Phong da ngựa mặc bèo trôi sóng vỗ

Thứ Tư, 21/10/2015, 09:26
Đôi khi nghĩ rằng, sách như người bạn. Đã đọc đâu đó rồi, có lúc tình cờ tìm thấy quyển sách đó lại có cảm giác như gặp người bạn ngày cũ. Mỗi thời gian, tùy tuổi tác, con người ta cảm nhận khác nhau về một quyển sách.

Ông Lâm Ngữ Đường bảo: “Tuổi trẻ đọc sách như nhìn trăng qua cái kẽ, lớn tuổi đọc sách như ngắm trăng ở ngoài sân, tuổi già đọc sách như thưởng trăng trên đài. Do từng trải nhiều hay ít mà sở đắc nhiều hay ít”. Đúng quá chừng. Thời hoa niên, đã đọc Ý thức mới trong văn nghệ và triết học của Phạm Công Thiện. Lúc đó, chỉ thích những câu văn xuôi viết như thơ:

Một con ong chết.
Nắng xế qua triền cửa sổ.
Mùa hè đổi hướng.

Cummings chết: tôi không buồn. Hemingway, Blaise Cendrars, Hermann Hesse, Faulkner chết, tôi không buồn. Một con ong chết: tôi buồn lắm”.

Rồi bẵng đi hơn mười năm sau, lúc vào Sài Gòn, la cà tiệm sách cũ tình cờ lại tìm mua được quyển sách đã ngấu nghiến từ bé. Mừng rơn. Lập tức bao nhiêu kỷ niệm của ngày tháng sinh viên ùa về như thác lũ. Rồi lặng lẽ đọc tiếp. Đọc và ghi nhớ lấy một đoạn mà trước đây chẳng hề quan tâm đến. Chỉ cần mấy câu này thôi đủ thấy tình yêu của Phạm Công Thiện dành cho tiếng Việt. Mấy câu này mới ghê gớm, còn lại những trang khác, y chẳng còn tha thiết, đau đáu, suy tư, ngẫm nghĩ như lúc trẻ. Rõ ràng, ông Lâm Ngữ Đường nói đúng. Mỗi thời, người ta lại tiếp cận khác nhau về một quyển sách. Căn cứ vào giải thích các từ “chay, cháy, chày, chảy, chạy” trong Việt Nam tự điển của Hội Khai trí Tiến Đức, in năm 1931, ông Phạm Công Thiện có lời bàn như sau:

“Trong ngôn ngữ nhân loại, không có dân tộc nào có được tiếng nói có âm hưởng kỳ lạ như mấy tiếng Việt sau đây:

1. CHAY (có nghĩa: trong sạch).

2. CHÁY (có nghĩa: bén hay bốc lửa lên).

3. CHÀY (có nghĩa: bóng: liều lĩnh không có lý sự).

4. CHẢY (có nghĩa: trôi đi, tuôn ra).

5. CHẠY (có nghĩa: đi nhanh, gót chân không bén xuống đất… nói về cái gì thoát, không vấp, không tắc).

Tất cả tư tưởng triết lý đạo lý của Việt Nam đã nằm trong năm chữ trên. Con đường của tinh thần Việt Nam phải đi trên năm bước tuần tự: trước nhất phải trong sạch thuần khiết, phải giữ nguyên tính thuần túy, sạch sẽ, không pha trộn với ngoại chất (CHAY), nhờ thế thì sức mạnh tâm linh mới bừng cháy dậy như cơn hỏa hoạn thiêng liêng thiêu đốt cho tan hết mọi nhỏ nhoi tầm thường rác rưởi (CHÁY) và nhờ ngọn lửa thiêng liêng bùng cháy trong tim cho nên sống hồn nhiên liều lĩnh, không cần tranh đua lý sự gì nữa cả, vượt lên trên mọi dự trù tính toán và lồng lộng phăng phăng, ngang dọc, đầu đội trời chân đạp đất, liều lĩnh, không sợ hãi (CHÀY) vì sống như thế, nên sức sống ào ạt phăng mạnh như nước lũ (CHẢY) cho nên không vướng mắc gì nữa, không vấp, không kẹt vào trong bất cứ cái gì trên đời này (CHẠY)” (tr.XI - XII).

