Nhớ một người thầy của tôi
Năm đó tôi rơi vào cảnh phiền não khi được “bầu” làm đội phó của một trong 4 đội với trọng trách là giữ một cái chổi quét phòng học, khi đến phiên trực thì mang chổi đến quét xong mang chổi về, nhưng đó cũng là năm gặp được ông thầy tôi thích học nhất. Thầy dạy cho những đứa trẻ chúng tôi qua những câu chuyện.
Tôi không thể nhớ tôi học được những gì vào năm lớp 4, tôi chỉ nhớ những câu chuyện của thầy Trần Hơn đã ảnh hưởng rất nhiều đến tính cách của tôi. Đó là những câu chuyện cổ tích, chuyện đường rừng, chuyện phiêu lưu, chuyện từ những cuốn sách mà thầy đọc, chuyện nào cũng hấp dẫn những đứa trẻ chúng tôi. Ngày nào thầy cũng dành thời gian cuối cùng của buổi học để kể một câu chuyện. Mãi đến sau này khi lớn lên tôi vẫn không hiểu thầy lấy đâu ra nhiều câu chuyện như vậy để kể mỗi ngày.
Mẹ tôi thỉnh thoảng cũng kể chuyện cổ tích cho tôi nghe, cả chuyện tiếu lâm nữa, đó là những câu chuyện lưu truyền trong dân gian, chứ mẹ tôi không biết chữ nên không đọc sách. Sau mỗi câu chuyện nghe được từ thầy, tôi về kể lại cho mẹ tôi nghe, chắc chỉ kể một cách lộp chộp đại khái nhưng mẹ tôi rất thích, nghe tôi kể nhiều khi mẹ tôi chảy nước mắt, không biết vì câu chuyện làm mẹ cảm động hay vì mẹ thương tôi mà khóc.
Sau năm học đó tôi không có dịp nào gặp lại thầy nữa, giờ vẫn không thể hình dung ra khuôn mặt của thầy. Thầy tôi chắc không có ý định dạy cho những đứa trẻ sau này trở thành ông nọ bà kia hay trở thành một nhà báo, thầy chỉ dạy cho chúng tôi biết sống cho ra con người, khi cần phiêu lưu thì phiêu lưu nhưng phải biết bảo trọng.
Tôi mấy chục năm nhiều phen phiêu lưu lên bờ xuống ruộng, khi cùng đường đi làm báo kiếm cơm, nói là kiếm cơm nhưng cũng phiêu lưu lên bờ xuống ruộng, vẫn không quên bóng dáng và những câu chuyện kể của thầy. Làm báo chẳng qua là thuật lại những câu chuyện, chính là tôi đã học từ thầy Trần Hơn.
Viết những dòng này tôi chỉ mong thầy được khỏe mạnh.