Ở trên đời, “may mắn” có tồn tại thật không?

Thứ Hai, 25/01/2021, 13:25
Tsutomu Yamaguchi là một nhân viên chuyên phác thảo bản vẽ kỹ thuật cho các tàu chở dầu. Vào mùa Hè năm 1945, tập đoàn Mitsubishi đã cử ông đến thành phố Hiroshima của Nhật Bản công tác dài ngày. Chuyến đi kết thúc đột ngột khi chiếc Boeing B-29 tên Enola Gay của Mỹ thả quả bom nguyên tử Little Boy (tạm dịch: Bé nhỏ) vào ngày 6/8, với 15 kiloton (1 kiloton tương đương 1.000 tấn) thuốc nổ TNT phát nổ cách vị trí của Yamaguchi chưa đầy hai dặm.


Mặc dù đang đứng trong khoảng cách “tử địa tức thời”, Yamaguchi vẫn thoát chết, dù bị bỏng, mù tạm thời và thủng màng nhĩ. Anh trở về nhà ở… Nagasaki và mặc dù bị thương, vẫn có thể đi làm vào ngày 9/8. Sếp của Yamaguchi không thể tin nổi câu chuyện hoang đường của anh về một quả bom phá hủy toàn bộ thành phố ngay lập tức, và khi ông này đang mắng anh rằng thôi kể chuyện xàm đi, thì căn phòng của họ bỗng ngập trong ánh sáng trắng, từ quả bom nguyên tử thứ hai có tên Fat Man (Gã béo) được thả xuống Nagasaki.

Bằng một cách thần kỳ nào đó, Yamaguchi tiếp tục sống sót sau vụ nổ thứ hai, và sống từ đó cho đến năm 2010, khi ông qua đời ở tuổi 93.

Sangita, 15 tuổi, đứng bên những gì còn sót lại trong căn phòng của mình sau trận động đất ở miền Trung Nepal vào tháng 4/2015. Cô bé nói: “Tôi may mắn vẫn còn sống… Hàng xóm của chúng tôi đã chết hết, và thi thể vẫn nằm dưới đống đổ nát. Nguồn ảnh: Vlad Sokhin/Panos

Yamaguchi may mắn hay xui xẻo? Một mặt, ông chỉ là một người làm công ăn lương bình thường bị đánh bom hạt nhân đến hai lần, có vẻ kém may mắn hơn đa số người bình thường. Mặt khác, ông là người sống sót hiếm hoi qua hai quả bom chết chóc bậc nhất từng được sử dụng trong chiến tranh, và sống đến gần trăm tuổi, những sự thật dường như nói lên rằng ông là người may mắn lạ thường.

Hãy xem xét một câu chuyện thời chiến khác. Súng phóng lựu chống tăng (RPG) có thể xem như một loại tên lửa cỡ nhỏ, được thiết kế như một sát thủ diệt xe tăng. Nó có thể đục một lỗ rộng hơn 5cm xuyên thiết giáp, trở thành một vũ khí tiện dụng và phổ biến. Năm 2006, binh nhì Channing Moss đã được nhớ đến theo một cách rất riêng: là nạn nhân của một súng phóng lựu.

Moss đang đi tuần cùng với trung đội ở miền Đông Afghanistan, thì đoàn xe của họ bất ngờ bị tấn công. Một khẩu súng phóng lựu làm phát nổ một chiếc bán tải. Một khẩu khác xé nát lớp thiết giáp bảo vệ của một chiếc Humvee. Đầu đạn thứ ba phóng trúng… Moss, xuyên qua da và lọt thỏm vào bụng anh. Mặc dù còn sống, nhưng đầu đạn phóng lựu trong bụng Moss có thể nổ tung bất cứ lúc nào.

Các bình luận viên tin tức khi ấy nhận xét rằng “Moss là người lính may mắn nhất hoặc xui xẻo nhất trong toàn bộ lực lượng quân đội Hoa Kỳ, chẳng ai dám chắc cả”. Chỉ huy trung đội đã gọi cấp cứu và trực thăng đã đưa Moss đến tiền đồn y tế gần nhất. Các bác sĩ và một chuyên viên xử lý chất nổ đã tìm cách gỡ bỏ đầu đạn phóng lựu và kích nổ nó bên ngoài boong-ke, khâu lại vết thương cho Moss. Sau vài cuộc phẫu thuật, anh được trở về với gia đình.

