Phải cố vui lên mà sống

Chủ Nhật, 04/10/2015, 15:52
Phố mấy hôm nay mưa quá, mưa thì ngập, dĩ nhiên. Như tuần chay nào lại không có nước mắt, dĩ nhiên. Ngập thì bẩn, dĩ nhiên. Như giai nhân nào lại không mơ vớ được một gã tỉ phú góa vợ, tốt nhất là chính bản thân gã ấy lại đang ung thư giai đoạn cuối, dĩ nhiên.

Ngập thì xe chết máy, dĩ nhiên. Xe chết máy thì dắt bộ, dĩ nhiên. Như có em hoa hậu nào lại không bảo yêu hòa bình, ghét chiến tranh, luôn chung thủy và không ham tiền, dĩ nhiên.

Trong những thứ dĩ nhiên buồn chán ấy, may mắn được cứu rỗi bởi ý nghĩ, xe chết máy đỡ tốn tiền đổ xăng, đi bộ đẩy xe đỡ mắc công tập thể dục, người ướt mem dưới mưa đỡ tốn tiền nước.

Phải cố vui lên mà sống, dĩ nhiên.

1. Xưa còn vua, vua thì than phiền quần thần bất tài, quần thần thì than phiền người dân mê muội, người dân thì than phiền từ vua đến quan đều tham tàn như nhau. Nay hết vua, thì quan chức chê người dân có tiền mua xe ôtô chỉ để giải quyết khâu oai khiến đường sá kẹt xe. Người dân thì chê quan không biết cách mở rộng cơ sở hạ tầng. Như vậy, đời sống đã tốt hơn rồi. Ít nhất, vắng hẳn ông vua. Đòi gì nữa, sống phải biết bằng lòng với hiện tại chứ.

Người ta than phiền quá chuyện ngập nước ở Sài Gòn hay ở Hà Nội, dĩ nhiên rồi, mưa ở đâu mà không ngập. Tây nó cũng ngập đầy đấy thôi, không xem trên tivi à. Đận có cái nước nào có bão đấy, nước cuốn tơi bời hoa trôi nước chảy ngay trong thành phố luôn. May mà bọn Tây nó có trực thăng thòng dây xuống cứu hộ y như trong cinema. Nước mình ngập thì có ngập, nhưng đã đến mức đấy đâu.

Mà thiệt ra, không phải lúc nào cũng ngập, chỉ có mưa mới ngập thôi. Ngày nắng ráo có bao giờ ngập đâu, ngoại trừ triều cường. Mưa to thì ở đâu chẳng ngập, huống hồ là ở đô thị loại đông thị dân nhất như Sài Gòn và Hà Nội. Triều cường thì ở đâu chẳng ngập, huống hồ là ở Sài Gòn và Hà Nội.

Thế nên, phải xem chuyện ngập là chuyện bình thường nhà giàu thích chơi ngông, nhà nghèo mong thoát đói vậy. Còn vì sao đã ném ra mấy chục nghìn tỉ mà ngập vẫn hoàn ngập thì ai mà biết được. Ngập thì hỏi trời vì sao mưa, hỏi sông vì sao triều cường, cái này thuộc về phạm trù siêu nhiên rồi. Người bình thường ai mà am tường. Cứ quy chuẩn ngập là do sở này, là bởi ngành kia hoàn toàn không chính xác chút nào cả.

Ai làm lãnh đạo lại không muốn đô thị do mình quản lý nắng không bụi, mưa không ngập, dân không chửi. Nhưng, muốn là một chuyện còn thực tế lại là chuyện khác chứ. Đụng cái gì cũng than, chạm cái gì cũng chửi. Ngon thì lên làm lãnh đạo đi rồi thấy cái cảnh. Nội chuyện suốt ngày đi họp không là muốn chết rồi, còn biết gì là nắng bụi mưa ngập nữa. Leo lên một cái ghế cao, trên có tám nghìn đôi mắt nhìn xuống, dưới có vạn đôi mắt ngó lên. Khổ sở lắm mới che được bên này, chắn được bên kia. Giữ được ghế là hú hồn, còn ngập hay không ngập thì liên quan gì.

Sống là phải biết thông cảm cho nhau chứ.

2. Vừa rồi, người ta lại ầm ĩ chuyện một trường đại học tự dưng hứng chí phong hàm Giáo sư cho giảng viên của trường. Ngô tôi càng đọc càng hoang mang. Bởi ông quản lý thì một mực bảo, đấy là sai quy định. Ông trường đại học thì nói nhất định không sai.

Ông quản lý mắng trường tự tung tự tác, một chính thể không thể tồn tại hai kiểu giáo sư khác nhau. Ông trường thì cứ chăm chăm, quản lý gì mà phong giáo sư cho cả những người không tham gia công tác giảng dạy, toàn làm hành chính, nghiên cứu thì xoàng xĩnh. Cứ cãi qua cãi lại, vui mớ đời.

Đấy mới chính là cuộc sống, cuộc sống phải náo nhiệt, cuộc sống là phải mặc cả từng chuyện một.

Dẫu cho, giáo sư hay không giáo sư thì quan trọng gì. Vấn đề là làm cách nào để giáo dục của chúng ta đúng nghĩa là giáo dục, đừng rối như hiện tại nữa là được. Thế nhưng, điều này cũng đâu có gì là ghê gớm. Trong khi nền giáo dục của chúng ta chưa khởi sắc thì không phải có càng nhiều giáo sư càng oai ư.

