Phố thị trở mình

Thứ Hai, 20/05/2019, 18:10
Nếu có dịp dạo quanh phố thị Sài Gòn về đêm qua các con đường, góc phố hay qua các con hẻm dài ngắn, lắng nghe nhiều âm thanh trong đêm, bạn sẽ cảm nhận đâu đó sau góc khuất của sự hào nhoáng là những mảnh đời, những cuộc mưu sinh còn đầy ngổn ngang…

Buồn như thanh âm nghề đấm bóp dạo

Cạnh nơi tôi sống có cụ ông áng hơn 80 tuổi, mắc chứng Alzheimer (chứng mất trí nhớ của người lớn tuổi), thỉnh thoảng rất khuya ông hay đi gõ cửa từng phòng xin 20 nghìn đồng. 

Ngày trước ông làm nghề đấm bóp giác hơi dạo quanh Sài Gòn, có người khách gọi vào nhà hành nghề, ông làm cho khách xong, khách không hài lòng nên kiếm chuyện rồi không trả tiền. Chuyện rất lâu rồi nhưng từ khi ông phát chứng Alzheimer ông vẫn hay nhớ lại, gặp ai cũng xưng tên mình ra rồi bảo "cho tôi xin lại 20 nghìn tiền công!" nghe rất thương.

Bây giờ con trai ông là anh Nguyễn Anh Tư hành nghề này. Giá mỗi suất đấm bóp giác hơi dạo của anh Tư bây giờ là từ 50-60 nghìn đồng, hôm gặp khách thương, khách cho thêm. 

Anh bảo, bây giờ khách có tiền rất ít chịu nằm ra vỉa hè trong đêm cho mình đấm bóp, họ có nhiều chọn lựa ở những nơi máy lạnh, mát mẻ, có sự hỗ trợ của máy móc và kỹ thuật. Anh thường hành nghề với những người lao động nghèo xung quanh khu phố, khu nhà trọ, đa phần là công nhân, xe ôm, người buôn bán dạo sau ngày làm việc mệt mỏi.

Bộ đồ hành nghề mang theo trong chiếc hộp nhỏ của anh Tư gồm những cốc thuỷ tinh lúc nào cũng lau chùi mới bóng, cồn, nước ấm, bông và nhiều thứ nhỏ li ti khác. Thanh âm lắc cắc báo hiệu của một anh giác hơi dạo là từ những nắp chai nước ngọt mà anh Tư đập dẹp ra, xâu vào một thanh kẽm cứng. 

Tôi nhận ra thanh kẽm này cũng tự chế bằng một chiếc móc áo đã gãy được bẻ thẳng ra. Bộ đồ nghề truyền từ cha của anh Tư trông rất đơn giản nhưng lại rất quan trọng bởi nó là tất cả mưu sinh của gia đình.

Khi phố thị bắt đầu lên đèn là anh ra khỏi nhà cho đến khi mọi nẻo đường trải đều ánh sáng. Anh không tính được anh đã đi qua bao nhiêu con đường, góc phố. 

Đôi khi nhìn dòng xe cộ hắt đèn ngược vào mình, không có khách gọi, cũng không biết làm gì, anh chỉ thêm nghĩ ngợi về tương lai đứa con trai học đang lớp 4 ở quê, nên mỗi tháng ki cóp lắm mới có một khoản tiền gửi về nhà để con được học hành nhiều hơn mình một chút.

Âm thanh lắc cắc của nghề theo anh như một người bạn thân trên hành trình đơn độc, mỗi khi phố phường dường như đã chìm vào tĩnh mịch không còn ai có nhu cầu gọi mình đấm bóp nữa, anh Tư vẫn theo thói quen lắc thanh kẽm xâu những chiếc nắp kêu lên giữa màn đêm trên đường trở về nhà. Âm thanh càng về khuya càng loãng ra, nghe buồn buồn cho một phận người giữa màn đêm.

Như chùm bong bóng lặng yên trong đêm

Anh cứ yên lặng ngồi ở vỉa hè đối diện nhà văn hoá với chùm bong bóng đủ màu sắc, đủ hình thù trên tay. Anh không mời chào ai cả, gặp ai cũng nhe hàm răng ố màu thuốc cười cười, rồi theo thói quen móc trong túi áo ra một bao thuốc lá rẻ tiền nhăn nhúm, anh sẽ đốt hết điếu này rồi đốt sang điếu khác, thở ra những làn khói khét nghẹt. 

