Những “chiến binh” đạp sóng trên Biển Hồ…
Chúng ta có nhiều Biển Hồ.
Tôi nhớ những ngày lang thang trên nóc nhà thế giới Tây Tạng. Đây là hồ nước ngọt cao nhất thế giới, kia là hồ nước mặn cao nhất thế giới. Lạ thật, giữa những đỉnh tuyết sơn vĩnh cửu đã triệu triệu năm, núi đóng băng rộng hàng triệu cây số vuông; từ mặt đất, con đèo cao nhất thế giới kéo mãi lên độ cao 8.848m của đỉnh Everet (cũng cao nhất thế giới) chỉ trắng nhức mắt toàn băng tuyết do nước ngọt đóng băng. Không có bất cứ dấu tích nào, “triệu chứng” nào của nước mặn cả.
Thế nhưng Nam-sto, hồ Thánh Thần và hồ Ma Quái thì lại là nước mặn. Có lẽ vì thấy nước mặn chát, thấy hồ lớn đến mức không có bờ bến giống như biển; lại thấy nước hồ xanh hơn mây trời, xanh hơn đại dương xa thẳm, nên từ thượng cổ, người Tây Tạng đã nghĩ cái hồ đó là biển. Và họ gọi cả cao nguyên khổng lồ đang nâng niu hồ thiêng là Cao nguyên Thanh Hải (biển xanh). Hồ Thanh Hải là điểm đến tuyệt mỹ mà tôi nghĩ nếu có dịp trải nghiệm thì chẳng ai đủ sức mạnh để… không đắm đuối.
Ở Việt Nam, rìa thành phố Pleiku mơ mộng nằm trên 15 miệng núi lửa đã tắt cũng có một thứ gọi là “Đôi mắt Pleiku, Biển Hồ đầy!”. Có lẽ bởi hồ khá rộng, lại sâu thẳm, từ ngày loài người biết đến, nó chưa bao giờ cạn nước, nên hồ nước ngọt tròn xoe ấy có chết danh là: Biển Hồ. Thật ra hồ là một vài miệng núi lửa âm, dung nham từng phun lên từ đó để kiến tạo nên cao nguyên bazan trù phú và thương mến của Gia Lai. Mỗi miệng núi lửa (hồ) đều ăm ắp nước, tròn xoe. Người Liên Xô trước đây đã thán phục, kỳ công đo, nghiên cứu độ sâu của Biển Hồ bí ẩn trên đất Pleiku đó.
Những Biển Hồ tròn như những miệng bát đựng gần đầy nước, xếp gần khít vào nhau, nước từ bát nọ liên thông sang bát kia. Vừa là nguồn nước ăn của thành phố cao nguyên, lại vừa là địa điểm có chút tâm linh tín ngưỡng, nên Biển Hồ được giữ trong veo, được khai thác du lịch nhưng cấm tiệt chuyện nhảy xuống tắm.
Tôi đã gọi Biển Hồ của Gia Lai là vị sứ giả trầm ngâm đến từ nhiều triệu năm kiến tạo vỏ Trái đất. Tôi cũng gọi những đấng hồ thiêng mà thế giới luôn khuyên mọi người nên đến đó một lần trước khi chết (before the die) ở Tây Tạng là: hồ xanh thiên đường. Nhưng khi gặp một cái gọi là Biển Hồ (Tonle Sap) nữa ở Xiêm Riệp, trên đất bạn Campuchia thì tôi lại buốt lòng. Đây là hồ vĩ đại nhất của dòng sông bí ẩn và vĩ đại bậc nhất thế giới. Dòng sông khởi nguồn từ Tây Tạng, qua 6 quốc gia rồi đổ vào 9 cửa sông của đồng bằng châu thổ phía Nam nước Việt. Sông Mê Kông. Biển Hồ Tonle Sap nhận nhiệm vụ kỳ vĩ là điều tiết toàn bộ mực nước khổng lồ của Mê Kông (hạ lưu chính là sông Tiền, sông Hậu của Việt Nam!).
Những đứa trẻ người Việt tung mình, đạp sóng, biểu diễn với trăn dữ; bán hàng, xin tiền du khách trên Biển Hồ (Xiêm Riệp Campuchia). |
Cũng vẫn mô-típ cũ: hồ rộng như biển, nhìn mãi, đi mãi chẳng thấy bờ, nên người Campuchia và người Việt đều gọi đó là Biển Hồ, (tiếng Campuchia là Tonle Sap). Tonle Sap trùm lên 7 tỉnh và thành phố của nước bạn, vào mùa mưa rộng tới mười sáu nghìn cây số vuông (16.000km2), sâu khoảng 9m. Hồ cung cấp 70% lượng cá nước ngọt và 60% lượng chất đạm cho toàn bộ đất nước Chùa Tháp. Là hồ nước ngọt lớn nhất Đông Nam Á, là khu dự trữ sinh quyển có tầm quan trọng toàn cầu. Nhìn từ trên máy bay, ở góc xiên, hồ hơi giống một con ốc sên đang bò trên… vỏ Trái đất.