Ngô mà có quyền quyết định, Ngô sẽ nâng cấp cho cử nhân thành thạc sĩ, thạc sĩ thành tiến sĩ, tiến sĩ thành đại tiến sĩ, phó giáo sư thành giáo sư, giáo sư thành siêu giáo sư… Kệ, có mất mát gì đâu mà lo. Bọn nước ngoài nhìn vào trí thức nước mình choáng, ngất đứ đừ đư như khi nàng Tiên Dung dội nước đến đâu thì thấy chàng Chử Đồng Tử lồ lộ đến đấy vậy.

Có gì mà phải cãi nhau, cứ thoải mái đi. Ai muốn làm giáo sư, duyệt tất. Vậy là, không hề xuất hiện tâm tư.

Ai hiện hữu trong dương gian này mà không trọng chữ danh. Huống hồ, là những cá nhân tự cho mình là kẻ có chữ. Không phải đến bậc quan nhân còn trọng danh vị đến độ đi thi quay cóp bị phát hiện à? Không phải thầy Đề, thấy Ký vẫn bị phát hiện xài bằng giả à?. Nên cái chuyện giáo sư, cứ vô tư đi, đáng gì đâu. Như chuyện sớm đến cơ quan kẹt xe, chiều tan tầm xe kẹt.

Đời sống, nhẹ nhàng thôi. Có gì đâu mà phải cáu gắt hay căng thẳng. Không phải, có tiến bộ thì mặt trời vẫn mọc ở hướng Đông và lặn ở hướng Tây. Không phải, không tiến bộ thì sống vẫn phải hít thở và chết thì phải có khói hương. Thoải mái đi mà.

3. Thú thật là đôi lúc Ngô tôi không hiểu được thời gian đâu mà người ta cứ nay xầm xì cái này, mai xầm xì cái khác. Giả đói ăn như Ngô, suốt ngày lo chuyện làm sao để ngày mai nhà có gạo, làm sao để ngày mốt có tiền đóng học cho con, làm sao để ngày kia đủ đóng tiền nhà trọ… Hàng trăm thứ cứ xoay mòng mòng tư duy mệt muốn tắt thở, sức đâu mà nghĩ được chuyện này chuyện kia nữa.

Đời sống, phải bớt nghi kỵ đi, bớt vụn vặt đi.

Con của ông to bà lớn được đề bạt làm lãnh đạo thì có gì mà phải ngạc nhiên. Đây là chuyện bình thường như đến Rằm trăng tròn, sau Rằm trăng khuyết vậy. Khi nào con của Ngô hay con của quý bạn đọc được đề bạt làm lãnh đạo thì chúng ta mới nên ngạc nhiên chứ.

Mà có phải con của quan nhân tự nhiên được đề bạt đâu, cũng phải học hành tử tế, cũng phải Tây du tầm kiến thức về phục vụ lại cho thứ dân. Đâu phải nhắm mắt đặt lưng xuống giường, mai tỉnh dậy súc miệng đánh răng, rửa mặt chải đầu là thành lãnh đạo.

Còn vì sao con của quan nhân lại đủ tiền đi học nước ngoài. Ơ, ai cũng biết là có hai cách để đi học nước ngoài. Thứ nhất, là kiếm được học bổng. Không học bổng toàn phần thì là học bổng bán toàn phần. Thứ hai, tự bỏ tiền đi học.

Khoa học đã chứng minh rồi, con thông minh hay không thông minh chủ yếu là nhờ đặc tính di truyền. Mà con của quan nhân thì chắc chắn không thể không thông minh được. Có ai thấy người không thông minh mà được làm quan chưa? Vậy nên, có thể xét thấy con của quan nhân đi học là nhờ học bổng.

Còn giả bọn xét học bổng có mắt như mù, không thấy được thực tài của con quan nhân thì quan nhân sẽ bỏ tiền túi cho con quan nhân đi du học.

Tiền túi của quan  nhân ở đâu? Tất nhiên là ở những công việc như trồng rau nuôi lợn, may vá thêu thùa, kinh doanh buôn bán. Chứ quan nhân bổng lộc bao nhiêu, làm sao đủ tiền cho con đi du học tự túc được.

Ngô tôi tự bé đến lớn, tuyệt đối không tin rằng ở nước mình, quan nhân trục lợi cá nhân hay lấy việc công làm chuyện riêng để vinh thân phì gia đâu. Bởi nếu có quan nhân tha hóa như vậy thì phải bị trừng trị rồi. Nên chắc chắn, quan nhân phải lý lịch trong sáng, sự nghiệp huy hoàng.

Quan nhân làm việc, trước là để phục vụ cho dân cho nước, sau là để gia tộc vinh hiển. Hai chữ vinh hiển này, phải hiểu theo nghĩa là gia tộc có người làm quan, thật sự được nở mày nở mặt. Chứ không phải kiểu, một người làm quan cả họ được nhờ như thứ dân tầm thường hay đặt điều vu khống.

Vậy nên, có gì đáng bàn trong câu chuyện thiếu gia của một quan nhân xứ nọ được đề bạt làm lãnh đạo, đúng không?.

Một cá nhân xuất chúng như vậy không được đề bạt làm lãnh đạo thì đề bạt ai bây giờ?. 

Ngô tôi chỉ buồn người dân xứ mình, có phúc mà không biết hưởng, có lộc mà không biết thụ. Chuyện nhẽ ra phải mở tiệc vui mừng, thì lại học tính quần thoa, soi mói hồ sơ gia phả.

Đáng tiếc biết bao. Cứ như thế này hoài, thì làm sao chúng ta có thể sánh vai cùng thế giới để thành một quốc gia phi thường được.

Càng nghĩ càng đau lòng.

Ngô Nguyệt Hữu
.
.