Những đứa con ngoan một cảnh báo???

Thứ Sáu, 08/04/2016, 17:05
Những câu chuyện đau lòng vừa hiện hữu trong đời sống, luôn khiến Ngô liên tưởng đến sự mặc định về cái đúng của một tư duy thiển cận, một kiến văn kém cỏi.


Chị Phạm Thị Minh Hạnh, Đống Đa, Hà Nội: Thưa nhà báo, vừa qua, trên báo chí và mạng xã hội, mọi người bàn tán xôn xao về câu nói của ông Trương Gia Bình: “Những đứa trẻ ngoan ngoãn biết nghe lời sau này sẽ không làm nên chuyện!”. Điều ông Trương Gia Bình nói hoàn toàn ngược với những gì mọi người quan niệm lâu nay. Vì ông Trương Gia Bình cũng là một người thành đạt. 

Cho nên lời phát biểu của ông làm cho không ít người như tôi hoang mang không hiểu sẽ phải dạy con cái như thế nào. Tôi và nhiều bậc cha mẹ đang rất yên tâm khi con cái mình ngoan ngoãn, học giỏi và vâng lời cha mẹ. Nếu theo như ông Trương Gia Bình nói thì hóa ra những đứa con mà chúng tôi vẫn đang tin tưởng sẽ trở thành những con người không làm được trò trống gì trong tương lai sao? Chúng tôi thực sự hoang mang. Xin nhà báo có thể nói đôi điều về vấn đề này?

Nhà báo Minh Đức:

Thưa chị Phạm Thị Minh Hạnh, tôi hoàn toàn chia sẻ với những băn khoăn và cả hoang mang của chị và không ít các bậc cha mẹ trước câu nói của ông Trương Gia Bình. Nhưng có một thực tế là một số người đã trích không đầy đủ câu nói của ông Trương Gia Bình nên việc hiểu câu nói đó có phần sai lệch. 

Một số tờ báo trích dẫn những điều ông Trương Gia Bình đầy đủ hơn thì ta thấy ông Trương Gia Bình nói “Đầu tiên, nếu coi Việt Nam là một gia đình và Startup là những đứa con, thì bố mẹ phải tôn trọng con cái, khuyến khích con có tư duy sáng tạo... 

Chuyện rất đơn giản như con viết tay trái, mọi người viết tay phải. Dù nó chả giống ai trong nhà, nhưng hãy nói: Con viết tay trái hay lắm!... Hãy nói: Con sẽ làm được những điều rất tuyệt vời khi con tạo sự khác biệt. Hãy làm bánh theo kiểu con thích, cắt tóc theo kiểu con muốn... Những đứa trẻ ngoan ngoãn biết nghe lời sau này sẽ không làm nên chuyện!”.

Chỉ với phần trích ở trên thôi thì vấn đề mà ông Trương Gia Bình đề cập đã hoàn toàn khác với những bàn luận và phản ứng của không ít bậc cha mẹ và những người quan tâm đặc biệt trên báo chí và hệ thống mạng xã hội hiện nay. Tôi hiểu ông Trương Gia Bình muốn nói đến tính tự lập, khả năng tư duy độc lập, sự sáng tạo cá nhân... của một con người.

Quả thực, nếu một con người không có khả năng tự lập, khả năng tư duy độc lập, sự sáng tạo cá nhân hay những cái nhìn mới mẻ thì con người đó chỉ là một cỗ máy thông thường khó đóng góp cho xã hội một cách hiệu quả và tạo ra những hiệu ứng xã hội tích cực lớn. 

Ông Trương Gia Bình cũng gián tiếp nói đến cách chúng ta giáo dục những đứa trẻ cũng như cách chúng ta ứng xử với mỗi thành viên trong xã hội. Và đây cũng là cách chúng ta thực thi dân chủ.

Nền giáo dục của chúng ta lâu nay thực sự là một nền giáo dục gián tiếp ngăn cản sự phát triển cá tính của con người, ngăn cản khả năng sáng tạo. Nền giáo dục mà tôi đang nói đến là nền giáo dục tổng hợp bao gồm: Gia đình, Nhà trường và Xã hội.

Trong hệ thống giáo dục này, người lớn hay thầy cô hay những người lãnh đạo của một cơ quan, một bộ ngành đã áp đặt một cách máy móc vào những người mà họ đang dẫn dắt hay quản lý. Mọi sự khác biệt của con cái, của học sinh và của cấp dưới đều không được phép hay không được sự do phát triển. Chính thế nó đã làm biến mất khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân. Điều ông Trương Gia Bình muốn đề cập là chuyện đó.

Có một hiện thực cho chúng ta thấy rất rõ là: càng ngày sự phản ứng một cách tiêu cực của con cái, của các học sinh và của nhân viên cấp dưới khi họ bị ép vào một khuôn phép thô cứng trong cuộc sống cũng như trong học tập và công việc. Đã có những video mà học sinh lên tiếng một cách mạnh mẽ cách dạy và học cũng như những vấn đề khác của nhà trường chúng ta. Nhà trường lẽ ra là thế giới của học sinh và thầy cô chỉ là người quan sát và hướng dẫn hay gợi mở con đường cho học sinh. 

