Những dòng thư của người cháu xa quê

Thứ Năm, 15/06/2006, 10:00
Những ngày đầu qua Mỹ, như trong thư cháu viết, trước cuộc sống đầy mới lạ, chính những điều quý báu cháu học được khi còn ở quê nhà đã giúp cho cháu và các em cháu tìm thấy một chỗ đứng trong xã hội mới, không sợ khó, sợ khổ, quyết chí vươn lên để sớm hòa nhập vào xã hội mới.

Sau Tết âm lịch Bính Tuất 2006, tôi nhận được thư của người cháu họ từ Mỹ gửi về. Tôi thật sự bất ngờ vì không bao giờ nghĩ lại nhận được thư của cháu - một người cháu gái họ đã cùng gia đình rời Việt Nam sang Mỹ từ hơn 15 năm trước.

Năm 1975, ngay sau ngày giải phóng miền Nam, tôi vào Sài Gòn công tác ít ngày. Lúc đó tôi là phóng viên mặt trận của Quân giải phóng miền Nam Việt Nam đóng tại Đà Nẵng, vì thế thời gian tôi ở Sài Gòn rất ít. Ngoài công việc của một nhà báo, tôi tìm đến thăm gia đình ông chú ruột, đi Nam từ trước ngày tôi sinh đến gần chục năm. Khi tôi đến nhà, chú tôi và đứa em họ đã đi tập trung cải tạo, chỉ còn bà thím cùng đứa con dâu và bốn đứa cháu nội ở nhà. Thím tôi ngỡ ngàng vì ngay sau ngày giải phóng có đứa cháu họ chưa hề biết mặt, lại là "Quân giải phóng" tìm đến thăm. Lúc đó bốn đứa cháu họ tôi còn rất nhỏ, đều là cháu gái, đứa lớn khoảng 11, 12 tuổi, chưa biết gì nhiều về Việt cộng, về Quân giải phóng.

Sau lần đến thăm đầu tiên ấy, tôi còn trở lại Sài Gòn một hai lần, nhưng lần nào cũng chỉ đến thăm gia đình thím tôi trong chốc lát. Sau mấy năm học ở nước ngoài, năm 1990 tôi mới về nước thì được tin thím tôi báo cho biết, sau khi chú tôi mất, thím tôi cùng vợ chồng người con trai và các cháu nhỏ sẽ sang định cư tại Mỹ. Tôi không có điều kiện vào thăm gia đình thím trước khi thím đi.

Ở Mỹ, mấy lần thím tôi gửi thư về thăm gia đình chúng tôi, song chưa một lần trở lại Việt Nam. Năm 2005, tôi có dịp sang Mỹ nhưng vì thím tôi ở xa nơi tôi đến công tác hàng mấy ngàn cây số nên tôi không gặp được. Tôi viết một bức thư cho thím và mong một ngày nào đó thím và các em, các cháu trở về thăm quê. Tết vừa rồi, tôi nhận được điện thoại của thím tôi chúc Tết. Thím tôi cho biết năm nay thím đã 90 tuổi, sức khỏe ngày càng giảm sút, không chắc còn đủ sức để trở về Việt Nam. Thím tôi nói, thế nào cũng có ngày mấy đứa cháu nội của thím sẽ về thăm quê…

Thế rồi hôm nay tôi nhận được thư của cháu Mỹ Uyên, con gái đầu của em họ tôi. Lá thư khá dài, chữ viết rất đẹp, gần kín sáu trang giấy. Điều khá đặc biệt là lá thư của cháu viết trong khoảng thời gian tới… sáu tháng rồi mới được gửi đi! Lần đầu tiên cháu viết vào ngày 28/8/2005, lần sau viết tiếp vào ngày 15/9/2005 và lần cuối cùng vào ngày 2/2/2006. Có lẽ cháu còn băn khoăn điều gì đây nên phải đến sáu tháng mới viết xong một bức thư và mới gửi cho tôi? Đọc những dòng thư của cháu, tôi xúc động, hiểu được phần nào suy nghĩ của cháu và hiểu thêm về cuộc sống của cộng đồng người Việt đang sinh sống tại Mỹ.

