Những ngày áo gấm

Thứ Ba, 27/11/2018, 16:00
Trời gió mưa khôn lường, người rủi may chớp mắt. Mấy chữ rất cũ kỹ này hệt như giấc mộng cây hòe vậy, ấy cũng là đời người vậy.

Nhưng gió mưa ấy là chuyện trời, rủi may biến cố ấy là chuyện của người. Có những rủi may chính người tạo ra, thì trách trời gần hay xa, trách hanh thông dài hay ngắn để làm gì. Nhất là khi, thân được mặc áo gấm lại cứ muốn cởi ra để đổi áo tơi.

1. Độ này, ngày nào trên báo cũng dồn dập thông tin về những quan chức sai phạm bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương bêu tên xác định lỗi. Đọc cũng có lúc vui khi buồn, đọc cũng có lúc hào hứng, có khi ngậm ngùi. Nghĩ nhiều nỗi cũng tiếc mà nghĩ nhiều nỗi cũng khó hiểu.

Thành thật mà thừa nhận với nhau thì giấc mộng công hầu khanh tướng luôn là ước mơ lớn nhất của đời người. Vì là ước mơ nên ai không muốn thành hiện thực, chỉ tiếc là ước mơ lớn quá nên nhiều khi thành gánh nặng của cuộc đời.

Ông Tú Xương xưa quá độ dân chơi, sẩm tối là cắp dù nghe ả đào, phong lưu khoái hoạt không gì là không kinh qua. Nhưng rồi cũng lều chõng đến mấy bận để có được bảng nhãn đề tên. Đời người vậy biết là thảnh thơi hay cực nhọc, cái này duy mỗi dân chơi Tú Xương trả lời được thôi. 

Phải là Ngô thì nhìn đường trần diệu vợi ấy, tự chán mà bỏ cuộc. Suy cho cùng thì chầm chậm nào không hết ngày, nhanh chóng nào cũng hết đêm. Dẫu vậy, mỗi người một quan điểm, mỗi cá nhân một chí hướng, quan điểm chí hướng nào cũng đáng được tôn trọng.

Người Á Đông tuyệt nhiên tin tưởng muốn làm quan chức phải có số mệnh, tức là được trời sắp đặt sẵn cho ngồi vào vị trí này vị trí kia. Kiểu như đọc giai thoại thấy dân chơi có số làm vua, bắt tượng ngồi tượng phải ngồi. Dân chơi có số làm quan to, đi qua đình thành hoàng phải đứng dậy chào. Đều là những chuyện kinh động trong thiên hạ, sai khiến quỷ thần như không vậy.

Minh họa: Lê Phương.

Càng lớn càng đọc nhiều hơn, càng đọc nhiều hơn càng thấy đều có thủ thuật tuyên truyền, từ chém rắn cho đến nhặt gương, từ chữ khắc trên lá kiểu thiên thư cho đến sinh ra sẵn hào quang ngũ sắc.

Lại có thuyết tiền kiếp tích công đức làm việc thiện, lo cho người khó giúp cho người nghèo, gieo hạt mầm phước báo rồi không quản ngày đêm vun trồng chăm sóc. Cây phước báo sinh trưởng tốt, tán rậm trái nhiều, cứ vậy mà hưởng cho nhiều kiếp sau. Nếu kiếp sau hưởng ít, vừa hưởng vừa chăm thì kiếp sau nữa lại hưởng được nhiều hơn. Nếu kiếp sau làm ác ăn tạp, thì cây phước báo cứ vậy mà suy. Cây phước báo suy thì nghiệp xấu ngày càng lớn, kiếp tới lại phải trầm luân khổ ải để trả nợ kiếp này.

Chuyện tâm linh ấy mà, tin thì tin mà không tin thì thôi. Mặc dầu không phải khi nào cũng mang khoa học và thực tế mà lý giải được.

Tử Bất Ngữ của Viên Mai có kể chuyện một bậc chân tu, hiểu trước vạn sự, biết ngày sống chết. Đến lúc cạn nhân duyên, gọi đệ tử đến dặn dò rồi ngồi xếp chân thẳng lưng mà hóa.