Tôi đã đến và đã ám ảnh đến ứa nước mắt bởi những người đồng hương Việt Nam ăn xin trên mênh mông Biển Hồ.
Anh bạn người Campuchia lái xe đúng 30 phút từ kỳ quan thế giới Angkor Wat, Angkor Thom (người Việt xưa gọi là đền Đế Thiên Đế Thích) của thành phố Xiêm Riệp, vẫn dở dang vài lời thăm hỏi gặp cố nhân; thì Biển Hồ đã hiện ra, nước đục ngầu, nắng nỏ chan chan, bèo rác trôi dạt eo xèo, nhà nổi lụp xụp, bến bán vé tàu du lịch xô bồ. Cũng là Biển Hồ, cũng từng bị người xưa nhầm là biển xanh, nhưng khác với các hồ xanh thiên đường ở Tây Tạng hay Pleiku - nơi này, Tonle Sap chỉ khiến người ta rợn ngợp bởi duy nhất sự rộng kinh hoàng của nó: mười sáu nghìn kilomet vuông.
Chưa kịp nghĩ ngợi so sánh gì, tôi đã thảng thốt khi nhìn lại phía sau con tàu cũ kỹ đang gào rú của mình. Trời ạ, có tới gần chục cái thuyền máy rẽ sóng trắng xóa, bụi nước bay mờ mịt đang ầm ầm… đuổi theo. Giống hệt trong phim hành động Mỹ. Các thuyền nổ máy đinh tai nhức óc, cứ như bọn đầu xanh đầu đỏ đua xe ở Hà Nội nó đang đồng loạt nẹt bô… Chúng tiến đến gần hơn, rõ dần, các bóng đen ngược sáng trên mỗi con tàu đều là trẻ em.
Quái dị hơn là mỗi cháu khoác một con trăn rất lớn trên cổ, có con bằng bắp chân, có con to tày bắp đùi của các cháu, chúng còng lưng, mặc nước té ướt hết. Mặc cuộc đua tốc độ làm sóng Biển Hồ nghiêng ngả, bọn trẻ so vai cố sức cầm cái đầu con trăn lớn ngóc đầu ngoe nguẩy mà dứ dứ ra phía du khách. Vài vị khách yếu bóng vía ré lên… Bạn tôi ghé tai: trăn là con vật thiêng của nhiều cộng đồng người Campuchia.
Những con trăn kia là trăn Biển Hồ, một loài vật quý, thiêng, và cũng là niềm tự hào về đa dạng sinh học của khu dự trữ sinh quyển thế giới đã được UNESCO tôn vinh này. Báo chí đưa tin, người Campuchia ven hồ từng tổ chức lễ cưới cho các nàng và chàng trăn Tonle Sap, mỗi vị hôn phu dài tới gần 5m, hiền khô.
Đám trẻ đã đến gần lắm. Vèo, phịch. Một bé gái bay từ tàu của gia đình, ập vào khoang tàu của chúng tôi như võ sỹ khinh công. Bố nó lượn điệu nghệ đến mức, con tàu nhỏ cứ như con lươn con chạch dần tăng ga, áp sát tàu khách. Bé gái ướt lút thút, nó hào hển mời mọi người mua bia, rượu, nước ngọt, thuốc lá rồi… xin tiền. Hai phút sau, chưa ai kịp hoàn hồn, con tàu bán hàng lại vè vè áp sát.
Thoắt cái, em bé bay vèo xuống tàu của gia đình mình. Nó buông khay hàng rong, chui tọt xuống khỏi mặt sàn tàu bằng gỗ, khệ nệ vừa bế vừa kéo ra một con trăn lớn, treo trăn vào cổ, nó dấm dứ nhử du khách hiếu kỳ. Bán hàng hoặc không bán được hàng xong, các cháu ôm những con trăn lớn, đạp xong băng từ tàu du lịch lên thuyền của bố mẹ mình và biến mất trong màn bụi nước trắng toát. Tất cả các cháu, bố mẹ các cháu đều là người Việt, thế mới oái oăm. Nhóm du khách Việt dốc hầu bao cho tiền, bởi niềm cảm khái rưng rưng. Tôi thấy tê tái!
Nhưng không ngờ họ kéo đến đông đúc như vậy. Có người bế, dắt, đặt trên võng căng giữa hai mạn thuyền… tổng số 5 đứa con lít nhít. Gia tài của họ là cái thuyền gỗ và mái chèo kẽo kẹt. Họ van xin, chắp tay và quỳ gối lạy để xin. Nhúng đứa con trần truồng bầy bấy xuống nước, phụt bình sữa cáu bẩn của đứa con ẵm ngửa ra, có khi dựa cột quán xá, trật vú ra, có khi chửi bới rên la, có khi để cho con nhặt các cọng lục bình xanh ngắt nhai rau ráu… Họ làm tất cả để xin ăn, xin tiền.
Đã thành một phần khó có thể thiếu của tất cả các du khách vào khu vực Biển Hồ này, ấy là “làm từ thiện” cho cư dân. Rất nhiều trong số họ là người Việt Nam “lưu lạc” sang Biển Hồ từ khá lâu. Ở đây có trường học của người Việt Nam, có khu để du khách mở hầu bao tặng mỳ tôm hay tiền Ria (của Campuchia), tiền Việt, và đô la...