Cháu cho biết, gia đình cháu ở xa nơi ở của bố mẹ và bà nội cháu gần hai ngàn cây số. Bà cháu đã chuyển lá thư tôi viết cho bà nội cháu từ lần tôi sang công tác tại Mỹ năm vừa rồi cho vợ chồng cháu đọc. Có lẽ vì thế, cháu đã viết thư cho tôi. "Cháu đã rời Việt Nam được hơn 15 năm. Trong suốt 15 năm ấy, đây là lần đầu tiên cháu viết thư về kính thăm hai bác và gia đình…".

Năm nay cháu tôi đã ngoài 40 tuổi, có hai con và sắp sinh thêm con thứ ba. Trong thư, cháu kể lại những kỷ niệm ngày cháu còn nhỏ ở Việt Nam, những ấn tượng tốt đẹp đối với các bác bên nội từ Hà Nội vào Sài Gòn công tác đến thăm bà nội, bố mẹ cháu và các cháu. Cháu nhớ từ ván cờ anh trai đầu của tôi chơi với bà cháu, nhớ cành hoa mai anh trai thứ hai của tôi mang đến gia đình các cháu ngày Tết, nhớ từng bài học toán mà anh rể tôi dạy các cháu mỗi khi ghé thăm nhà… Những năm tháng sau ngày giải phóng ấy còn biết bao khó khăn, nhưng nhớ lại, cháu đã viết: "Những năm sau này, khi cháu học trung học và đại học, bài hát mà cháu yêu nhất có câu: Cuộc sống hôm nay tuy vất vả, nhưng cuộc đời ơi ta mến thương".       

Những ngày đầu qua Mỹ, như trong thư cháu viết, trước cuộc sống đầy mới lạ, chính những điều quý báu cháu học được khi còn ở quê nhà đã giúp cho cháu và các em cháu tìm thấy một chỗ đứng trong xã hội mới, không sợ khó, sợ khổ, quyết chí vươn lên để sớm hòa nhập vào xã hội mới. Các cháu đã làm đủ mọi nghề để có tiền phụ giúp bà và bố mẹ lo cho cả mấy chị em tiếp tục ăn học. Từ bồi bàn đến giữ trẻ, từ phụ bếp đến bán hàng ở chợ, cháu và các em cháu đều đã trải qua. Bây giờ cả bốn chị em cháu đều tốt nghiệp đại học, đều thành đạt và có gia đình hạnh phúc.

Mỹ Uyên nay là dược sĩ cao cấp làm việc trong một bệnh viện ở San Jose, chồng cháu là một luật sư người Việt khá có tiếng ở Mỹ. Cháu thứ hai hiện làm kế toán cho một công ty đa quốc gia, chồng cháu là kỹ sư điện và cơ khí làm việc cho một viện nghiên cứu ở Texas. Cháu thứ ba là chuyên viên y tế về vật lý trị liệu, làm việc trong một bệnh viện ở thành phố Houston, chồng cháu là một giáo viên người Mỹ. Cháu thứ tư là kỹ sư điện tử, làm việc tại thành phố Austin, chồng cháu đang chuẩn bị bảo vệ luận án tiến sĩ về người máy.

Tuy gia đình các cháu ở xa, nhưng hàng năm vào dịp Tết Nguyên đán, tất cả vợ chồng, con cái đều về quây quần bên bố mẹ và bà nội các cháu. Dịp Tết vừa qua, đại gia đình các cháu đã tổ chức lễ mừng thượng thọ cho bà nội 90 tuổi, người mà trong lá thư đầu tiên viết cho tôi cháu Mỹ Uyên đã viết: "Chúng cháu có được nên người như hôm nay cũng là nhờ bao công lao chăm lo, dạy dỗ của Bà…". Còn ông nội của các cháu, sau khi mất, gia đình chúng tôi đã đưa hài cốt về quê.

Khi còn ở Việt Nam, bố mẹ các cháu chưa một lần ra Hà Nội và về thăm quê, nơi có phần mộ của cha mình. Thế nhưng trong bức thư đầu tiên gửi cho tôi, cháu Mỹ Uyên đã viết ra điều mà tôi rất cảm động và mong đợi: "Cháu chỉ biết tự hứa trong lòng là nhất định cháu sẽ về Việt Nam. Cháu phải về để thăm mộ ông nội cháu và tổ tiên…".

