Nhớ người đẹp trong tượng cổ

Thứ Hai, 17/07/2017, 07:21
Đêm, chợ hoa Long Biên. Mưa Xuân, gió thổi dạt dào, đèn vàng buồn bã. Hoa cúc từng bó lớn sũng nước. Mấy chị hàng hoa áo mưa, nón lá, mắt nhìn thăm thẳm. 

Trong ánh chớp, mây đêm phảng phất màu khói hương. Thấp thoáng những đôi mắt như mắt Phật Bà. Lại nhớ ngày nào còn trẻ đi làm phim Bí ẩn những pho tượng cổ, cùng nhóm quay phim sống chung với tượng ở trong chùa. Giữa chợ hoa đêm, tưởng như gặp lại hồn người xưa, chợt nhớ bâng khuâng hình bóng người đẹp trong tượng cổ.

Tượng cổ phần lớn là những tượng Phật, nhưng trong số đó cũng có tượng mà nguyên mẫu là những nhân vật có thật trong lịch sử, trong đời thường. 

Thế kỷ 18, trong các đình chùa, có khoảng 3 triệu pho tượng, một mật độ điêu khắc lớn bậc nhất thế giới. Đến nay, không biết có khoảng bao nhiêu?

Bước qua ngưỡng cửa lối vào hậu cung Chùa Dâu (Thuận Thành, Bắc Ninh), mờ tối, lốm đốm lửa hương trên các bệ thờ. Tượng Bà Đỏ, hệt người thật, tóc chải mượt hai bên, mặt hiền, thoáng nét nhăn nơi trán, miệng còn như đang muốn nói điều gì. Tương truyền bà xuất thân là người đàn bà ở quê, khéo nuôi con, làm vú nuôi cho Chúa Trịnh khi Chúa còn bé; khi mất, bà được tạc tượng phong làm Á thần.

Đối diện với tượng Bà là tượng một Á thần nữa, tục gọi là Bà Trắng, không rõ huyền tích nhưng đẹp mê hồn, tấm thân để trần, một tay giơ cao trước mặt, một tay hạ thấp gần đùi, cặp môi mọng đầy truyền cảm. Người xưa đẹp mà gợi hồn đến như vậy, thật hiếm có!

Tượng Ngọc Nữ vấn khăn, bưng cơi trầu thoáng hình bóng những người đẹp đất Quan họ thời xưa hiện về, “Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng” (Về Kinh Bắc - Hoàng Cầm), xiêm áo dường như còn phảng phất mùi hương thầm lặng.

Hình tượng vũ nữ Aspara được chạm khắc trên bệ thờ bằng đá sa thạch ở Trà Kiệu.

Các bà hoàng thời xưa là những người đàn bà đẹp đoan trang, hiền thục, ít có người tinh quái, sắc sảo. Chùa Mật Sơn (Thanh Hóa) thờ Vua Lê Thần Tông và các bà hoàng vợ vua. Các bà đều hiền, vẻ mặt thật thà, kể cả bà hoàng người Hà Lan cũng không có vẻ gì là một “bà đầm” nước ngoài. 

Thế sự phong trần, xiêm y, áo mão cũng phai mờ những nét vàng son lộng lẫy. Các bà vẫn chung thủy ngồi cùng với tượng Đức Vua, trên bệ thờ cũ kỹ, mấy trăm năm nay. Vua Lê Thần Tông (1607 - 1662, tên húy là Lê Duy Kỳ) - vị vua có kỷ lục hiếm trong số 108 vị vua chúa Việt Nam: năm bà vợ thì bốn bà vợ là người ngoại quốc. 

Vua Lê Huyền Tông (1662 - 1671) vào cuối đời, năm Cảnh Trị thứ 9 (1671) đã cho xây dựng ở núi Mật Sơn ngôi chùa Đại Bi để thờ vua cha Lê Thần Tông, Hoàng hậu cùng phi tần của vua cha. Quần thể tượng này là những tác phẩm điêu khắc cổ quý giá, thể hiện nghệ thuật điêu khắc tượng chân dung của thế kỷ XVII. Chùa tọa lạc chân núi Kỳ Lân, thuộc phường Đông Vệ, thành phố Thanh Hóa. 

Theo sử gia Phan Huy Chú tả, thì vua Lê Thần Tông mũi cao, mắt rồng, dung mạo khác người, sáng suốt học rộng, thích văn thơ, cùng với nhà Chúa hòa vui êm ấm. Vua ung dung rũ áo chắp tay hưởng lộc lâu dài. Sau bà Phạm Thị Ngọc Hậu (mẹ Vua Huyền Tông), Vua Lê Thần Tông còn có 4 bà vợ nữa, người Trung Quốc, người Chiêm Thành, người Indonesia, người Hà Lan.

Bà phi người Hà Lan đi cùng thương đoàn Hà Lan sang Việt Nam vào năm 1630, được gặp vua Lê Thần Tông ở kinh thành Thăng Long. Nghe theo lời của bố là Phó Toàn quyền Hà Lan tại Đài Loan, bà nhận lời ở lại Việt Nam làm vương phi của vua Lê Thần Tông. Thời gian ở Thăng Long, bà buồn rầu vì lần đầu tiên sống ở kinh thành với hầu hết người không biết tiếng. Bà đã học tiếng để có thể giao tiếp với mọi người. Bà là người châu Âu đầu tiên lấy một vị vua An Nam.