Những cá nhân như Yamaguchi và Moss có thể đồng thời xuất hiện trong danh sách những người xui xẻo nhất lẫn may mắn nhất, và việc liệu họ may mắn thật không vẫn là điều mơ hồ. Hãy mở báo ra đọc mà bạn có thể tìm thấy rất nhiều câu chuyện tương tự: những người sống sót sau những tai nạn máy bay hoặc ô tô khủng khiếp; những bệnh nhân mắc những căn bệnh đáng sợ sống quá thời hạn bác sĩ tiên lượng họ sẽ chết.

Truyền thông luôn mô tả rằng họ cực kỳ may mắn, nhưng một khi đã rơi vào tình trạng tồi tệ nhường ấy, họ hẳn đã thiếu sự may mắn từ đầu? Những trường hợp như vậy đặt ra câu hỏi thú vị về bản chất của may mắn. Đó là điều gì đó có thật hay hoàn toàn là chủ quan, chỉ là vấn đề chúng ta cảm nhận như thế nào về những gì đã xảy ra? Có thể là Yamaguchi và Moss không may mắn và cũng chẳng kém may mắn.

Nhận xét về sự may rủi là một vấn đề của quan điểm. Nếu câu chuyện của Yamaguchi và Moss được trình bày theo một cách, họ trông sẽ có vẻ may mắn. Nhưng nếu theo một cách khác, thì họ lại trông thật xui xẻo.

Tạo ra may mắn

Trong một nghiên cứu tâm lý học thực nghiệm, các nhà khoa học Mỹ cho những người tham gia thí nghiệm làm bài kiểm tra định hướng cuộc sống để xác định xem xu hướng họ là người lạc quan hay bi quan. Sau đó, họ được cho đọc 5 câu chuyện thực tế mà sự may mắn là mơ hồ, bao gồm cả chuyện của Yamaguchi và Moss. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những người lạc quan sẽ cho rằng Yamaguchi và Moss đã may mắn, còn những người bi quan thì ngược lại. Tức là tính cách có ảnh hưởng đến việc bạn cho rằng thế giới này là may mắn hay xui xẻo.

Trong một thí nghiệm khác, các nhà tâm lý học Daniel Kahneman và Amos Tversky đã đặt ra hai câu hỏi cho những người tham gia thực nghiệm vào năm 1981:

Bạn có chấp nhận cược một canh bạc mang lại 10% cơ hội thắng 95 đô-la và 90% khả năng mất 5 đô-la không?

Bạn có trả 5 đô-la để tham gia vào một trò xổ số có 10% cơ hội thắng 100 đô-la (win 100USD) và 90% cơ hội chẳng thắng gì (win nothing)?

Nhiều người sẵn sàng nói đồng ý với câu hỏi thứ hai hơn câu hỏi đầu tiên, mặc dù về bản chất, hai trường hợp này giống hệt nhau: bạn phải quyết định sẽ chấp nhận giữa hai triển vọng không chắc chắn, có thể giàu lên 95 đô-la hoặc “nghèo” đi 5 đô-la. Lý do thật đơn giản: câu hỏi thứ hai đã chơi chữ, chỉ nói về “thắng” mà lờ đi chữ “thua” hoặc “mất”. Trả 5 đô-la để có 10% cơ hội giành 100 đô-la? Nghe hay đấy. Nhưng chấp nhận một canh bạc với 90% khả năng sẽ thua 5 đô-la? Không đời nào.

Hai cách mô tả những thứ tương đương nhau tạo ra những ý kiến cực kỳ khác nhau về may mắn. Nhìn chung, khi các sự kiện được trình bày một cách tích cực, có đến 83% những người đọc câu chuyện sẽ kết luận rằng đây là một trường hợp “may mắn”, theo các nhà nghiên cứu tâm lý thực nghiệm. Con số này với các câu chuyện được sắp xếp và trình bày tiêu cực chỉ là 29%. Thao tác với các từ ngữ và hành văn có thể thao túng được cách mọi người phản ứng với các sự kiện, nhìn nhận chúng là may mắn hay đen đủi.

