Nói thật với ngành Y

Thứ Sáu, 08/04/2016, 08:52
Những câu chuyện đau lòng vừa hiện hữu trong đời sống, luôn khiến Ngô liên tưởng đến sự mặc định về cái đúng của một tư duy thiển cận, một kiến văn kém cỏi.


Tư duy thiển cận, kiến văn kém cỏi lại tin điều mình đang thực hiện là chuẩn xác thì bao giờ mà chẳng gây nên hậu quả khôn lường.

1. Đã không còn phép màu nào để giữ lại đôi chân lành lặn cho cô nữ sinh tuổi 15 có khuôn mặt rất xinh ấy. Bất chấp Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã thay mặt Bộ Y tế đến tận nhà để xin lỗi, bất chấp Bộ trưởng Bộ Y tế đã hứa sẽ giúp đỡ và lo lắng cho cô, bất chấp rất nhiều lời phẫn nộ cũng như xót xa, bất chấp nước mắt của mẹ, cơn đớn đau của cha hay nỗi tủi phận của chị, bất chấp nụ cười lạc quan của chính bản thân thiếu nữ.. Nghĩa là bất chấp hàng vạn hàng nghìn nguyên cớ trên đời thì thiếu nữ vẫn không thể giữ lại bên chân phải của mình.

Thiếu nữ mười lăm tuổi, thiếu nữ không còn chân, thiếu nữ sẽ đối diện với những tháng ngày sắp trải qua trong cuộc đời mình một cách đầy cô độc. Khi truyền thông lãng quên thiếu nữ, khi đám đông không quan tâm đến thiếu nữ nữa để lo lắng cho một thân phận kém may mắn khác, thiếu nữ sẽ thấm thía những gì mà thiếu nữ đang bị số phận dập vùi.

Mọi thứ diễn ra rất đơn giản, đơn giản đến độ Ngô không thể hiểu được vì sao thứ đơn giản ấy có thể trở thành phức tạp đến mức hủy hoại một tương lai.

Trên đường đi học thêm, thiếu nữ bị tai nạn giao thông. Người ta chuyển thiếu nữ vào bệnh viện huyện, bác sĩ bệnh viện huyện chẩn đoán thiếu nữ phải mổ chân. Trước khi thực hiện ca phẫu thuật, thiếu nữ cần được bó bột. Trong quá trình bó bột, thiếu nữ luôn miệng than với các bác sĩ lẫn người thân chân thiếu nữ bị đau buốt. Bác sĩ an ủi, sẽ không sao cả đâu. Những trường hợp trước đây đã từng như vậy.

Ngày kéo dài ngày, cho đến lúc các bác sĩ chuẩn bị mổ cho thiếu nữ mới phát hiện chân của thiếu nữ đã hoại tử không thể mổ được. Trước đó, vì lo lắng cho sức khỏe của thiếu nữ nên người thân xin các bác sĩ cho chuyển viện nhưng không được lãnh đạo bệnh viện chấp thuận. Khi lãnh đạo bệnh viện đồng ý cho thiếu nữ chuyển viện thì đã muộn màng.

Từ bệnh viện huyện chuyển lên bệnh viện tỉnh, từ bệnh viện tỉnh chuyển tiếp đến bệnh viện lớn nhất nước, thiếu nữ vẫn phải cưa chân để đảm bảo an toàn tính mạng.

Thông tin về thiếu nữ được truyền thông lan truyền, đám đông bức xúc. Gia đình của thiếu nữ cũng làm đơn đề nghị truy tố các bác sĩ ở bệnh viện huyện. Đám đông đồng tình.

Minh họa: Lê Phương.

Xưa nay, lãnh đạo Bộ Y tế đều than phiền người dân không tin bệnh viện tuyến dưới, bệnh nặng hay nhẹ gì cũng chuyển lên bệnh viện tuyến trên, bệnh viện ở thành phố khiến xảy ra tình trạng bệnh viện quá tải, bác sĩ quá sức, giường bệnh không đủ nhu cầu. Lãnh đạo Bộ Y tế đều luôn miệng trấn an bệnh nhân, các bác sĩ ở tuyến dưới trình độ bây giờ ổn lắm, cơ sở vật chất với thiết bị ở tuyến dưới bây giờ cũng hiện đại lắm, tuyến dưới hoàn toàn không khác tuyến trên.

