Những đốm xanh hung hãn

Thứ Ba, 30/07/2019, 15:15
Khi ai đó truy cập vào mạng xã hội, phần messenger (tin nhắn) của họ sẽ hiện một chấm xanh tròn nhỏ. Đó như là một thông báo cho những bạn bè của họ trên mạng xã hội biết rằng, họ đang hiện hữu, đang góp mặt trên chốn hay được gọi là thế giới phẳng này.

Nhưng rồi càng ngày những đốm xanh ấy lại biến thành những đốm lửa hung tợn, sẵn sàng nhào vào xâu xé, tấn công, miệt thị, chửi rủa... bất kỳ ai có ý kiến hay quan điểm trái chiều, có hành động không phù hợp hay đơn giản hơn chỉ là... suy đoán rồi ghét, ghét thì phải vùi dập.

Nếu như trước kia có hội chứng ghét quan chức trên mạng xã hội, thì hiện tại có thể nói đã phát triển thành hội chứng ghét hết, hoặc ghét tất.

1. Cô diễn viên Phạm Quỳnh Nga - người đóng vai Nhã trong bộ phim truyền hình dài tập rất được ưa chuộng phát sóng trên Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) có tựa đề "Về nhà đi con", đã phải viết trên trang facebook cá nhân rất thống thiết, "Các bạn có thể chửi Nhã, chửi mình, nhưng đừng lôi cả gia đình bố mẹ mình vào để chửi, để châm chọc. Thử đặt trường hợp là bản thân ngày ngày nhận được inbox những lời như vậy đến gia đình mình, các bạn sẽ như nào".

Nhã là nhân vật phản diện trong phim, thuật ngữ đương đại gọi là "con giáp thứ mười ba", thuật ngữ dân chơi gọi đơn giản hơn "bạn gái của người có vợ". Nhã xinh đẹp, học thức đủ cả, có luôn sự quái quái của một người phụ nữ đang muốn chiếm đoạt tình yêu của người khác. Vậy là, nhân vật Nhã ăn chửi đủ đằng.

Không ngày nào trên facebook, tôi lại không đọc được một status của ai đó chửi Nhã. Có thể là một công chức, có thể là một chị gái, có thể là một nhà báo hay đơn giản hơn chỉ là một người chơi facebook ghét nhân vật này quá nên chửi. Hẳn nhiên, đó là thành công của người theo nghiệp diễn.

Nhưng thành công đến mức bị chửi từ ngày này qua ngày kia, chửi từ nhân vật mình đóng cho đến chửi con người ngoài đời thực, rồi chửi luôn cả đấng sinh thành thì sự thành công phút chốc biến thành bi kịch, niềm vui sướng hạnh phúc ban đầu biến thành sự phiền toái ấm ức mà không biết trút vào đâu.

Tôi chơi với vài nghệ sĩ thành danh, cảm giác mà cô diễn viên Phạm Quỳnh Nga trải qua là cảm giác các nghệ sĩ ấy đã trải qua. Có điều, phản ứng của khán giả ngày xưa đơn giản hơn, chân phương hơn, không có sự hằn học hệt như dành cho kẻ thù như vậy. Có lần trong chuyến lưu diễn tại miền Tây, một nghệ sĩ cải lương nghe tiếng la lớn, "Tụi bây xê ra để tao coi mặt con nhỏ đó nó ra sao mà nó đóng toàn vai ác nhơn thất đức không vậy". 

Đến khi gặp mặt được nghệ sĩ, lại cầm tay má má con con, "Con ngoài đời đẹp vậy đừng đóng vai ác nữa nghe con, báo hại má chửi con bao nhiêu tháng nay. Má biết đó là vai diễn mà sao nhiều khi tức quá". Tâm sự xong là tất tả về nhà mang cho nghệ sĩ đủ thứ thức quả trong vườn, chia tay còn bịn rịn lau cả nước mắt.