Cuối cùng thì từ góc độ triết học, nếu may mắn là có thật, một tài sản đích thực của con người và thế giới này, thì phải có một sự thật khách quan nào đó khẳng định được rằng Yamaguchi và Moss có thực sự may mắn hay không. Khi chúng ta có những trải nghiệm bối rối hoặc nhận thức không nhất quán, đó chính xác là lúc chúng ta muốn một lời giải thích có thể chỉ ra lý thuyết phổ quát để sắp xếp mọi thứ vào trật tự. Ví dụ như là một nửa mái chèo kayak trong nước trông có thể như bị uốn cong, nhưng trên mặt nước thì không; hay đường ray xe lửa song song nhìn xa ra giống như đang hội tụ lại vậy.

Một lý thuyết phù hợp để nhận thức lại những sự đánh lừa này đầu tiên sẽ cho chúng ta biết rằng trên thực tế, mái chèo không thực sự bị uốn cong và các đường ray cũng sẽ không hội tụ ở phía xa, và thứ hai là giải thích các nhận thức cạnh tranh. Một lý thuyết quang học không đủ mạnh để giải thích phổ quát về những hiện tượng đó sẽ bị bác bỏ với lý do là không phù hợp.

Hãy thử xem xét tương tự các ý tưởng về may mắn. Thường thì khi mọi người nghĩ về may mắn, họ hay nghĩ đến những sự kiện khó xảy ra có ý nghĩa hoặc tác động nào đó. Vì vậy, dường như có thể phân loại rằng trúng số là một vấn đề may mắn, nhưng thua xổ số thì không phải, vì chiến thắng là khó xảy ra và thua thì xác suất là cao. Hoặc may mắn được cho là một vấn đề nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta, vì cả khi thắng lẫn thua thì chẳng trường hợp nào ta thật sự biết được cả.

Sự phân loại và ý tưởng về kiểm soát có thể giúp chúng ta phân biệt được may mắn và xui xẻo, nhưng không chỉ ra được rằng Yamaguchi và Moss, về tổng thể, là may mắn hay xui xẻo. Ta không thể nhận thức được cái gì trong khái niệm may mắn này gợi lên sự thật hiển nhiên, và cái gì che khuất nó.

Tất cả những gì ta biết là những phán đoán của chúng ta về may mắn và không nhất quán và có thể thay đổi, là kết quả của các hiệu ứng tâm lý, đặc điểm tính cách riêng. Chúng nêu ra một khả năng nghiêm túc rằng “may mắn” không phải là một tài sản thực sự trong thế giới mà chúng ta đã khám phá. Rất có thể đây chỉ là một cụm từ, về mặt nhận thức, là hoàn toàn vô nghĩa, một kết quả có thể gây ngạc nhiên cho những người đánh bạc, hay vận động viên, những người môi giới chứng khoán, hay bất cứ ai đã tự soi vào lịch sử của chính họ và nhìn thấy sự bão hòa với may mắn.

Nhưng mà rốt cục thì, dù may mắn có thể là một khái niệm trống rỗng đi chăng nữa, thì lời chúc may mắn của chúng ta trong những ngày đầu năm mới chắc chắn là có ý nghĩa: chúng ta hy vọng những điều tốt đẹp sẽ đến với nhau, như một cách nhìn nhận thế giới này, rằng tất cả những gì bày ra trước mắt mỗi người trong từng phút, từng giờ trôi qua đều xứng đáng được đối xử như những gì đẹp nhất và đáng trải nghiệm nhất.

Và kể cả khi không phải là một loại tài sản, thì may mắn vẫn có thể tồn tại với độc giả dưới dạng một trạng thái nội tâm hài lòng. May mắn của tất cả chúng ta, theo một ý nghĩa tâm lý nghiêm ngặt, có thể hoàn toàn do chúng ta tự tạo ra.

Ban Cầm
.
.