Nỗi lòng người xa xứ

Thứ Ba, 17/02/2015, 08:02
Những khó khăn của đất nước, phải chăng nhà nước và toàn dân xắn tay áo lên cùng nhau khắc phục. Đó là lời của một Việt kiều từ Mỹ về tâm sự với tôi. Có lẽ đó không phải là suy nghĩ của riêng ông, mà là nỗi lòng của nhiều kiều bào ta ở hải ngoại.

Do yêu cầu công tác, tôi may mắn được tiếp xúc với nhiều người Việt hải ngoại. Những người ra đi trước Cách mạng Tháng 8/1945 (hầu hết là do yêu cầu cuộc sống), những người ra đi trước tháng 4/1975 (phần lớn là công tác và học tập); những người ra đi sau mốc thời gian ấy bằng con đường hợp pháp theo chương trình bảo trợ (ODP) và đi bất hợp pháp do bị ảnh hưởng tuyên truyền chiến tranh tâm lý của các thế lực thù địch chống Việt Nam và những người Việt Nam xuất ngoại sau này với mục đích công tác, học tập, lao động, thăm thân, du lịch…

Gặp họ mới cảm nhận bao nỗi niềm về quê hương, đất nước, buồn vui xen lẫn.

Ngoài một số người mang theo tư tưởng chống Cộng, cực đoan, cố nhiên họ nhìn xã hội Việt Nam sau ngày thống nhất đất nước là một gam màu tối đen, đầy hận thù, còn hầu hết kiều bào ta ở nước ngoài, đều nặng nỗi niềm với quê hương, đất nước, nhìn đất nước biện chứng hơn (kể cả sự phát triển và những khó khăn, yếu kém). Họ khen chế độ tư bản ở nước sở tại có mức độ nhất định, kèm theo là khối điều chê, bởi “nằm trong chăn mới biết chăn có rận”.

Khác xa với một số người mới rời Tổ quốc ra đi, có khi chỉ là một chuyến tham quan du lịch, nhưng khi trở về thì khen hết lời, nhìn đất nước toàn trì trệ, yếu kém. Thôi thì sự đời là thế, yếu kém và trì trệ thật, hiện tượng tham ô, tham nhũng, tiêu cực là thật; giao thông ì ạch, tắc đường như cơm bữa là thật; dân nghèo khổ, tỉ lệ còn cao là thật… Điều này Đảng và Nhà nước người ta nói công khai cả rồi. Thậm chí người ta đã quy vào yếu tố tồn vong của chế độ nếu như những “bệnh” trên không được “chạy chữa”.

Chê thì nhiều vậy, song vẫn còn khối thứ đáng khen đấy chứ. Tỉ như tình hình an ninh chính trị, Việt Nam được xếp vào diện quốc gia ổn định nhất khu vực; an ninh, quốc phòng đảm bảo, kinh tế phát triển trên nhiều lĩnh vực, đời sống nhân dân từng bước được nâng cao, nhiều thủ tục lỗi thời đã được sửa đổi…

Lòng nhân ái của người Việt dù ở trong nước hay hải ngoại được đề cao, nhân rộng với tinh thần “lá lành đùm lá rách”, đã góp phần khắc phục bao thiên tai nghiêm trọng, cưu mang bao phận đời khốn khó (mổ tim – với chương trình Trái tim cho em, hiến máu nhân đạo, hiến thận, hiến giác mạc…). Những khó khăn của đất nước, phải chăng nhà nước và toàn dân xắn tay áo lên cùng nhau khắc phục. Đó là lời của một Việt kiều từ Mỹ về tâm sự với tôi. Có lẽ đó không phải là suy nghĩ của riêng ông, mà là nỗi lòng của nhiều kiều bào ta ở hải ngoại.

Trong bài viết này, tôi xin nêu một vài việc mà mình cảm nhận được qua tấm lòng của người Việt hải ngoại.

Anh Mai Xuân Sang (thứ ba từ phải qua) trao quà của các kiều bào tại Cộng hòa Liên bang Đức trong chương trình Trái tim cho em.

