Những trích dẫn ngắn

Thứ Tư, 06/05/2015, 23:16
Trên đường từ trường mẫu giáo về nhà, con trai tôi nói “Ngày xưa, ba hay hát cho con nghe bài “Vì mình thương nhau, vì mình yêu nhau nên mới giận hờn, vì mình xa nhau nên nhớ nhớ nhau hoài””. Đó là một bài hát cũ, tôi vẫn thường hát trong vô thức.

Khi nghe con trai nói điều này, tự nhiên tôi ngơ ngác khủng khiếp. Thi thoảng, tôi vẫn có cảm giác này. Cảm giác hữu hạn và lạc lõng của cá nhân trước thời gian.

Bằng hữu thường hay hỏi, sao tôi hay nghĩ vậy. Thú thật, tôi cũng không biết nữa, chỉ là những điều đã trôi qua dẫu không cố gắng vẫn cứ nhớ như in.

1. Người phụ nữ ngồi bên cạnh tôi tóc có một ít sợi bạc trên đầu, tôi đùa, “Hôm nào anh đưa em đi nhuộm lại tóc”. Người phụ nữ từ chối. Tôi cười, rồi người phụ nữ nói, “Cả anh và em đều đã già”.

Đều đã già, tức là đã già. Mới hôm nào nước Hồ Gươm còn lên sắc rêu, mới hôm nào áo len xanh còn tươi như mây trời, mới hôm nào còn trong lòng một mùa rét mướt, mà nay tất cả đều đã già. Hỏi làm sao mà tôi không chạnh lòng.

Có ai trong chúng ta mà không già, sự già nua chầm chậm tiến đến không khựng lại, không khoan nhượng, không thương lượng, không đối thoại. Chân có băng qua vạn dặm đường, mắt có đọc trăm nghìn cuốn sách, miệng có nói với hàng triệu người, vẫn không thể thay đổi được gì trước một ngày len lén trôi qua.

Đêm qua một đêm, là những ký ức trôi đi lại càng bừng lên mạnh mẽ, như mấy lâu nhà thơ Quang Dũng viết, “Lòng người trai ba mươi/ Vui như trẻ lên mười/ Yêu như tuổi mười bảy/ Buồn như sắp năm mươi”.

Tuổi 50 buồn hay vui, làm sao tôi biết được, còn gần hai thập kỷ nữa tôi mới trôi đến cảm giác ấy. Khổng Tử viết, “Ngũ thập tri thiên mệnh”, có nghĩa là khi người ta tới 50 tuổi mới có thể thông suốt chân lý của tạo hoá, tức là hiểu được mệnh của trời. Tôi hồ nghi rằng, Khổng Tử khi lang bạt qua nhiều nước, tức cảnh tâm sinh mà nghĩ vậy thôi, chứ đạo trời đất mang mang, biết đường nào mà lần. Chỉ biết việc đến là đến, việc chưa đến là chưa đến.

2. Thi sĩ Trương Nam Hương thường hay bị viêm họng, người phụ nữ của anh theo sát bên, kiên quyết không cho anh hút thuốc lá. Dùng bữa sáng xong, Trương Nam Hương thèm thuốc lá đến vã cả mồ hôi, người phụ nữ của anh vẫn kiên nhẫn dùng khăn thấm từng chút mồ hôi một.

Tôi đùa, “Bác sĩ cấm anh hút thuốc sao?”. Thi sĩ chưa kịp gật đầu, người phụ nữ của anh đã nói, “Đúng đấy em”. Lại cười, “Bác sĩ ganh tị với anh thôi. Bác sĩ thấy anh đã tài hoa, đến tuổi này lại còn có phụ nữ yêu thương chăm sóc. Bác sĩ phải nghĩ ra cách nào đó để anh phải khổ sở. Cuối cùng, bác sĩ cấm anh hút thuốc lá”. “Đúng, đúng. N.K.L nói rất đúng. Bác sĩ không thích nên cấm anh hút thôi, chứ anh bị viêm họng đâu phải ung thư mà cấm. Thôi, anh cứ hút một điếu, nhé em”, thi sĩ đưa bộ mặt rất thật thà cầu cạnh. Đáp lời, vẫn là một cái lắc đầu. Thi sĩ đành thôi.