Hơn mười năm sau trong hình hài đứa trẻ, tìm đến cố nhân làm quan to đầu triều nhắc chuyện tiền kiếp. Quan to ban đầu nghi ngờ về sau xác tín, chuyện cứ vậy đồn dần cả nước bái phục tôn làm phật sống. 

Từ độ được tôn làm phật sống về lại nơi tu tập ngày trước bỗng dưng chán chuyện tụng kinh gõ mõ, lấy cái uy thế hiện tại mặc sức hoan lạc. Không ngày nào không tổ chức yến tiệc, không ngày nào không bày trò đa dạng để hưởng thụ lạc thú của trần gian.

Bỗng một hôm ngộ ra điều mình làm là sai trái, thứ mình hưởng không phải là phước báu, bèn thốt lên hối hận rồi đi.

Chuyện từa tựa trong đời sống vốn nhiều vô kể, nhưng có người bình thường tốt lắm, chân thành lắm. Tự dưng có chút chức sắc, áo gấm nửa đẹp nửa xấu, chỉ mới hơn áo tơi một xíu đã vội vàng khệnh khạng, đúng cũng trong tay mình mà sai cũng trong tay mình, bất chấp pháp luật bất chấp khế ước xã hội, cậy thế làm càn. Đến lúc bị điều tra, bị bắt bớt thì hệt như ông phật sống trong Tử Bất Ngữ vậy, ngộ ra thì đã muộn.

2. Mặc được áo gấm kiếp này, ngoài sự cố gắng của bản thân, ngoài kiến văn tích lũy được thì hẳn nhiên đó cũng là một phúc phận. Có phúc phận thì gắng mà giữ lấy, gắng mà cho tròn đầy.

Gắng giữ phúc phận có khó không, cũng có thể gọi là khó mà cũng có thể gọi là không. Có bạn đọc lâu năm của Báo gọi điện thoại cho Ngô, hỏi rằng tại sao nắm giữ vị trí họp có người ghi, chi có người bù mà còn làm sai trái để bị trừng phạt. Ngô toàn cười rồi trả lời, làm sao Ngô biết được. Hơn một lần Ngô có viết, sướng nhất là làm quan nhân, càng ngẫm càng không thể sai được.

Làm quan nhân chỉ cần bảo vệ cái đúng thôi, đã đủ đầy một cuộc sống xa hoa dư giả rồi. Không chỉ có xa hoa dư giả, mà còn được người khác biết ơn, còn được người khác cảm phục nữa. 

Tổ chức có để cho quan nhân thiếu cái gì không? Chắc chắn là không rồi. Từ xe đón xe đưa, từ trợ lý thư ký, từ ưu đãi này cho đến ưu đãi kia. Đến cái biển kiểm soát xe cá nhân còn được thuộc lòng để mắt nhắm mắt mở mỗi khi vi phạm luật giao thông thì đòi cái gì nữa mà hỏi.

Bao nhiêu oan khuất khiếu kiện khiếu nại không phải là từ cái sai của quan nhân mà ra sao. Tự dưng đất đai nhà người ta đang ở, đùng phát vẽ thêm quy hoạch vào, rồi lấy của người ta. Lấy xong lại giao cho doanh nghiệp, tỉnh bơ như ông Chí Phèo rượu say vấp phải bà Thị Nở vậy. 

Trong lúc cứ theo quy hoạch, doanh nghiệp muốn đầu tư sinh lợi thì thương lượng với dân, quan nhân ở chính giữa làm trọng tài để đảm bảo quyền lợi cho cả doanh nghiệp lẫn người dân. Doanh nghiệp đền bù thấp dân không chịu thì phải biết mà bảo, giá thị trường vậy doanh nghiệp đền bù vậy sao thỏa đáng. 

Còn dân đồng ý nhận tiền đền bù mà còn chây lì không giao mặt bằng cho doanh nghiệp thi công thì phải bảo dân như vậy là không có được, nguyên tắc giao dịch dân sự một bên đảm bảo quyền và nghĩa vụ của mình rồi thì bên kia cũng phải vậy mới là một giao dịch thành công.

Làm được như vậy thì không chỉ dân mang ơn mà doanh nghiệp cũng mang ơn. Mà người Việt mình có bao giờ mang ơn lại quên ơn đâu, thi thoảng cũng có vài người nhưng mà số này không đông lắm.

