Phỏng vấn bảng đen

Thứ Hai, 23/09/2019, 10:00
Đời bảng đen gắn bó với đời học sinh. Mà đời học sinh quan trọng nhất là Lễ Khai giảng hàng năm khi chuẩn bị vào lớp phổ thông...

Phóng viên (PV): Trong cuộc đời anh quan trọng nhất là những ngày gì ạ?

Bảng: Đời bảng đen gắn bó với đời học sinh. Mà đời học sinh quan trọng nhất là Lễ Khai giảng hàng năm khi chuẩn bị vào lớp phổ thông.

PV: A, đúng vậy. Mỗi chúng ta có thể sống tới bảy đến tám chục tuổi, nhưng cuộc đời chỉ dự được mười mấy Lễ Khai giảng mà thôi. Cho nên giây phút đấy quý vô cùng, chuyện ấy ai cũng biết, không cần phải bàn cãi chút nào.

Bảng: Mà trong các Lễ Khai giảng, cái quan trọng nhất là lúc xúc cảm chân thành, nhà báo có đồng ý không?

Minh họa: Lê Tâm

PV: Tất nhiên rồi.

Bảng: Không tất nhiên đâu. Vì chẳng hiểu tại sao, không biết vì ai, không hiểu vì lý do gì, rất nhiều Lễ Khai giảng của đời học sinh chúng ta đã trôi qua trong sự tẻ nhạt và nhàm chán đến mức chả đọng lại gì, chỉ coi như một thứ thủ tục gần như bắt buộc làm.

PV: Nhàm chán thế nào ạ?

Bảng: Nhàm chán theo kiểu giống nhau. Nghĩa là học sinh đứng xếp hàng hay ngồi xếp hàng dưới nắng chờ, lãnh đạo lên dặn dò những câu sáo rỗng, sau đó Ban Giám hiệu đứng lên hứa hẹn những điều vẫn hứa muôn đời, không hề để lại một chút dấu vết gì trong xúc cảm từng em.

PV: Buồn thật!

Bảng: Buồn nhất là điều đó đã ăn sâu vào tâm trí, lưu truyền trong tiềm thức từ năm nọ đến năm kia, và phổ biến tới mức là chả ai tin là sẽ khác đi cho tới tận hôm khai giảng vừa qua.

PV: Hôm ấy đã xảy ra chuyện gì?

Bảng: Ở tỉnh Phú Yên, một tỉnh nghèo xa xôi, xưa nay chưa hề nổi danh về thành tích giáo dục, tự nhiên có ông chủ tịch trong Lễ Khai giảng làm cả nước giật mình.

PV: Do đâu giật mình?

Bảng: Do ông ấy bỏ qua tất cả những câu cũ kỹ. Ông chân tình dặn các em học sinh trong một diễn văn thật ngắn gọn, hãy học ngoại ngữ, hãy đọc sách và rèn luyện cách sống.

PV: Chỉ thế thôi sao?

Bảng: Chỉ thế thôi.

PV: Trời ơi, những điều căn dặn ấy tuy đúng đắn nhưng rất cơ bản, dễ hiểu và đơn giản mà.

Bảng: Phải. Và khi bài diễn văn này được cả xã hội tán thưởng, tôi mới giật mình. Ông Chủ tịch không nói điều gì to, không nói điều gì là phát minh vĩ đại, thế mà người ta xúc cảm mạnh mẽ, chứng tỏ…

PV: Chứng tỏ sao?

Bảng: Chứng tỏ bao nhiêu năm nay, những thứ phải giản dị chân thành, phải thiết thực đã không tồn tại trong giáo dục, hay ít ra không tồn tại trong các Lễ Khai giảng.

Đã bao nhiêu năm qua, người ta phát biểu và dặn dò những câu to tát, oang oang, nhưng không hề chạm tới lòng người, không hề khiến cho các em học sinh suy nghĩ, và không hề khiến cho phụ huynh trăn trở.

PV: Chết thật.

Bảng: Đúng. Chết thật. Tôi mừng vì bài diễn văn ở Phú Yên bao nhiêu thì lại buồn cho thực trạng giáo dục bấy nhiêu. Hóa ra chỉ cần nói với các em những điều chân thực và gần gũi là sẽ có hiệu quả ngay lập tức mà các ban giám hiệu cũng không làm.

PV: Quả đúng thế. Tôi đã coi đi coi lại bài diễn văn ở Phú Yên. Tôi tự hỏi: có cần phải tiến sĩ, có cần phải giáo sư, có cần một viện nghiên cứu mới soạn ra những lời đó không? Và tôi kết luận là không.

Bảng: Đúng. Không hề. Bất cứ con người yêu trẻ và muốn trẻ lớn lên một cách lành mạnh và trong sáng cũng viết được bài diễn văn kia.

PV: Do đó, lời ông Chủ tịch Phú Yên càng nổi tiếng bao nhiêu…

Bảng: Lại khiến cho những người có trí thức buồn bấy nhiêu. Người ta cứ hô hào cải cách giáo dục và coi đó như là khoa học gì đó cao siêu, phải mất rất nhiều thời gian công sức và trí tuệ thực hiện. Nhưng thực ra, cải cách giáo dục có thể tới ngay tức khắc, chỉ bằng sự chân thật mà thôi.

PV: Nói cách khác…

Bảng: Không có cải cách giáo dục nếu cứ có những lớp toàn học sinh tiên tiến, nếu có bài thi toàn điểm 10, nếu có những Lễ khai giảng và Bế giảng toàn phát biểu những lời rỗng tuếch. Cải cách giáo dục trước tiên có thể bắt đầu từ những hành động về quyền cơ bản của trẻ em.

Lê Thị Liên Hoan
.
.