Nhớ những ngày làm báo Tết

Chủ Nhật, 10/01/2010, 14:56
Những năm ấy, Báo Văn nghệ được coi như tờ báo văn chương đầu bảng của cả nước. Ngoài ra, cũng còn có các tờ báo lớn khác như Nhân Dân, Cứu quốc, Tiền Phong, Phụ nữ, Thống Nhất…, nhưng chuyên về văn chương chỉ có Văn nghệ, Văn nghệ Quân đội và Tạp chí Tác phẩm mới…

Làm báo Tết phải lo trước hàng tháng. Tổng Biên tập giao cho các tổ phải chạy bài từ tháng mười một, tháng mười hai dương lịch… Báo cho Tết dương lịch đã có phải lúc nào cũng dư dả, lại phải lo bài vở cho Tết âm lịch.

Tổ nào lo chạy bài của tổ ấy, song những cộng tác viên đặc biệt thường phải có ưu đãi riêng. Có báo mời họp cộng tác viên trước Tết rất xa; có báo thì Ban Biên uỷ phải thân chinh đi mời hoặc gọi điện đến các nhà văn, nhà thơ có tên tuổi để "xí" phần bài trước.

Ban Văn thế nào cũng phải lo cho được những truyện ngắn của các nhà văn hàng đầu bây giờ như Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Tô Hoài, Nguyên Hồng, Vũ Tú Nam, Chu Văn v.v… Lại phải tìm đến Tiểu ban Văn học miền Nam để xin các truyện của các cây bút đang có mặt ở chiến trường miền Nam như Anh Đức, Nguyễn Sáng (Nguyễn Quang Sáng), Phan Tứ (Lê Khâm), Nguyễn Thi (Nguyễn Ngọc Tấn)…

Nguyễn Tuân, Thép Mới thường được các nhà báo rình rập săn tuỳ bút và bút ký nhiều nhất… Thời nhà thơ Hoàng Trung Thông làm Tổng biên tập Báo Văn nghệ, thường ông đích thân đặt bài cụ Tuân, lúc thì đến nhà, lúc gặp ở những quán bia hơi hay ở nhà cà phê Lâm, mà đặt bài cụ Tuân lo lắm. Có năm tôi trực báo Tết, phải gom bài vở cho Tổng biên tập và trực tiếp xuống nhà in sửa morát, có lúc báo đã sắp đặt trang (mise en page), mà vẫn chưa có bài của cụ. Còn nhớ, một năm cụ viết cho bài "Tờ hoa", Tổng Biên tập Hoàng Trung Thông đọc thấy vướng vài chỗ, yêu cầu cụ bớt cho một vài khúc... Cụ không bằng lòng, đôi bên thương lượng nhau đến ba bốn lần cũng không xong... Tổng biên tập họ Hoàng cố nằn nì, cụ bực mình bảo:

- Ông ưng thì ưng, không thì vứt... mẹ nó đi! Vứt làm sao nổi văn chương cụ Tuân khi bài đã định in ngay ở những trang đầu... Cuối cùng thì tình bạn, tình người làm báo cũng vượt qua được và cụ Tuân nhân nhượng, bấy giờ mới thấy nhà thơ họ Hoàng thở phào nhẹ nhõm...

Những nhà văn trẻ (nay cũng đã sáu, bảy mươi) như Ma Văn Kháng, Lê Lựu, Đỗ Chu, Triệu Bôn, Nguyễn Thị Ngọc Tú v.v... cũng dành những sáng tác hay cho báo Tết...

Về thơ thì thế nào cũng phải có thơ của Tố Hữu, Chế Lan Viên, Tế Hanh, Huy Cận, Anh Thơ, Xuân Diệu, Xuân Quỳnh...; miền Nam thì lo tìm thơ của Giang Nam, Thanh Hải, Viễn Phương, Thu Bồn, Liêu Nam v.v... Riêng Tố Hữu có khi gửi riêng cho Báo Văn nghệ, có khi phải đăng lại bài mà ông đã gửi cho Báo Nhân Dân. Thơ Tết, Tố Hữu bao giờ cũng có chữ ký của ông ở dưới... Trang Thiếu nhi phải lo có những sáng tác của Võ Quảng, Phạm Hổ, Tô Hoài, Nguyễn Kiên, Định Hải, Phan Thị Thanh Nhàn và những cây bút quen thuộc viết cho thiếu nhi khác.

Bởi là tờ báo văn học, nên có Tết các nhà lãnh đạo như Lê Đức Thọ, Sóng Hồng (Trường Chinh), Xuân Thủy cũng gửi thơ tới đăng...