Theo nhà nghiên cứu lịch sử Lê Xuân Kỳ - Phó chủ tịch Hội Sử học Thanh Hóa, thì vợ đầu tiên của vua Lê Thần Tông là bà Phạm Thị Ngọc Hậu (Đoan Thuần Hoàng Thái hậu), người làng Quả Nhuệ Thượng, xã Bộc Hoài, huyện Lôi Dương (nay là huyện Thọ Xuân). Bà sinh ra vua Huyền Tông (Lê Duy Vũ, con thứ 2 của vua Lê Thần Tông). Vua Thần Tông là con trưởng vua Kính Tông. Mẹ ông là Đoan Từ Hoàng Thái hậu Trịnh Thị Ngọc Trinh (con gái thứ hai của Bình An Vương Trịnh Tùng). Vua có 4 người con trai, 6 gái, 2 con nuôi. Bốn người con trai của Lê Thần Tông đều liên tiếp lên làm vua. Sáu người con gái đều được gả cho con cháu của Chúa Trịnh. Quan hệ giữa vua chúa ổn định đã góp phần làm cho thời kỳ này tương đối ổn định. Năm 1924, nhà nghiên cứu người Pháp tên là Cadière đã phát hiện mộ vua Lê Thần Tông ở làng Quần Đội, xã Thọ Diên, huyện Thọ Xuân - làng ở phía Bắc đường cái từ thành phố Thanh Hóa lên Bãi Thượng, vào cây số 43. Ở phía Bắc làng này và cách bờ ruộng chừng 200 thước là thửa đất vuông vức, mỗi chiều 200 thước, bên mấy cây cổ thụ to lớn, đó là vết tích cuối cùng của khu rừng thiêng cũ. Giữa gò, nổi lên chu vi một chiều 1,50m, một chiều 0,80m. Cách gò 10 thước, dựng bia đề lăng của Lê Thần Tông - Quần Ngọc lăng. Lăng sụp đổ hết không để lại vết tích gì. Bia với nét chạm trổ đơn giản như tất cả bia khắc trong thời đó (Minh Mạng).

Ảnh: Đình Nguyễn.

Các công chúa thời xưa ít để lại những chân dung trong tượng cổ. Chùa Lý Quốc Sư (50 phố Lý Quốc Sư, phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) có tượng hai công chúa thời Lý, dáng cao gầy, nom sùng tín, nghiêm nghị. Bức phù điêu trên bia đá ở chùa Thầy (chân núi Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Tây), chân dung Minh Châu công chúa phảng phất nét đẹp cung đình.

Tượng Bà Chúa Mụa bằng đá phù sơn trong một ngôi đền ở Hải Dương hiển nét đẹp kiêu sa hiển hách, khác với vẻ đẹp của pho tượng cung phi ở Chùa Bút Tháp, nom giản dị, hiền lành, vẻ cam phận. 

Tượng chân dung Quận chúa Lê Thị Ngọc Duyên, trong khói hương mờ ảo, nom trẻ trung, hiền hậu, thoảng nét thơ ngây với chiếc mũ dường như quá rộng, đặt một cách hồn nhiên trên khuôn mặt đẹp, làm người ta dễ gần. 

Huyện Thuận Thành quê thi sĩ Hoàng Cầm quả là chốn trung tâm văn hóa lịch sử của Kinh Bắc, nơi còn di chỉ triều đại cổ nhất nước Việt - Thành Luy Lâu của Kinh Dương Vương, làng tranh cổ Đông Hồ, lại tọa 2 ngôi chùa cổ nổi tiếng, hàng di tích quốc gia.

Một buổi chiều mùa Đông, sương mù bao phủ cánh đồng, đi qua những thửa ruộng rau cải đang trổ hoa vàng, ghé vào làng Ninh Hương ở Hiệp Hòa (Bắc Giang), tôi giật mình trước tượng đá một người hầu gái, đôi bàn chân đất, ngập trong lá khô, ngỡ người này mình đã gặp ở đâu, trong cõi thật hay cõi ảo? 

Năm 1985, tôi làm phim Vũ nữ Trà Kiệu ở Mỹ Sơn (Quảng Nam), lại gặp một cảm giác như thế, trước những phù điêu tượng Apsara còn lại giữa thung lũng hoang tàn. Bộ phim này nằm trong chùm phim mà tôi nhận giải thưởng Nhà nước 2007. 

Nhà quay phim Đình Thành, người đã cùng tôi ngắm bầy thiếu nữ không tuổi giữa quần thể đền tháp của một vương triều bị diệt vong, theo cảm xúc lửa của tôi mà truyền những vẻ đẹp của những vũ nữ Chăm không - hóa - đá vào từng mét phim “Vẽ bằng ánh sáng” hơn 30 năm trước cũng đã về cõi khác mấy mùa rồi.

Hình như đã từng có một thế giới người đẹp thời xưa, đã trở về Trời. Hình như đã có một thời, người sống cùng với tượng, trong cõi nào không biết? Hình như...

Nếu không, sao đến giờ vẫn còn bâng khuâng nhớ những người đẹp trong tượng cổ?...

Đào Trọng Khánh
.
.