Thú vị chưa? Lời bình quá xuất sắc. Gợi mở nhiều suy nghĩ lý thú về sự biến hóa, uyển chuyển, đa nghĩa của tiếng Việt. Là người Việt da vàng mũi tẹt, ngón chân Giao Chỉ nhưng đố ai dám ưỡn ngực vênh mặt đã hiểu hết mọi tiếng nói của dân tộc mình? Lâu nay vẫn nghĩ “rách như tổ đỉa” là con đỉa. Nhưng chẳng phải đâu, có người giải thích ấy là chỉ sự xơ xác của lá cây tổ đỉa khiến người ta liên tưởng đến sự rách nát! Có trên đời cái cây mà tên gọi chẳng hay ho gì là cây “tổ đỉa”? Lạ quá.

Chiều thứ Tư vừa rồi, họp xong, rời cơ quan. Đi về trong mưa, tự dưng thèm bún bò Huế lạ lùng. Tìm kiếm trong trí nhớ. Tìm mãi. Tìm từ đường Điện Biên Phủ lên đến tận sân bay Tân Sơn Nhất. Vẫn không tìm ra quán nào ưng ý. Cuối cùng, quay về Pasteur. Và lại phở. Chiều qua vẫn thèm tô bún bò Huế. Sợi bún nhỏ. Ớt thật cay. Váng mỡ màu rêu cua. Thật ngon. Đậm đà thương nhớ. Mùi vị của bún bò Huế bám riết không nguôi. Lại đi tìm. Đôi khi thèm ăn một chút gì, lúc mưa. Rồi cũng không thể. Cuối cùng, tạt qua Kỳ Đồng với phở. Nhớ về Đà Nẵng vẫn là những món ăn ngon.

Thương cha nhớ mẹ thì về
Nhược bằng thương kiểng nhớ quê thì đừng

Đành rằng, về quê với nỗi lòng, tấm lòng yêu thương vô bờ bến dành cho đấng sinh thành là đúng rồi, nhưng “thương kiểng nhớ quê thì đừng”? Tại sao lại thế? Có ai giải thích giúp cho không? Thôi thì, tự giải thích vậy. Có những câu ca dao, thế hệ sau sẽ khó “giải mã” nếu không biết rõ hoàn cảnh ra đời của nó. Có lẽ câu ca dao trên ra đời từ thời cụ Nguyễn Duy Hiệu - thủ lĩnh Nghĩa Hội Quảng Nam bị Pháp đàn áp vào đường cùng. Nguyễn Thân - người trực tiếp cầm quân giao chiến với nghĩa binh đã tung độc kế là bắt mẹ Nguyễn Duy Hiệu đặng gây áp lực. Cuối cùng, trong lúc binh mã tan tác, phó tướng Phan Bá Phiến uống độc dược tự vẫn, cụ Hiệu phải “bó thân về với triều trình”. Cụ bị chặt đầu vào ngày 1/10/1887 tại pháp trường An Hòa (Huế).

Khi cái đầu của người anh hùng rơi xuống đất, lập tức được triều đình sai chở bằng chuyến xe tốc hành vào Quảng Nam, bêu cho công chúng dọc đường nhìn thấy nhằm uy hiếp tinh thần. Cùng lúc, các trạm phóng ngựa ruổi khắp tỉnh, cầm trên tay một dòng chữ rất lớn: “Hiệu đại thủ lĩnh đã bị giết”! Năm kia, đi điền dã, có ghi chép lúc cụ Hiệu bị giam tại Huế: Trong tù, cụ yêu cầu được cung cấp 200 tờ giấy lớn để kê khai họ tên của những người tham gia Nghĩa hội! Lập tức một án thư được thiết lập trang trọng để cụ khải trình.