Nhưng ở Việt Nam, nhà trường là pháo đài của thầy cô và học sinh chỉ là những kẻ phục vụ cho những ý muốn cá nhân và lợi ích của thầy cô mà thôi. Hiện đã có những gia đình không cho con đến trường mà họ tự tạo ra một thế giới “học đường” khác cho con cái họ để chúng có thể phát huy cá tính hay những khả năng riêng biệt của chúng.

Quả thực, những đứa trẻ chỉ biết nghe lời cha mẹ một cách thụ động và sợ hãi sẽ không có khả năng thể hiện chính mình và sẽ không dám sống đến tận cùng với những khát vọng của chúng. Khi một đứa trẻ như vậy thì chúng ta khó mà kỳ vọng vào một tương lai mà chúng sẽ tạo nên.

Có những bộ tộc ở vùng Alaska băng giá, khi một đứa trẻ được sinh ra thì cha mẹ chúng ném chúng ra ngoài băng tuyết một thời gian nhất định. Nếu chúng sống sót qua hoàn cảnh đó, cha mẹ chúng bắt đầu hướng chúng bước vào cuộc đời. Bởi với thời tiết khắc nghiệt như vậy, nếu chúng không được thử thách thì lớn lên chúng sẽ là người vô dụng. Nếu cha mẹ chúng chỉ để chúng ở trong lều bên cạnh lò sưởi với đầy đủ áo quần ấm thì lớn lên khi chúng phải sống và phải đương đầu với băng giá khủng khiếp ở đó chúng sẽ hoặc chết hoặc trở nên vô dụng.

Nhưng trong lời phát biểu của ông Trương Gia Bình có một điều cần nói. Đó là phép tu từ của ông đã làm cho không ít người hiểu sai ý của ông khi ông nói:  “Những đứa trẻ ngoan ngoãn biết nghe lời sau này sẽ không làm nên chuyện”. Câu này có thể sửa thành “Những đứa trẻ chỉ biết nghe lời sau này sẽ không làm nên chuyện”. 

“Chỉ biết” ở đây có nghĩa là những đứa trẻ ấy chỉ là những đứa trẻ yếu đuối, nhu nhược và lệ thuộc; hay nói cách khác là chỉ biết tuân lệnh. Những đứa trẻ như thế sẽ tự triệt tiêu cá tính và sự sáng tạo của cá nhân chúng. Một đứa trẻ ngoan khác với một đứa trẻ chỉ biết tuân lệnh. Ngoan là một phẩm chất. Chữ NGOAN trong quan niệm và sự hiểu biết của người Việt Nam là một con người có lòng tự trọng, có ý thức và có trách nhiệm. 

Đặc biệt với những đứa con, NGOAN là một trong những hành động của sự HIẾU với cha mẹ. Chúng ta không được đánh đồng nghĩa của sự NGOAN với nghĩa của sự YẾU ĐUỐI và TUÂN LỆNH. Có thể do văn nói mà ông Trương Gia Bình đã không thể hiện được rõ ý trong câu nói này. 

Ông Trương Gia Bình là người có cá tính, có ý tưởng và có những đột phá trong công việc. Nhưng chắc chắn ông ấy là một người NGOAN đúng nghĩa với cha mẹ và thầy cô. Nếu không thì cho dù thông minh và sáng tạo đến đâu, ông ấy cũng chỉ là một cái máy thông minh mà thôi. Một cái máy thông minh chỉ biết tới sự chính xác của các con số mà không biết đến sự huyền ảo của CÁI ĐẸP. Và nếu không biết đến sự huyền ảo của CÁI ĐẸP thì sự thông minh của một cái máy sẽ luôn ẩn chứa những nguy cơ không hay đối với con người.

Nếu chúng ta thấy một đứa con chỉ biết nghe lời chúng ta mà chẳng hề hé lộ một điều gì thuộc về nó thì đó chính là một báo động về tương lai của đứa con. Nhưng nếu chúng ta thấy một đứa con luôn cãi lại cha mẹ với những ý thích rất cá nhân mà không nghĩ đến lợi ích chung của gia đình hay cộng đồng của nó thì nó có nguy cơ trở thành một kẻ ngạo mạn và vô ích với gia đình và xã hội. 

Cái quan trọng nhất là cha mẹ có thể phân biệt được đâu là cá tính mạnh và rất riêng cùng với những cái nhìn đầy sáng tạo của một đứa trẻ và đâu là tính vô kỷ luật và sự hỗn láo của một đứa trẻ. Chỉ khi nhận ra chính xác điều này thì người lớn mới có khả năng gợi mở và dẫn dắt một đứa trẻ thành một người có ích nhất cho gia đình và xã hội.

ANTG Cuối tháng số 175
.
.