Nhưng vui và có không khí Tết nhất hơn cả là những bài thơ của các nhà nghiên cứu, sưu tầm viết cho về các phong tục, về các con giáp, về lễ hội hoặc những bài viết ngắn về kỷ niệm những cái Tết ở chiến hào ở Trường Sơn, ở rừng U Minh v.v...

Về phong tục thì Đoàn Giỏi với Tết miền Nam, Thanh Tịnh với Tết ở Huế..., Chu Văn với thành Nam, thường có những bài viết đậm đà có duyên. Có năm Báo in những bức thư của Nguyễn Tuân gửi Anh Đức ở Cà Mau, nói về cái Tết miền Bắc và ít lâu sau lại có thư của Anh Đức từ Cà Mau gửi cho cụ Nguyễn...

Phần câu đối, thơ vui, thơ đả kích Mỹ - ngụy thời ấy do nhà thơ Nguyễn Đình phụ trách... Ông có cả một câu lạc bộ khá hùng hậu gồm các nhà thơ, nhà văn, nhà báo có tiếng như Tú Mỡ, Xích Điểu, Ngô Linh Ngọc, Thôi Sơn, Búa Tạ (Vĩnh Mai), Lã Vọng, Yên Thao, Bùi Huy Phồn v.v..., bài Tết nào cũng khá rôm rả...

Các họa sỹ của báo thì lo phần mỹ thuật, lo tranh ảnh; lo trang bìa Tết... Phần ấy do ông Lê Chính, Sỹ Ngọc lo... Thường thì đem tranh hoa, thiếu nữ của các họa sỹ có tiếng như Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Trần Văn Cẩn, Huỳnh Văn Gấm... đăng trong dịp Tết.

Tôi còn lưu giữ được một kỷ niệm, năm ấy, trực báo, tôi và anh Lê Chính đi đặt họa sĩ Bùi Xuân Phái vẽ bìa... Năm ấy, họa sĩ đang có loạt tranh về sân khấu chèo khá đẹp... Ông đưa cho một bức tranh cắt giấy, vẽ một diễn viên chèo đang soi gương... nhưng khi đem về Tổng Biên tập Bảo Định Giang bảo xin cho cái khác, hợp với không khí chiến đấu hơn. Bức "Diễn viên chèo" cắt giấy khá đơn sơ, khi trao lại, tôi có biếu cụ Phái chai rượu quê và ngỏ ý xin, cụ cho liền... Ngày ấy tôi phải nằm bàn ở cơ quan, chẳng có chỗ mà treo, mãi sau này được phân một nửa gian chung cư, mới có chỗ treo...

Câu đối Tết, dạo ấy, Báo Văn nghệ thế nào cũng có dăm ba câu. Xuân, Tết nhưng đang cuộc chiến đấu chống Mỹ quyết liệt, nên câu đối vẫn đầy khí thế. Cũng có nhiều câu hay của Xích Điểu, Đồ Phồn, Ngô Linh Ngọc, Đặc Công (Hoàng Trung Thông), nhưng tôi chỉ còn nhớ được câu này, không biết của ai:

Mang nghĩa lớn vào đời, cuộc chiến đấu
không lùi một bước
Lấy chí cao lâm trận, đường Trường Sơn
chẳng quản đôi chân...

Ngày ấy, thời bao cấp báo không phải lo đầu ra nhưng làm báo, nhất là báo Tết cũng khá vất vả...

Biên tập viên trực phải đi nhà in, trực tiếp sửa morát và ký bông... Báo Văn nghệ in ở nhà in Báo Nhân Dân ở phố Tràng Tiền (nay là Tổng Công ty Phát hành sách...); nhà in quy định ngày phải đưa báo, để sắp chữ rồi lên khuôn, rồi lên máy in. Biên tập viên có khi phải túc trực cả ca ba, khi nào xong tất cả mấy chục trang báo mới được về.

Những bài ngắn, họa sỹ lên trang hụt thì thay vi-gnét (vignette) vào còn dễ, nhưng những bài dài như truyện ngắn, tùy bút, tiểu luận, họa sĩ đặt cột thừa phải cắt, không may vớ phải các bài của các cụ Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng, Chế Lan Viên, Xuân Diệu mà cắt đi, thì xoay xở rất khổ... Cuối cùng, thời gian gắt gao, đêm khuya khoắt (mà lúc ấy cũng không sẵn điện thoại như bây giờ) nên cũng đành liều mạng, đặt bút cắt theo yêu cầu của thợ in, rồi sau này đến tạ tội, thậm chí chịu ăn mắng với các "lão gia" vậy...

Lâu lắm rồi, tôi sang nghề xuất bản, không làm báo nữa, nhưng nhớ đến những ngày còn ở Báo Văn nghệ, làm báo Tết vẫn không thể nào quên

Ngô Văn Phú
.
.