Nhờ có địa chỉ thư điện tử (e-mail) cháu Mỹ Uyên gửi cho tôi, sau khi nhận được thư của cháu, tôi viết thư cảm ơn những tình cảm tốt đẹp mà cháu đã dành cho tôi cùng mọi người ở quê nhà. Cháu viết thư nói rất xúc động và vui mừng vì những dòng thư đầu tiên cháu gửi về Việt Nam đã tới tay tôi. Từ đó, không mấy ngày hai bác cháu không trao đổi thư cho nhau. Cháu kể cho tôi biết về lễ mừng thượng thọ 90 tuổi bà nội các cháu, gửi qua e-mail bức ảnh chụp đại gia đình hôm mừng thọ. Hôm đó, cùng với bố mẹ, mỗi cháu đều viết một bức thư cho bà để bày tỏ tình cảm đối với bà nội mà các cháu hết mực yêu quý. Mỹ Uyên gửi cho tôi cả bức thư của đứa em gái kề cháu viết cho bà nội. Đọc những dòng thư của đứa cháu gái họ này, tôi thực sự xúc động.

Cháu tôi viết: "Chưa bao giờ tôi viết thư cho bà nội tôi vì cả 38 năm qua tôi đều sống chung một mái nhà với bà. Đó là một diễm phúc không phải ai cũng có được". Cháu kể lại những kỷ niệm với bà từ hồi thơ ấu, nhớ từ lời ru đến các câu chuyện cổ tích Tấm Cám, Ăn khế trả vàng, Trầu cau, Thạch Sanh - Lý Thông… mà bà kể. Nhưng những kỷ niệm sâu sắc nhất đối với cháu là thời gian sau năm 1975, khi ông nội và bố các cháu đi tập trung cải tạo, chỉ còn bà và mẹ các cháu bươn trải để nuôi bốn cháu ăn học. Biết bao gian nan, vất vả mà bà cháu đã trải qua theo từng lời kể của cháu, song tuyệt nhiên tôi không đọc thấy một dòng nào cháu oán thán, trách móc thời cuộc và mọi người, chỉ thấy một tấm lòng yêu quý và kính trọng bà: "Từ mâm cơm gia đình mà hàng ngày bà chăm chút cho chúng tôi trong thời buổi cả nước ăn độn đầy khó khăn, chúng tôi đã học được bao bài học ở bà, bài học về nền nếp, gia phong, về lòng thương người, lòng bao dung hay giúp đỡ người khác của bà. Làm sao tôi quên được bà đã chắt chiu, nhặt nhạnh từng mẩu vải vụn để chắp nối và may cho chúng tôi những bộ quần áo lành lặn, đẹp nhất, có đính cả đăngten, nút và hoa nữa…".--PageBreak--

Cháu còn kể nhiều, nhiều lắm tình nghĩa của bà nội đối với anh em, họ hàng, bạn hữu và mọi người, "như một bát nước đầy, không bao giờ vơi, cho đến ngày hôm nay cũng vậy". Chính vì thế mà ở Mỹ, các cháu vẫn giữ được nền nếp, gia phong của người Việt. Cháu viết: "Có bà sống với chúng tôi, căn nhà tôi trở nên một mái nhà có Tứ Đại Đồng Đường, điều còn hiếm ngay ở Việt Nam chứ nói gì tới xứ Mỹ này!…". Còn cháu Mỹ Uyên thì viết cho tôi: "Thật lòng cháu cảm ơn cuộc đời này. Cháu mang ơn người dân Việt, đất Việt đã cưu mang cháu trong suốt thuở thiếu thời".

Tháng 3/2006, Robert Whitehurst, một cựu binh Mỹ trong chiến tranh Việt Nam, anh trai của Fred Whitehurst, người đã giữ gìn suốt 35 năm rồi tìm mọi cách trao trả lại cho gia đình cuốn nhật ký quý báu của bác sỹ Đặng Thùy Trâm, lại sang Việt Nam. Trở lại Việt Nam lần này, Robert dành thời gian đến thăm các địa điểm mà chị Thùy Trâm đã viết trong nhật ký, tiếp tục hoàn tất các công việc còn lại liên quan đến cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm mà trong lần sang Việt Nam tháng 8/2005 chưa làm được.

Do chỗ quen biết từ lần trước, tôi nhờ Robert chuyển giúp hộ mấy quyển sách, trong đó có tập thơ tôi mới xuất bản và quyển Nhật ký Đặng Thùy Trâm cho cháu Mỹ Uyên. Tôi viết một bức thư tay gửi kèm mấy cuốn sách, trong đó không giấu suy nghĩ của mình là đã có lúc băn khoăn không biết có nên gửi cho cháu mấy quyển sách này không, bởi không khéo cháu lại hiểu tôi định làm công tác tuyên truyền gì đây đối với cháu. Nhưng rồi tôi vẫn gửi, vì ít nhất cũng để cháu tôi được biết, được nhìn thấy một cuốn sách bán chạy nhất, với số lượng xuất bản kỷ lục ở Việt Nam trong năm qua.

