Những ý niệm cũ
Tôi cùng một người anh ngồi uống rượu, quán cạnh Hồ Con Rùa. Ông anh hỏi tôi, “Đố em, cái gì là mãi mãi?”. Tôi không trả lời, cũng không nghĩ gì. Vì với tôi, mỗi câu hỏi tức đã ẩn chứa một câu trả lời. Mà tính tôi, thì vốn dĩ rất không thích tranh luận về quan điểm. Bạn đọc nói với tôi, “Câu chữ của anh, kiêu bạc quá”. Tôi bảo, “Làm gì có người đúng hay sai, chỉ có mình sai hay đúng”. Bao giờ cũng vậy, tôi luôn đề cao sự tu dưỡng tự thân. Một vài ghi chú cho riêng tôi.
1. Mấy hôm trước, tôi mang dép đi bộ ra hiệu sách, mua quyển Ai cùng tôi cạn chén của Cổ Long. Sách trên tay, dép dưới chân, tôi lững thững về lại cơ quan. Trên đường, tôi nghĩ sau khi đọc xong Cổ Long, tôi sẽ làm gì nữa. Và cũng như những lần nghĩ cũ, tôi chẳng biết sẽ phải làm gì sau khi đọc xong một cuốn sách. Thật đáng tiếc, Ai cùng tôi cạn chén không hay như tôi nghĩ, người dịch không nắm vững ngôn từ của thể loại này, chuyển ngữ hơi ngang.
Vài người bạn của tôi, rất không thích Cổ Long. Họ bảo, Cổ Long hay mượn ý của người để biến thành của mình. Tất nhiên, điều này không sai. Nhưng thường thì đọc Cổ Long, chỉ đọc chữ, ít ai đọc chi tiết. Người dịch Cổ Long, ngoại trừ Ai cùng tôi cạn chén thật là thú vị.
Cổ Long hay nói, với đại ý, bằng hữu là thứ nguyên vẹn. Tôi không chắc lắm về điều này. Bởi theo những gì tôi đã từng, thì không thứ gì là nguyên vẹn cả. Tất cả đều biến chuyển.
Ngay cả khi tôi viết “Chỉ còn bằng hữu là lưu dấu”, tức là tôi cũng chỉ đang đánh lừa chính tôi thôi.
Nội thê sinh cho bạn một cậu con trai, bạn ẵm bồng hôn hít được chừng 8 năm. Đến năm thứ 9, con trai sẽ không cho bạn ẵm bồng hôn hít như ngày xưa nữa. Vì con trai đã lớn.
Năm tôi 9 tuổi, đang học lớp bốn. Tự dưng trời xui đất khiến ép tôi đọc Kim Dung. Tôi nghiện Kim Dung, dẫu có cái hiểu cái không. Trời mùa hè phương Nam nóng như cát rang ngô, tôi mặc áo lạnh, giấu sách vào áo để lén đọc. Ba tôi cấm tôi đọc sách, bắt tôi học. Mà tôi thì không thích học, tôi chỉ thích đọc và tưởng tượng. Bây giờ nghĩ lại, đúng là chúng ta thường không được toại ý trong cuộc đời này.
Giả như sáng nay, con trai lớn của tôi xin cho được nghỉ học một hôm để tiếp tục ngủ. Tôi đã ép con tôi phải dậy để đến trường. Với tôi, sự học là quan trọng. Còn nếu như con tôi thấy sự học không quan trọng, thì con tôi phải thỏa điều kiện của tôi là tốt nghiệp bậc phổ thông trung học đã, rồi muốn ra sao thì ra.
Khi tôi muốn vậy, tức là con tôi đã không được toại ý rồi. Tôi sẽ bao biện cho việc không toại ý của con trai tôi là vì tôi muốn con trai tôi có thêm thời gian để tự tu dưỡng bằng con đường học vấn.
Chính ra, tôi có là người cha tốt không. Tôi cũng không chắc nữa. Tôi luôn muốn làm bạn với con trai mình, nhưng lắm khi tôi thấy điều này thật phiền toái.
Như lúc, tôi đã thay đồ, xỏ giày để chuẩn bị đi đá bóng, thì con trai tôi lại ôm chặt và mếu máo nói, “Ba ở nhà ngủ với con”.