Đúng là bệnh viện tuyến dưới hiện tại đã khác ngày cũ, cái gì cũng mới hơn, cái gì cũng tốt hơn, chỉ có mặc định sai lầm là vẫn kiên quyết bảo tồn.

Bác sĩ tuyến dưới hay bác sĩ tuyến trên gì cũng tự cho mình cái quyền được ban phát sức khỏe cho bệnh nhân, bảo A là A, bảo B là B, nói C thì cấm bệnh nhân dám tranh luận là D, nói D thì đố bệnh nhân dám rón rén xin thưa biết đâu đấy là E.

Bác sĩ tuyến dưới lẫn bác sĩ tuyến trên đều triệt tiêu cái gọi là trao đổi giữa người chữa bệnh và người bị bệnh. Lời bác sĩ bao giờ cũng là tuyệt đối, tuyệt đối còn hơn cả thuyết tương đối nữa. Bác sĩ bảo bó bột tay trái là phải bó tay trái bất chấp tay phải mới là tay bị gẫy. Bệnh nhân gẫy xương mũi, bác sĩ bảo bình thường là phải bình thường, cấm than vãn. Bệnh nhân đau ruột thừa, bác sĩ thăm khám xong cắt phát đứt luôn ruột già. Cụ ông 74 tuổi đi khám bệnh, siêu âm phát kết luận, cụ ông đang mang thai 16 tuần tuổi...

Bác sĩ tự biến mình thành một tầng lớp bề trên đối với bệnh nhân, bệnh nhân trong mắt bác sĩ đơn thuần như những người đói đợi chờ đại thiện nhân phát chẩn. Cho bánh bao là nhận bánh bao, cho cơm trắng là nhận cơm trắng, cấm cãi. Hẳn nhiên, không phải bác sĩ nào cũng vậy, chỉ đáng tiếc là số bác sĩ như vậy không ít. Nên khi bác sĩ mắc phải xíu xiu sai lầm thì bệnh nhân đều an phận thủ thường mà lãnh đủ.

Bác sĩ áp lực thì bệnh nhân cũng áp lực, thậm chí người nhà bệnh nhân cũng áp lực nốt. Mở miệng cứ nói y đức nhưng thực tế thì lại không thua gì cơ chế ban phát xin cho, mở miệng thì nhất mực chúng ta không thua kém y khoa nước ngoài nhưng cái cách phục vụ thì lại không khác gì bố thí. Mặc cho người bệnh bây giờ trả tiền cho bệnh viện không hề thua kém vay tiền tín dụng đen.

Thế nên, Bộ trưởng Bộ Y tế không cần phải xin lỗi bệnh nhân không may mắn, bệnh nhân chịu hậu quả trong tay của bác sĩ. Điều này, để cho Thứ trưởng hay Vụ trưởng thay mặt là được. Nhiệm vụ của Bộ trưởng là chấn chỉnh nội bộ ngành, từ chuyên môn cho đến thái độ phục vụ bệnh nhân.

Bộ trưởng xin lỗi thiếu nữ tuổi mười lăm như là một động thái xoa dịu dư luận, ai cũng hiểu điều đó. Bộ trưởng hứa hẹn với thiếu nữ tuổi mười lăm vì động cơ gì thì ai cũng lờ mờ đoán được. Tuy nhiên, một tư lệnh ngành không phải ngồi vị trí đấy để giải quyết vấn đề ấy, nhưng biết làm sao vì cái nước mình đa phần nó thế.

Đừng nói quá nhiều về lương y như từ mẫu, thứ đó xa xăm lắm rồi. Chỉ cần lương y như lương y thôi, lương y xem người bệnh là con người thôi là đã phúc phận cho bệnh nhân lắm rồi.

Phải xem bệnh nhân là con người thì mới chấp chới hy vọng tránh được những mặc định sai lầm ấy.

2. Ngành y chưa bao giờ thừa nhận những vấn đề đang tồn tại, ngành y rất hay có lý lẽ để bảo vệ cho những khiếm khuyết. Một trong những lý do được đưa ra chính là chế độ bồi dưỡng dành cho bác sĩ đang quá thấp.

Ngô nghĩ rằng, một cá nhân khi lựa chọn ngành nghề nào đó cho cuộc sống, cho tương lai của mình thì việc đầu tiên là nhằm đảm bảo một sự ổn định. Một mưu cầu theo ý chí của bản thân người lựa chọn ngành nghề. Thi thoảng, cũng có trường hợp là vì đam mê.