Mẹ của Ngô mắc bệnh trầm cảm, một thời gian dài quên cách cười. Thật may là Ngô được bạn bè giới thiệu cho một vị bác sĩ chuyên khoa thần kinh rất giỏi. Mấy lâu siêng năng chở mẹ lui tới cho bác sĩ khám chữa bệnh, mẹ Ngô đã nhớ lại được cách cười, cơ mặt cũng trở nên nhẹ nhàng và linh hoạt hơn. 

Đáng tiếc là vị bác sĩ này Ngô tặng quà cảm ơn gì cũng không nhận, từ quà phố cho đến quà quê. Mấy lâu trước nghe tin bác sĩ đã định cư ở nước ngoài, thật lòng áy náy mãi cho đến giờ. Vẫn biết bác sĩ cứu chữa bệnh không nghĩ đến ơn nghĩa, nhưng mình là người được giúp đỡ thì làm sao mà mình quên được.

Vừa rồi, trên mạng xã hội ầm ĩ một ông trưởng ban tiếp công dân, đi gặp người dân khiếu kiện mà tay còn cầm điếu xì gà đang hút dở. Biết bao nhiêu người bênh ông ấy, biết bao nhiêu người viết lại bảo vệ ông. 

Mọi người chỉ nhìn điếu xì gà hút dở trên tay ông trưởng ban tiếp công dân, mà quên mất hình ảnh người dân khiếu kiện giúi vào tay của ông ấy miếng trầu đã têm vì ông ấy thích ăn trầu, quên mất hình ảnh người dân khiếu kiện dùng bìa giấy cứng để che mát cho ông ấy, quên mất người dân khiếu kiện tay bắt mặt mừng như gặp người quen cũ…

Dân mình bao nhiêu năm vẫn lành vậy, trong cơn nguy khốn có người chìa tay ra, trong cơn hoạn nạn có người lắng nghe chia sẻ, chỉ cần bấy nhiêu thôi chưa cần xét là giúp được hay không, có vì họ là đòi lại công bằng được hay không, đã là mang ơn lắm rồi. 

Chăn dân dễ vậy còn chăn dân không được, thì mong vào chuyện lớn chuyện nhỏ ngày xa xôi hay thì tương lai làm chi cho thở dài mỏi mệt.

Tất nhiên là quan chức khi tiếp xúc với dân nên hạn chế đến mức chuyện đeo đồng hồ mấy nghìn đô hay vài trăm triệu, nên tránh điện thoại hạng siêu sang hay xe dòng siêu VIP, cũng nên tránh những chi tiết lặt vặt như xì gà hiệu này hay thuốc lá hiệu kia… Nhưng, dân nghĩ cũng đơn giản mà, làm được việc cho dân thì có quyền thụ hưởng những thứ mà chỉ giới thượng lưu mới đủ khả năng thưởng thức.

Chỉ cần nhớ mấy chữ này thôi là có thể mặc áo gấm cho ấm thân vĩnh viễn rồi, nói như cố Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt thì, quyền chức cũng là phương tiện để vì dân mà thôi.

3. Đằng này, có nhiều quan chức đương mặc áo gấm chễm chệ ngôi cao nhưng lại xắn tay bảo vệ cho cái xấu, cho cái không đúng, cho cái tiêu cực.

Cứ nhà cao cửa rộng, biệt thự biệt phủ sân vườn sân tược làm gì, để mai sau khi chiếc áo gấm rơi ra thì mới hiểu được rằng những thứ tích lũy kia cũng không thể nào giúp mình ấm thân được. Chỉ có lòng dân mới đích xác là ngọn lửa sưởi ấm trường cửu mà thôi.

Còn cố tình để áo gấm lấm lem thì ráng mà chịu sự trừng phạt, khóc cái gì, xin lỗi cái gì, ăn năn cái gì, hối hận cái gì.. Mọi thứ đã muộn lắm rồi, ở vị trí triệu người ham muốn không biết giữ gìn thì ráng mà chịu chứ có làm sao cũng không còn ai thương.

Dân chơi gọi là, thua thì chung. Có gan cởi áo gấm ra thì có gan khoác áo sọc dọc vậy!

Ngô Nguyệt Hữu
.
.