Chuyện thứ nhất:

Tôi quen một cặp vợ chồng còn trẻ. Vợ tuổi trên 40, chồng trên 50. Vợ tên là Oanh, chồng tên là Bình (Viết Bình). Cả hai từng sống ở Liên bang Đức và Liên bang Nga trên 10 năm. Cả hai thống nhất về nước sinh sống, giữa lúc phong trào chạy đua đi xuất khẩu lao động rộn lên. Nghe nói sang các địa bàn đó phải chi phí mất mấy trăm triệu đồng. Thế mới lạ! Vợ chồng Bình Oanh tích cóp được một khoản tiền đủ mua một căn hộ chung cư để ở, rồi mở một quán tạp hóa con con để kiếm thêm thu nhập. Trên đường tới cơ quan làm việc,  thi thoảng tôi có ghé quán Bình - Oanh, rồi thành quen. Khi họ coi tôi là bạn vong niên, tôi mới mạnh dạn hỏi thật:

- Này, người ta chạy đôn chạy đáo, tốn cả đống tiền để có cái vé đi xuất khẩu lao động, sao cô cậu đang yên nơi ấm chỗ bên đó lại rủ nhau hồi hương?

Anh chồng thật thà tâm sự:

- Chúng em đi lâu rồi. Nhớ quê hương lắm.  Vật chất, tiền của nhiều mấy cũng thế thôi. Tình cảm mới là quan trọng. Chẳng đâu bằng ở quê hương mình; ăn bát cơm quê, hít thở không khí quê hương, vui với bạn bè, với bao người thân thích, chẳng sướng hơn sao. Ở bên đó, dẫu sao cũng là đất khách quê người...

Bình là dân Hà Nội chính hiệu. Đã từng đi lính biên phòng, phục viên mới đi xuất khẩu lao động. Cậu ta có nhiều tài lẻ về văn nghệ. Khi ở bộ đội là một cây văn nghệ của đơn vị và khi ở Đức cũng là “linh hồn” trong các cuộc vui của anh em đồng hương người Việt ở tiểu bang Bayen Munchen. Cậu ta thành thạo nhiều loại đàn: Ắc coóc đê ông, Ghita, Dương cầm, Oóc gan...

Khi quán tạp hóa có vẻ tiêu thụ chậm, vợ chồng Bình có ý chuyển sang bán cà phê. Nguyễn Hoàng Dũng, bạn học của Bình, nhân vật có tiếng về pha chế cà phê ở đất Hà thành tán dương và nhận trách nhiệm hướng dẫn. Quán ban đầu tại khu vực vườn hoa 1-6 quận Đống Đa, nay chuyển về số 48 Trường Chinh. Tôi và Hà Huy Long (cán bộ ngành Văn hóa) cũng sống ở Nga hơn 10 năm mới về, ủng hộ ngay với tinh thần phải có đặc thù riêng, đó là kết hợp hình thức như là một câu lạc bộ quần chúng, khách vào có thể hát thoải mái vì có âm nhạc hỗ trợ. Cái tài lẻ của Bình là cậu ta có thể đệm đàn cho tất cả các thể loại âm nhạc – nhạc “đỏ”, nhạc tiền chiến, nhạc ngoại, kể cả các làn điệu chèo, dân ca quan họ Bắc Ninh, dân ca Nghệ Tĩnh…

Bởi thế, quán ngày một đông vui. “Ca sĩ” phần đông là cán bộ hưu trí từ các câu lạc bộ cầu lông, bóng bàn, thể hình, văn nghệ các tổ dân phố, câu lạc bộ hội người cao tuổi… “Ca sĩ” toàn những U40, 50, 60, thậm chí có cả U30, U20. Một không khí tươi vui hiếm có ở một khu dân cư. Thiết nghĩ đó cũng là một sự đóng góp cho phong trào văn nghệ địa phương của một cặp vợ chồng xa xứ hồi hương.

Chuyện thứ hai:

Tôi muốn nhắc tới một Việt kiều từ Liên bang Đức vừa về thăm quê hương trong những ngày mùa đông giá rét này. Đó là Mai Xuân Sang. Tôi gặp Sang tại quán cà phê của Bình. Tuổi Đinh Dậu, lớn hơn Bình mấy tuổi, họ trở thành đôi bạn thân thiết từ khi Bình còn ở bên Đức.

Viết Bình đánh đàn, Mai Xuân Sang trình bày bài “Hà Nội và tôi” tại quán cà phê Bình.

Tôi tới, khi Bình đang đệm ghita cho Sang hát bài Thuyền và biển. Một giọng ca mượt mà không thua gì ca sĩ chuyên nghiệp. Giữ phép lịch sự, Sang ngừng hát. Bình giới thiệu với tôi về Sang. Sau cái bắt tay làm quen, tôi đề nghị tiếp tục được nghe giọng ca của Sang. Máu văn nghệ bốc lên, sau bài Thuyền và biển, Sang trình bày luôn hai bài nữa, đó là ca khúc Nghe câu quan họ trên cao nguyên và nhạc phẩm Hà Nội và tôi. Tôi ngỡ ngàng nhìn Sang như một người từ hành tinh khác rơi xuống. Cậu ta hát say sưa như thả hồn vào từng lời ca, nốt nhạc, nhất là bài Hà Nội và tôi. Tôi thầm nghĩ, chắc cậu ta là người Hà Nội mới thể hiện bài hát sâu lắng tới gan ruột như vậy.