Cuối cùng, trên 200 tờ giấy, triều đình Huế phải đọc 200 lần với lời khai duy nhất: “Nghĩa hội Quảng Nam, Quảng Ngãi chỉ có mình Hiệu. Từ Hiệu trở xuống đều bị Hiệu cưỡng bức phải theo”. Những chi tiết này cần cho sử học. Ngày nay, trên đường từ Đà Nẵng vào Hội An, vẫn còn thấy đền thờ Nguyễn Duy Hiệu trong một công viên lớn.

Trở lại với câu ca dao trên, ý rằng, nếu vì cha vì mẹ (như cụ Hiệu) thì về quê, bằng không thì thôi, đừng về để bảo toàn tính mạng. Do ra đời trong hoàn cảnh trên nên câu ca dao mới có lời nhắn nhủ đó.

Giải thích này hợp lý không? Ắt có. Đôi khi y tự “ăn dưa bở” là thế. Mà cũng chẳng sao. Tự mình lý giải, tự mình thích là vui rồi. Chẳng hạn, đọc lại mấy câu tuyệt hay trong văn tế của cụ Nguyễn Đình Chiểu: “Bữa thấy bòng bong che trắng lốp, muốn tới ăn gan”; “Kẻ đâm ngang, người chém dọc, làm cho mã tà ma ní hồn kinh”; “Sống làm chi ở lính mã tà, chia rượu lạt, gặm bánh mì, nghe càng thêm hổ”... Những từ khó hiểu như bòng bong, trắng lốp, mã tà ma ní… người ta đã giải thích rồi. Tuy nhiên, vẫn chưa thấy ai giải thích “rượu lạt”.

 Vậy “rượu lạt” là rượu gì? Câu hỏi cắc cớ ấy không phải thừa. Nếu toàn bộ sáng tác của Cụ Đồ bị thất lạc ráo trọi thì chỉ duy Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, cụ cũng xứng đáng đời sau dựng tượng đài.

Thiên hạ nói nhiều, ca ngợi nhiều Văn tế trận vong tướng sĩ của Nguyễn Văn Thành, đành rằng tuyệt bút nhưng do viết từ những năm Nguyễn Ánh vừa lên ngôi (1802) nên có nhiều từ Hán - Việt, điển cố, điển tích mà nay đọc thấy khó hiểu. Trong khi đó, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc do viết sau (1861) nên từ ngữ vẫn gần với thế hệ ngày nay hơn. Sau một cuộc chiến khốc liệt, người xưa đã có những bài văn tế đạt đến sự toàn bích về nội dung và nghệ thuật, chẳng hạn: “Kẻ thời chen chân ngựa quyết giật cờ trong trận, xót lẽ gan vàng mà mệnh bạc, nắm lông hồng theo đạn lạc tên bay; Kẻ thời bắt mũi thuyền toan cướp giáo giữa dòng, thương thay phép trọng để thân khinh, phong da ngựa mặc bèo trôi sóng vỗ”.  Đọc lên thật to đi, chưa cần hiểu rõ hết nghĩa nhưng đã cảm được sự du dương trầm bổng nhịp nhàng. Khiến lòng dạ bùi ngùi. Thương thay binh lính dưới trướng Nguyễn Ánh, nghe Văn tế trận vong tướng sĩ cũng ngậm cười chín suối; vẻ vang thay nghĩa quân theo cờ nghĩa Trương Định, nghe Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc cũng thỏa lòng mát dạ chốn cửu tuyền. “Uống nước nhớ nguồn”, tri ân những người đã bỏ mình vì hòn tên mũi đạn chốn sa trường là cái tình, tấm lòng, nghĩa khí, đạo đức của người Việt từ ngàn đời nay.

Hãy trở lại với “rượu lạt” và thử tìm hiểu xem sao.