![]() |
Có lúc, tôi sẽ chiều con mình. Và khi ôm con ngủ, tôi luôn tự vấn, “Như vậy thì, tôi và con trai tôi, ai đang được toại ý?”.
Như khi đọc Cổ Long Ai cùng tôi cạn chén, tôi không toại ý. Nhưng chắc chắn, công ty phát hành ấn phẩm này sẽ toại ý.
Vậy đó, trong nhẽ đời này, người kia toại ý thì phải có một ai đó không toại ý, như là sự cân bằng rất khó giải thích.
2. Trước nhà nhạc mẫu của tôi có một cây khế, trên tán khế có dây hoa leo, dạng như tầm gửi, hoa màu vàng. Tôi không biết gọi tên gì, mà tôi cũng không có ý tìm hiểu. Đã có quá nhiều thứ trôi qua trong cõi đời này, và tôi không để ý đến.
Có lúc, khuya tôi về, đèn ngõ phố chiếu vàng lá khế rụng lẫn với cánh hoa rơi. Tôi nhìn và nghĩ, sẽ có lúc tôi như thế này.
Trên đời này, không có gì là mãi mãi, đều tụ rồi tan cả. Giai nhân đến, vui vầy thoáng chốc, rồi đi. Bằng hữu ngồi, bá vai siết cổ rồi đi. Huynh đệ gặp, cười cười nói nói rồi đi. Cuối cùng, trong ta chỉ còn mỗi sự cô độc mà thôi.
Tôi thấy, mấy người hay than vãn trên Facebook “Trời ơi, cô đơn quá”, hay “Trời ơi, buồn quá”. Họ thật tội nghiệp.
Cô đơn và buồn là cảm giác hiện hữu nhất của con người mà cá nhân phải cố nắm bắt lấy. Đó là một đặc ân mà chúng ta được ban cho.
Không có gì tuyệt diệu hơn khi con người đang cô đơn trộn lẫn với nỗi buồn. Những ý niệm trong thời khắc đó, sẽ cho bạn nhiều trải nghiệm.
Một người bạn vong niên của tôi đã nói, “N.K.L, chú không sợ chết. Chú đón nhận nó rất bình thản. Nhưng, chú rất sợ chú phải chết một mình. Nghĩa là, chú nằm đó và không ai nhận thấy chú đã qua đời”.
Ôi, con người có quá nhiều thứ sợ hãi, ngay cả khi đối diện với điều mà tất cả chúng ta đều phải trải qua. Đã chết, thì còn gì là sợ hãi nữa. Sống mới đáng sợ hãi.
Tôi thấy nhiều người chuẩn bị hậu sự cho mình, mỗi lần vậy tôi đều có cảm giác bất an. Tôi hay bất an với những sự thật sẽ diễn ra, tôi không thích điều đó. Tôi mâu thuẫn với tôi ở điểm này. Nhưng, tôi không biết làm cách nào khác.
Sự sợ hãi lớn nhất của cuộc sống là gì(?!). Là biết mà không tránh được.
Người bạn vong niên lại nói, “N.K.L à, có lần chú nghĩ, khi nào sắp chết, chú sẽ nhét một cái võng vào ba lô, mang thêm một ít thực phẩm, đón xe đò đến dãy Trường Sơn. Yêu cầu xe đò dừng lại, chú xuống xe rồi đi bộ lững thững vào rừng càng sâu càng tốt. Chú sẽ mắc võng, nằm trên võng, ăn lương khô và chờ đợi quan nhân địa phủ đến áp giải chú đi”. Tôi có đọc đâu đó, ở Nhật có một cánh rừng dành cho người không còn muốn sống nữa. Khi họ không muốn sống, họ bước vào khu rừng đó, treo lên cành cây một sợi dây và đưa cổ vào. Tôi đọc Viên Mai, hình như kết thúc cuộc sống theo kiểu này sẽ không được siêu thoát. Tôi không tin lắm vào điều Viên Mai nói, vì tôi không có cơ hội để kiểm chứng.