Diễn viên Phạm Quỳnh Nga - vai Nhã trong “Về nhà đi con” bị khán giả miệt thị không ngừng nghỉ trong suốt những ngày qua.

Ngay như đứa con cưng của Việt Nam, cái mỏ tài nguyên cảm xúc không bao giờ cạn kiệt là đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam cũng chịu chung số phận. Mỗi lần đội bóng của quốc gia khác khi thi đấu cùng đội tuyển Việt Nam, có tuyển thủ nào có tình huống chơi xấu cầu thủ Việt Nam thì ngay lập tức trang  mạng xã hội của cầu thủ ấy ngập tràn lời lẽ dung tục được viết bằng tiếng Việt. 

Còn vị trọng tài nào bắt trận đấu ấy có biểu hiện thiên vị thì đừng nói chỉ chửi bằng lời, cổ động viên Việt Nam còn chế hình rồi sử dụng những cụm từ mắng chửi đến cả tứ thân phụ mẫu của vị trọng tài bắt trận đấu ấy.

Trên thực tế, đã có nhiều trọng tài hay cầu thủ của đội bạn đã phải đóng tài khoản cá nhân trên mạng xã hội trước sự tấn công như vũ bão của cổ động viên Việt Nam. 

Không dừng lại ở đó, ngay cả tuyển thủ Việt Nam chơi một trận dưới sức mình thì ngay lập tức con cưng biến thành con ghét ngay tắp tự. Sự kỳ vọng đôi khi là thái quá đến vô lý, cả lúc thua trận trước một đội bóng mạnh hơn (như đội tuyển Olympic Hàn Quốc chẳng hạn), cầu thủ của đội tuyển Việt Nam vẫn bị cổ động viên cho ăn chửi còn hơn hát hay. 

Mà có người chửi cầu thủ thì có người bênh cầu thủ, vậy là lại chia thành ba chiến tuyến. Có người vừa chửi cầu thủ vừa chửi luôn người bênh cầu thủ, người bênh cầu thủ thì vừa chửi lại người chửi cầu thủ chửi luôn cả người ủng hộ những người chửi cầu thủ.

Mạng xã hội có những thời điểm tràn ngập màu sắc của một cuộc lên đồng chửi bới tập thể, tôi tạm khóa trang mạng của mình nhiều lần cũng vì lý do này. Bởi tìm mãi không có câu trả lời vì sao mọi người lại nhiều năng lượng tiêu cực đến vậy, mà không tìm được câu trả lời thì tốt nhất học theo cố nhà văn Trang Thế Hy là "Đi chỗ khác chơi" vậy.

2. Biển Đông lại sôi sục khi mà nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc đã có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía nam Biển Đông trong những ngày qua. 

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã phản ứng rất mạnh mẽ trước hành động bất hợp pháp, phá vỡ những nguyên tắc ngoại giao tôn trọng và cùng nhau hợp tác phát triển của Trung Quốc, "Đây là vùng biển hoàn toàn của Việt Nam, được xác định theo đúng các quy định của Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên", bà Lê Thị Thu Hằng tuyên bố.

Người phát ngôn cho biết Việt Nam đã tiếp xúc nhiều lần với phía Trung Quốc ở các kênh khác nhau, trao công hàm phản đối, kiên quyết yêu cầu chấm dứt ngay các hành vi vi phạm, rút toàn bộ tàu ra khỏi vùng biển Việt Nam; tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam vì quan hệ hai nước và ổn định, hòa bình ở khu vực.

Trước khi có phản ứng chính thức từ Nhà nước, trên mạng xã hội đã loạn tin về tình hình nhóm tàu khảo sát của Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa ở khu vực phía nam Biển Đông của nước ta. Một vài nhà báo có uy tín và lượng người theo dõi cao trên mạng xã hội có những status bàn về việc này.