Có lẽ cụ Đồ Chiểu muốn nói đến loại “rượu vang” đấy chăng? Tính về nồng độ, rượu này nhẹ hơn “rượu đế” quốc hồn quốc túy của dân Nam Kỳ nên cụ mới gọi là “rượu lạt”. Sở dĩ có suy luận này, vì như ta đã biết năm 1863, phái đoàn Phan Thanh Giản sang Pháp điều đình xin chuộc ba tỉnh miền Đông: Biên Hòa, Gia Định, Định Tường. Nội tình nước Pháp chia làm hai phe: một, đồng ý cho Việt Nam bỏ tiền ra chuộc đất vì ngân sách đang thâm thủng; một, tiếp tục đeo đuổi cuộc viễn chinh chiếm Nam Kỳ vì nhiều quyền lợi khác.

Trong các quyền lợi đó, còn có cả việc mở rộng thị trường buôn bán hàng hóa, sản phẩm… Tất nhiên giới thương gia Pháp không đứng ngoài cuộc. Loại rượu vang Bordeaux trứ danh của miền Nam nước Pháp đã theo gót chân quân viễn chinh đến tận trận chiến ở Nam Kỳ, cùng với bánh mì, xà phòng… Lúc ấy, chưa biết tên gọi cụ thể là gì, Cụ Đồ Chiểu gọi “rượu lạt” là vậy.

Sau này, đến thời Tú Xương, người Việt đã biết đến tên gọi cụ thể: “Sáng rượu sâm banh, tối sữa bò”. Nhân đây cũng nói luôn, có lẽ cụ Đồ Chiểu là người trước nhất đưa… bánh mì vào văn tế: “Sống làm chi ở lính mã tà, chia rượu lạt, gặm bánh mì, nghe càng thêm hổ”. Trong các trận đánh ác liệt, các nghĩa quân của anh hùng Trương Định, Thiên Hộ Dương, Nguyễn Trung Trực… đã thu về nhiều chiến lợi phẩm của kẻ thù phương Tây. Cụ Đồ Chiểu đã biết đến những thứ xa lạ ấy và đưa vào thơ văn là lẽ tất nhiên. Rõ ràng, những vấn đề sử học có thể tiếp cận được tùy theo góc nhìn của mỗi người. Góc nhìn ấy cho phép người đời sau sử dụng phép suy luận. Mà với nhà văn, điều này cực kỳ cần thiết, nếu không làm sao có thể dựng lại bối cảnh lịch sử đã diễn ra trong quá khứ từ hàng trăm năm trước?

Về ngôn ngữ học, có thể suy luận được không? Có thể. Nhưng tìm đến tận cùng từ nguyên vẫn chính xác hơn cả. Câu thơ của Nguyễn Trãi: “Dấu người đi lá đá mòn” hay “Dấu người đi là đá mòn” hay “Dấu người đi la đá mòn”? Đọc tạp chí Hán Nôm những năm trước đây và nhiều tài liệu khác còn thấy các học giả hàng đầu vẫn tranh luận không dứt. Mới đây, đọc công trình nghiên cứu mới nhất về Nguyễn Trãi: Nguyễn Trãi -  Quốc âm từ điển, Tiến sĩ Trần Trọng Dương có giải thích: “La đá: âm cổ của đá khi tiếng Việt vẫn còn tồn tại từ cận song tiết lata” v.v… và đưa ra nhiều chứng cứ rõ ràng, thuyết phục. Ai muốn tìm hiểu kỹ thì đọc ở trang 186. Ở đây, chỉ nói gọn rằng: câu thơ trên của Nguyễn Trãi ta có thể hiểu, người đi đá mòn.

Chỉnh vàng chẳng tiếc, danh thì tiếc
La đá hay mòn nghĩa chẳng mòn

Ấy là tâm sự của thiên tài Nguyễn Trãi, sống ở thế kỷ XV nên cách diễn đạt đã khác thế hệ chúng ta, nhưng ngữ nghĩa vẫn không thay đổi.

Lê Minh Quốc
.
.