Thế nhưng, có gì là đáng sợ đâu. Sợ nhất là chứng kiến những người yêu thương của mình không vượt qua được cái vòng “Sinh, lão, bệnh, tử”. Đớn đau là nhẽ này.
Bởi vì sao tôi sợ hãi?. Bởi tôi sẽ không chịu đựng nổi sự hành hạ của ký ức. Mấy lâu tôi có viết, “Nếu quên được hết, chúng ta yên ổn đến chừng nào”.
3. Hôm qua, khi sắp đến giờ phải tham gia một chương trình thì tôi phát hiện chiếc áo sơ-mi duy nhất mà tôi có đã bị cháy. Tôi vội vã mượn một cái áo sơ mi khác. Ngay khi vừa mặc vào thì lại thắt lưng của tôi hỏng.
Có những sự trùng hợp liên tiếp rất buồn cười mà bạn từng gặp phải. Giả như, bạn thấy một gương mặt quen lắm mà không nhận ra đó là ai. Có vẻ, bạn đã gặp họ trong giấc mơ. Giả như, có những tình huống mà bạn đã trải qua nhưng không thể hình dung được. Có vẻ, bạn đã trải qua trong giấc mơ.
Nhà tiên tri vĩ đại nhất của thế kỷ XX, người Bulgaria nhận biết trước những điều mà bất cứ một cá nhân nào sẽ trải qua. Có vẻ, nhà tiên tri này đã mơ giúp rất nhiều người khác. Bà giữ những bí mật của tương lai họ, dẫu rằng bà có nói theo nghĩa, “Có những chuyện biết trước cũng không thay đổi được gì”. Nhưng, biết trước vẫn hay hơn không biết. Loài người là loài vô cùng tò mò. Tò mò là một đặc tính. Tò mò về gia thế của người khác, tò mò về câu chuyện của người khác, tò mò về túi tiền của người khác, tò mò về danh vọng của người khác, tò mò về dục tính của người khác… Lắm khi mê mải chuyện người khác, nên để chuyện của mình như lá rũ khô.
Tôi nghĩ, phải loại bỏ hẳn điều này ra khỏi đời sống thì biết đâu đấy sẽ dễ nhận ra chính mình hơn. Nhưng, đặc tính cố hữu thì làm sao mà loại bỏ được. Nên những người loại bỏ được chuyện này, phải cố tập thêm một chuyện khác, chính là chuyện loại bỏ sự quan tâm của đám đông dành cho mình. Còn nếu không loại bỏ được, thì phải tập thói quen thích ứng.
Tôi có người bạn thích ảnh khỏa thân nghệ thuật của nhiếp ảnh gia lừng danh người Ukraine, Ruslan Lobanov. Bạn tôi chuyển lên Facebook cá nhân rất nhiều ảnh khỏa thân của nhiếp ảnh gia này. Tài năng của Ruslan Lobanov đã được cả thế giới công nhận, nên ảnh của ông đẹp là đương nhiên. Vậy mà, cũng có người không thích. Họ bảo đó là ảnh trụy lạc, là khiêu dâm. Họ báo cáo với người quản lý của Facebook. Bạn tôi bị quản lý Facebook khóa nick.
Phải xem điều ấy là bình thường, chuyện nỗi vui của người này là sự khó chịu của người khác là hiển nhiên. Cũng như sự toại ý vậy. Trời cho nhiều, thì người lấy nhiều. Đành phải tự an ủi, cái của mình sẽ là của mình, cái của người sẽ là của người, tranh giành cũng không được, cố giật cũng không được. Đơn giản, không tự vỗ về thì có làm được gì nhau đâu.
Sống, đã là một sự chịu đựng. Thương nhau, chính là tự tập cho mình thói quen quên nhau (Nhưng quên nhau mới thật là tri âm, ai viết câu này, tôi không nhớ rõ lắm. Thi sĩ Hồng Thanh Quang viết câu khác, Cu Tèo thương bạn lấy quên làm quà).
Thương nhau đến mức này là thương tận cùng rồi, thương nhau lấy quên làm quà. Chứ lấy nhớ làm quà thì thật là không biết cách thương nhau đâu. Tất nhiên, điều này phải hiểu theo một nghĩa khác