Phía sau những bức màn hoài niệm

Thứ Sáu, 03/05/2019, 17:14
Lỗ Tấn nói: "Cái bánh bao ngày xưa bao giờ cũng to hơn cái bánh bao bây giờ". Đó là một câu nói phản ánh chính xác những gì con người hiện đại đang kiếm tìm - những gì thuộc về quá khứ, hoài cổ, những gì con người không bao giờ còn có thể hình dung, hay chạm tay vào lần nữa.


Nhưng có lẽ, tác giả của câu nói cũng thừa hiểu rằng, dẫu cái bánh bao trong quá khứ có to gấp ngàn vạn lần cái bánh bao bây giờ, thì nó cũng có cả những hiện thực đầy khốc liệt...

Sự khác biệt giữa quá khứ, hiện tại, tương lai chỉ là một ảo tưởng dai dẳng đến ngoan cố. Nói như nhà nghiên cứu văn hoá Nguyễn Trần Bạt thì cấu trúc không gian sống của con người được chia làm ba miền: quá khứ là miền thực, tương lai là miền tưởng tượng, còn hiện tại là ranh giới của hai miền vừa nói.

Con người luôn luôn đứng ở ranh giới, không bao giờ có thể thay đổi vị trí của mình dẫu có cố gắng đến đâu. Người ta chạy trốn thực tại nhưng vẫn không thể thoát khỏi thực tại, cũng như đường biên của hai quốc gia, dẫu chỉ là vô hình thì cũng không một ai có đủ quyền năng để làm chệch nó đi, dù chỉ vài xăng ti mét.

Có một sự thật là vài năm trở lại đây, mọi người luôn đi tìm những gì mang hơi hướng hoài cổ. Các quán cà phê mang màu sắc bao cấp. Các chương trình truyền hình xây dựng những format rút ngắn khoảng cách quá khứ - hiện tại. 

Các cửa hàng thời trang luôn định hướng những mode mới nhất là những phong cách đã có từ cả vài chục năm về trước: quần ống loe, áo croptop, chân váy xếp li hoa... Và đáng ngạc nhiên là tất cả những điều kể trên đều rất... hút khách.

Câu hỏi được đặt ra là liệu có phải cuộc sống trong thực tại... đáng chán đến nỗi mà tất cả mọi người đều giành cho kì được tấm vé để chen lên toa tàu trở về quá khứ hay không? Có lẽ là không. 

Thực tại của chúng ta vẫn rất đẹp, vẫn đầy đủ âm sắc, cung bậc, dư ba khi cần của nó. Thứ gia vị mà Thực Tại thiếu, có lẽ là một chút nhớ nhung của những người đã trải qua, một chút tò mò của những người chưa từng nếm nó, và mâm cỗ Quá Khứ được những người đóng vai trò "đầu bếp nhào nặn" dọn sẵn ra đã đáp ứng  trọn vẹn nhu cầu cả thẩm lẫn thấu của mọi kiểu thực khách, của mọi loại khẩu vị trên đời.

Cũng dễ hiểu bởi với vai trò là người nhào nặn, họ sẽ chỉ gạn lọc tới khán giả của mình những gì đậm đà, và đánh thức vị giác một cách mạnh mẽ nhất.

Ví như trong một chương trình truyền hình với chủ đề về ngày cưới, Giáo sư Đặng Hanh Đệ và phu nhân đã kể lại những câu chuyện dở khóc dở cười của mình giữa những năm tháng bao cấp của cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Đằng sau tờ giấy đăng kí kết hôn của giáo sư là dòng chữ: "Bán 5kg bánh kẹo".

Nghĩa là trong những năm tháng cần kiệm của đất nước để phục vụ cho chiến tranh, thì mỗi cặp đôi khi kết hôn chỉ được phép mua 5kg bánh kẹo để mời quan viên hai họ - tránh tình trạng mua thêm, mua dôi khi hoàn cảnh chung của nhân dân đều đói kém. Điều đáng nói là 5kg bánh kẹo ấy được làm từ bột mì mốc hỏng, nên mọi người phải nhắm mắt mà ăn.

Hay khi phu nhân giáo sư là bác sĩ Lê Lan Phương cũng chia sẻ về kỉ niệm mình được đón dâu bằng... xe đạp. Một điều bình thường trong hoàn cảnh ấy với tất cả mọi người - nhưng nếu là thời điểm 2019 - biết đâu sẽ trở thành chuyện độc, lạ, và rất có thể sẽ trở thành "trend" (trào lưu) của giới trẻ ngày nay?

Có một điều phải thừa nhận rằng nếu như không có những chương trình truyền hình như vậy thì thế hệ trẻ sẽ khó lòng hiểu được những nỗi gian truân mà thế hệ đi trước đã phải trải qua.

Những câu chuyện của vợ chồng giáo sư Đặng Hanh Đệ sẽ trở thành những bài học thấm thía, mà cái kết của câu chuyện, hình ảnh hai vị lão thành râu tóc bạc phơ, nhưng vẫn an yên ở bên nhau, vẫn đầy rung động khi hồi tưởng về quá khứ chính là cái đích mơ ước của biết bao nhiêu "đôi chim" chuẩn bị đến ngày kết tổ.

