Những tiếng chim trong thành phố

Thứ Hai, 05/08/2019, 17:01
Sáng hôm qua, lâu rồi tôi mới lại ngồi ăn xôi ngô trên vỉa hè  phố Tuệ Tĩnh (Hà Nội). Bất giác tôi nhìn thấy những con chim sà xuống, ăn những hạt xôi thừa vung vãi - những hạt xôi mà có thể là những người khách để rơi, hoặc là những hạt xôi mà chị bán hàng chủ động ném ra. 


"Thi thoảng chị cũng ném ra vài hạt để chúng nó xuống mà không đói" - chị bán hàng nói thế. Lúc ấy tôi chợt giật mình tự hỏi: Thôi chết, lần cuối cùng mình nhìn thấy những con chim trong thành phố này là khi nào nhỉ?

Khoảng 10 năm về trước, khi đi đỗ đèn đỏ ở ngã ba Nguyễn Du - Trần Bình Trọng, đoạn gần hồ Thiền Quang tôi đã bừng tỉnh khi chợt thấy cả một dàn đồng ca họa mi hay chích choè gì đó (xin lỗi vì tôi không phân biệt được tiếng các loài chim) ở cái quán cafe ven hồ. Nhìn kỹ mới biết hoá ra mỗi người đến uống cafe đều mang theo một lồng chim. Tò mò hỏi kỹ mới hiểu: đấy là một quán cafe chim, tụ họp những người chơi chim hằng ngày. 

Thế là tôi viết bài báo "cafe chim" với một ý tưởng lãng mạn rằng: những con chim trong lồng, bằng tiếng hót của nó biết đâu đấy sẽ gọi về những con chim ngoài lồng. Chúng sẽ bay trên trời, sẽ đậu trên cây, sẽ tận hiến cho thành phố những bản hoà âm thiên nhiên vốn ngày càng xa xỉ. Hồi đó, đọc xong bài báo, chị bạn bảo: Đừng ác thế em!

Ảnh: Đình Nguyễn.

Ơ, sao lại ác? Chị giải thích: Chim trong lồng là chim có chủ, ông/bà chủ nào cũng bằng mọi cách bảo vệ, nuôi nấng nó. Nhưng chim ngoài lồng là chim vô chủ. Nếu chim trong lồng gọi về chim ngoài lồng, cả thành phố tràn ngập chim thì người ta sẽ giơ súng lên bắn cái "bùm", tiêu diệt sạch. Thôi, cứ để cho nó bay đi đâu thì bay, chứ về thành phố này để chết à? Cách nói nửa đùa nửa thật của chị bạn khiến tôi chợt nhớ đến bài hát "Người thợ săn và đàn chim nhỏ" của Phạm Duy với một câu kết ám ảnh: "Rượu nồng thịt thơm bao người nâng chén no say đùa vui/ Đâu biết chim ngậm ngùi". 

Bài hát kể lại hành trình một người thợ săn bằng tất cả sự tinh vi, lọc lõi và thủ đoạn của mình đã bắn chết những con chim, và biến những con chim trong rừng thành món chim quay trong các nhà hàng.

Ai cũng hiểu bài hát mượn chuyện "con chim" thôi, để nói chuyện "con người", rằng con người về cơ bản cũng "săn" nhau, "lừa" nhau", "bắn" nhau như "săn" chim. Nhưng thôi, bỏ qua mã nghĩa bóng bẩy thứ hai, chỉ dừng lại ở mã nghĩa hiển ngôn thứ nhất, nghe bài hát ấy, người có lòng trắc ẩn không thể không nghĩ đến số phận của những con chim trong mối quan hệ với con người. 

Thế nên thấy chị bạn nói có lý: giả như thành phố này, nhờ một phép màu nào đó thực sự là nơi "đất lành chim đậu" thì có lẽ chưa kịp đậu, những con chim bị bắn chết rồi cũng nên.

Nhưng rồi lại lan man nghĩ, chị bạn mình vốn là một người thực dụng và nghiệt ngã. Trước một câu chuyện, bao giờ chị cũng nghĩ đến những tình huống "nghiệt" nhất, và bao giờ cũng nhìn nhận những tình huống ấy bằng tư duy phán xét. Thế thì tại sao lại để quan điểm của chị làm mình lung lay? 

Tại sao lại dễ dàng tin rằng trong thành phố này toàn những ác nhân và sát thủ? Tại sao lại nghĩ rằng trong thành phố này toàn là những tín đồ trung thành của món "chim quay"?

Những ý nghĩ dừng lại ở đấy và được cất gọn ghẽ vào một góc nào đó của bộ não. Phải đến tận sáng qua, khi ngồi ăn xôi, nhìn thấy những con chim tự nhiên - những con chim ngoài lồng đang ríu rít ăn những hạt xôi vương vãi trên vỉa hè thì nó mới lại được lôi ra. 

Và khi nó đã được lôi ra thì mình vừa ngồi ăn xôi, vừa nhìn những chú chim sẻ bé nhỏ, vừa độc thoại như một kẻ tâm thần: đấy, thấy chưa, trong thành phố của chúng ta vẫn có những người như chị bán xôi này. Phải nói là lúc ấy nhìn cả một bầy chim, khoảng chục con đang chúi mỏ ăn, rồi cất lên những tiếng lánh lót của nó là thấy "đã" mắt - "đã" tai - "đã" cả một góc hồn.