Lúc ấy tôi thấy cảm giác thật êm đềm, vừa buồn cười lại vừa thú vị. Bởi người đàn ông tóc đã hoa râm trên đầu lại được canh gác kỹ lưỡng đến như thế. Nếu không vì sự yêu thương thì biết lý giải bằng căn nguyên nào khác đây.

Bao giờ người ta thôi yêu thương và lo lắng cho nhau?. Chắc là chỉ khi nào nằm xuống, mà biết là nằm xuống có thôi nghĩ về nhau không. Bởi theo định luật bảo toàn năng lượng thì năng lượng chỉ chuyển hóa từ dạng này sang dạng khác. Và một khi còn năng lượng dẫu đã chuyển hóa sang dạng khác, thì làm sao biết được sự yêu thương đã tan đi.

Không phải điều may mắn nhất của một gã đàn ông là có người phụ nữ lo lắng cho mình sao. Xét điều này, tôi là một người may mắn. Mà xét điều này, rất nhiều người trong chúng ta đều may mắn.

3. Tuần trước, tôi có đọc trên facebook câu chuyện người phụ nữ thoát y trên đường phố vì giận chồng. Lý do giận chồng hết sức đơn giản, chồng chê cô bị rạn da bụng do sinh con.

Tôi không biết lý do này có chính xác hay không, chỉ thấy trên facebook của bạn bè tôi dày đặc những lời miệt thị dành cho gã đàn ông ấy. Theo tôi, có lẽ họ giận hờn vì một lý do khác. Tôi chưa thấy gã đàn ông nào chê da bụng vợ mình rạn bạo giờ.

Khi tôi chưa ba mươi tuổi, tôi có một tư duy khác. Khi tôi chạm ngưỡng rồi qua tuổi ba mươi, tôi có một tư duy khác. Nhưng khi tôi có con, tôi có cả một cuộc đời khác.

Tôi không tin vào chuyện đàn ông gây gổ với vợ bởi lý do vợ rạn da bụng, tôi lại không tin có người vô trí vô tri đến mức xem đó là cái cớ cho một cuộc cãi vã. Tôi lại càng không tin có người phủi sạch ơn vợ, người đã mang lại cho đàn ông cảm giác được làm cha.

Xã hội càng hiện đại, đời sống hôn nhân càng mong manh. Mong manh đến mức chiều về nhà chạm mặt, tối lên giường thấy nhau, sớm còn tạm biệt đi làm thì biết có đó còn đó, thấy đó hay đó. Chứ khuất mặt khuất mày thì biết là làm sao. Người đủ bình tĩnh thì về đến nhà vứt hết những chuyện đã xảy ra trong ngày từ ngoài ngõ. Người mất bình tĩnh thì mang cả chuyện đó vào bữa ăn.

Từ ấy, nảy sinh những mâu thuẫn rất đáng tiếc. Khi mà mâu thuẫn không thể hàn gắn, hay khi người ta đã chán nhau đến cùng cực, thì một màu sơn móng tay cũng có thể khiến người ta cáu gắt chứ huống hồ là da bụng có rạn hay không..

Tuy nhiên, phải bình tĩnh mà thừa nhận, thoát y ngoài đường là một hành động rất không nên thông cảm dù bất cứ lý do gì. Ngoại trừ, người thoát y có vấn đề về mặt thần kinh.

Tôi đã từng chứng kiến những cặp vợ chồng sống với nhau khổ sở đến mức nào, nhưng nhất định vẫn ở cùng một mái nhà. Đơn giản, họ có nhiều vướng bận vào nhau. Vướng bận một khoản kinh tế, vướng bận con cái, vướng bận lễ nghi, vướng bận định kiến, vướng bận lời xì xầm của dư luận.

Nhưng biết là làm sao, bởi chúng ta đều không thể toại ý trong cuộc đời này. Ngay cả đến vua còn có nỗi khổ tâm của người đứng đầu trăm họ.

4. Thi sĩ Cao Xuân Sơn là một người mà tôi rất quý, anh Sơn có lẽ cũng quý tôi. Kiến văn của anh thật sâu rộng khôn lường. Đọc lối văn biền ngẫu, thi thoảng gặp từ khó, tôi vẫn thường nhờ anh kiến giải giúp.