Khi ngồi tâm sự với nhau, tôi mới biết Sang quê ở Trực Ninh, Nam Định. Đã từng đi bộ đội, quân hàm tới cấp Đại úy. Đã từng học Trường Chính trị quân đội ở Bắc Ninh – yêu một cô gái miền quê quan họ và rồi trở thành chàng rể của xứ Kinh Bắc. Thời đó quân đội có chủ trương giảm quân số, Sang xin đi xuất khẩu lao động ở Đức, mấy năm sau đưa vợ con sang bên đó. Thoáng chốc đã gần 30 năm.

Theo lời tâm sự của Sang, kiều bào ta bên đó rất quan tâm tới tình hình đất nước. Vui cái vui của quê nhà, lo cái lo ở quê nhà, thương cho nhiều em bé bị bệnh tim phải giải phẫu mà kinh phí khó khăn. Vì vậy, Sang đã cùng bạn bè tổ chức quyên góp thông qua nhiều chương trình văn nghệ. Nhờ có sự đóng góp của các nhà hảo tâm và một số doanh nghiệp, các anh đã quyên góp được 10.000 euro. Chuyến về lần này, Sang và anh Nguyễn Lam Sơn đem số tiền trên về trao cho Chương trình Trái tim cho em.

Ngày 3/12, Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam, ông Lâm Kiết Tường và bà Nguyễn Thị Thu Hồng – Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tổ chức tiếp nhận tấm lòng vàng của các kiều bào ta ở Đức.

Đại diện Hội Phật tử Việt – Đức thành phố Nuernberg, bà Nguyễn Thị Kim Oanh (Chủ tịch Hội) và bà Ngân cũng trao số tiền 2.300 euro cho chương trình. Thật vô cùng cảm động khi nghe bà Oanh chia sẻ, các kiều bào ở thành phố Nuernberg rất cảm thông với các hoàn cảnh đáng thương của các em nhỏ nên đã tiến hành cuộc vận động quyên góp. Trong số đó có nhiều em học sinh đã tiết kiệm bớt tiền ăn sáng, tiền tiêu vặt để đóng góp cho chương trình. Thật cảm động biết bao!

Trong cuộc gặp gỡ này, Mai Xuân Sang cảm ơn Đài Truyền hình Việt Nam đã thực hiện một chương trình quá tuyệt vời, quá ý nghĩa. Anh bày tỏ mong muốn các cơ quan chức năng trong nước tiếp tục giúp đỡ kiều bào ta trong việc liên lạc với các gia đình trẻ em có hoàn cảnh khó khăn để có thể tạo điều kiện hỗ trợ hơn nữa cho tương lai các em.

Trong cuộc gặp gỡ tại quán cà phê Bình, Sang thổ lộ riêng với tôi, sau chuyến này, trở về Đức, các anh lại tiếp tục “trên từng cây số” với nhiều chương trình ca nhạc phong phú hơn để huy động tấm lòng vàng của kiều bào ta bên đó, hy vọng thời gian tới các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn được cưu mang nhiều hơn.

Tôi khen Sang có giọng hát và phong cách thể hiện như một ca sĩ chuyên nghiệp. Sang bộc bạch, ở xứ người, hát ca khúc Việt Nam là để giải tỏa nỗi nhớ nhà. Ở bên đó có đêm chúng em tổ chức văn nghệ, thật cảm động khi có một ông già trên 70 tuổi ở cách xa hàng trăm cây số cũng trở về xem. Ông nói về đây chỉ cần được nghe Sang hát bài Thuyền và biển thôi là toại nguyện rồi.

Một cuộc gặp gỡ tình cờ mà lí thú đối với tôi, giúp tôi hiểu rõ thêm về nỗi lòng người Việt xa xứ. Cảm động lắm, quý trọng lắm! Ước mong các cơ quan chức năng hãy chắp mối liên lạc và tạo mọi điều kiện thuận lợi để đón nhận tấm lòng vàng của kiều bào ta ở nhiều quốc gia trên hành tinh này. Đó là việc làm thiết thực, nghĩa tình của bà con ta nơi hải ngoại xa xôi.

Hà Nội, tháng 12 năm 2014

Khổng Minh Dụ
.
.