Dường như anh không quan tâm mấy đến chuyện bán buôn, nhưng đôi khi anh cũng bán được một vài chiếc bong bóng với khuôn mặt hớn hở, và vẫn nụ cười thay cảm ơn.

Những người buôn bán xung quanh anh kể rằng anh bị câm điếc, ngoài không thể nói chuyện ra anh còn có chút vấn đề về trí tuệ nên đôi khi anh bị trêu chọc, bị giật bong bóng, bị lừa đổi thuốc lá lấy bong bóng.

Nhiều đêm, khi đã hơn 0 giờ, khi về ngang qua tôi vẫn thấy anh ngồi với chùm bong bóng trên tay, giờ đó chắc có lẽ chỉ chờ người nhà ra đón về bởi xung quanh những khách hàng thượng đế của anh là những đứa trẻ đã ngủ gà gật trên vai bố mẹ, tay vẫn còn giữ chặt sợi dây buộc chiếc bong bóng lủng lẳng trong đêm, có vẻ như nó hơi mềm đi một chút nhưng vẫn rất lung linh dưới ánh đèn đường. 

Anh vẫn cứ hồn nhiên ngồi châm thuốc lá và hút một mình giữa dòng người xe qua lại trong đêm trên đường phố, vẫn có những người tuy không thân thiết nhưng thỉnh thoảng vẫn để mắt trông chừng anh dù không có ai gửi gắm.

Bẵng đi một thời gian, không còn trông thấy anh ngồi châm thuốc hút với bộ răng vàng ố và chùm bong bóng trên tay nữa, không thấy nụ cười ngô nghê chào khách hay những tàn thuốc vương vãi khi anh phủi ống quần đứng dậy. 

Có người bảo anh trai anh đưa anh về quê chăm sóc, có người thì lại bảo anh được đưa đi chữa bệnh ở trung tâm nào đó, cũng có người bảo chắc anh mất rồi vì trước đây hình như anh mắc chứng bệnh gì đó rất hay ôm ngực than đau... Và nhiều suy đoán khác nữa, lao xao bàn tán về anh.

Phận người trong phố thị chênh chao, thoắt ẩn thoắt hiện rồi cũng nhanh chóng biến mất giữa xô bồ, đến một cái tên cũng chưa ai kịp biết với ai, vô thanh vô ảnh mất hút giữa dòng đời.

Và những cuộc mưu sinh dưới ánh đèn

Thằng bé làm trò phun lửa cạnh các quán nhậu ở Bờ Kè, cứ tầm 9-10 giờ tối là nó mang dụng cụ đến, không cần biết người ta có xem không, không cần biết người ta có thích không, nó tự động ngậm xăng vào miệng, thổi đuốc sáng choang. Khuôn mặt nó tuy còn nhỏ nhưng rất lam lũ, nhăn nhó mỗi lần biểu diễn. 

Chưa dừng lại ở đó, nếu hăng hái quá nó còn lấy trong túi một dao lam bỏ vào miệng nhai nhồm nhoàm như người ta vừa ăn một quả táo giòn, khiến người xem rợn tóc gáy.

Người quen mặt nó, quen kiểu ngồi hàng quán tụ tập rồi thì mặc kệ, xua tay và quay lưng với nó khi nó cầm chiếc nón cũ mèm đến xin tiền. 

Còn những người mới lần đầu xem thấy nó diễn trò hay những người động lòng trắc ẩn thấy thương, thấy tội nó thì chăm chú xem, mà nó thấy ai chăm chú xem thế nào nó cũng tiến lại gần, nó không đòi hỏi gì cả, người ta cho bao nhiêu nó nhận bấy nhiêu, cho đồ ăn thì nó nhận đồ ăn, mấy khách nhậu khi thách nó uống bia, nó uống cả bia. 

Nhìn cái mặt non choẹt của nó, bàn tay đen nhẻm, cháy sém màu than bẩn bẩn của nó nhiều khi tôi chỉ thấy tội, thương cho nghề mưu sinh của những đứa trẻ kém mắn.