Anh em uống vang với nhau độ vài giờ, Cao Xuân Sơn phải dùng đến hơn một phần hai thời gian để giải thích về những món ăn tốt cho sức khỏe. Anh nói về vang đỏ, về bánh mì đen, về rau củ quả…

Có cảm giác, đây mới là chủ đề mà thi sĩ quan tâm, chứ không phải là thơ ca, cuộc sống hay bất cứ điều gì khác. Tất nhiên, phải xem nhau là thân hữu anh mới nói. Tất nhiên, phải thật lòng lo lắng cho nhau anh mới nói. Tất nhiên, phải trân quý nhau anh mới nói. Đến bao nhiêu tuổi thì chúng ta mới biết cách giữ gìn sức khỏe. Bốn mươi tuổi, năm mươi tuổi, sáu mươi tuổi hay lâu hơn nữa. Chắc là bao giờ thôi khỏe thì người ta mới nghĩ đến sức khỏe.

Như lúc gặp thi sĩ Phạm Thiên Thư, thi sĩ giờ không lên non tìm động hoa vàng hay anh theo Ngọ về nữa, thay vào đó thi sĩ nghiên cứu làm cách nào để sống lâu, làm thế nào để thoát khỏi những cơn mỏi mệt của thực tại.

Tối về nằm đọc lại Vũ Hoàng Chương, thấy câu “Gió lùa gian gác xép/ Đời tàn trong ngõ hẹp”, nửa buồn buồn, lại nửa thương thương.

Đúng thật, đời người có nhiều quá nỗi lo. Ngay cả khi sống còn lo cho lúc nằm xuống, như những lần tôi đọc thấy người già xưa thường mua sẵn áo quan trong nhà, như những lần tôi thấy người còn sống ở quê mua sẵn phần đất, như những lần tôi thấy người còn sống lo lắng cho đến kiếp sau.

5. Giản Thanh Sơn đang ở Indonesia, Sơn là người anh mà tôi rất kính phục. Sơn làm việc suốt, đi suốt. Sơn khi nào trông cũng hầm hố, trông cứ như dân chơi nhưng lại mong manh và rất nhạy cảm.

Hôm Sơn tặng tôi Bộ Không ảnh Đảo và bờ biển Việt Nam tôi xúc động không nói nên lời. Không phải xúc động vì là người đầu tiên được Sơn tặng sách, xúc động là bởi nhìn hình ảnh trong bộ sách ấy mới vỡ ra biển đảo mình đẹp biết bao. Đó đúng là một dư địa chí về đảo và bờ biển của Tổ quốc. Sơn cứ nói tuần này Sơn sẽ họp báo giới thiệu sách, tuần sau Sơn sẽ họp báo ra mắt sách. Nhưng mà, Sơn đã làm được đâu. Sơn đi công tác suốt.

Người không hiểu Sơn, sẽ nói Sơn thế này thế kia. Người chưa hiểu hết Sơn, sẽ bảo Sơn thế này thế khác. Nhưng tôi là người anh em với Sơn, tôi tuyệt đối tin rằng Sơn là người tử tế.

Sơn tử tế đến mức, Sơn thường lấy nỗi vui bạn bè làm nỗi vui của mình. Sơn tử tế đến mức, lúc nào Sơn cũng hồn nhiên như trẻ thơ.

Tôi hay nói với Sơn, anh đừng để ý quá nhiều đến những ý kiến hay lời nói khiến mình có thể suy nghĩ. Em chưa thấy ai sinh ra trên đời mà không vướng thị phi, chỉ có người bình thường là mong yên ổn.

Sơn cười, gật đầu. Mà không biết là Sơn có vượt qua được cảm giác xì xầm hay không?. Như có lần tôi viết, ưu điểm lớn nhất của người không làm việc là gây ức chế cho người làm việc. Phải cố mà lướt qua, không lướt qua được thì bằng mọi cách phải lướt qua.

Dẫu rằng, ngôn từ cũng như lưỡi đao vô thanh vô ảnh, có thể khiến người khác đau đớn khôn nguôi.
Ngô Kinh Luân
.
.