Bác sĩ hiện tại có nghèo không? Chắc là cũng có. Đáng tiếc là tầm nhìn của Ngô hạn hẹp, Ngô thấy có rất ít bác sĩ nghèo, bác sĩ khó khăn. Nhưng thật ra, nếu nghèo quá, nếu khổ quá, nếu thu nhập không đủ sống có thể tìm kiếm một nghề khác để mưu sinh. Chứ không thể nào đổ thừa vì lý do này để khiến bệnh nhân phải chịu trách nhiệm vì sự không đảm bảo về vật chất của bác sĩ được.

Ngô có viết bài bình luận cho một tờ báo mạng xung quanh vụ việc của thiếu nữ tuổi mười lăm nhan đề “Tội lỗi hồn nhiên”. Đại ý của bài viết là không có bất cứ bác sĩ nào lại muốn bệnh nhân mình có biến chứng hay gặp vấn đề không tốt về sức khỏe sau điều trị. Tuy nhiên, ý chí chủ quan được hình thành và tạo ra hậu quả nghiêm trọng, là do trình độ của các bác sĩ có vấn đề. Đó là chưa kể đến thói làm việc quan liêu, gia ơn. 

Người càng làm nhiều việc thì càng dễ mắc sai lầm, chỉ có người ngồi yên là không mắc sai lầm nào cả, Ngô hoàn toàn đồng ý với luận điểm này. Thế nhưng, không phải cứ vin vào đây rồi  lại để xảy ra sai lầm, mà sai lầm nào cũng khiến người chịu đựng cho sai lầm của mình lâm vào tuyệt lộ.

Trở lại bài viết của Ngô, có bạn đọc bình luận với ý kiến rất thực tế. Bạn đọc này cho rằng, nếu cô nữ sinh là con cháu của cá nhân có khả năng đến tác động của bác sĩ thì chuyện thương tâm đã không xảy ra. Một bình luận rất chính xác.

Không phải là chúng ta chưa từng chứng kiến các bác sĩ đã ưu ái vồn vã với bệnh nhân có người nhà đủ khả năng tác động gửi gắm như thế nào, không phải là chúng ta chưa chứng kiến cảnh một người bệnh được ưu tiên tối đa như thế nào từ các bác sĩ.

Ngô kể chuyện thật một trăm phần trăm. Người bạn Ngô đi khám bệnh, ngày đầu tiên bác sĩ lơ là. Người bạn này của Ngô nhờ ai đó gọi cho lãnh đạo bệnh viện, ngay lập tức bác sĩ thay đổi thái độ với bạn của Ngô, thiếu điều chỉ thêm vấn tóc chải đầu nữa là đủ để tỏ rõ một tấm chân tình.

Chắc điều này thì nước nào cũng vậy chứ không phải riêng nước mình, chỉ là Ngô cho rằng các bác sĩ hoàn toàn có thể ưu ái với bất cứ bệnh nhân nào theo cách đó. Các bác sĩ hoàn toàn không mặt lạnh như tiền, tâm lạnh như băng vì quá tải hay vì áp lực công việc. Chẳng qua là bởi không phải bệnh nhân nào cũng may mắn được làm người quen của những cá nhân đủ sức sưởi ấm khuôn mặt của bác sĩ, tấm lòng của bác sĩ.

3. Cuối cùng, để không có mặc định sai lầm, để không có những bi kịch từ bệnh viện, không có cách nào khác lãnh đạo Bộ Y tế phải thẳng thắn thừa nhận thiếu sót từ chuyên môn cho đến tác phong chăm sóc bệnh nhân của bác sĩ. Bớt những than phiền, bớt những khẩu hiệu to tát mà sáo rỗng đi, bớt những chuyến viếng thăm hình thức với khuôn mặt đầy chia sẻ đi.

Phải thẳng thắn thấy mình sai ở đâu thì mới sửa được, chứ khi nào cũng thấy mình khó, mình khổ, mình “ngon lành cành đào” lắm, chỉ tại người ta thiên kiến nên mình mới long đong vậy, thì chắc chắn rằng những mặc định sai lầm vẫn có đất để đâm chồi nẩy nở đầy hoa độc.

Ngô Nguyệt Hữu
.
.