Tụi nó quen thuộc giữa lòng phố thị về đêm đến nỗi chị bán cơm tấm hay cô bán hủ tíu gõ đều biết. Biết mặt, biết cả tên, biết nơi ở, biết người đàn ông hay chở cả 3 đứa tụi nó trên chiếc xe máy đến mỗi buổi tối, thả tụi nó xuống, căn dặn một số thứ xong rồi đi. Tầm 4-5h sáng cũng người đàn ông đó quay lại đón tụi nó về. Đều đặn như phố hết sáng rồi lại tối, hết đêm lại sang một ngày.

Thành phố về đêm sẽ như đầy đặn hơn ở bên trong những con hẻm. Chỗ này là quán cà phê cóc mở rất khuya bằng dăm ba ghế nhựa, một chiếc ghế để bỏ thức uống, một chiếc để ngồi, kế bên là quán cơm tấm đêm, đối diện là quán bún bò nằm cạnh quán bún riêu… 

Cũng không thể thiếu được nữa, đó là tiếng lóc cóc của đội quân xe mì gõ suốt hai mùa mưa nắng, làm cho người ta ít nhiều có những ký ức mông lung gợi nhớ. Những tiếng rao đêm như xối vào lòng người. Xe mì gõ nơi góc đường bốc hơi nghi ngút toả hương thơm cả một con hẻm dài. 

Với những người tỉnh lẻ lên Sài Gòn ở trọ vài năm thì chắc chắn những xe hủ tíu gõ, những vắt mì đã đi vào ký ức không thể nào quên. Nhất là mỗi khi đêm về, học bài khuya, với vài ngàn đồng có thể có một bát hủ tíu, mì, nui thơm thơm mùi giá hẹ cùng lát thịt mỏng tang hơn cả chiếc lá.

Mỗi tô hủ tíu có giá 10 - 15 nghìn đồng cũng đủ làm no những thực khách đang kiếm tìm một chỗ ăn nhanh lúc đói lòng, cũng đủ cho những người đang cạn dần túi tiền một lúc nào đó. 

Dẫu vất vả nhưng cũng coi như sống được cho những người vẫn cố bám víu giữa lòng Sài Gòn đêm và nuôi ước mơ về một cuộc sống no đủ bên chiếc xe hủ tíu cà tàng.

Còn nếu muốn sang hơn một chút, thì ở những phố Tây, những khu hàng quán ăn nhậu, những xe bán hải sản, ốc mực di động được đẩy đi dọc kèm những tiếng rao và những chiếc hộp tiện dụng đầy những xâu thịt nướng thơm phưng phức vừa lấy ra khỏi bếp than đỏ lửa, một cuộc trao đổi buôn bán rất nhanh giữa khách và cô chủ xe. 

Nhận tiền, giao thức ăn rồi nhanh chóng đẩy đi sang chào mời những khách hàng kế bên. Tiếng rao vang vang, tiếng bánh xe lạch cạch, tiếng tí tách than nổ… Đằng sau những thanh âm đó là nếp sinh hoạt người dân chốn thị thành từ lâu đời, những thanh âm cuộc đời, dắt díu những cuộc mưu sinh, là nguồn sống của rất nhiều người dẫu là dân phố thị đích thực hay người tạm cư. 

Dưới ánh đèn đêm họ đều tất bật như nhau. Những âm thanh giữa trời khuya ấy ngày càng nhỏ dần và rơi vào khoảng không vô tận, hun hút của màn đêm.

Đi qua một con đường, góc phố nào đó giữa trời đêm chợt nhận ra rằng chỉ có những lúc thênh thang một cách ngẫu hứng trong đêm khuya như vậy thì mới hiểu hết những thanh âm thăng trầm của cuộc đời, có vui buồn và có cả những phút giây chạnh lòng.

Nếu đã từng loanh quanh một đêm sống cùng thành phố không bao giờ ngủ này, mới cảm nhận được những điều mà bấy lâu nay ta chưa bao giờ nghĩ đến. Hai mặt của cuộc sống về đêm cũng là hai dòng cảm xúc của cuộc đời nơi đây. 

Sẽ có lúc nào đó cùng với phố thị, ta trôi về cảm xúc một bên là sự thú vị trước cuộc sống nhộn nhịp tấp nập và vẻ đẹp mặn mà của Sài Gòn lúc đêm về, còn mạch cảm xúc bên kia là sự đồng cảm xót thương cho những mảnh đời cơ cực, lo từng đồng bạc để mưu sinh. Nhưng tất cả họ là một phần không thể thiếu của thành phố nơi này.

Nhị Kiều
.
.