Gửi sách đi được gần nửa tháng, tôi nhận được thư của cháu. Tôi rất mừng khi cháu "cảm ơn bác rất nhiều", vì đã gửi cho cháu những cuốn sách mà cháu nói là rất quý. Cháu viết: "Cầm những cuốn sách bác gửi trên tay, lòng cháu không khỏi bồi hồi… Lâu lắm rồi cháu không cầm trên tay mình một cuốn sách Việt Nam. Cuộc sống đã cuốn trôi cháu vào cái dòng vô tận của nó, của ngày hai bữa, công việc ở bệnh viện, bài vở của hai cháu nhỏ và của những bận bịu không tên. Nếu có chút thời gian cho mình, cháu thường đọc sách để dạy dỗ trẻ con, vậy thôi. Bởi vậy, những dòng thư chân tình và những bài thơ chất chứa bao điều của bác đã đánh thức trong cháu những ký ức sâu đậm ngủ vùi trong cháu từ bao lâu rồi…".

Mới đây nhất, Mỹ Uyên gửi thư cho tôi: "Bác biết không, tối qua trong lúc ngồi chờ hai đứa con nhỏ của cháu học bài, cháu giở ra và bắt đầu đọc quyển Nhật ký Đặng Thùy Trâm. Và thế là cháu không ngừng được nữa. Đợi các con cháu đi ngủ, cháu đọc tiếp mải mê những dòng nhật ký đầy yêu thương, đẫm máu và nước mắt của người con gái trẻ ấy. Mười mấy năm nay cháu không hề đọc trọn vẹn một quyển sách Việt Nam nào. Bận rộn chỉ là cái cớ, chủ yếu là cháu muốn để cho những kỷ niệm ngày nào lắng đọng trong lòng mình…"

Cháu viết cho tôi là đọc Nhật ký Đặng Thùy Trâm cháu hiểu vì sao quyển sách này lại được in ra hàng trăm ngàn bản: "Bởi vì đúng là quyển sách ấy có lửa. Lửa của một con tim mãnh liệt với yêu thương, lửa căm hận giặc thù, lửa khát khao vươn lên bất chấp mọi hoàn cảnh. Thùy Trâm đã yêu cuộc sống này với một tình yêu cháy bỏng đến lạ kỳ. Cháu bàng hoàng trước mất mát vô bờ của đất nước mình. Đã bao người ngã xuống, can đảm đến lạ thường. Những trở trăn rất thật và rất đỗi bình thường của Thùy Trâm thật gần gũi với cháu".

Cháu viết rằng, từ cuộc chiến hôm qua, mỗi con người và đất nước Việt Nam đã học được những bài học vô giá về lòng yêu nước, thương nòi, về lòng dũng cảm và sự hy sinh quên mình cho chính nghĩa. Cháu tự nhủ, điều khó nhất là đừng để thời gian cướp mất đi những bài học vô giá đó. Làm sao để những người trẻ làm kinh tế thị trường hiện nay vẫn biết sống đầy hoài bão và quên mình? Cháu viết: "Quyển sách này có thể là lời nhắc nhở cho những thế hệ lớn lên mà chưa hề phải trải qua những năm tháng đẫm máu và nước mắt của dân tộc mình".

Cháu báo tin cho tôi, đã gửi thư cảm ơn ông Robert Whitehurst đã mang giúp mấy quyển sách tôi gửi tặng cháu. Cháu nói với ông ấy rằng đã bao nhiêu năm nay không liên lạc với chúng tôi, nay những quyển sách mà cháu nhận được "là chiếc cầu nối tình cảm" giữa cháu với những người thân ở Việt Nam.

Tôi thực sự cảm động và càng thêm yêu quý cháu tôi khi đọc những dòng suy nghĩ chân thành trên đây, nhất là những suy nghĩ ấy lại là của con một sĩ quan cấp tá trong quân đội Sài Gòn, cháu nội của một ông Bộ trưởng trong chính quyền Sài Gòn trước đây

Trang Đăng
.
.