Có nhà báo phản ứng mạnh mẽ, có nhà báo phản ứng thận trọng, có nhà báo đưa ra quan điểm cá nhân rằng lực lượng cảnh sát biển của nước mình luôn giám sát chặt chẽ và sẽ có hành động phù hợp nếu nhóm tàu này có ý định thăm dò.

Vậy là, ngoại trừ những nhà báo phản ứng gay gắt, còn  những nhà báo cẩn trọng hay không sốt ruột như đám đông mong đợi thì ngay lập tức trang facebook cá nhân của nhà báo đó có đầy đủ những cụm từ hết sức cay nghiệt như, bút nô, bút máu, Việt gian,... 

Không chỉ dừng lại ở comment (bình luận) chửi bới trên trang cá nhân hay viết status chửi lại, những người tấn công còn nhắn tin, gọi điện thoại, chế hình ảnh để bôi nhọ, sỉ nhục... Một không khí mà tôi không biết phải diễn ra làm sao.

Với những gì mà tôi biết, không phải ai phản ứng gay gắt trước một sự kiện cần được thận trọng về thông tin cũng phản ánh đúng cả. Không loại trừ còn có cả tin giả, tin được chế tạo nên từ một nửa sự thật để đáp ứng sự thỏa mãn nhất thời của đám đông. Họ có động cơ hay không tôi không biết, nhưng có những thông tin đại loại như "Đã có chiến sĩ của Việt Nam hy sinh" mà cũng có người tin và chia sẻ được thì tôi không tài nào hiểu được.

Đã từng đi Trường Sa dài ngày, đã từng chứng kiến và trò chuyện, đã từng nhìn thấy và lắng nghe, tôi hiểu được rằng một thông tin về Biển Đông là một thông tin cần được cân nhắc hết sức kỹ càng trước khi đưa ra. Vẫn biết người dân có quyền được biết nhưng trong bối cảnh nhạy cảm, trong hình huống nhạy cảm ở một khu vực nhạy cảm thì đôi lúc quyền được biết cần thêm một chút thời gian.

Có một điều chắc chắn là không nhà lãnh đạo nào ở thời điểm này lại chấp nhận đánh đổi một tấc đất, một tấc biển của tiền nhân để lại để đổi lấy bất cứ một điều gì, cương thổ là thiêng liêng, lãnh thổ của quốc gia là điều quan trọng nhất. 

Nhưng có những tình huống không phải đỏ mặt nóng máu là giải quyết được ngay tắp tự, như tôi có viết trên trang cá nhân, "Càng căng thẳng càng cần phải bình tĩnh". Ít nhất là không làm xáo trộn thêm trong công tác xử lý của những người nơi tuyến đầu.

3. Tôi vẫn biết bất cứ cái gì mới cũng cần có thời gian để tiếp nhận, sàng lọc... Kiểu như những nick ẩn danh hiện tại trên mạng xã hội đã bắt đầu không còn uy tín, những facebooker chuyên đưa tin sai sự thật đã không còn có được niềm tin của những người tham gia mạng xã hội nữa.

Tuy nhiên, để mỗi đốm xanh trên  mạng xã hội bớt hung hãn hơn có lẽ phụ thuộc phần lớn vào từng cá nhân đang sử dụng mạng xã hội, ngoài các chế tài theo luật định.

Lời nói cũng như chữ viết, đã thốt ra thì không thể nào quay trở lại được, đã viết ra cho dù có xóa đi thì vẫn lưu dấu. Bình tĩnh không có nghĩa là trốn tránh, bình tĩnh chỉ để suy xét mọi thứ thấu đáo hơn, đưa ra một bình luận, một nhận xét hợp lý hơn.

Những đứa trẻ đang lớn lên từng ngày và giữ gìn một nguồn năng lượng sạch cho những đứa trẻ tiếp nhận là việc cần phải làm của mỗi người lớn.

Nghĩ nhỏ nhoi vậy cho đời bớt xám xịt chăng?!

Ngô Kinh Luân
.
.