Tuy vậy, quá khứ đâu chỉ toàn một màu hồng. Quá khứ cũng giống như hiện tại, cũng đủ đầy âm sắc, và cung bậc. Có thể là một nốt cao lấp lánh ánh vàng, nhưng cũng có thể là những nốt trầm thâm xám, bởi nơi nào có dấu chân con người đi qua, nơi ấy sẽ chôn giấu những mảnh vụn vỡ của chiếc hộp Pandora mà Thượng Đế từng trao cho con người. Chẳng tin thì hãy cứ lần giở những trang viết của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ mà kiểm chứng: Lời thề thứ 9, Mùa hạ cuối cùng, Tôi và chúng ta...

Đặc biệt với "Ai là thủ phạm", Lưu Quang Vũ đã tái hiện gần như trọn vẹn phông nền của một xã hội bao cấp với đầy đủ những mảng rêu mốc, những thân phận xen chồng, những mánh khóe thủ đoạn mà người với người ứng xử với nhau. Những vở kịch như vậy khiến người xem cảm thấy ngột ngạt, căng tức.

Nó thực khác với vẻ duyên dáng, yêu kiều, "tuy nghèo tiền bạc nhưng giàu tình nghĩa" mà những ai chưa trải qua vẫn hay ngộ nhận. Hẳn nhiên là vậy, bởi mỗi thời kì đều mang những gương mặt điển hình khác nhau, và tùy từng con mắt thẩm mĩ mà gương mặt ấy đẹp hay xấu; đường nét, góc cạnh hay nho nhã, mĩ miều.

Nhất là những gương mặt từ quá khứ, khi đã được mặc định hai chữ "cố nhân", hai chữ lãng mạn như một nàng thơ thì dĩ nhiên nàng thơ ấy sẽ sống mãi với vẻ đẹp bay bổng nhất, dẫu sự thật rằng nàng cũng chỉ là một người bình thường như bao nhiêu người khác.

Quay trở lại với câu nói của đại văn hào Lỗ Tấn trong truyện ngắn "Thuốc", lẫn trong sự chua chát, ta thấy vẫn còn một điều tích cực khi chí ít, cái thời "bây giờ" Lỗ Tấn nhắc tới vẫn còn có "bánh bao" để đặt lên bàn cân đối trọng với cái thời của "ngày xưa" ấy.

Chỉ sợ rằng, trong thời đại nhiễu nhương, xô bồ như ngày nay, đến một vụn bánh bao để so chưa chắc đã còn sót. Người ta mải mê, đắm chìm trong những miền kí ức của quá khứ mà quên mất nhiệm vụ của mình là phải xây dựng những giá trị văn hóa mới cho từng thế hệ. Bởi những giá trị văn hóa luôn dịch chuyển, luôn đổi thay, luôn được bồi đắp mới làm nên giá trị văn hóa của một cộng đồng người.

Ảnh: L.G.

Quá khứ chỉ nên là một chiếc gương chiếu hậu để ta tham khảo, chứ đừng quên rằng, khoảng không trước mặt với đôi mắt và bàn tay ta mới là điểm đến sau cuối. Chúng ta luôn hoài vọng về những giá trị tốt đẹp, tích cực của quá khứ, vậy nhưng tương lai lấy gì để hoài vọng về chúng ta - những thế hệ người đang lui dần vào sau bức màn  hoài niệm? 

Sau bức màn ấy, chúng ta vẫn sẽ lộ rõ những đường nét của mình hay lứa khán giả của tương lai nhìn vào chỉ còn là những cái bóng ở không để hình, đi không vang tiếng?

Hollywood mà cụ thể là đạo diễn lừng danh Woody Allen từng làm một bộ phim khai thác về sự hoài niệm và chủ nghĩa hiện đại có tên Midnight in Paris (Nửa đêm ở Paris). 

Bộ phim kể về một anh chàng tên Gil đi du lịch tới Paris, và tình cờ, cứ nửa đêm anh ta lại bước lên một chuyến xe taxi trở về quá khứ, điểm đến là nơi gặp gỡ của những vĩ nhân như Hemingway, Picaso... Gil - với tư cách một nhà văn không còn mong mỏi gì hơn khi được diện kiến những người đã làm thay đổi bộ mặt văn chương thế giới.

Nhưng anh chợt nhận ra, những siêu anh hùng văn chương ấy vẫn luôn ngóng vọng về một thời kì hoàng kim khác của Paris -  thời kỳ Belle Epoque của những năm 1890. 

Để rồi, khi lại vô tình lên chiếc xe đi ngược thời gian đến những năm 1890, được gặp Henri de Toulouse-Lautrec, Paul Gauguin và Edgar Degas, cả ba người họ lại thống nhất với Gil rằng, thời đại tốt nhất chính là thời Phục Hưng.

Cuối cùng, khi trở lại cuộc sống của chính mình ở Paris thế kỉ XXI, Gil nhận ra, bầu trời Paris đẹp nhất là khi đi bộ dưới mưa.

À, hoá ra một cơn mưa trong hiện tại cũng lấp lánh những giá trị riêng của nó!

Phan Chân
.
.