đạo là ai không?

Bà Hàng: Không. Vì tôi quá biết ông ấy, đó là một vị Anh hùng.

PV: Thưa bà, vậy bà đã gặp Trần Hưng Đạo bao giờ chưa?

Bà Hàng: Làm sao gặp được. Đức Ngài thuộc về lịch sử. Tôi chỉ gặp hồi bé ở trong sách mà thôi.

PV: Vậy thưa bà, bà có biết người ta đang bàn chuyện bỏ hay giữ môn lịch sử trong trường học không?

Bà Hàng: Chết chết, có việc đó thật à?

PV: Thật đấy!

Bà Hàng: Không thể tin nổi, ông nào đưa ra ý kiến này?

PV: Dạ, cũng vài ông.

Bà Hàng: Tại sao họ nghĩ thế nhỉ?

PV: Dạ, chắc họ nghĩ lịch sử cũng như cái bánh mì, ai không ăn cũng chẳng sao.

Bà Hàng: A, như thế nếu không biết Đức Trần Hưng Đạo là ai cũng được à?

PV: Có lẽ vậy.

Bà Hàng: Rồi tiếp theo trẻ con không biết Bà Trưng, Bà Triệu, không biết Trần Quốc Toản cũng chả sao?

PV: Có lẽ vậy. Trẻ con hiện nay chỉ cần biết Sơn Tùng hay Công Phượng là êm.

Bà Hàng: Kỳ quái nhỉ?

PV: Thế theo bà lịch sử là gì?

Bà Hàng: Tôi quê mùa nên chỉ nghĩ thế này: Lịch sử là những Đức Ông, Đức Bà hay những chuyện ngày xưa truyền lại.

PV: Truyền ở đâu?

Bà Hàng: Quan trọng nhất là ở trong đầu mỗi con người. Nếu sự truyền ấy không tiếp tục thì lịch sử không phải bánh mì khô, lấy ra ăn lúc nào cũng được.

PV: Dạ đúng!

Bà Hàng: Thế lý do gì có vài ông đề nghị bỏ?

PV: Tại họ nói học Sử chán quá, trẻ con không muốn ngồi nghe.

Minh họa: Lê Tâm.

Bà Hàng: Vì đâu trẻ con lại nghe Mỹ Tâm với Hà Hồ?

PV: Chắc vì các cô ấy hát hay, múa giỏi, mặc đẹp.

Bà Hàng: Thế các ông giáo bà giáo dạy Sử không ai dạy hay, dạy đẹp được à?

PV: Chắc vậy.

Bà Hàng: Cả nước phải có mấy chục ngàn giáo viên môn Sử,  lẽ nào không ai xuất sắc được ư?

PV: Không dám nghĩ thế. Phải chăng lịch sử nước mình không hay?

Bà Hàng: Bậy bạ quá. Nói nước Việt Nam có lịch sử không hay ai mà nghe được. Chẳng qua là các vị kém cỏi mà thôi. Nếu tôi bán bánh không ngon, tôi đâu dám đổ tại bột tồi.

PV: Sử không giống bột mì bà ạ.

Bà Hàng: Đúng quá. Sử phong phú hơn nhiều. Bột mì thì cùng lắm chỉ làm thành bánh, chứ sử có thể làm thành kịch, thành phim, thành truyện tranh rực rỡ vô cùng.

PV: Tôi biết. Các quốc gia khác người ta hay làm như thế lắm. Họ coi sử là kho nguyên liệu quý báu vô bờ, có thể khai thác không bao giờ hết được.

Bà Hàng: Tại sao nước ta không như thế. Hay các vị ấy kém tài?

PV: Kể đúng ra cũng có kém. Nhưng bà ơi, tài năng phụ thuộc nhiều thứ lắm!

Bà Hàng: Thế thứ gì làm cho lịch sử trở nên nhàm chán, không ai chỉ được ra à?

PV: Cũng có chỉ ra. Nhưng cứ cãi đi cãi lại. Và hơn hết, không ai thấy việc ấy có tội của mình.

Bà Hàng: Vậy tôi hay nghe người ta nói câu “có tội với lịch sử” là nói tới vị nào?

PV: Nói chung chung đấy bà ơi!

Bà Hàng: Không thể chung chung được. Bán bánh mì ở phố Trần Hưng Đạo sẽ khác xa bán ở phố Hàng Gai, trẻ con sinh ra ở phố Hồ Xuân Hương sẽ không giống trẻ con lớn lên ở Chùa Hương.

PV: Dạ.

Bà Hàng: Muốn con đường Trần Hưng Đạo này sạch đẹp, người ta phải tu sửa thường xuyên. Phải quét vôi và trồng cây liên tục. Có bao giờ nhà cửa thì nhớ còn công lao Đức Ngài ấy lại quên? Chuyện bỏ môn lịch sử trong lớp dạy trẻ con chả hiểu thế nào mà dám bàn mới lạ!

Lê Thị Liên Hoan
.
.