Vấn đề đặt ra trong thành phố, còn bao nhiêu cái vỉa hè thanh bình, còn bao nhiêu con đường thanh bình, còn bao nhiêu khung trời thanh bình để người ta có thể "đã" mắt - "đã" tai - "đã" hồn mình như thế? Thành phố bây giờ bị bê tông hoá bởi những toà chung cư giống như những miếng vá chằng vá đụp trên một cơ thể bị tận diệt sức lao động đến xác xơ. 

Lẽ ra ở mỗi toà chung cư phải có một cái sân - một khoảng không gian xanh nhất định, nhưng bây giờ nhiều nơi 3,4 cái chung cư ghép lại mới có một chút xíu không gian xa xỉ này. Đấy là chuyện ở bốn quận nội thành, bao quanh Hồ Gươm, chứ đi ra những quận mới, trên những con đường mà chỉ khoảng chục năm trước vẫn còn là đường mới như đường Trần Duy Hưng hay Lê Văn Lương thì ôi chao, những toà chung cư ken đặc nhau, san sát nhau, kèn cựa nhau đến phát sợ. 

Ở những "rừng chung cư" khủng khiếp ấy, làm gì còn khoảng không gian thanh bình nào cho những chú chim sà xuống nữa? Mà như thế, phần thiệt thòi không thuộc về  những chú chim, vì với đôi cánh trời ban của mình, những chú chim sẽ tự biết đi tìm những khung trời khác, những khoảng không gian khác, thích hợp hơn với mình. 

Phần thiệt thòi thuộc về chính con người, vì con người sẽ không được nhìn thấy những người bạn tự nhiên - những người mà chỉ cần hót lên một tiếng thôi, con người cũng sẽ thấy lòng mình như dịu lại.

Thành phố bê tông hoá là thành phố thiếu tiếng hót. Thành phố chung cư hoá là thành phố đánh cắp khoảng không của những chú chim, và cũng là cái khoảng dịu mát của tâm hồn. Mà khi tâm hồn con người không dịu mát, thậm chí khi tâm hồn con người cũng tràn ngập những bon chen kèn cựa giống như những toà chung cư trên phố Lê Văn Lương kia thì hãy thử nghĩ xem, tâm hồn con người rồi có thể cất lên những loại âm thanh gì? 

Bạn hãy chịu khó mở facebook của mình ra, lướt quanh một vòng và chứng kiến kiến dàn đồng ca bu vào chỉ trích, thoá mạ một ai đó - một điều gì đó - một "trend" nào đó, trong sự xa xỉ đến cùng cực của một thái độ cảm thông là sẽ tự biết câu trả lời. 

Thật sự, chưa bao giờ tôi thấy một đời sống mạng mà ở đấy người ta lại dễ dàng chửi bới - thậm chí đâu đó còn có những "khoái cảm chửi bới" nhiều như lúc này. Liệu có phải những người suốt ngày rình rập, chửi bới, thoá mạ lên án người khác, từ lâu lắm rồi không có cái hạnh ngộ được nghe thấy dẫu chỉ là một tiếng chim?

Ảnh: Đình Nguyễn.

"Bố ơi, bạn chim đang trêu con này", một lần cậu con trai 3 tuổi của tôi chỉ vào một con chim đang hót trong lồng và nói với tôi như thế. Cậu cứ quả quyết rằng bạn chim đang trêu mình, nên quay ra quát mắng bạn chim. Nhưng cậu càng quát mắng thì bạn chim càng hót mạnh hơn. 

Đến lúc đó, thế quái nào mà cậu lại quay ra bảo: "Bố ơi, bạn chim yêu con này",  rồi cứ thế cười toe toét. Câu chuyện trẻ con nhưng khiến ông bố nghĩ ngợi: phải chăng khi những tiếng hót an yên tốt lành ngày một trào dâng, khi quyền lực của cái thánh thót ngày một trào dâng, khi dàn đồng ca tử tế ngày một trào dâng - rộng khắp, bủa vây và tràn ngập thì ngay cả những ý nghĩ xấu cũng sẽ được cảm hoá. Giữa quyền lực của cái thánh thót - cái tử tế - cái cao đẹp - cái thượng mã thì cái xấu không có chỗ để tồn tại, và ngược lại?

Hôm ấy muốn dẫn con trai đi mua một lồng chim, để nó sẽ lên cùng một người bạn mà cứ đắn đo mãi, rồi cuối cùng không làm được. Vì cái nhà 50m của mình chật chội quá, sợ không có đủ điều kiện nuôi, và không biết nuôi thì lại làm chết những chú  chim cũng chưa biết chừng. 

Nhưng từ hôm qua đã nghĩ ra giải pháp khác rồi - thực tế mà hiệu quả, đó là thi thoảng sẽ dẫn cậu ra ăn xôi trên phố Tuệ Tĩnh để cậu nhìn thấy ở thành phố này vẫn có một chị hàng xôi (ít nhất là như thế) ném những hạt xôi ra xung quanh để cả một bầy chim sà xuống.

Để cậu nhìn thấy, trong cái thành phố mà bố con cậu đang sống, vẫn có những khoảng không gian mà những người bạn thiên nhiên của cậu có thể an trú một cách thanh bình! 

Diệp Xưa
.
.