Đau xót lắm, nhưng mà cũng giận lắm! Dường như ai đó đã làm hư những người nghèo ở đây. Họ bò lổm ngổm trên sàn nhà mà xin. Họ khóc gào thống thiết để xin. Họ chèo thuyền ùn ùn kéo đến, quây kín bốn góc nhà nổi, từ dưới các khoang thuyền mục nát, họ bám tay giơ nón lá vào các mép gỗ của quán xá mà nì nèo.
Tôi nhìn xuống, cơ man nào là bà con ngửa nón rên la bên dưới, thấy lòng đắng ngắt, sững sờ và xấu hổ. Trẻ con xông lên, có cháu giơ con ếch buộc vào cần câu đung đưa làm vui cho du khách. Mỗi đứa khoác một con trăn, con vật hiền lành kỳ quái cứ nằm ngơ ngác mệt mỏi trên cổ trên vai các cháu, mặc cho ông bà chủ tí hon diễn trò. Tôi đã chứng kiến những thằng bé ở trần, chèo một cái chậu nhôm lui cui trên Biển Hồ, áp sát các quán ăn, xin tiền. Ai không “phát chẩn” hoặc phát hơi ít thì nó sẵn sàng chửi tục tĩu bằng tiếng Việt. Tôi cũng chứng kiến có người đàn bà kẽo kẹt chèo con thuyền rách nát rời xa quán ăn đó. Chị không xin xỏ được gì, hình như cũng xấu hổ lắm trước sự vây bủa của “đồng nghiệp”, chị bỏ đi. Khoang nón cúi gằm, bóng thuyền dần xa.
Qua ống kính tê-lê, tôi thấy chị tựa lưng vào một đám cây lúp xúp ven Biển Hồ và khóc. Đứa con trần truồng đen đúa nằm trên cái võng vải bé xíu đu đưa giữa hai mạn con thuyền rách chật hẹp. Xem ảnh, thì thấy 10 đầu ngón tay của chị, móng nào cũng mòn vẹt và đen kịt, nát bươm. Đó là bộ móng tay bị thối toàn bộ do ngâm nước quanh năm. Và, khi rời Biển Hồ, tôi đã nghĩ, nếu cho một điều ước, thì tôi sẽ ước giá mà lúc ấy mình gọi chị ta lại để an ủi điều gì đó, nói điều gì đó hay cho mẹ con chị ta một cái gì đó. Bởi đôi mắt thăm thẳm buồn và chút lòng tự trọng khả kính trong việc chống thuyền ra khỏi đám đông đeo bám khách du lịch.
Nhưng Biển Hồ rộng tới mười sáu nghìn kilomet vuông, biết tìm đâu trên bịt bùng sông nước? Nghĩ vậy xong rồi tôi lại nghĩ quẩn đi quẩn lại. Rằng: Nếu không ăn xin, không đeo bám sầu khổ và lưu manh với du khách, thì với nhiều người trong số kia, bởi sự sống, sự gào réo của cái dạ dày, chắc gì đã tốt hơn. Có người bảo, cũng ăn xin, sao người Campuchia ăn xin ở ven Angkor Wat lịch sự thế. Họ viết tấm bảng bằng các thứ tiếng, trong đó có tiếng Việt: “Xin hãy giúp chúng tôi”, tôi tàn tật, tôi là “Những nạn nhân của bom mìn” mất chân mất tay. Chúng tôi biểu diễn các nhạc cụ truyền thống, tôi bán hàng lưu niệm, hãy giúp chúng tôi.
Nghe thì có lý, ăn xin cũng cần lịch sự và lịch sự mà vẫn ăn xin được như ở Angkor cách Biển Hồ 15km, như nhiều nơi trên thế giới… Nhưng cái không đúng nằm ở chỗ: Biển Hồ mênh mông, chứ không có cổng vào cổng ra, có gốc cây cổ thụ tỏa bóng ai cũng muốn dừng chân như ở Angkor, để rồi treo biển “Xin hãy giúp chúng tôi”. Nếu không có sự đeo bám chát đắng kia, thì làm gì có chuyện cả đời cả kiếp này tôi đã từng lang thang Biển Hồ rồi đem phát đến đồng tiền lẻ và hơi lẻ cuối cùng của mình cho những người đồng hương trên đất khách quê người kia?
Nghĩ đi rồi lại nghĩ lại. Trăn trở rồi trách móc. Có lúc thấy xấu hổ, tủi hờn. Có khi ứa nước mắt thương cảm. Mỗi lần xem lại những bức ảnh Tonle Sap, mỗi lần trên ước vọng lang thang khắp địa cầu mà chợt gặp một cái hồ rộng như biển đi mãi không đến bến bờ, tôi lại nhớ những “chiến binh” nhóm đồng hương hàng ngày đang đạp sóng trên Biển Hồ, lại thấy cay xè trong mắt. Thương rồi trách, càng trách lại càng đau thương. Biển Hồ, nước thì ngọt đấy, mà sao lòng chát đắng.